Maria Anna Long Chị nữ tu tí hon, sứ giả đem vui tươi đến cho mọi người chung quanh (1946-1959)
Đối với những cơn bệnh hiểm nghèo, dù nạn nhân là ai thì đó cũng là điều đáng buồn. Đáng buồn hơn nữa, khi thân thể của nạn nhân bị biến dạng, và nhất nữa, khi người mang chứng bệnh đó lại chính là một em bé. Hơn bao giờ hết, ngày nay nhiều người đang mắc phải chứng bệnh ung thư. Thân thể bị biến dạng, những cơn đau đớn triền miên, nhiều khi mất hết cả gia tài, thân nhân và bạn hữu, đó là những hiệu quả của chứng bệnh ung thư. Mặc dù nền y học ngày nay đã tiến bộ vượt mực, hằng ngày vẫn còn nhiều người đang ngã gục trước trận chiến này.
Maria Anna Long đã phải hứng chịu tất cả hiệu quả của chứng bệnh ung thư, và đến năm 1959, em đã giã từ cõi đời vì chứng bệnh hiểm nghèo này. Dù vậy, điều người ta còn nhớ về cuộc đời em không phải là đau khổ và buồn phiền, mà là niềm hạnh phúc, tình yêu thương và lòng biết ơn.
Ngay từ tuổi ấu thơ, Maria Anna đã có một sứ mạng cho cuộc đời, và em đã cố gắng chu toàn sứ mạng đó với tất cả khả năng của em. Vì vậy, cho dù thủ tục phong thánh cho em chưa được bắt đầu, nhưng tất cả những ai quen biết em và chịu ảnh hưởng của em, đều chân nhận rằng linh hồn đẹp xinh của em hiện giờ đang ở trên Thiên đàng.
Maria Anna là một trong bốn người con trong một gia đình sinh sống tại tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Bao điều không may đã dồn dập xảy đến cho gia đình em. Mẹ em vì đang mang bệnh nên không thể săn sóc cho em. Khi em mới được ba tuổi rưỡi, dù đã phải dùng đến chất phóng xạ và phải lấy ra một mắt, các bác sĩ đều bó tay trước bệnh tình của em. Vì nhà thương không thể giữ em được nữa, bác sĩ của gia đình đã đề nghị cho em đến bệnh xá của các Sơ Dòng Đaminh tại Atlanta, Georgia. Cha mẹ em đã đau khổ biết bao khi nghĩ đến phải đưa đứa con bé nhỏ sắp chết đến một nơi quá xa lạ. Dù vậy, vì không còn cách nào khác, họ đành phải để em đi Atlanta, cho đến khi nào mẹ em bình phục mới đưa em về.
Khi mẹ em và em đến bệnh xá, Sơ Giám đốc lúc đó là Sơ Veronica đã ra đón tiếp hai mẹ con. Trước khi Maria Anna đến, Sơ đã được nghe những người làm việc xã hội ở Louisville nói về em. Họ nói: "Em là một bé gái dễ thương; mọi người biết em đều mến thương em". Trong khi Sơ Veronica bước ra chào đón hai mẹ con, dù đây mới chỉ là lần đầu tiên trong đời Maria Anna được gặp một nữ tu với bộ tu phục lạ mắt, em đã chạy ngay đến với Sơ trước ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ em. Khi đã vào trong nhà, em đã được mọi người trong nhà, từ các Sơ cho đến các bệnh nhân khác, thay phiên nhau ẵm bế trên tay. Một Sơ đã có nhận xét sau đây trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, "Lúc đó em trông thật bé nhỏ và gầy gò, nhưng gương mặt em lại đầy đặn và vui tươi. Một bên má đã bị sưng lên và mắt em thì đóng lại. Mái tóc em thật mềm". Con mắt còn lại của em thì lóng lánh niềm vui sống.
