GIÁO DỤC và GIA ĐÌNH Thanh Thanh
Giáo dục con người không giống giống như trồng khoai nuôi cá, không giống như làm lúa nuôi heo, cũng không giống như trồng rau nuôi gà. Giáo dục con người cần phải có thời gian, kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý, phương pháp, nhẫn nại, tình yêu và lòng đạo đức. Vì con người là một huyền nhiệm và thật khó hiểu. Bởi con người chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, hoàn cảnh, môi trường, thời tiết, giàu nghèo, giáo dục, kiến thức, tôn giáo, xã hội.
Nói về giáo dục, Chúa Giêsu là mẫu gương đào tạo tuyệt vời nhất. 5 trong vô số cách thức Ngài thực hiện mà mỗi gia đình nếu biết quan tâm và khéo léo áp dụng để giáo dục con cái thì sẽ thu được rất nhiều kết quả.
Giáo dục khởi đi từ những sự thật
Chúa Giêsu. Ngài nói: “Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường, nhưng đặt trên đế” (Mc 4,21-25; Lc 8,16-18). Không ai đốt đèn rồi lấy thùng úp lên… Người nghe sẽ chấp nhận ngay, vì đó là sự thật. Vâng, rồi từ đây Ngài dẫn người nghe đi xa hơn: đặt trên cao để ai đi thì nhìn thấy ánh sáng. Rồi tiếp, vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất. Ngài dẫn từ ánh sáng thường đến ánh sáng chân lý mà chính mỗi người phải thắp lên. Vì thế hãy cẩn thận và chăm chú lắng nghe.
Gia đình. Ví dụ nói về tuổi dậy thì. Ta có thể bắt đầu là: cây trồng, vật nuôi mỗi ngày mỗi tháng sẽ phát triển lớn lên, cành lá sum xuê, thân xác lớn dần. Con người cũng vậy, từ 11 tuổi trở đi, ta sẽ thấy người ta cao to, nặng, rồi tóc, râu mọc nhiều, bắp chân bắp tay nổi to, giọng nói thì ôm ồm, toàn thân phát triển… Như thế người ta gọi là dậy thì. Mẹ thấy con đang lớn nhanh. Đó là chuyện bình thường. Con không có gì phải lo sợ mà hãy vui mừng vì đây là dấu hiệu của người khoẻ mạnh. Con đã đến tuổi dậy thì rồi.
Người con được cha mẹ nói như tâm sự vậy quả thật rất an tâm và sẽ quên hết những lo âu sợ hãi bởi sự thay đổi nhanh của thân xác.
Giáo dục khởi đi từ những dư luận
Chúa Giêsu. Ngài hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Dạ, "kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". Ngài lại hỏi: "Thế anh em bảo Thầy là ai ?" Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,13-16; Lc 9,18-22).
Nếu hỏi trực tiếp: anh em bảo Thầy là ai, chắc chắn các tông đồ sẽ bỡ ngỡ, ngạc nhiên, hoặc vì tế nhị mà im lặng, hay không dám nói hết sự thật. Với cách của Chúa Giêsu, các tông đồ nhập cuộc từ xa, rồi lúc đang hào hứng, sôi nổi, Ngài mới hỏi đến các ông. Dĩ nhiên, các ông trả lời một cách tự nhiên, chân thành, và trung thực.
Gia đình. Ta cũng dễ dàng áp dụng cách này để không những thăm dò về cha mẹ họ hàng, mà còn trực tiếp đến con cái.
Ví dụ: đi họp phụ huynh học sinh, mẹ nghe thầy cô giáo nói về tình hình của lớp, của từng thành viên, về các bạn cùng lớp trong làng xã của mình thế này thế này…. Thế con thì sao ?
Người con có thể sẽ chối, sẽ nói khác đi nếu cha mẹ hỏi trực tiếp. Nhưng với cách thức này, người con hiểu rằng bố mẹ biết rồi, không cần phải dấu diếm, phải nói quanh nữa. Và cha mẹ biết rõ sự thật hơn về con mình.
Giáo dục khởi đi từ những câu truyện
Chúa Giêsu. Ngài thường lấy những hình ảnh đời thường liên quan đến nghề nghiệp và cuộc sống con người; hoặc kể chuyện rồi giải thích giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ đón nhận.
Ví dụ: dụ ngôn người gieo giống, người cha nhân từ, con chiên lạc, các thợ làm vườn nho, những nén bạc, lễ phục ngày cưới…
Gia đình. Câu truyện sẽ giúp con cái cảm thấy nhẹ nhõm. Coi mình như một khán giả ngồi trước sân khấu. Tâm hồn nhẹ nhàng, nhập cuộc dễ dàng. Áp lực dạy bảo từ trên sẽ giảm nhỏ đến mức tối thiểu. Và khi giải thích, người nghe tưởng đơn thuần là giải thích truyện. Nhưng thực tế lại là bài học mà ta nhắm tới khi dùng truyện để dạy dỗ. Truyện liên quan đến các lãnh vực nhân bản học làm người, đạo đức, khoa học, tâm lý thì rất nhiều. Ta có thể dễ dàng tìm thấy ở tạp chí, sách vở, báo đài...
Giáo dục khởi đi từ những tiền nhân
Chúa Giêsu. Người xưa bảo rằng, luật xưa dạy rằng: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ ly dị, đừng bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng, hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”.
Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng giận, đừng mắng chửi, đừng bất bình với anh em mình;
Còn Thầy, Thầy bảo rằng: chớ nhìn người khác phái mà thèm muốn, chớ ngoại tình dù là trong tâm hồn;
Còn Thầy, Thầy bảo rằng: trời là ngai Chúa, đất là bệ dưới chân Người, Giêrusalem là thành của đức Vua cao cả. Vì thế đừng có thề. Mà có thì nói có không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là do ma quỷ;
Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng chống cự mà hãy chia sẻ. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình. Có như vậy ta mới trở thành con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời (Mt 5,21-48).
