(92) Nhóm Cầu Nguyện Của Ivan Tại Mễ Du
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Một mô hình về nhóm cầu nguyện
(Bài phỏng vấn Cyrille Auboyneau thành viên của nhóm, do Francois-Xavier de Guibert thực hiện)
Fx.G.: Anh đã sớm tiếp xúc với nhóm cầu nguyện phải không?
C.A.: Cũng đơn giản thôi. Marija không muốn đi tới nhóm cầu nguyện một mình, vì buổi nhóm mãi tới 10g30 đêm mới bắt đầu. Chúng tôi thường nhóm họp hoặc trên đỉnh một ngọn đồi, hoặc sau quả đồi nhỏ, tại một nơi được giữ kín qua nhiều năm, bây giờ người ta gọi chỗ đó là “Thập giá xanh”. Mấy năm sau, các thị nhân đã chon một chỗ khác để khỏi bị các khách hành hương đến gây phiền nhiễu.
Fx.G.:Vậy là buổi tối còn có một lần hiện ra, riêng cho các thị nhân mà thôi?
C.A.: Đúng vậy, có một cuộc hiện ra lần thứ hai cứ một tuần ba lần. Về phần tôi, đây thật sự là nơi mà tôi được phát triển về đàng thiêng liêng. Buổi nhóm cầu nguyện về đêm mới thật sự là sự kiện Mễ Du, chính thức cho riêng tôi .
Fx.G.: Bởi vì bình thường người hành hương hoặc tất cả những ai biết đến Mễ Du vào thời điểm đó, đều chỉ chú ý đến buổi hiện ra lúc 5g40 chiều tại nhà thờ hay trong phòng áo, hoặc ở nhà nguyện bên cạnh. Sau đó thì có Thánh Lễ ; và rồi họ trở về nhà khoảng 7,8 giờ.
C.A.: Vâng, vào năm 84, thường thường 9 giờ đêm, sau khi chúc lành và cầu nguyện cho các người bệnh, các thị nhân trở về gia đình. Tôi ra về cùng với Marija, ăn tối qua loa ở nhà cô. Bởi vì vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu, Đức Mẹ còn hiện ra một lần thứ hai vào lúc 10g30 đêm, trên đỉnh đồi, hoặc trên đỉnh núi Krizevac, hoặc ở giữa thiên nhiên, một nơi bí mật nào đó.
Fx.G.: Hiện ra cho cả 6 thị nhân?
C.A.: Không, chỉ Marija, Ivan và Vicka, mấy người khác thì không.
Fx.G.: Tại sao vậy?
C.A.: Chúa thích vậy, tôi chẳng có ý kiến gì về vấn đề cả. Đức Mẹ mời các thị nhân trong nhóm cầu nguyện đến gặp Mẹ lần thứ hai. Mục đích các buổi hiện ra bổ túc này trong các ngày thứ ha, thứ tư, thứ sáu, đó là để Mẹ dạy dỗ nhóm cầu nguyện. Nhóm cầu nguyện này gồm 16 người quây quần quanh 3 thị nhân rất là khắng khít, họ gồm bạn bè thân cận hoặc anh em ruột thịt, bà con. Ivan là người dẫn dắt nhóm tại buổi họp, Marija sát cánh với anh, còn Vicka thì thỉnh thoảng mới đến. Đức mẹ đã nói trước với các thị nhân trong buổi hiện ra ở nhà thờ: “Tối nay sẽ có thêm một cuộc hiện ra nữa với các con trong buổi nhóm cầu nguyện.”