Sau khi mẹ em buồn bã ra về, các Sơ sợ đêm đó em sẽ khóc vì nhớ nhà. Nhưng em đã ngủ một đêm ngon lành và sáng hôm sau đã đi một vòng thăm bệnh xá. Khi đến giường của một bệnh nhân nọ, em đã trèo lên giường, nhìn bệnh nhân một cách trìu mến, và nhẹ nhàng lay tay bệnh nhân. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của em, với thái độ vui tươi và thông cảm, Maria Anna luôn là nguồn an ủi cho các bệnh nhân.
Bệnh xá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Atlanta, Georgia, là nơi những người mang bệnh ung thư tìm được an ủi và tình thương. Hầu hết các bệnh nhân ở đây là người lớn, nhưng cũng không thiếu những em nhỏ. Các Sơ làm việc tại đây hằng ngày đã được chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi khốn cực của kiếp người, bao nhiêu thân thể đã héo tàn vì bệnh tật. Các Sơ đã thực sự hiểu được điều Chúa phán, "Khi các con phục vụ những người anh em hèn mọn nhất của Cha, là các con đang phục vụ chính Cha". Các Sơ đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những thân xác tang thương mà hằng ngày mình chăm sóc. Riêng em Maria Anna, dù thân xác em đã phần nào biến dạng, nhưng các Sơ đã sớm nhìn ra tâm hồn xinh đẹp của em. Em cố gắng trong mọi lúc quên mình đi để có thể giúp đỡ người khác.
Vì mẹ em đã cho các Sơ biết là gia đình bà không theo một tôn giáo nào, nên các Sơ đã xin bà cho phép em Maria Anna được chịu phép rửa tội. Sau khi đã được phép của cha mẹ, em đã hân hoan sửa soạn đón chờ giây phút trọng đại đó. Một người theo phái Methodist đã cho em một chiếc áo trắng để mặc trong nghi thức gia nhập Kitô giáo.
Các Sơ đã cố gắng hết sức để tạo một nơi ở thật ấm cúng và vui tươi cho con bệnh nhỏ nhất của bệnh xá. Các bệnh nhân và thân nhân của họ cũng cảm thấy hạnh phúc khi tặng quà cho em. Không những các Sơ lo cho Maria Anna về phần xác, mà cả phần hồn của em nữa. Là một đứa trẻ thông minh và linh lợi, em đã sớm học hiểu được nhiều điều về tình yêu Thiên Chúa. Khi một Sơ giải nghĩa cho em về ý nghĩa các chặng Đàng Thánh Giá, Maria Anna đã thổn thức kêu lên, "Thật tội nghiệp cho Chúa Giêsu quá!" Rất có thể đấy chỉ là phản ứng tự nhiên của các trẻ em. Dù vậy, hơn những đứa trẻ khác, Maria Anna đã hấp thụ được rất nhiều điều về tôn giáo mà các trẻ khác không hiểu. Lời cầu nguyện "Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa với tất cả những gì con có" của em cũng đâu khác gì điều Chúa truyền phải "yêu với tất cả tấm lòng". Hơn nữa, em đã không ngừng lại ở những lời kinh em đã học được, em còn có những lời nguyện riêng của em nữa.
Một lần nọ, với cái nhìn đăm chiêu em đã hỏi Sơ Loretta về Thiên Đàng. Sơ đã cho em biết nơi đó sẽ có ánh sáng và em sẽ nhìn được bằng cả hai con mắt. Sơ thêm, "Trên Thiên Đàng mọi sự đều hoàn hảo và đó là quê thật của chúng ta. Dù vậy, chúng ta không được quên những công việc mà Chúa đã trao cho chúng ta phải làm ở dưới đất này". Em liền hỏi lại, "Sơ muốn nói chúng ta phải biến trái đất này thành một nơi đầy ánh sáng và vui tươi, để cho mọi người biết được Thiên Đàng là thế nào, phải không cơ?" Sơ thật không ngờ một đứa trẻ mới lên bốn mà lại có thể đặt được câu hỏi đó.
