Xin hãy Ghi Công Những Nạn Nhân Thái Hà đang bị Nhà cầm quyền Hà nội đưa ra tòa VietCatholic News (Thứ Ba 28/10/2008) Xin hãy Ghi Công Những Nạn Nhân Thái Hà đang bị Nhà cầm quyền Hà nội đưa ra tòa
Kính thưa quý cha cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà,
Hai câu hỏi quý cha đưa trên website dcctvn.net:
1. Nếu giáo dân Thái Hà phá vài mét tường rồi sau đó nhà nước mang cơ giới đến ủi bình địa hơn hột hecta thì tại sao nhà nước lại bảo họ có tội nhỉ? 2. Và nếu họ gây ồn ào mất trật tự như chính quyền hô hoán thì chính quyền sẽ xử sao khi sau đó máy móc của nhà nước gầm rú suốt ngày đêm?
Để trả lời cho hai câu hỏi trên con nghĩ ta cần biết thông tin sau:
Năm 2005 ông Nguyễn Văn Hiện khi còn là Chánh án tối cao Quốc hội có nói, Việt Nam còn hơn 10.000 vụ án oan sai (VietnamNet ngày 26/11/2005). Mới đây ông Trần Thế Vượng, trưởng ban Dân vận của Quốc hội cũng nói trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội rằng, còn hơn 6000 đơn thư đề nghị bồi thường oan sai chưa được xem xét (VietnamNet, thứ sáu, 24/10/2008).
Như vậy hệ thống luật pháp cũng như toà án của nhà nước VN rất tồi và có nhiều “bóng đen”. Chắc chắn vụ khởi tố tám giáo dân trong vụ đòi đất Thái Hà sẽ là vụ án oan sai nối dài những án oan sai đã có (vì toà án VN xét xử không dự trên luật pháp cũng như không quan tâm đến bằng chứng nhưng theo sự sắp xếp, chỉ đạo từ trên). Do đó ta sẽ chẳng có phương kế gì hay để lật lại vấn đề. Theo con, Viện kiểm sát Nhân dân Quận Đống Đa đã ra bản Cáo trạng dành cho những giáo dân bị họ khởi tố, vậy sao quý cha không làm một bản “Công trạng” để nói lên sự thật và cũng là cách làm cho vụ án này bớt oan sai?
Chắc chắn quý cha viết bảng Công trạng cho những người này sẽ chi tiết và rõ ràng hơn nhưng con mạo muội và hình dung nó có thể như thế này chăng:
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI GIÁO XỨ THÁI HÀ
Hà nội, ngày 27 tháng 10 năm 2008
CÔNG TRẠNG
- Căn cứ vào sự thật lịch sử trên mảnh đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng - Căn cứ vào những gì diễn ra xung quanh vụ đòi đất của Giáo xứ Thái Hà trong những năm qua và đặc biệt trong tháng 8 và 9 năm 2008. - Căn cứ vào lương tâm con người, nơi không một điều luật, không một thế lực thù ghét nào có thể bóp chết.
Trên cơ sở sơ kết quả cuộc điều tra đã được xác định như sau:
Sau năm 1954, lợi dụng chức quyền trong tay, một số cán bộ nhà nước cùng Sở quản lý nhà đất Hà Nội đã chiếm bất hợp pháp (cướp) khu đất tại phố Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội mà không đếm xỉa đến chủ quyền là Giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.
Để có gì chia chác, Sở quản lý nhà đất Hà Nội đã giao diện tích đất này cho Xí nghiệp Thảm len Hà Nội sử dụng. Sau một thời gian, Xí nghiệp Thảm len Hà Nội làm ăn thua lỗ nên đã bán lại khu đất này cho Công ty may Chiến thắng với danh nghĩa là “sáp nhập”.
Công ty may Chiến thắng làm ăn cũng chẳng khá hơn Xí nghiệp Thảm len nên đã cổ phần hoá. Nói cổ phần hoá cho vui chứ thực chất là một nghệ thuật biến tài sản công thành tư. Một khi sản xuất ít, bòn rút lại nhiều thì không thể làm ăn có lãi. Đến năm 2007, Công ty cổ phần may Chiến thắng không còn khả năng hoạt động và đây là lúc các quan chức từ trên xuống dưới có ý định bán khu đất cho tư nhân để chia chác nhau.
Biết được việc làm sai trái của Xí nghiệp Thảm len và Công ty may Chiến thắng cũng như một số quan chức, năm 1996 Linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích đã có lá đơn khiếu lại liên quan đến khu đất này và những năm sau đó các linh mục Giáo xứ Thái Hà đều có đơn khiếu lại.
Từ đó đến nay, 12 năm trời trôi qua nhưng chính quyền vẫn không có những bước đi tích cực, thoả đáng đối với nguyện vọng của các linh mục và bà con giáo dân Giáo xứ Thái Hà.
Để khu đất không bị rơi vào tay tư nhân, không để cho những quan chức mất chất chia chác tài sản của cha ông mình, đầu năm 2008 cho đến nay bà con giáo dân xứ Thái Hà đã phản đối mạnh mẽ bằng cách cầu nguyện với tinh thần bất bạo động.
