Phỏng Vấn Bà Maria Simma
§ Kim Hà
Chương 2: Phỏng Vấn Bà Maria Simma (của tác phẩm "Luyện Ngục Đầy Bí Ẩn")
I. Lần Đầu Tiên:
1. Hỏi: Chào bà Maria, xin bà kể cho chúng tôi về lần đầu tiên mà bà được một linh hồn ở luyện ngục về thăm bà?
Bà Simma: Vâng, đó là vào năm 1940, một đêm, vào khoảng 3:00 giờ hay 4:00 giờ sáng, tôi nghe có tiếng ai đó đi vào phòng ngủ của tôi. Tiếng động làm cho tôi thức giấc. Tôi cố nhìn xem ai mà dám bước vào phòng ngủ của tôi.
2. Hỏi: Bà có sợ hãi không?
-Dạ không, tôi không sợ. Ngay khi tôi còn bé, mẹ tôi bảo tôi là một đứa trẻ đặc biệt vì tôi không bao giờ biết sợ gì cả.
3. Hỏi: Xin bà kể cho chúng tôi nghe về đêm hôm ấy!
-Vâng, tôi thấy một người hoàn toàn lạ mặt. Ông ta đi tới, đi lui một cách chậm chạp. Tôi nghiêm giọng bảo ông:
“Làm cách nào mà ông vào đây được? Ông hãy đi ra ngay!”
Nhưng ông ta tiếp tục đi chung quanh phòng tôi một cách thiếu kiên nhẫn, làm như ông ta không nghe tôi nói gì cả. Vì thế tôi hỏi ông ta lần nữa:
“Ông làm gì vậy?”
Nhưng ông ta không trả lời. Tôi vội nhảy ra khỏi giường và cố gắng nắm lấy tay ông, nhưng tôi chỉ nắm được không khí, chứ không có gì cả. Và tôi đi vào giường, nhưng rồi tôi lại nghe tiếng chân ông ta đi tới đi lui.
Tôi lấy làm ngạc nhiên vì bằng cách nào mà tôi có thể nhìn thấy người đàn ông này nhưng lại không thế nắm lấy ông ấy được? Tôi đứng lên lần nữa để túm lấy ông ta và bắt ông ngừng lại, không được đi qua, đi lại nữa. Nhưng vô ích, tôi chỉ nắm lấy không khí mà thôi.
Bối rối quá nên tôi lại ngủ tiếp. Ông ta không trở lại nữa, những tôi không thể ngủ tiếp được. Ngày hôm sau, xong Thánh lễ, tôi đến gặp vị linh mục linh hướng của tôi và kể cho ngài nghe mọi sự. Ngài nói với tôi rằng:
“Nếu điều này còn xẩy ra nữa thì chị không nên hỏi:
“Ông là ai?”
Mà phải hỏi rằng:
“Ông muốn tôi làm gì cho ông?”
Đêm hôm ấy, người đàn ông ấy trở lại lần nữa. Tôi bèn hỏi ông ta:
“Ông muốn tôi làm gì cho ông?”
Ông ta đáp:
“Làm ơn xin cho tôi 3 Thánh lễ và tôi sẽ được giải thoát.”
Thế là tôi biết ngay ông ta là một linh hồn ở luyện ngục. Cha linh hướng tôi đã xác nhận như thế. Ngài khuyên tôi đừng bao giờ bỏ rơi các linh hồn, nhưng hãy quảng đại làm những gì mà họ xin chúng ta giúp.
4. Hỏi: Sau đó, các cuộc thăm viếng có tiếp tục không?
-Dạ có, trong nhiều năm, có khi chỉ có ba hay bốn linh hồn đến tìm tôi, nhiều nhất là vào tháng 11 hàng năm. Sau đó, có nhiều linh hồn đến hơn.