Cô Marija không muốn đi một mình tới đó ban đêm. Chính vì vậy mà tôi có cơ hội tháp tùng cô đến đó. Nhiều người hỏi tôi: sao mà Đức Mẹ lại dẫn anh gia nhập nhóm cầu nguyện thế? Đơn giản là để tháp tùng Marija ban đêm, như một “hiệp sĩ hộ tống”. Phải nói rằng có nhiều đám hành hương cách riêng người Italy, họ như thể “bám lấy cô”. Cô mà rơi vào tay họ, họ có thể xé áo cô ra cơ đấy. Một điều hết sức khó tưởng tượng phải không. Phải có một ai đó đi với cô, và cô xin tôi đi với cô. Và tất nhiên tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Sự thể đã kéo dài nhiều năm như vậy đó. Tôi dẫn cô tới nhóm cầu nguyện như một thứ vệ sĩ yếu xìu. Chúng tôi tìm cách trèo lên núi bằng một lối đi lổm chổm đá mà thường khách hành hương không hay sử dụng: hoặc đến điểm “Thập giá xanh”, hoặc lên núi Krizevac, mãi tít bờ kia, lối có đặt đàng Thánh giá và cây Thánh giá ở chóp đỉnh. Mọi sự diễn ra ban đêm, từ 10g30 hoặc 11g, mùa hè cũng như mùa đông. Có khi tuyết rơi, như tôi đã được chứng kiến chuyện đó vào những buổi hiện ra giữa trời mưa, giông bão nữa, sấm chớp đùng đùng. Chúng tôi có những lần ở suốt đêm cầu nguyện trên núi Krizevac hoặc ở đỉnh đồi hiện ra. Nghĩa là bất cứ thời tiết nào. Có lần quỳ ngay trên tuyết.
FX.G.: Thế các bạn định đoạt với nhau về địa điểm nhóm họp hay sao?
C.A.: Không, khi hiện ra tại nhà thờ, Đức mẹ đã dặn trước, Mẹ nói: Đêm nay Mẹ hẹn với các con lúc 10g30 hoặc 11g tại địa điểm vẫn quen hoặc tại núi Krizevac hoặc tại đồi Hiện ra v.v.. Có những lần cho tới phút cuối cùng người ta vẫn chưa biết phải lên núi hay ở ngay tại xóm Bijakovici, xóm ở của các thị nhân. Thế là trong nhiều năm ròng, cô Marija đã dẫn tôi đến với nhóm cầu nguyện, chính nơi đây tôi đã học hỏi được điều cốt lõi nhất của Mễ Du. Chính ở đây mà tôi được gặp gỡ Đức Kitô và Mẹ Ngài một cách hết sức đặc biệt có một không hai.
Fx.G.: Buổi trong nhóm cầu nguyện diễn ra như thế nào?
C.A.: Rất đơn sơ. Chúng tôi ngồi vòng tròn, ghế là những hòn đá, có khi tuyết phủ, khi thì nóng bỏng bởi vì mặt trời đã giải xuống đó 40 độ suốt cả một ngày trời. Thỉnh thoảng cũng có những đám đông, nhân một dịp nào đó, ví dụ ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra. Thường thường 16 người ngồi ở một góc nào đo, có các tảng đá chung quanh che kín, hoặc là có các bụi gai vây quanh. Và thế là buổi nhóm bắt đầu giữa các bạn bè. Đức Mẹ đã nhiều lần nói với Ivan: “ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG NHÓM CẦU NGUYỆN NÀY KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC CẦU NGUYỆN MÀ LÀ TÌNH BẰNG HỮU GIỮA CÁC CON, TỨC TÌNH YÊU, TÌNH HUYNH ĐỆ.” Họ bắt đầu kể lại sự việc trong ngày của mình, như hái thuốc lá, Marija đi Mostar mua một áo robe, chị của Vicka đang theo khóa huấn luyện y tá ở Mostar, cô ta đã hụt chuyến xe buýt ; sau đó nói chuyện phiếm về dân làng ... bắt đầu là như vậy. Một lát sau đó, họ nhìn sang Ivan, người chỉ đạo, đặt cho anh ta vài câu hỏi, đợi xem anh sẽ nói điều gì. Nói chung câu chuyện phiếm thường là của các cô, các người bà con ... và đến một lúc nào đó, bầu khí dịu hẳn, các câu chuyện chấm dứt, và rồi Ivan sẽ lên tiếng, chẳng hạn: “Hôm nay, khi Đức Mẹ hiện ra ở Nhà Thờ, Người có nói với tôi là chúng ta phải hết sức tỉnh táo trong cầu nguyện bởi vì hiện giáo xứ đang gặp những khó khăn lớn và Satan ra sức tấn công vào thời điểm này.