Phớt lờ tất cả, không đến xỉa gì đến những bằng chứng mà các linh mục và giáo dân xứ Thái Hà đã cung cấp, chính quyền Hà Nội đã lên kế hoạch bôi nhọ, xuyên tạc sự thật, dùng bạo lực để đàn áp.
Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật, người dân qua phương tiện thông tin nhà nước đã biết được giáo dân Thái Hà đang trải qua những khó khăn mà nhiều người trong họ cũng đã nếm phải nên rủ nhau kéo tới. Hàng ngàn giáo dân và đông đảo linh mục, giáo mục đã đến bày tỏ tình hiệp thông, liên đới với giáo dân Thái Hà và cầu nguyện cho công bằng, sự thật được sáng tỏ.
Phóng lao phải theo lao, chính quyền Hà Nội không loại trừ thủ đoạn nào để đàn áp các linh mục và bà con giáo dân, họ thuê côn đồ đến hành hung và đàn áp tinh thần kiểu “du kích” khi lần lượt bắt giam và khởi tố những người tham gia cầu nguyện.
Đứng trước sự phản đối mạnh mẽ từ người Công giáo cũng như ngoài Công giáo trong và ngoài nước, chính quyền Hà Nội nhanh chóng biến khu đất thành một vườn hoa công cộng.
Đối với những anh chị em bị chính quyền bắt giữ và khởi tố, sau khi tìm hiểu đã biết được sự thật như sau:
Chị Ngô Thị Dung: là giáo dân Giáo xứ Thái Hà nên ngay từ đầu đã biết được sự thật là thế nào, ai cướp đất của cha ông mình và chúng đang chia chác ra sao. Do vậy chị đã có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh đòi đất. Không chỉ tích cực cùng với bà con đọc kinh cầu nguyện, chị còn chịu khó dọn dẹp vệ sinh quanh khu đất. Đạp đổ những bất công, cướp bóc trắng trợn, chị cùng với nhiều người khác dùng gạch đập một đoạn tường mà Công ty may Chiến thắng đã dựng nên cách bất hợp pháp trên khu đất của cha ông mình. Chị bị bắt ngày 24/9/2008 và hiện đang bị giam tại Trại giam Hà Nội.
Ông Lê Quang Kiện: là giáo dân. Thời gian đã cho ông những kinh nghiệm và biết đâu là sự thật. Ông tích cực cầu nguyện cho sự thật. Không chỉ có thế, đôi lúc ông còn có công chăm sóc hoa nến cho Đức Mẹ tại khu đất. Ngày 15/8/2008, ông cùng với các linh mục, giáo dân Thái Hà đạp đổ “bước tường bất công” để tiến vào khu đất. Ông bị bắt giam từ ngày 28/8/2008 đến ngày 08/10/2008.
Chị Nguyễn Thị Nhi: Do đã trải qua những đau khổ của kẻ mất đất nên dù ở tận Hoà Bình chị đã cùng với một số chị em khác ra Hà Nội để hiệp thông với Toà tổng Giáo mục Hà Nội và bà con giáo dân xứ Thái Hà. Chị đã có kinh nghiệm đòi đất, vạch mặt kẻ tham nhũng nên chị trở thành đối tượng nguy hiểm đối với chính quyền Hà Nội. Chị bị bắt ngày 28/8/2008 đến nay chưa được thả và không biết bị giam ở đâu.
Bà Lê Thị Hợi: là giáo dân xứ Thái Hà. Hàng ngay bà cùng chồng vẫn tới nhà thờ giáo xứ cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Khi giáo xứ đòi đất bà là một người tích cực. Cũng như chị Dung, bà không chỉ tham gia đọc kinh cầu nguyện nhưng còn tích cực tham gia những công việc khác. Những người tích cực chịu khó như bà tuy không nguy hiểm gì đối với chính quyền nhưng bà lại trở thành đối tượng để chính quyền răn đe, đàn áp tinh thần những giáo dân khác. Bà bị bắt giam từ ngày 28/8/2008 đến ngày 26/8/2008.
Bà Nguyễn Thị Việt: Là giáo dân trong xứ, bà không thờ ơ với những gì đang xảy ra cho giáo xứ mình. Bà cũng như những người kia, dù có bị đe doạ nhưng không hề sợ hãi. Bà làm tất cả những gì có thể để bảo vệ sự công bằng cho cho giáo xứ.
Ông Phạm Chí Năng: Là giáo dân nhưng không thuộc xứ Thái Hà. Mặc dù nhà cách Hà Nội hàng chục cây số nhưng ông vẫn hay tới Thái Hà tham dự thánh lễ. Ông đã đến nơi có đầy đủ thông tin hai chiều, nơi sự thật không bị bóp méo nên ông hiểu rõ vấn đề. Ngày 15/8/2008 ông đã tham gia vào đoàn cầu nguyện tại khu đất và có công đập vài viên gạch trên “bức tường bất công”. Không sợ thế lực nào, ông còn quay lại khu đất để cùng với giáo dân Thái Hà cầu nguyện. Ông bị bắt giam từ ngày 17/9/2008 đến ngày 30/9/2008.