II. Một Vết Thương Tình Yêu:
5. Hỏi: Các linh hồn ấy xin bà làm gì?
Bà Simma: Trong nhiều trường hợp, họ xin chúng tôi xin các Thánh lễ cử hành cho họ và họ xin tôi hiện diện trong các Thánh lễ ấy để cầu nguyện cho họ. Họ xin tôi đọc kinh Mân Côi cho họ. Có linh hồn khác thì xin tôi đi đàng thánh giá để cầu nguyện cho họ:
Lời bàn của Sơ Emmanuel:
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Luyện ngục thật sự là gì? Tôi có thể nói rằng luyện ngục là một sự can thiệp tuyệt vời của Thiên Chúa. Để tôi đưa ra một hình ảnh: Chẳng hạn như một ngày nào đó khi cánh cửa mở ra, và một Đấng tuyệt đẹp xuất hiện. Ngài đẹp như chưa có ai đẹp như thế trên trái đất này. Bạn cảm thấy vui thích, choáng ngợp bởi ánh sáng và vẻ đẹp, và Đấng ấy tỏ ra yêu thương bạn một cách mãnh liệt như chưa bao giờ bạn được ai yêu nhiều như thế. Bạn cảm thấy Đấng ấy có một niềm ao ước muốn kéo bạn đến gần Ngài. Rồi lửa tình yêu cháy trong tim bạn và làm cho bạn muốn chạy đến ngã trong tay của Ngài.
Nhưng chờ xem, bạn ý thức được rằng trong giây phút ấy, con người bạn chưa được tắm gội trong bao nhiêu năm tháng, và bạn cảm thấy mình hôi thối. Nước mũi của bạn chảy ròng ròng, tóc bạn dơ bẩn và bù xù, quần áo bạn dơ dáy, đầy là vết ô uế. Rồi bạn tự nhủ:
“Không, ta không được trình diện trong tình trạng dơ bẩn này. Trước tiên, ta phải đi tắm gội, và ta có thể trở lại sau.”
Nhưng tình yêu tràn trề trong trái tim bạn, cháy bừng và mạnh mẽ, và sự chậm trễ trong lúc tắm rửa làm bạn không thể chịu đựng nổi. Rồi bạn đau đớn vì không được gặp gỡ, ngay cả khi giây phút ấy chỉ kéo dài có vài phút thôi, cũng đủ trở nên một vết thương trong trái tim bạn, làm cho tình yêu càng mãnh liệt hơn, vì đó là:“Vết thương tình yêu.”
Luyện ngục là như thế đó. Đó là sự trì hoãn vì ta không trong sạch, một sự trì hoãn vì không ở trong vòng tay của Thiên Chúa, một vết thương tình yêu làm cho ta cảm thấy đau khổ nhiều hơn, một sự chờ đợi, một nỗi nhớ thương da diết vì tình yêu. Thực sự đó là sự cháy bỏng, điều mong ước này sẽ thanh tẩy chúng ta khỏi những gì còn làm cho chúng ta không trong sạch. Luyện ngục là một nơi mong ước, khát khao được thấy Thiên Chúa. Niềm mong ước Thiên Chúa mà chúng ta biết, vì chúng ta đã thấy Ngài nhưng chưa được kết hợp với Ngài.
Giờ đây, tôi xin bà Maria giải thích một điểm chính:
6. Hỏi: Thưa bà Maria, các linh hồn ở luyện ngục có vui mừng và hy vọng trong lúc họ đau khổ không?
Bà Simma: Dạ có, không một linh hồn nào từ luyện ngục mà muốn trở lại trái đất. Họ hiểu được nhiều điều về thế giới vĩnh cửu hơn chúng ta. Họ quyết định không trở lại bóng tối của trái đất nữa.
Ở đây, chúng ta nhìn thấy sự khác biệt đối với những sự đau khổ mà chúng ta biết trên trái đất. Ở luyện ngục, ngay cả khi một linh hồn chịu đau khổ nhưng họ hiểu rõ rằng sẽ có ngày họ được sống mãi mãi với Thiên Chúa. Đó là đức tin không lay chuyển. Niềm vui lớn lao hơn nỗi đau khổ. Không có gì trên trái đất có thể làm cho họ muốn sống lại trên trái đất lần nữa, nơi mà con người không biết rõ về điều gì.
7. Hỏi: Thưa bà Maria, xin bà kể cho chúng tôi nghe: liệu Chúa gửi một linh hồn xuống luyện ngục hay chính linh hồn ấy quyết định xuống luyện ngục?
Bà Simma: Chính linh hồn ấy muốn xuống luyện ngục để được thanh tẩy trước khi lên Thiên Đàng. Các linh hồn ở luyện ngục hiểu trọn vẹn thánh ý của Chúa. Họ vui mừng trong sự thiện hảo. Họ muốn trở nên tốt và họ yêu mến nhiều. Họ yêu mến Chúa và yêu mến chúng ta. Họ hoàn toàn hiệp thông với Thần Khí Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa.