Maria Anna rất ít khi khóc; nhưng khi em đã khóc thì chắc chắn phải có lý do chính đáng. Dù vậy, em luôn cố gắng không để cho ai thấy mình khóc. Một ngày nọ, nước mắt đã tuôn trào trên má trong khi em ra khỏi Nhà Nguyện với một Sơ. Khi được hỏi tại sao, em đã thưa lại là em muốn được Chúa Giêsu đến với em như đến với mọi người khác. Các Sơ liền sửa soạn cho em Rước Lễ lần đầu và hứa sẽ cầu nguyện để cho em được Rước Lễ lần đầu trong năm đó. Khi giải nghĩa cho em thế nào là xét mình, Sơ Loretta đã nghĩ chắc khó lòng mà em có thể hiểu được. Nhưng câu truyện sau đây chứng tỏ là em đã hiểu. Sau khi em kể cho Sơ nghe một lỗi phạm do tính tự ái, với lòng thành tâm thống hối em đã thưa với Chúa, "Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, con xin lỗi Chúa". Maria Anna đã được Rước Lễ lần đầu lúc năm tuổi, và chịu phép Thêm Sức lúc lên sáu. Trong ngày chịu phép Thêm Sức, em đã chọn thánh Giuse làm quan thầy, vì ngày xưa Ngài đã chăm sóc cho Chúa Hài Đồng Giêsu và Mẹ Maria, thì ngày nay Ngài sẽ chăm sóc cho em.
Ba má Maria Anna rất yêu thương con, nhưng vì tài chánh eo hẹp nên ông bà rất ít khi có thể đến thăm con. Dù thấy con rất vui vẻ, nhưng ba em cảm thấy buồn vì phải cho con vào một bệnh xá. Khi Maria Anna lên sáu tuổi, ba má em đã đưa em về nhà, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, má em đã xin các Sơ nhận em trở lại. Bà cảm thấy em không được vui khi ở nhà. Dù rất mến gia đình, em vẫn cảm thấy dễ chịu hơn khi ở bệnh xá, vì ở đấy em tránh được những con mắt dòm ngó và những lời chế nhạo vì những tật nguyền của em. Mấy năm sau đó, gia đình em lại đưa em về nhà thêm một lần nữa, nhưng lần này cũng thất bại. Sau cùng, em đã được sống những năm cuối đời với những người em thương mến nhất.
Cũng trong thời gian đó, một tu sĩ Dòng khổ tu đến thăm em. Em đã kể cho Cha nghe về gia đình, về những đứa trẻ đã chế nhạo em. Cha đã hỏi em, "Maria Anna, con có muốn giúp cho những đứa trẻ đó nên tốt không? Chúng không được dạy bảo để nên tốt, nên chúng cần có người giúp đỡ". Maria Anna liền tỏ lòng muốn giúp đỡ. Cha liền dạy em những phương thế để thắng vượt các khó khăn em đang gặp, và dâng những hy sinh đó lên Chúa Giêsu Hài Đồng để giúp những đứa trẻ kia. Em đã không bao giờ quên bài học đó.
Với tính tình dễ thương và hoạt bát, Maria Anna đã có rất nhiều bạn. Nhiều người khi đến thăm em đã hỏi tại sao em không xin Chúa chữa bệnh cho em. Em chỉ trả lời một cách đơn Sơ: "Đây là điều Chúa muốn". Lúc này, em đã nhìn thấy được gương mặt mình trong gương. Điều làm mọi người kinh ngạc và ngưỡng mộ là thấy em hoàn toàn bình tĩnh tuân theo Thánh Ý Chúa.
Trong thời gian tại bệnh xá, một trong những điều làm Maria Anna vui sướng hơn cả là được chị Sue của em đến thăm và ở lại với em trót cả mùa hè. Sue là người thứ nhất trong gia đình đã theo gương Maria Anna gia nhập đạo Công Giáo. Trong mùa hè đó, Maria Anna được gặp một linh mục, em đã hỏi ngài xem em có được làm nữ tu hay không. Một Sơ vì nghe được câu hỏi đó, đã may cho Maria Anna và Sue mỗi em một chiếc áo dòng để mặc. Lần kia, trong khi Maria Anna giúp đỡ các bệnh nhân, Sue đến nhà nguyện của các Sơ Dòng Thăm Viếng để cầu nguyện. Khi Maria Anna biết được Sue đi cầu nguyện, em đã kêu lên, "Nếu chị Sue chỉ thích đến nhà nguyện để cầu nguyện, thì chị ấy phải vào dòng khác... Ở đây chúng tôi phải làm việc".
