Nghĩa trang VietCatholic News (Thứ Sáu 31/10/2008) NGHĨA TRANG
(Lễ cầu cho các linh hồn 02-11)
Hằng năm cứ vào tháng 11 Dương lịch, đặc biệt vào ngày 02 của tháng, đoàn tín hữu được dịp quây quần với người đã khuất. Thánh Lễ được cử hành tại nghĩa trang quả là một truyền thống tốt đẹp. Thánh Lễ ở nghĩa trang là một trong những sinh hoạt Phụng Vụ không chỉ làm nổi bật chiều kích tâm linh như kiểu cảm nhận của cố nhạc sĩ họ Trịnh “ người chết nối linh thiêng vào đời”, không chỉ đượm nét nhân văn khi con người sống biết cội biết nguồn… mà còn ghi đậm nhiều tâm tình trong lòng người đang còn lữ thứ.
Lẽ thường, ai ai cũng sợ chết cả. Không phải bằng thể lý nhưng bằng ý nghĩ, người ta tìm cách tránh né những hình ảnh gợi nhớ về sự chết như quan tài, ngôi mộ hay nghĩa trang… Bà con có niềm tin thì cứ vào dịp xuân về hay dịp kỵ giỗ người thân, thưòng đi tảo mộ. Kitô hữu, cách riêng người Công giáo thì có thêm một ngày đặc biệt trong năm là ngày 02-11, ngày hướng lòng về những người đã khuất. Khác với bà con lương dân hay anh em khác đạo, Kitô hữu quây quần bên nhau tại các nghĩa trang quanh các ngôi mộ với một bầu khí tưng bừng như lễ hội.
Xin được chia sẻ một đôi tâm tình, đúng hơn là một vài cảm nghiệm liên hệ đến cái nơi được gọi là nghĩa trang. Nếu được hỏi nghĩa trang là gì ? Ta dễ dàng trả lời đó là nơi chôn cất người chết. Văn vẻ hơn thì nói đó là nơi yên nghĩ của những người đã ra đi, đã giả từ dương thế. Nếu chịu khó nghĩ suy một chút thì hai từ nghĩa trang còn gợi mở cho ta nhiều điều sâu xa.
Từ “nghĩa” diễn tả những việc, những điều hợp lẽ đạo. Chẳng hạn “nghĩa tử, nghĩa tận” tức là những gì ta làm cho người đã khuất là làm cho đến cùng mới hợp lẽ đạo. Từ “nghĩa” còn diễn tả sự kết hợp, sự nối liền nhờ ân tình. Chẳng hạn nghĩa tử, nghĩa phụ, nghĩa huynh, nghĩa đệ, nghĩa tế… tức là nhờ ân tình mà nối kết nhau thành cha con, anh em... Từ “trang” diễn tả nơi ở, nơi sinh hoạt. Chẳng hạn “gia trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của gia đinh, “nông trang” là nơi ở, nơi sinh hoạt của nông dân…Ghép hai từ nghĩa trang thì ta có được khái niệm đó là nơi ở của những người liên kết với nhau bằng ân tình, một nơi ở hợp lẽ đạo.
“Sinh ký, tử quy” và “lá rụng về cội”. Chết là đi về. Người đã khuất thì sẽ về một mối là về với cội nguồn. Trước đây, khi còn sống, người ta có thể khác nhau về tuổi tác, xa nhau về môi trường sống, sinh hoạt, khác nhau về địa vị, công việc…nhưng sau khi chết người ta được gần kề nhau. Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, người già hay trẻ bé, là đàn ông hay đàn bà…tất thảy đều nằm bên nhau và với nhau, không một chút tị hiềm hay cạnh tranh, không một chút so sánh hay đôi co hơn thiệt. Khi còn sống, có thể khác nhau huyết nhục, có thể khác nhau ngôn ngữ hay màu da và cả khác nhau về chính kiến hay niềm tin, người ta vẫn nằm kề bên nhau, có khi lại nằm chồng lên nhau trong sự an bình, yên tỉnh. Nghĩa trang là nơi ở của những người được kết nối với nhau bằng ân tình, hợp lẽ đạo là đạo làm người.
Nhiều người với nhiều cái xưa khác nhau, nay lại yên nghỉ trong cùng một mái nhà ân tình là nghĩa trang, ít nhiều cũng nhắc nhớ chúng ta quy luật của muôn đời, đúng hơn là quy luật của Đấng Tạo thành đặt để trên phận người là rồi đây ai cũng sẽ trở về với nơi mình phát xuất ra. Trong đức tin, chúng ta tin nhận rằng mọi người, bất phân chính kiến, màu da, quốc tịch hay niềm tin, thảy đều phải ra trình diện trước Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Thành. Hết thảy mọi người rồi sẽ trở về với cội nguồn để trả lẽ về những gì mình đã sống trên cõi dương gian này. Và cái nơi hội ngộ của ân tình là nghĩa trang cũng nhắc nhớ chúng ta tiêu chuẩn căn bản mà chúng ta phải trả lẽ trước Đấng Hoá Công đó là trái tim, tấm lòng của chúng ta đối với nhau khi ta còn lữ thứ. Chúa Kitô đã minh nhiên nói lên sự thật này trong dụ ngôn ngày phán xét chung ( x. Mt 25,31-46 ).
Cố nhạc sĩ họ Trịnh không chỉ cảm nhận “ người chết nối linh thiêng vào đời” mà còn đồng cảm với Kitô hữu chúng ta rằng người chết nhắc nhớ ta hãy sống với nhau cho có ân tình: “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi…”, nghĩa là để bình an, thanh thản mà đi đến nơi mọi người sẽ đến là nghĩa trang, căn nhà của ân tình. “ Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát. các ngươi đã cho Ta uống…” ( Mt 25,34 tt ).
Tháng 11 lại về, Hội Thánh mẹ mở kho tàng ân phúc của Chúa tạo dịp để các tín hữu mở rông tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Hội Thánh thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Dù rằng Hội Thánh dạy mỗi ngày chỉ có thể lãnh nhận một ân xá dành chi các linh hồn thế mà vẫn có đó hình ảnh nhiều cụ ông, cụ bà hết vào Nhà Thờ cầu nguyện lại ra nghĩa trang cầu nguyện. Có người vừa bước ra khỏi Nhà thờ lại quay vào để tiếp tục kiếm xin ân tình của Chúa mà trao dâng cho các linh hồn. Nói đến các linh hồn thì ít ai tiếc xót công hay của. Nhiều người đang nằm đó trong các nghĩa trang như một lời mời gọi chúng ta hãy sống cho có ân tình không chỉ cho chính họ mà cho cả chúng ta, những người đang con trong kiếp lữ thứ gian trần.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
|