8. Hỏi: Thưa bà Maria, trong giờ chết, liệu người ta có thấy Thiên Chúa trong ánh sáng toàn vẹn hay trong bóng mờ?
Bà Simma: Họ thấy Chúa trong bóng mờ ảo, nhưng đồng thời có ánh sáng đủ để làm cho họ mong ước Chúa.
Thật sự, đó là luồng ánh sáng huy hoàng, sáng láng nếu so sánh với bóng tối của trái đất! và không có gì có thể so sánh với ánh sáng của một linh hồn biết rằng họ đến Thiên Đàng. Ở đây, chúng ta có thể nói đến “cảm nghiệm gần chết”. Linh hồn này được lôi kéo bởi luồng ánh sáng và thật là đau đớn cho linh hồn ấy khi nó phải trở lại trái đất và trở lại thân xác của mình, sau cảm nghiệm đẹp đẽ đó.
III. Việc Bác Ái Đền Bù Vô Số Tội Lỗi.
9. Hỏi: Thưa bà Maria, xin bà vui lòng kể cho chúng tôi nghe vai trò của Đức Mẹ Maria đối với các linh hồn ở luyện ngục?
Bà Simma: Đức Mẹ Maria thường đến luyện ngục để an ủi các linh hồn và bảo họ rằng họ đã làm được nhiều việc tốt lành. Mẹ khuyến khích họ.
10. Hỏi: Có những ngày đặc biệt nào mà Mẹ cứu họ khỏi luyện ngục không?
Bà Simma: Trên hết mọi ngày là dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Đức Mẹ Lên Trời, và ngày Lễ Chúa Thăng Thiên.
11. Hỏi: Thưa bà Maria, tại sao người ta vào luyện ngục? Những tội nào thường làm cho người ta vào luyện ngục nhất?
Bà Simma: Các tội phạm đến đức bác ái, không có tình yêu dành cho tha nhân, trái tim khô cằn, hận thù, nói hành, nói xấu, phỉ báng, vu cáo…
12. Hỏi: Nói những điều độc ác và vu cáo cho người khác là những tội nặng nề nhất, cần phải được thanh tẩy lâu dài, phải không ạ?
Bà Simma: Vâng,
Ở đây, bà Maria kể cho chúng ta một câu chuyện đã làm cho chính bà kinh ngạc, và tôi muốn chia sẻ với các bạn. Bà được hỏi về số phận của một phụ nữ và một người đàn ông xem họ có ở luyện ngục không.
Trong sự ngạc nhiên của những người đặt câu hỏi ấy, thì người phụ nữ đang ở trên Thiên Đàng, còn người đàn ông thì ở luyện ngục. Thực sự người phụ nữ chết vì đang phá thai, còn người đàn ông thì thường đi dự thánh lễ và sống một cuộc sống gương mẫu và ngoan đạo.
Vì thế bà Maria tìm hiểu thêm tin tức, vì bà nghĩ rằng mình lầm lẫn, nhưng không. Đó là sự thật. Cả hai chết cùng một thời gian, nhưng người phụ nữ tỏ ra hối lỗi và khiêm nhường; còn người đàn ông thì chỉ trich tất cả mọi người. Ông ta luôn phàn nàn và nói xấu về những người khác. Đó là lý do mà ông ở luyện ngục lâu dài. Bà Maria kết luận:
“Chúng ta không được phán đoán qua bề ngoài.”
Một tội đi ngược lại đức ái là sự chê trách những người mà ta không thích, hoặc ta không chịu làm hòa, không tha thứ, và ta chất chứa trong lòng nhiều nỗi cay đắng.
Bà Maria cũng đưa ra một điểm qua các ví dụ khác để chúng ta suy nghĩ. Đó là câu chuyện một phụ nữ mà bà Maria biết rất rõ. Bà kia chết và xuống luyện ngục, ở tầng sâu nhất và chịu mọi sự đau khổ nhất. Khi đến với bà Maria thì người phụ nữ này giải thích lý do tại sao: Bà vốn có một người bạn gái, họ hận thù nhau. Bà giữ mối thù hận ấy trong nhiều năm, cho dù người bạn ấy đã đến xin lỗi và làm hòa với bà ta, nhưng lần nào bà ta cũng từ chối. Khi bà ta ốm nặng, bà vẫn đóng cửa tâm hồn, không chịu làm hòa với bạn.