Maria Anna thích được giúp đỡ người khác. Nhiều lúc, chính vì sự chấp nhận một cách vui vẻ những tật nguyền của mình, Maria Anna đã khiến các bệnh nhân khác dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh của họ. Trong bệnh xá có một bệnh nhân hầu như đã liệt giường. Maria Anna thường đến chải tóc hoặc làm một vài việc vặt giúp bà. Một lần em hỏi bà có muốn cầu nguyện với em không, bà đã trả lời là bà không biết cầu nguyện. Em liền dạy bà cách cầu nguyện và còn xin mấy người khác giúp em nữa. Không bao lâu sau, em thật hân hoan sung sướng khi được làm "bõ đỡ đầu" cho bà trong ngày bà lãnh bí tích Rửa Tội. Một bệnh nhân khác cũng từ Kentucky đến. Bà đã bị chồng bỏ khi biết là bà mắc bệnh ung thư. Dù Maria Anna không biết hoàn cảnh của bà, em cũng nhận ra tâm hồn tan nát của bà. Em liền đem đến cho bà một ly nước, và trong mấy tuần lễ sau đó, em đã trở nên cô "y tá" đặc biệt cho bà. Chiều hôm trước ngày bà qua đời, bà đã nói với một Sơ, "Bây giờ tôi đã biết tại sao tôi từ tận Kentucky đến đây. Ngày xưa tôi cũng là người Công Giáo. Đã từ lâu tôi muốn trở về, nhưng không biết làm cách nào". Một lần nữa, Maria Anna đã giúp một linh hồn tìm lại được Thiên Chúa.
Hình như sứ mạng của em chính là sống cuộc đời mình trong sự chấp nhận tất cả những gì Chúa muốn xảy đến cho em, và từ đó, em lôi kéo mọi người đến cùng Thiên Chúa. Lời cầu nguyện hằng ngày của em là xin Chúa ban cho gia đình em được đức tin Công Giáo. Trong mấy năm sau khi Maria Anna rước lễ lần đầu, ba chị em của em đã theo gương em gia nhập đạo Công Giáo. Còn mẹ em thì trở lại đạo mấy tháng sau khi em qua đời.
Trong thời gian em ở bệnh xá, em hằng ước ao có được một em bé để săn sóc. Khi Maria Anna lên 11 tuổi, bé Stephanie đã đến với em. Bé Stephanie cũng bị bệnh ung thư. Cha mẹ bé không muốn trao bé cho bệnh xá tí nào; nhưng sau cùng, ông bà đã nghe theo lời Cha xứ để trao cho các Sơ săn sóc. Maria Anna đã có mặt khi ông bà đưa bé Stephanie đến. Nhận thấy rằng ông bà rất đau khổ, em đã an ủi ông bà, "Cháu không cầu xin cho bé bị bệnh; nhưng nếu em bé nào bị bệnh, thì cháu xin cho bé đó được đến đây". Sau này, mẹ của Stephanie đã chân nhận là câu nói của Maria Anna đã giúp bà hiểu được mục đích của Thiên Chúa khi cho bé vào đời. Trước đó, các bác sĩ đã nói với bà là bé Stephanie bây giờ hoàn toàn vô dụng, tốt hơn hết là để cho bé chết. Nhưng do câu nói của Maria Anna, bà đã có ý nghĩ khác. Bà nói: "Bé Stephanie không vô dụng. Có người cần bé. Đứa trẻ với gương mặt bị băng bó nhưng có một trái tim tràn đây tình yêu thương đang cần bé. Thái độ của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Và trong những tháng ngày sau đó, mỗi lần đến thăm bé, nỗi đau đớn của tôi đã được dịu đi phần nào, thay vào đó là một lòng biết ơn thầm kín đối với bé. Không những bé đã đem hạnh phúc đến cho Maria Anna, niềm hạnh phúc đó cũng tràn lan đến các bệnh nhân khác nữa".