Anh Nguyễn Đắc Hùng: là giáo dân trẻ ở tận Thanh Oai nhưng khi biết được sự thật anh Hùng đã tới giáo xứ Thái Hà để cầu nguyện cùng với bà con tại khu đất. Anh là một trong ít người trẻ có công đạp đổ “bức tường bất công”. Anh bị bắt giam từ ngày 02/10/2008 đến ngày 08/10/2008.
Anh Nguyễn Thanh Hải: Là người trẻ nhất trong số những người bị chính quyền khởi tố. Trong vụ việc đòi đất vừa rồi, anh cũng đã góp công sức mình vào. Không chỉ tham gia cầu nguyện, anh anh cũng như những người ở trên còn có công đạp đổ “bức tường bất công”.
Từ những gì đã biết được như trên, Kết luận:
Khu đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng là của giáo xứ Thái Hà nhưng đã bị nhà nước chiếm dụng cách bất công và bất hợp pháp để giao cho Xí nghiệp Thảm len Hà Nội. Xí nghiệp này lại bán lại cho Công ty may Chiến thắng cách bất hợp pháp. Sau một thời gian làm ăn thua lỗ, cán bộ Công ty may Chiến thắng đã lập kế hoạch bán cho tư nhân để lấy hàng trăm tỷ đồng chia chác, đút túi. Từ những việc làm sai trái, bất chấp lương tâm của những người này, các linh mục và giáo dân xứ Thái Hà đã lên tiếng và quyết tâm không để cho khu đất của tổ tiên mình bị chia chác bằng những lá đơn tố cáo, những buổi đọc kinh cầu nguyện trong ôn hoà.
Không cần đối thoại hay để ý đến những chứng cứ rõ ràng các linh mục và giáo dân đã đưa để giải quyết dựa trên pháp luật, chính quyền Hà Nội đã dùng mọi thủ đoạn từ xuyên tạc thông tin, đàn áp bằng vũ lực cho đến bắt giam, khởi tố những người vô tội.
Trước sự phản ứng dữ dội từ dư luận trong nước đến dư luận nước ngoài, chính quyền Hà Nội không còn con đường nào tốt hơn đành biến khu đất đang tranh chấp thành vườn hoa công cộng.
Mặc dù sự thật chưa được đền đáp thoả đáng nhưng hiện tại khu đất đã không bị rơi vào tay tư nhân và đó là một thắng lợi trước mắt.
Như vậy có đủ căn cứ đế xác định những người sau đây đã có những công lao nhất định trong vụ việc đòi đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội và đấu tranh cho công bằng, sự thật:
1- Chị Ngô Thị Dung sinh năm: 1954 nơi ở: số 306 C3 TT Vĩ Hồ, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội
2- Ông Lê Quang Kiện sinh năm: 1945 nơi ở: Số 8 ngõ 162A Tôn Đức Thắng, P. Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội.
3- Chị Nguyễn Thị Nhi sinh năm: 1962 nơi ở: tỉnh Hoà Bình
4- Bà Lê Thị Hợi sinh năm 1947 nơi ở: số 8 ngách 62 ngõ Quan Trạm, P. Phổ Quan, Đống Đa, Hà Nội
5- Bà Nguyễn Thị Việt sinh năm 1949 nơi ở: A2 tổ 8 TT Thuỷ Tinh, P. Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội
6- Ông Phạm Chí Năng năm sinh: 1958 nơi ở: khu 9, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội
7- Anh Nguyễn Đắc Hùng năm sinh: 1977 nơi ở: thôn Đầm, xã Tân Hoà, Quốc Oai, Hà Nội
8- Anh Thái Thanh Hải năm sinh:1987 nơi ở: 63-B14 TT Nam Đồng, P.Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
Những việc làm và nỗi oan ức đã và sắp phải chịu của chị Ngô Thị Dung, ông Lê Quang Kiện, chị Nguyễn Thị Nhi, bà Lê Thị Hợi, bà Nguyễn Thị Việt, ông Phạm Chí Năng, anh Nguyễn Đắc Hùng, anh Thái Thanh Hải đã làm cho khu đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng không bị chia chác và bóc trần bộ nặt giả dối của chính quyền Hà Nội.
Quyết định: - Ghi ơn những anh chị em trên và xin mọi người tích cực giúp đỡ, cầu nguyện cho họ. - Kể từ nay, những anh chị em này là nạn nhân sự bất công xã hội chúng ta đang sống mà cụ thể là nạn nhân của sự bất công trong việc đi tìm công bằng, sự thật tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội.
Lm. Chính xứ Thái Hà ký tên, đóng dấu
Chào quý cha, quý thầy, kính chúc quý cha, quý thầy và bà con giáo dân xứ Thái Hà luôn bình an trong Chúa và Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp. Chúng con sẽ luôn đồng hành cùng quý cha, quý thầy và bà con giáo dân bằng lời cầu nguyện cũng như bằng lời nói, việc làm cụ thể để cuộc đấu tranh cho công bằng và sự thật đã được khơi lên đem lại kết quả tốt đẹp cho tất cả những ai đang bị oan khuất. Ngày Mới
|