Thông Điệp Ngày 25/5/1992
§ Kim Hà
“Các con thân mến, Hôm nay Mẹ mời gọi các con hãy cầu nguyện, để rồi qua việc cầu nguyện, các con sẽ đến gần Chúa hơn. Mẹ ở với các con và Mẹ quyết định dẫn đắt các con vào con đường cứu thế mà Chúa Giêsu đã ban cho các con. Từ ngày này qua ngày khác, Mẹ đến gần các con hơn, mặc dầu các con không biết điều này và các con không muốn xác nhận rằng các con mới chỉ liên kết với Mẹ có một chút qua những lời cầu nguyện ít ỏi của các con.
Khi có sự đau khổ và nguy hiểm đến, các con nói: “ Lạy Chúa, Lạy Mẹ, Chúa và Mẹ ở đâu?“ Còn Mẹ, Mẹ chỉ cần đợi các con xin vâng là Mẹ dâng các con cho Chúa Giêsu để Ngài ban cho các con đầy ơn phước của Ngài.
Do đó, một lần nữa, xin các con hãy chấp nhận lời kêu gọi của Mẹ và bắt đầu đổi mới cách cầu nguyện, cho đến khi việc cầu nguyện trở thành niềm vui của con. Từ đó, các con sẽ khám phá rằng Chúa có đầy quyền năng trong đời sống hàng ngày của các con. Mẹ ở với các con và Mẹ đang đợi các con. Cám ơn các con đã đáp lời kêu gọi của Mẹ.”
CÂU CHUYỆN THỨ 29: NIỀM TIN KÍNH CỦA ĐỨC MẸ MARIA.
Khi tôi sống ở Gierusalem, tôi có hai người bạn thân tên là Ruben và Benjamin. Cả hai đều là người Do Thái ngoan đạo. Họ xuất thân từ những gia đình truyền thống Do Thái. Họ đã từ bỏ tôn giáo khi còn trẻ và sống cuộc đời của kẻ không đạo trong nhiều năm, cho đến khi Chúa Giêsu tỏ lộ chính Ngài cho họ biết rằng Ngài là Đấng Thiên Sai.
Cả hai người này không ưa gì giáo hội, vì có những luật lệ cũ từ quá khứ, và họ cho rằng người Công giáo là những người không tin nơi Thiên chúa. Họ không nghĩ rằng họ là những tín hữu, có Chúa Giêsu và làm mọi sự cho Ngài, như những người được nói đến trong sách Công vụ Tông đồ. Cả hai rất trực tính, đúng là người dân Do thái thật sự. Vì thế họ quyết định làm hòa với kẻ thù họ ghét nhất là người Công giáo. Họ còn cầu nguyện với Chúa Giêsu để xin cho họ biết thêm về Thiên Chúa giáo.
Một buổi sáng sau đó, họ gặp chúng tôi. Tôi bèn mời họ đến nhà chúng tôi vào chúa nhật tuần tới. Tôi sẽ luôn nhớ mãi ngọn lửa đã đến với chúng tôi trong buổi chiều hôm ấy. Giống như những khách hành hương ở Emmau, chúng tôi lắng nghe các bậc kỳ lão trong đức tin khi họ giải thích cho chúng tôi cách đến xem Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai trong Thánh Kinh. Trái tim của chúng tôi rực lửa.
Màn đêm xuống, rồi trước khi họ ra đi, chúng tôi cầu nguyện một lần cuối. Một tràng tiếng ca ngợi bật ra từ cửa miệng chúng tôi. Trong những tiếng bi bô như tiếng trẻ thơ, tôi vẫn còn nghe tiếng của Benjamin nói, khi ông ta diễn tả niềm vui của mình: “ Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con có dịp gặp gỡ những người anh em Thiên Chúa giáo của con nơi đây, và về tình yêu Chúa đã ban cho chúng con. Lạy Cha, con ca ngợi Cha vì Cha đã chỉ dẫn cho con rằng Cha đổ tràn đầy ơn Chúa Thánh Linh trên tất cả mọi tạo vật, ngay cả trên những người tín hữu Thiên Chúa Giáo.” Thật là một điều tự hào!
Một vài năm sau, tôi quá đỗi mừng khi nhìn thấy niềm tin sắt đá nơi Đức Mẹ Maria được thể hiện ở Medjugorje. Đức Mẹ Maria yêu kính đức tin và Mẹ rất thích lời cầu nguyện kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ. Đã có nhiều người giáo dân thay thế kinh Tin Kính bằng những bài hát không xác nhận lòng tin kính gì cả. Bây giờ, một lần nữa, Mẹ Thiên Chúa đã đến với các con để chữa lành những vết thương cho chúng ta. Mẹ là một người Do Thái tốt lành và ngoan đạo. Mẹ tuyên bố: “ Một điều quan trọng nhất là tin tưởng tuyệt đối,” và: “Các linh mục nên củng cố niềm tin của mọi người!”