Tôi tin rằng chúng ta cần biết câu chuyện này. Lời nói của chúng ta củng có thể gây tai hại cho mình và người khác. Chúng ta không thể nhận biết đủ về hậu quả không lường được của những lời nói ác độc, vì có thể giết chết người khác. Ngược lại, kết quả của những lời nói tốt lành đem lại sự chữa lành.
13. Hỏi: Thưa bà Maria, xin bà vui lòng cho chúng tôi biết những ai có cơ hội đi thẳng lên Thiên Đàng?
Bà Simma: Đó là những người có trái tim tốt với tất cả mọi người. Tình yêu bao phủ mọi tội lỗi.
Vâng, Thánh Phaolô đã nói như thế!
14. Hỏi: Có những phương cách nào mà chúng ta có thể làm ở trần gian này mà tránh luyện ngục để lên thẳng Thiên Đàng không?
Bà Simma: Chúng ta cần làm nhiều điều cho các linh hồn ở luyện ngục vì các ngài sẽ giúp lại cho chúng ta. Chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Đây là một vũ khí lớn lao nhất chống lại kẻ dữ và ma quỷ. Lòng khiêm nhường đuổi ma quỷ đi xa.
Tôi xin kể cho các bạn nghe một cảm nghiệm dễ thương của linh mục Berlioux. Ngài đã viết một cuốn sách về các linh hồn ở luyện ngục, về sự giúp đỡ của các linh hồn ấy khi có người giúp họ bằng lời cầu nguyện và sự đau khổ.
Cha kể câu chuyện về một người phụ nữ luôn cầu nguyện cho các linh hồn. Bà ta đã thánh hiến bản thân mình để xin cho các linh hồn được giải thoát.
“Trong giờ chết, bà bị ma quỷ tấn công dữ dội.Hình như toàn bộ ma quỷ hợp nhau chống lại bà. Có những đoàn quân ma quỷ bao vây chung quanh bà.
Người phụ nữ hấp hối ấy quyết chiến đấu trong một hồi lâu thì bỗng nhiên, bà nhìn thấy một đám đông những người đẹp đẽ và sáng láng bước vào phòng của bà. Họ đánh đuổi bọn ma quỷ và tiến gần bà, nói chuyện với bà với sự nâng đỡ và an ủi. Trong giờ cuối, với niềm vui, bà ta khóc và hỏi:
“Các ngài là ai? Các ngài là ai, tại sao các ngài lại giúp đỡ tôi nhiều như vậy?”
Những người khách lạ trả lời:
“Chúng tôi là những cư dân của Thiên Đàng mà bà đã giúp đỡ chúng tôi đến được Thiên Đàng. Chúng tôi rất cám ơn bà đã giúp chúng tôi bước qua ngưỡng cửa của vĩnh cửu. Vì thế chúng tôi đến cứu bà khỏi nơi thống khổ này để đưa bà đến niềm vui của Thành Thánh.”
Nghe những lời nói ấy, người hấp hối nở một nụ cười tươi, nhắm mắt lại và ngủ một giấc trong bình an của Thiên Chúa .Linh hồn bà tinh tuyền như chim bồ câu, được trình diện trước Nhan Thánh Chúa. Bà đã tìm được nhiều người bảo vệ và làm trạng sư cho bà. Họ chính là những linh hồn mà bà đã giải cứu để đến với vinh quang Chúa. Bà được vào nơi chốn huy hoàng, giữa tiếng vỗ tay của những ai mà bà đã từng cứu ra từ luyện ngục. Mong rằng ngày chết, chúng ta cũng được hạnh phúc như thế.”
Các linh hồn được giải thoát do lời cầu nguyện của chúng ta thì họ rất mang ơn ta. Họ giúp ta trong khi ta còn sống. Tôi đề nghị các bạn hãy cảm nghiệm điều này! Các linh hồn giúp đỡ chúng ta. Họ biết nhu cầu của ta và cầu xin nhiều ơn lành cho chúng ta.
15. Hỏi: Thưa bà Maria, tôi đang nghĩ đến người trộm lành ở gần Chúa Giêsu trên thập giá. Tôi muốn biết người này đã làm gì để Chúa Giêsu hứa cho ông ta lên Thiên Đàng cùng với Ngài?
Bà Simma: “Ông ấy khiêm nhường chấp nhận sự đau khổ của mình, và nói rằng đó là công lý. Và ông ta đã khuyến khích kẻ trộm kia hãy chấp nhận sự đau khổ của hắn. Ông ta biết kính sợ Thiên Chúa, đó là sự khiêm nhường.”