Chúa Giêsu đủ khả năng và khôn ngoan để hướng dẫn, thế nhưng Ngài vẫn nhắc lại uy tín và công phúc của tiền nhân. Ngài làm thế vừa tạo cảm giác thân quen cho người nghe, vừa để con cháu tránh đi thái độ phủ nhận, coi thường, đả phá. Và tiếp đó, Ngài nâng cấp để cho thấy, tuy các vị này có nhiều điểm hay, nhưng mà cần phải bổ sung, hoàn chỉnh như thế này thế này. Còn Thầy, Thầy bảo rằng… Người nghe đã được chuẩn bị tâm lý trước khi lĩnh hội một điều tốt và cao hơn.
Gia đình. Với kinh nghiệm và kiến thức nuôi dạy con, cha mẹ có thể nói trực tiếp. Nhưng con cái, tâm lý đôi khi không muốn nghe dạy bảo. Đơn giản vì chúng nghĩ mình là người lớn, đủ khôn ngoan, là trưởng thành rồi, là trung tâm của vũ trụ.
Nếu cha mẹ biết dùng những danh nhân nổi tiếng mà người đời cũng như con cái biết đến và thán phục mà khởi sự cho nội dung hướng dẫn của mình thì chắc chắn có nhiều thuận lợi hơn. Bởi con cái biết là ta cũng có kiến thức, có hiểu biết và kinh nghiệm.
Muốn đạt hiệu quả, đầu tiên ta phải gây được sự chú ý của con cái. Tiếp đến là tạo sự tò mò, thắc mắc, tìm hiểu và cảm thấy thích nghe, hay ít là cần nghe. Sau cùng ta nói điều cần nói.
Giáo dục khởi đi từ những mệnh lệnh
Chúa Giêsu. “Hôm nay con đi làm vườn nho cho ta” (Mt 21, 28-32). Ngài không cần phải nại đến các tiền nhân, những câu truyện, hay dựa vào một sự thật, hoặc từ dư luận, mà là một áp lực. Vì giáo dục cần thiết phải có sự đòi hỏi và áp lực.
Cách thức này không phải để biểu dương quyền lực, nhưng vâng lời là việc cần có trong tiến trình trưởng thành nhân cách.
Gia đình.
Cách thức này xem ra được các bậc phụ huynh thích dùng. Nhưng nếu lạm dụng nhiều quá thì bầu khí gia đình sẽ căng thẳng, sợ hãi. Khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ chỉ dùng quyền để áp chế, bắt chúng phải thế này thế nọ.
Như con dao, nếu dùng đúng sẽ phục vụ con người, nếu dùng sai sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Giáo dục kiểu mệnh lệnh cũng vậy. Phải biết cần thận, nghĩa là dùng lúc nào, tuổi nào, việc nào.
Những chuyện thông thường như quét nhà rửa ly, giặt quần áo…. thì không có vấn đề. Nhưng nếu là tình yêu, tình cảm, tiền bạc, tình nghĩa… mà áp dụng cách này thì thật nguy hiểm.
Cha mẹ nào chẳng thương con. Nhưng là thương cách nào. Nếu không thương đúng cách, chúng sẽ hiểu lầm, nghi ngờ, mất lòng tin, hoặc vô hình chung làm cho chúng hư hỏng. Giáo dục con cái là một chặng đường đầy chông gai, đòi hỏi cha mẹ luôn phải để tâm suy nghĩ, cố gắng phấn đấu học hỏi để có được cách thức tốt nhất. Vì:
Con cái là hồng ân Chúa ban, nên cha mẹ cần tạ ơn Chúa, bởi Ngài đã cho làm mẹ làm cha, và được thay Chúa giáo dục để chúng trở thành con người và thành người con Chúa.
Con cái là kết tinh của tình yêu cha mẹ, nên hãy yêu thương giáo dục chúng với tất cả tình thương yêu và hy sinh.
Con cái cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn, để biết được tình tình, tâm tư nguyện vọng, sở thích… để có thể đưa ra cách thức giáo dục kịp thời, hợp tâm lý.
Con cái còn nhiều sai phạm và lỡ lầm, cha mẹ cần có lòng kiên nhẫn và thứ tha để ngay từ nhỏ, con cái đã hiểu và cảm nhận được thế nào là bao dung nhẫn nại.
Con cái là tương lai của Giáo hội và xã hội, cha mẹ hãy vì sự tồn vong lớn lao này mà đầu tư nhiều hơn. Đầu tư về tiền bạc, thời gian, tình thương, tha thứ, kiến thức, kinh nghiệm, kiên trì, quảng đại, hy sinh, nhẫn nhục…
Con cái là người, mà con người thì huyền nhiệm và khó hiểu, nên không những cha mẹ cần có phương pháp và tâm lý, mà cần thiết hơn cả là lòng đạo đức.
Nếu muốn con cái vâng lời, thì ta hãy vâng lời Thiên Chúa trước.
Nếu muốn con cái kính sợ và mến yêu, ta hãy làm như thế với Thiên Chúa.
Hãy bắt chước thánh Mônia, chính nhờ lòng đạo đức và mến Chúa, Người đã chỉ cho cách thức khôn ngoan giáo dục con cái. Và hoa trái lớn lao là thánh Augustinô.
Hãy cầu nguyện thật nhiều để mình thêm đạo đức, nhất là xin ơn kính sợ Chúa. Ơn khôn ngoan dẫn đầu các nhân đức, nhưng ơn kính sợ Chúa mới làm cho các nhân đức ấy phát triển, trổ hoa, kết trái.
|