Thật là một điều vui mừng khi nghe các linh mục dòng Phan Sinh ở Medjugorje bắt đầu bài giảng bằng những lời như sau: “ Thưa các anh chị em, thưa các tín hữu !” Trong một nước mà lúc trước là chế độ Cộng sản, những câu này đáng giá ngàn vàng.
Còn ở các nước chúng tôi, cách nói: “ Tôi tin rằng...” thực sự có nghĩa là: “ Tôi nghĩ, nhưng tôi có thể sai.” Khi chúng ta nói: “ Tôi nghĩ là khí hậu sẽ tốt,” chúng ta để một khoảng dự trù những sai sót. Trong lãnh vực tâm linh, nhiều người nói: “ Tôi tin nơi Thiên Chúa,” có nghĩa là: ” Tôi biết rằng Thiên Chúa hiện hữu, nhưng tôi không đi nhà thờ, bởi vì ý tưởng Thiên Chúa hiện hữu, không làm cho tôi thấy gì đặc biệt trong đời sống của tôi. Tôi cũng tin tưởng rằng có nhiều chùm sao trên bầu trời, vậy thì đã sao nào? Chả có gì thay đổi tôi cả, phải không?” Với một thái độ hài hước, Cha Slavko so sánh thái độ ấy với lời: “ Tôi là người hút thuốc lá, nhưng tôi không bao giờ hút thuốc lá”.
Để có thể hiểu được Đức Mẹ Maria có lòng tin tưởng mãnh liệt và ý muốn của Mẹ là biến đổi chúng ta trở thành những tín hữu, chúng ta nên chia sẻ với Đức Mẹ ý nghĩa sâu xa, thật sự thánh thiện trong từ ngữ : ” Tôi tin.”
Trong Thánh Kinh, những từ ngữ tâm linh thánh thiện nhất phát xuất từ những thực tế sáng tạo bất biến, để cho tôn giáo chúng ta có ý nghĩa phục sinh. Từ ngữ “ Tôi tin,” không có nghĩa là: “ Tôi biết điều này hiện hữu.” Nhưng có nghĩa là: “ Tôi dính chặt vào.” Ý nghĩa cụ thể của nó là một hành động rõ ràng. Tôi “dính vào” điều đó. Tôi tạo thành một thực thể với điều ấy, như một băng giấy dán dính trên cửa sổ của xe tôi. (Nếu tôi dán một băng giấy “ Tôi yêu Medjugorje” trên xe tôi, thì miếng băng giấy ấy sẽ theo tôi mọi nơi. Không ai mà không nhìn thấy miếng băng giấy trên xe tôi.)
Nếu tôi nói rằng: “Tôi tin vào Chúa Giêsu”, có nghĩa là con người tôi gắn bó với Chúa, với thực thể của Ngài. Tôi kết hợp thành một với Ngài. Tôi ở nơi nào mà Chúa ở, tôi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài đi. Nếu ai ném đá vào Ngài, thì tôi bị đá bắn làm tôi bị đau. Khi ai ôm hôn Ngài thì coi như họ ôm tôi hôn. Trong một câu, chúng tôi là một. Nếu tôi tin tưởng Chúa một cách tuyệt đối (nếu keo dán dính) thì không gì có thể làm tôi xa được Ngài. Nếu tôi chỉ tin hời hợt (vì keo dán không tốt), tôi sẽ rơi rớt ra, một mình chơi vơi.
Chúng ta đang ở rất xa từ ngữ “Niềm tin, Đức tin,” tư tưởng cho rằng Chúa hiện hữu. Văn hóa Hy lạp và La tinh thường nói quá xa khỏi từ ngữ này. Chúng ta phải trở lại ý nguyên thuỷ của đức tin ở trong Thánh Kinh và sự màu nhiệm của Phục Sinh. Satan cũng biết rằng Chúa hiện hữu. Hắn còn biết nhiều về Thiên Chúa hơn chúng ta nữa. Hắn không có sự nghi ngờ về Chúa. Tuy nhiên, Satan không tin tưởng nơi Thiên Chúa. Hắn không phải là người tín hữu. Trái lại, hắn là kiểu mẫu của những người không tin. Một người không có lòng tin thì không gắn bó, vì thế Satan không bao giờ gần Chúa. (Người Thiên Chúa giáo không nên nói: “ Tôi tin vào Satan,” nhưng mà là: “ Tôi biết Satan hiện hữu.” Bởi vì gắn bó, dính chặt vào Satan là chuyện không nên làm.)