Một điều đẹp đẽ khác liên quan đến bà Maria Simma để chứng minh rằng một hành động tốt có thể đền tội cho một đời sống tội lỗi. Xin hãy nghe bà Maria kể chuyện:
“Tôi biết một người thanh niên chừng 20 tuổi, anh ta ở một ngôi làng gần đây. Người thanh niên này bị chết vì những tảng băng đá trượt xuống và đè anh ta.
“Một đêm kia, người thanh niên ở trong nhà của cha mẹ khi anh nghe nói có tảng băng đá trượt xuống gần nhà của anh. Anh nghe tiếng la hét và tiếng kêu cứu:
“Hãy cứu chúng tôi, xin cứu chúng tôi! Chúng tôi đang bị chôn dưới băng đá!”
Nghe tiếng kêu cứu, anh ta vội chạy ra khỏi giường để đi cứu các nạn nhân. Mẹ của anh nghe tiếng la hét nên bà ngăn cản con trai đừng đi ra ngoài vì nguy hiểm lắm. Bà đứng chận ngang cửa và bảo con:
“Con ơi, thôi để cho những người khác cứu họ đi. Con đừng ra ngoài, nguy hiểm lắm. Mẹ không muốn con chết!”
Nhưng anh ấy xúc động trước những tiếng kêu cứu, anh muốn giải cứu những người hàng xóm, nên anh đẩy mẹ của anh ra và nói:
“Con phải cứu họ, con không thể để cho họ chết như thế!”
Thế rồi anh ta lao ra ngoài, trên đường đi, anh bị tảng băng đá đè chết.
Ba ngày sau khi chết, anh ta hiện về với tôi vào buổi tối và nói với tôi rằng:
“Xin bà vui lòng xin 3 Thánh lễ cho tôi; nếu có 3 Thánh lễ thì tôi sẽ được giải thoát khỏi lửa luyện ngục.”
Tôi thông báo cho gia đình và các bạn của anh ấy. Họ rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ với 3 Thánh lễ mà anh ta sẽ được giải thoát khỏi lửa luyện ngục. Bạn của anh nói với tôi rằng:
“Ồ, tôi không dám hành động như anh ấy để tìm cái chết, vì khi sống, anh ấy đã làm nhiều điều xấu xa!”
Nhưng linh hồn người thanh niên này nói rằng:
“Bà biết không? Tôi hành động vì lòng yêu mến tinh tuyền. Tôi liều mạng sống mình để cứu những người khác. Vì thế mà Chúa đón tôi vào Thiên Đàng một cách mau lẹ. Vâng, lòng bác ái có thể giảm thiểu khỏi tội lỗi…”
Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng một hành động bác ái được trao ban một cách tự nguyện sẽ đủ để thanh tẩy người thanh niên này khỏi đời sống tội lỗi; Thiên Chúa đền bù cho anh vì anh có lòng yêu mến. Bà Maria nói thêm rằng người thanh niên ấy có thể không có cơ hội để dâng hiến bản thân vì một hành vi yêu mến, và có thể trở nên xấu xa. Tuy nhiên, qua Lòng Thương Xót, Thiên Chúa đưa anh ta về trong lúc anh ta chứng tỏ mình thanh sạch vì hành vi đầy tình yêu.
Điều quan trọng là trong giờ chết, hãy từ bỏ mình mà theo thánh ý của Thiên Chúa. Bà Maria kể cho tôi nghe về trường hợp một bà mẹ có 4 người con và bà đang hấp hối. Thay vì lo lắng và phản kháng cái chết, bà thưa với Chúa:
“Con chấp nhận cái chết, nếu đó là thánh ý của Chúa, và con đặt đời sống con trong tay Chúa. Con phó thác các con trai của con cho Chúa và con biết Chúa sẽ chăm sóc cho các con của con.”
Bà Maria nói rằng:
“Bởi vì bà ấy tín thác vào Chúa nên bà ta đi thẳng lên Thiên Đàng mà không phải đi vào luyện ngục.”
Do đó, chúng ta có thể nói rằng: tình yêu, khiêm nhường và từ bỏ chính mình cho Chúa là 3 chìa khóa để đi thẳng lên Thiên Đàng.
(chương 2 còn tiếp 3 bài nữa)
|