NƠI NÀO CŨNG CÓ CHÚA (BÚT KÝ) dunglac.org
Tối thứ Bẩy, trước Lễ Giáng Sinh hai ngày chồng tôi nói:
- Ngày mai, Chủ Nhật mình đi dự một buổi thờ phượng Chúa ngoài nhà thờ Công Giáo.
- Nói gì nghe lạ vậy? Tôi hỏi
- Bà bạn học cùng lớp Kinh Thánh với anh mời anh đi đến một nhà nguyện của người da đen, nơi chồng bà làm Mục Sư chủ chăn (Pastor) ở đó.
Tôi ngần ngừ, mình là người Công Giáo, đến đó làm gì.
- Em không đi đâu, anh đi một mình đi.
Chồng tôi rủ rê - Mình nên đi cho biết, chẳng mấy khi được tìm hiểu một cung cách thờ phượng Thiên Chúa khác.
Tôi nghe cũng thấy xuôi tai, hơn nữa người mời lại là bạn học cùng lớp với chồng mình. Thôi đi, về chắc có bài cho cha Tường ở trang Dũng Lạc
- Ừ, thì đi cho biết.
Chồng tôi nói thêm:
- Phải ăn mặc trịnh trọng đấy, người da đen họ đi nhà thờ họ dress up lắm.
Buổi lễ bắt đầu 2 giờ trưa, chúng tôi đến đúng giờ. Đó là một ngôi nhà giản dị nằm ở bên phía tây Seattle trong một khu xóm phần đông là người da đen ở. Nếu trước ngôi nhà không có dựng một tấm bảng gỗ nhỏ đề Holy Evangelistic Center và tên vị Mục Sư, thì không thể đoán được đó là chỗ tập họp để cầu nguyện. Nhà bên ngoài, trông giống như một trong những căn nhà chung quanh đó. Mầu vôi sơn tường đã bạc, mái phủ đầy những chiếc lá chết của mùa thu vừa mới đi qua.
Chúng tôi được tiếp đón ngay ở cửa vào, mỗi người được đưa cho tấm giấy nhỏ để ghi tên, vì là khách (visitor) bên trong đã có khỏang bốn mươi người, tất cả đều là Mỹ đen, chỉ có chồng tôi và tôi là người Mỹ trắng và người Á Đông duy nhất. Tôi nhìn lên tường thấy ghi số người có thể chứa được 117 người. Chung quanh tường có treo rải rác những cái nơ kết mấy bông hoa lụa rất giản dị, nhưng cũng mang được không khí Giáng Sinh. Bên trái gian có dàn nhạc, hai tay trống và một đàn Organ, giữa gian có một chiếc bàn dài nhưng trên bàn không có ảnh tượng gì, chỉ có hai bình hoa lụa, đằng sau chiếc bàn có ba chiếc micro. Tôi ngồi xuống, đếm cả hai bên được mười sáu hàng ghế, người tiếp tục đến, mỗi lúc một đông. Tín đồ toàn người da đen. Chắc tại đây là chòm xóm của họ. Tôi được đưa cho một chiếc quạt giấy. Đó là một bìa cứng ghim vào một thanh tre có in hình Chúa là một thanh niên da đen, tóc quăn rút rít đang ôm một con cừu (chiên)trắng, trông đẹp lắm, tôi nghĩ bụng sẽ xin cái quạt này đem về, lật đằng sau quạt có quảng cáo của một nhà quàn.