Dĩ nhiên, với chuyện dài dòng về từ ngữ “gắn bó, dính chặt,” thì keo dán là hồng ân. Chỉ có một cách để gắn bó với Chúa là cầu nguyện. Đức Mẹ phán: “ Hãy cầu nguyện để có đức tin vững chắc!”
Nhưng trong Kinh Tin Kính, chúng ta không những nói “ Tôi tin kính Chúa” mà còn tin kính các màu nhiệm khác nhau của đời sống Chúa Giêsu, của nhiệm vụ Đức Chúa Thánh Thần, ở sự sống lại của kẻ chết..... Khi tín hữu đọc Kinh Tin Kính, Đức Mẹ rất thích chiêm niệm quyền năng ban sự sống, biến đổi và sáng tạo của Đức Tin. Bây giờ, chúng ta nên đi tìm về lúc Đức Mẹ còn là một trẻ thơ ngồi trên đầu gối của Thánh Joankim và Thánh Anna. Cha mẹ của Đức Mẹ dạy Mẹ rằng khi một tín hữu tuyên xưng Đức Tin với môi miệng thì Đức tin sẽ lớn mạnh và trở thành một phần của đời sống người ấy. Rồi thì Đức tin sẽ trở thành sự thật.
Vì thế mỗi lần chúng ta tuyên xưng với tất cả trái tim rằng: “Chúng ta tin ở sự sống lại”. Thực thể ấy sẽ sống trong trái tim của chúng ta, và chúng ta trở nên sống lại trong Chúa Kitô. Bây giờ chúng ta đang học lại các bài học lịch sử xưa cũ. Chúng ta đang sống trong việc phục sinh. Khi chúng ta nói rằng: “Chúng con tin nơi Chúa Thánh Thần, ” chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy ơn đặc sủng của Ngài trong chúng ta.
Một ngày, tôi hỏi Vicka rằng: “ Theo ý em, tại sao Đức Mẹ lại yêu thích Kinh Tin Kính nhiều như vậy?” Vicka hít thở một hơi thật sâu rồi cô diễn tả. Tôi biết cô ấy muốn chia sẻ một kho tàng vô giá với tôi nhưng không thể tìm được đủ những ngôn từ đẹp đẽ đủ. Cuối cùng, cô ta nói: “ Ở trong Kinh Tin Kính, nếu Sơ chịu khó để ý, Sơ sẽ thấy: Chúa Cha đang sống, Chúa Giêsu đang sống và Chúa Thánh Thần cũng đang sống!” Miệng của cô ta đầy chữ “đang sống”
Cám ơn, Đức Mẹ Maria của Nazareth! Mẹ quả là một giáo sĩ! ** Chú thích của Sơ Emmanuel:
----- * Chú thích của Sơ Emmanuel:
Kinh Tin kính liên quan đến hoà bình. Làm sao Kinh Tin Kính có sự hoà bình? Đức Mẹ đến cho chúng ta hoà bình (Chữ Shalom của Do Thái.) Shalom không phải là “thiếu rắc rối” hay “yên tĩnh” (Ví dụ: tôi có thể có một chút an bình và yên lặng không?) Shalom có nghĩa là “No đầy”, “Sung mãn”.
Nếu ai có Shalom là có đầy đủ, vui mừng và thỏa thích. Kẻ ấy sung sướng mà thừa hưởng sự sung mãn của Chúa. Sự trái nghĩa của hoà bình hay bình an, không phải là chiến tranh mà là trống vắng. Một người không có Shalom là người ấy trống rỗng, trống vắng, không có sức sống. Theo tự nhiên thì khoảng trống cho kẻ thù một cơ hội tốt để giới thiệu những sự xấu xa của hắn như: thù hận, ganh tỵ, ghen ghét, những tánh xấu để gây ra chiến tranh. Nếu ta nói: “Bạn có đầy tràn ơn lành” thì đó là ý nghĩa đúng nhất của câu nói: “Bạn có Shalom.”
Vì thế Nữ Vương Hoà Bình là một người Mẹ muốn chữa lành chúng ta ra khỏi tình trạng trống vắng. Đức Mẹ luôn nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là sự sung mãn của đời sống và là tình yêu. Khi chúng ta cầu nguyện là ta để cho tình yêu lớn mạnh trong chúng ta dần dần, cho đến khi tình yêu ấy tràn đầy và sung mãn.
Không có lời cầu nguyện nào tốt đẹp hơn lời cầu của kinh Tin Kính vì lời kinh này dẫn dắt chúng ta đến sự sung mãn, đến bình an (shalom), và làm cho chúng ta gắn bó với Thiên Chúa và giúp Ngài ngự vào thâm sâu trong tâm hồn chúng ta.
|