Khi chúng tôi sắp nguyện kinh Mân Côi, Đức Mẹ xin chúng tôi đặc biệt cầu nguyện theo ý chỉ của Mẹ: cầu cho họ đạo Mễ Du đang gặp khó khăn, cách riêng cầu cho các cha Phanxicô và cho Đức Giám Mục. Đó là một ví dụ thường hay xảy ra. Có những lần Ivan mô tả tỉ mỉ cho chúng tôi về Đức Mẹ: Mẹ có vẻ hớn hở, hay là buồn rầu, hay là tươi cười ra mặt, thế rồi anh ta nói lên những ý nghĩ thật thâm sâu. Đây mới lại là điều nghịch lý đến khó hiểu: đang chuyện thường nhật, thế rồi không kèn không trống, chúng tôi bỗng đụng tới cái nét “Tinh Túy” của buổi hiện ra, và Ivan đưa chúng tôi vào cái “Tinh Túy” đó. Và thế là anh thốt ra cho chúng tôi nghe những điều thật lạ lùng. Anh khởi sự đưa ra một giáo huấn chỉ trong mấy câu: “Cầu nguyện là ao ước Thiên Chúa”. Nếu các bạn không ao ứơc Thiên Chúa như các bạn ao ước được một điều gì cần thiết nhất ở trần gian, nếu các bạn không cảm thấy có nhu cầu, có lòng ao ước cũng mãnh liệt như vậy đối với Thiên Chúa, thì ...CẦU NGUYỆN SẼ LÀ VÔ ÍCH MÀ THÔI.”
Những điều mạnh mẽ như vậy hoặc những giáo huấn khác đưa chúng ta vào trường học dạy cầu nguyện. Người ta đã suy nghĩ và nói rất đúng: Mễ Du là trường học dạy cầu nguyện, vâng, đây là một thí dụ rất cụ thể về trường học này. Nhiều năm trời, Đức Mẹ đã nói chúng tôi: “Ca hát là điều rất quan trọng, cần phải ca lên hát lên, phải chúctụng Thiên Chúa bằng tiếng hát”. Buổi nhóm cầu nguyện chính thức khai mạc bằng âm nhạc. Trong các năm đầu tiên, tức các năm 81-83, hồi đó tôi chưa có mặt, Đức Mẹ đã dạy một bài hát cho các thị nhân. Mẹ bảo: “Cầu nguyện một giờ, và ca hát một giờ.” Đứng về mặt thưởng thức vẻ đẹp của bài hát, thì chẳng đạt “điều gì”, bởi vì các thị nhân và bạn hữu của họ đều hát không hay gì lắm, cũng không biết chơi đàn guitar, nhưng về mặt thiêng liêng thì những gì ta đưa vào các bài hát, tự nó đã là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Có một vẻ đẹp thiêng liêng tỏ hiện, mặc dầu kỹ thuật hát chưa đạt.