Về phần Maria Anna, em đã chứng tỏ là một cô y tá tận tụy đối với Stephanie. Em không bao giờ phàn nàn mỗi khi bé Stephanie làm cho em mất ngủ ban đêm. Em an ủi vỗ về bé, giúp bé lúc ăn uống và săn sóc bé. Maria Anna cũng cảm thấy thật hạnh phúc khi một Sơ cho biết là em đã giúp đỡ các Sơ rất nhiều trong việc săn sóc cho bé Stephanie.
Đến tháng 9 năm 1958, bệnh tình của Maria Anna trở nên trầm trọng. Một Sơ vẫn còn nhớ một trong những niềm mong ước của Maria Anna là được trở nên một nữ tu. Mộng ước này đã thành tựu khi em được nhận vào dòng ba Đaminh. Các Sơ dự định nghi thức mặc áo dòng sẽ được cử hành tại phòng của em, nhưng Maria Anna đã xin để được tham dự nghi thức đó tại nhà nguyện. Từ nay, em sẽ là Sơ Loretta Dorothy.
Từ ngày đó, miệng em bắt đầu sưng lên, và dần dần em không còn ăn được như thường nữa. Dù vậy, em cũng không bao giờ than phiền. Khi ba má em đến thăm, một Sơ đã đề nghị để cho ông bà ăn ở ngoài phòng khách thay vì ở phòng của em như những lần thăm trước, em liền hiểu ngay. "Sơ nói đúng, vì thật là điều không hay khi ba má thấy con thật khổ sở trong khi ăn uống". Điều này tỏ ra cả trong những điều rất nhỏ mọn, em cũng luôn quan tâm đến ba má của em.
Một thời gian ngắn trước Lễ Giáng Sinh, một lần nữa cơn bệnh lại trở nên trầm trọng. Các Sơ đã đốt một cây nến đặt bên giường của em. Em không ngừng thưa cùng Chúa, "Lạy Chúa Giêsu, con mến Chúa".
Đến tháng Giêng, một chàng thanh niên theo giáo phái dùng lòng tin để chữa bệnh đã đến thăm Maria Anna. Khi bước vào phòng, chàng liền nói, "Xin Chúa Giêsu chữa em". Khi thấy em không đáp lại, anh ta lại nói câu đó thêm một lần nữa. Lúc này, em liền nhìn anh ta mà nói: "Tôi biết Chúa Giêsu có thể chữa tôi. Tôi biết Ngài có thể làm được mọi sự. Nhưng đối với tôi, tôi không để ý đến việc Ngài chữa hay không chữa. Vì đó là quyền của Ngài".
Maria Anna đã tắt thở khi đang ngủ vào đêm 18 tháng Giêng năm 1959, trong tay còn cầm cỗ tràng chuỗi em đang dùng để lần hạt Mân Côi trước khi đi ngủ. Lúc đó em mới 12 tuổi.
Trong thánh lễ an táng em Maria Anna, Đức Giám Mục Hyland đã nói, "Đối với con mắt người đời, cái chết của Maria Anna là một nỗi buồn khôn tả. Quan điểm này đã không nhìn ra được mục đích tối hậu của con người khi hiện hữu trên trần gian, đó là nhận biết, mến yêu và phụng sự Thiên Chúa, và chứng tỏ là chúng ta xứng đáng lãnh nhận nguồn hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài trên Thiên Đàng".
Đối với những ai đã biết em, tất cả đều tin rằng, trong mười hai năm sống trên đời, Maria Anna đã thực sự nhận biết, mến yêu và phụng sự Thiên Chúa của em.
Lạy Chúa, xin hãy tôn vinh con nhỏ của Chúa là Maria Anna Long, vì khi còn sống, Em đã mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Vì lời cầu bầu của Em, xin Chúa ban cho chúng con cũng được mến yêu và phụng sự Chúa trong anh chị em chúng con.
|