Tôi không thể gọi đây là buổi lễ được, vì không có những nghi thức thờ phượng, lễ lậy. Đúng hơn đây là một buổi cử hành những nghi thức cầu nguyện, người Mỹ gọi là : “A Service” Mở đầu là một Mục Sư trạc 40 tuổi, bước lên hát, tôi nghe ông hát “Thank You Lord, I just want to thank you Lord. Giọng hát mạnh và trong. Ông vừa hát vừa nhẩy. Mọi người cùng hát theo. Tiếp theo ông đọc Kinh Thánh, rồi đọc lời cầu nguyện, rồi lại hát. Giọng ông rổn rang, vang động cả căn nhà nguyện pha vào với tiếng trống của hai tay trống. Một người dùng trống đôi, một người dùng bộ bốn trống, hai lớn, hai nhỏ và có thêm hai chiếc phèng. Chúng tôi nghe tiếng nhạc vang lên chung quanh hòa với tiếng phèng, tiếng trống, tiếng hát của tín đồ, thấy lòng mình cũng nôn nao, phấn chấn hát theo “ Thank you Lord, I just want to thank you Lord” Tiếp theo mục sư là hai phụ nữ (sau này tôi được biết là em gái và cháu của vị mục sư chủ chăn) lên hát. Chúa ơi, họ hát song ca mới hay làm sao! Jesus! I never forget how you set me free. Họ hát bằng cả hồn, cả xác, thân hình họ rung lên, họ như muốn bay lên khỏi mặt đất. Tín đồ ở bên dưới, người đứng, người ngồi, hát theo; Tiếng vỗ tay nhịp theo tiếng đàn tiếng trống: Thank you Lord! Thank you Lord! Bài hát tiếp theo đơn ca, một cô cất tiếng hát; Lord! you give me, my hands to do your will, Lord! you give me, my feet to climb the hills. Tôi ngồi ngây người ra nghe cô hát. Tiếng hát của cô vô cùng lôi cuốn, cho tôi cảm tưởng như chính tôi đang hát và tôi cất tiếng hát nho nhỏ theo cô mỗi khi cô vào điệp khúc.
Một Mục Sư khác, đứng tuổi bước lên tiếp theo dâng lời tạ ơn Chúa. Lần lượt tín đồ bên dưới đứng lên tạ ơn Chúa. Người tạ ơn khỏi bệnh, người tạ ơn kiếm lại được việc làm, người tạ ơn con trở về. Họ vừa tạ ơn vừa khóc. Mỗi lần một người cất tiếng tạ ơn thì những người khác liên tục hát : Amen, Amen, Amen.
Sau cầu nguyện, một Mục Sư khác, khá trẻ, bước lên, ông mặc quần đen và chiếc sơ mi trắng, lấy một tấm mask (mặt nạ) mầu trắng đeo vào mặt. Một băng nhạc được mở lên, ông diễn tả như một người đóng tuồng Nok* của Nhật theo tiếng hát phát ra. Tôi nghe không rõ, vì tiếng trống phụ họa ở ngoài to quá, chỉ nghe được God says, God says Nhưng nhìn cách ông uốn mình, giơ tay, cúi mặt diễn tả thì đóan được bài hát là nên tuân theo lời Chúa. Bây giờ đến chương trình của trẻ em lên nói về ý nghĩa của Giáng Sinh, cảm tạ ơn Chúa ra đời chứ không phải Giáng Sinh là dịp chạy tới các cửa hàng thương mại mua quà tặng nhau và mong người khác tặng mình. Các em còn diễn kịch cảnh Thiên Thần báo tin cho Thánh Giuse là Đức Mẹ đã có mang Đấng Cứu Thế trong lòng. Cậu đóng thiên thần đen ơi là đen, mặc chiếc áo và gắn cánh thiên thần trắng muốt. Cô bé đóng Đức Mẹ da trắng hơn các bạn một chút (Chắc cô lai) nhưng tóc cô thật là quăn và thật là nhiều, cô quàng một chiếc khăn có mầu xanh. Trông cô đẹp không kém gì một trong những tượng Đức Mẹ mà tôi thấy ở những nhà thờ Công Giáo của mình. Cậu bé đóng thánh Giuse có nước da nâu đậm, cậu có đeo một chiếc khoen ở tai bên trái (Thánh Giuse ngày trước chắc chưa biết mốt này) Cậu trông rất hóm hỉnh khi nghe thiên thần báo tin Đức Mẹ có mang Chúa, cậu nhìn Đức Mẹ, lắc nhè nhẹ cái đầu với mớ tóc xoăn đen bóng, kêu lên:
- “Oh, Mary!” với nụ cười có má lúm đồng tiền một bên. Làm mọi người cười ồ lên theo nụ cười của cậu. Sau màn kịch, Mục Sư chính của nhà thờ bây giờ mới lên giảng về lòng tin và niềm hy vọng đặt vào Thiên Chúa. Ông nói ngắn, rõ ràng. Giáo dân cứ mỗi khi đồng ý với một câu nói của ông họ lại đồng thanh Amen, suốt cả bài giảng luôn luôn cả nhà nguyện cất tiếng Amen, Amen! theo. Hai người đàn ông trung niên bước lên với hai cái giỏ cầm trên tay, mọi người cầm phong bì lân lượt đi lên bỏ phong bì vào giỏ, thứ tự lên giống như ở nhà thờ công giáo đi lên rước lễ. Sau Mục Sư là vợ ông. Bà được giới thiệu là Lady Diana, tên bà là Diana, bà được gọi là Lady vì bà là vợ của Mục Sư chủ chăn, bà ăn mặc rất đẹp, váy trong dài, áo khoác ngoài cũng phủ đất và cùng mầu vàng có chạy ren. Bà lên nói về vai trò của Đức Mẹ, về tính khiêm nhường, vâng lời của Đức Mẹ. Bà nói hay và cảm động. Mặc dù trong nhà nguyện không có bất cứ một ảnh tượng nào của Đức Mẹ, kể cả thánh giá. (Chồng tôi cho tôi biết là họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa qua Kinh Thánh, họ không thuộc về Giáo Hội La Mã, và không có Đức Giáo Hoàng) Bà nói tới đâu, tín đồ Amen tới đó vang cả nhà nguyện. Bây giờ tôi mới để ý thấy ai cũng phải dùng đến quạt, mặc dù là mùa đông. Tín đồ nào mồ hôi cũng lấm tấm trên trán, họ phải lau và quạt luôn tay. Buổi cầu nguyện và hát kéo dài tới hai tiếng, ai cũng sôi nổi, ai cũng sốt sáng, ai cũng hân hoan hát, và nhẩy múa. Làm sao mà không toát mổ hôi. Khi chúng tôi ra về. Chồng tôi nói:
- Hôm nay mình được thưởng thức thờ phượng Thiên Chúa một cách khác. Em có thấy họ tin tưởng và đặt hy vọng vào Thiên Cháu rất là nồng nhiệt và sốt sáng không. Họ yêu và tin Chúa theo tim chứ không theo óc.
Trong tâm, tôi cám ơn anh đã rủ tôi đi ngày hôm nay. Tôi mới được nghe thông điệp của Đức Thánh Cha Benedicto XVI, nhắc nhở chúng ta: “Hy vọng trong Tin Mừng Tân Ước đi sát với niềm tin. Hy vọng là tặng vật của Chúa, Chúa là hy vọng của trần gian” Tôi đã nghe và nhìn thấy hy vọng, niềm tin nhẩy múa trong hai tiếng đồng hồ sáng hôm nay. Ngay mai tôi sẽ đi dự Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Công giáo của tôi, tôi thấy lòng mình bỗng dưng thánh thiện hơn bao giờ hết, vì tôi được chúc phúc đến hai lần.
Nơi nào có niềm tin có hy vọng vào Thiên Chúa là nơi đó có Chúa hiện hữu. Trong ngôi nhà nguyện này, không có cây thông, không có máng cỏ, nhưng có Chúa hài đồng nằm trong mỗi tiếng trống rộn ràng, tiếng hát cất cao, tiếng cầu nguyện, giọt nước mắt ứa ra trên má, và giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của những người da đen này. Tôi muốn nhắc lại lời ca tụng Thiên Chúa tôi thuộc lòng từ nhỏ, trong những ngày đi lễ nửa đêm.
VINH DANH THÊIN CHÚA TRÊN TRỜI BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM
Trần Mộng Tú
|