Sau bài hát thì đến việc cầu nguyện. Chúng tôi vẫn ngồi vòng tròn trên núi, bắt đầu bằng lời kinh Mẹ yêu cầu nhất hạng, kinh Mẹ mong nhiều nhất tại Mễ Du: đó là kinh Mân Côi. Chúng tôi đọc 5 mầu nhiệm sự vui hoặc mầu nhiệm sự thương, tức hai chuỗi 50, có đôi khi đến ba chuỗi, nếu là thời kỳ mùa chay. Thường thường là hai chuỗi, và cứ sau mỗi chục thì mọi người cùng nhau hát một bài. Ta mạnh mẽ cảm thấy mình đang thông hiệp vào tình yêu Thiên Chúa, ta như thể đang tay nắm tay các Thiên Thần. Điều được trông ngóng nhất trong ngày là giờ phút cầu nguyện này, một giờ phút hiệp thông. Tất nhiên Thánh Lễ vẫn là trung tâm, nhưng đọc kinh Mân Côi ở trên núi với các thị nhân, quả là một kinh nguyện của tình yêu và tình huynh đệ. Giờ này chiều ngang (hiệp thông huynh đệ) vượt trên chiều đứng (hiệp thông với Thiên Chúa); đã hẳn vẫn có chiều đứng chứ, nhưng mà ta thấy có một sự hiệp nhất với nhau, một tình yêu thật mãnh liệt, một tình yêu ở độ chín mùi khi đọc kinh Mân Côi. Cái niềm vui được cầu nguyện như thế, người thời đại này khó mà hiểu được ...
Fx.G.: Anh vừa nói là Đức Mẹ hiện ra trong buổi cầu nguyện của nhóm mà?
C.A.: Như vầy nhé: chương trình buổi nhóm gồm có kinh Chúa Thánh Thần. Đơn giản là kinh “Veni Creator Spiritus” dịch ra tiếng Croat (tức kinh “Xin Chúa Ngôi Ba” theo nhạc bình ca). Chúng tôi đọc kinh này thật sốt sắng bởi vì Đức Mẹ đã xin mọi người tại Mễ Du đọc kinh đó trước Thánh Lễ và trước buổi hiện ra. Vậy, ngay cận giờ hiện ra, chúng tôi đọc kinh trên với toàn tâm toàn lực, vì đã hiểu thật rõ từng chữ trong bản dịch tiếng Crôat. Các bản dịch kinh Kính Mừng, kinh Lạy Cha, từ tiếng La-Tinh, rất là sát nghĩa và sống động như trong nguyên bản. Bản dịch tiếng Pháp không được như vậy. Ví dụ, câu “xin tha nợ chúng con” là của chính nguyên bản Hy Lạp chứ không dịch như tiếng Pháp là “tha các sự xúc phạm của chúng con” (hay ở VN, có người đề nghị dịch: “xin tha tội chúng con”). Tóm lại mọi cái đều được chú ý tỉ mỉ. Ngôn ngữ Croaxia rất văn vẻ và có độ thánh thiêng cao, rất là gợi ý và tôi tin rằng sự chính xác trong bản dịch kinh Veni Creator, kinh Pater hoặc kinh Ave Maria, hay kinh “Gloria”, sự chính xác đó khiến cho lời cầu nguyện mặc thêm một mãnh lực đặc biệt, bởi vì đó là chính điều Thiên Chúa đã mặc khải trong Kinh Thánh và trong Thánh truyền, để rồi trao lại cho chúng ta một cách nguyên vẹn. Chúng ta phải dịch kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng một cách đúng đắn, chính xác. Tôi lấy làm tiếc, nhiều lần đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, cách riêng kinh Kính Mừng bằng tiếng Pháp, tôi thấy đó không phải là bản dịch chính xác, sát với chữ nghĩa những gì Thiên Chúa nói với ta trong phúc âm.
Sau lời nguyện Chúa Thánh Thần, ai nấy đều cùng quỳ trên các mỏm đá nhọn. Giờ phút trọng đại đã tới. Đức Mẹ sắp hiện ra. Các thị nhân quỳ sát bên nhau, nhóm cầu nguyện bao quanh họ, tất cả đều tĩnh lặng chú tâm cao độ.
Fx.G.: Trái với các lần Mẹ hiện ra ở nhà nguyện, ở đó các thị nhân đều đứng và chỉ sụp quỳ khi Đức Mẹ hiện ra...
C.A.: Ở đây thì chúng tôi đã quỳ sẵn, quỳ sát bên nhau, và các thị nhân quỳ hướng về Thánh Giá. Họ làm dấu Thánh giá, khởi sự đọc một kinh Lạy Cha. Đang khi đọc kinh Lạy Cha, họ xem thấy ba làn ánh sáng, và ngừng ngay kinh Lạy Cha đang đọc.
Theo ý tôi, có lẽ đây là một dấu chỉ dẫn: LỜI CẦU NGUYỆN BỊ NGƯNG LẠI BỞI ÁNH SÁNG CỦA THẦN KHÍ, ÁNH SÁNG XUYÊN SUỐT CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI. Ở đây xuất hiện một hiện tượng dễ hiểu: cầu nguyện không phải là điều quan trọng nhất ; điều quan trọng nhất là ánh sáng Thánh Thần! Ba làn sáng biểu trưng cho ánh sáng của Thiên Chúa. Ta thấy xuất hiện một thông điệp biểu trưng mà tôi luôn phân tích như sau: cầu nguyện không phải tự nó là mục đích: mục đích là tình yêu Thiên Chúa, là Thánh Thần. Đó mới là mục tiêu của đời sống Kitô giáo: lãnh nhận Chúa Thánh Thần! Vậy cầu nguyện chỉ có mặt để lôi kéo Thánh Thần. Một khi Thánh Thần ngự đến rồi, ta không cần cầu nguyện nữa.
Một nhà thần học nọ, ngày nào có nêu vấn đề ấy ra: “Làm sao mà Đức Mẹ ngưng Kinh Lạy Cha lại? Đức Mẹ vẫn có thể đợi đọc hết kinh Lạy Cha đã chứ! Thế mà Người ngưng lại. Điều này chỉ dẫn cho ta thấy có cái gì cao trọng hơn kinh Lạy Cha: đó là Chúa Thánh Thần. Và cùng với Chúa Thánh Thần, sự hiện diện của Đức Mẹ Chúa Trời.
Sau các làn ánh sáng thì Đức Mẹ xuất hiện và lên tiếng: “Ngợi khen Chúa Giêsu!” Chưa hề bao giờ có một cuộc hiện ra nào ở Mễ Du mà không bắt đầu bằng câu khai nào đó. Chính đây là sứ điệp đầu tiên của Đức Maria: Chúa Giêsu. Mẹ đến đưa chúng ta tới Chúa Giêsu và dạy dỗ ta về Tin Mừng Chúa Giêsu. Các thị nhân bèn đáp lại: “Giêsu và Maria luôn mãi!” Cần biết rằng tại nước Herzêgôvina có một truyền thống của người Crôaxia vẫn còn rất hiệu lực, theo đó người ta chào nhau bằng câu: “Ngợi khen Chúa Giêsu!”. Và câu đáp là: “Giêsu và Maria luôn mãi!” Đức Maria đã lấy lại truyền thống đó để chào, và đồng thời trao thông điệp đầu tiên của Mẹ: Giêsu. Mỗi lần Mẹ đến là Mẹ đặt Chúa Giêsu lên hàng đầu. Mẹ không đến cho riêng mình, Mẹ đến do Thiên Chúa sai đi, để dạy dỗ chúng ta Tin Mừng, để giới thiệu con Thánh Mẹ cho ta. Mẹ không đến để tự giới thiệu mình.
Như vậy, ở Mễ Du, mọi sự đều bắt đầu bằng “Ngợi khen Chúa Giêsu!” Tiếp đó, Đức Maria chuyện trò với các thị nhân. Nếu cuộc hiện ra xảy đến trong một đêm trăng tròn, chúng tôi có thể xem thấy các thị nhân. Họ ngay sát bên người chúng tôi, khít nhau. Cả châu thân họ vươn lên đến một độ khó tưởng. Họ như vươn lên trong nỗi hỷ hoan cực độ ngóng chờ Mẹ hiện đến, còn chính Mẹ hiện ra thì mắt chúng tôi hoàn toàn không thấy. Các thị nhân thốt ra câu gì đó và nghe trả lời. Mặc dù sự im lặng, người ta vẫn cảm nhận được rõ ràng cuộc đối thoại: họ nói rồi ngừng nói, họ gật đầu, nghểnh đầu, họ mỉm cười, thế rồi bỗng nhiên một người trong họ tỏ ra buồn buồn sau đó cả ba như thể nhảy lên vì quá vui. Mỗi người đều có phong cách riêng của mình: Marija thì êm thắm và tập trung ; Vicka vẫn luôn luôn cởi mở bồng bột ; còn Ivan dè dặt hơn. Ta cảm thấy có ai hiện diện. Mỗi người chúng tôi trong nhóm cầu nguyện như thể sống ngoài thời gian.
Tuy không bằng các thị nhân nhưng dẫu sao chúng tôi vẫn cảm thấy mình bị cúp khỏi dòng đời bên ngoài và hoàn toàn được tình yêu lan tỏa và nhuần thấm từ họ một sự thẩm thấu, lây nhiễm mà ngôn từ đành bất lực, không diễn tả nổi. Tuy nhiên, nếu cố gắng mô tả ra, ta sẽ nói rằng: con người giờ này đang tìm được môi trường sống của chính mình mà mình đã đánh mất: đúng là bây giờ ta mới trở về đúng bản chất tự nhiên của mình một cách đích thực và sâu thẳm. Một cuộc khám phá nội tâm vô cùng phong phú, khác nào hữu thể lấy được sự sung mãn của mình, nó bộc lộ ra cho mình thấy vì lý do nào mình đã được dựng nên. Sự vén màn đó xảy ra trong tâm linh, như thể chúng ta chung cuộc được ăn khớp toàn diện với cái mà ta phải đạt tới, theo như con người ta phải có trước con mắt Thượng Đế. Khác nào hữu thể đang nắm bắt được sự toàn thiện đặc thù mà mọi khi khác, nó vẫn còn là một mơ ước mà thôi. Đạt được trạng thái ấy là vì Thiên Chúa đã xuống giữa chúng tôi.
Không có vấn đề tự kỷ ám thị ở đây. Một ân huệ tinh ròng. Tiếp đó là sự đói khát được tìm lại trạng huống đặc huệ ấy, tức sự hiện diện của Ngài ở trong mình. Tôi không tìm ra được cách mô tả nào khác để tiếp cận niềm vui siêu nhiên ấy. Ánh sáng kia đến với chúng tôi từ Trời, đã đưa chúng tôi thông dự vào sự sống của Thiên Chúa qua một cuộc lột xác. Nhưng rồi, giây phút hiện ra chấm dứt thì mọi sự lại rơi xuống ; sự hiện diện vẫn còn đó như một hứa hẹn. Lúc ấy chúng tôi có cảm giác được nếm trước niềm vui thiên đàng. Nếm trước thể trạng thập toàn của thân xác phục sinh. Tôi được kinh nghiệm này qua các buổi Mẹ hiện ra trên núi. Cuộc trò chuyện của các thị nhân xảy ra thinh lặng, chỉ mắt chúng tôi xem thấy họ nói với Đức Mẹ.
Fx.G.: Thấy mà không nghe gì cả?
C.A.: Hoàn toàn không nghe họ nói, tiếng của họ đã biến mất. Các thị nhân quả quyết với chúng tôi là họ vẫn nói năng bình thường, nhưng chẳng ai nghe thấy gì, ngoại trừ những tiếng lâm râm ở cửa miệng ; chúng tôi nghe như những tiếng lẩm nhẩm, giọng nói của họng và trong cửa miệng. Thấy cái lưỡi đưa đi đưa lại, có động đậy, một cái gì rất thể lý. Nhưng khi họ cầu nguyện thì tiếng nói lại bình thường trở lại; giữa buổi hiển linh Đức Mẹ luôn luôn cầu nguyện với họ bằng kinh Lạy Cha và kinh Sáng Danh. Đức Maria không tự cầu nguyện với mình nên không có kinh Kính Mừng. Sau đó thì chúng tôi lại không nghe được gì nữa, mặc dù câu truyện đang tiếp nối.
FX.G.: Cũng như thường thấy trong các phim chụp lại các buổi hiện ra. nhưng chẳng ai nghe tiếng họ nói.
C.A.: Ngoài các khoảnh khắc cầu nguyện, ta không nghe được tiếng nói của thị nhân. Sau đó, chúng tôi thấy họ đột nhiên nhìn ngước lên cao cùng một lúc ; họ bảo rằng chính lúc đó Đức Mẹ biến đi về phía chân trời, biến lần lần. Và khi đó, tất cả họ cùng nói: “Mẹ đi rồi”. Vicka nói với giọng khá mạnh như thể qua một hơi thở.
Cuộc xuất thần chấm dứt và ta thấy các thị nhân lại rơi xuống đất trở lại để trở về với sự vật chung quanh. Qua một khoảng tích tắc như trên, sau đó, vẫn cứ quỳ gối, chúng tôi xướng kinh Magnificat bằng tiếng Croat, bản kinh riêng của Đức Nữ Trinh, để cảm tạ Thiên Chúa vì hết thảy các ân huệ Người ban cho chúng tôi. Các thị nhân đứng dậy. Ivan có đem theo một máy ghi âm nhỏ, và anh đã ghi lại bức thông điệp Đức Mẹ vừa ban. Anh tả lại cuộc hiển linh và nói: “Hôm nay Đức Thánh Nữ đến sung sướng hân hoan, Người đã chúc lành cho tất cả chúng ta. Người nói “ NGỢI KHEN CHÚA GIÊSU KITÔ”, Người ban thông điệp như sau ... Rồi Người đã để lại một dấu hiệu khi ra đi.
Sau khi Đức Trinh Nữ tiến về phía chân trời, thì một dấu hiệu xuất hiện, dấu ấy có khi là một trái tim, tức Trái Tim Chúa Giêsu, hoặc cây Thập Giá chói sáng, biểu tượng Đức Kitô tử nạn phục sinh, hoặc nữa một mặt trời mà theo tôi nghĩ, tượng trưng cho Chúa Giêsu là Mặt Trời công chính. Các dấu hiệu này kết thúc buổi hiển linh. Thường thì các thị nhân hay xem thấy cây Thập giá sáng láng. Có ít lần, một điều khá họa hiếm, họ xem thấy cả ba dấu biểu tượng cùng một lúc. Đây là dấu ấn đóng lên cuộc hiển linh. Một điểm khá quan trọng: Thiên Chúa mở màn phép lạ hiển linh bằng ba làn ánh sáng, biểu tượng của Chúa Ba Ngôi.Tiếp theo, Đức Mẹ hô danh Thánh Chúa Giêsu, cuối cuộc hiện ra bế mạc bằng thập giá, trái tim hay mặt trời, cũng vẫn là Chúa Giêsu! Mễ Du hoàn toàn tập trung vào việc loan báo Đức Giêsu Kitô. Đức Maria là sứ giả của Con Thánh Mẹ. Mẹ đến giảng dạy Tin Mừng. Mẹ có nói với Marija: “Tất cả các thông điệp Mẹ ban tại Mễ Du đều chứa đựng trong Kinh Thánh.” Toàn bộ Mễ Du nằm trong đó. Mẹ Maria giảng dạy Tin Mừng cho thế giới, Mẹ mở đầu bằng Đức Kitô và kết thúc bằng Đức Kitô.
***
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|