MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lễ Ra Mắt Caritas Việt Nam
Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 10-2008
Lễ ra mắt Caritas Việt Nam
VietCatholic News (Chúa Nhật 26/10/2008)
LỄ RA MẮT CARITAS VIỆT NAM


Ngày 22-23/10/2008, Caritas Việt Nam tổ chức Lễ Ra Mắt tại TGM Xuân Lộc.

Tham dự Lễ Ra Mắt có 6 Giám mục: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Gm. Gp. Xuân Lộc, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Gm. Gp. Phan Thiết, nguyên Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Gm. Gp. Kontum - Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Gm. Gp. Phát Diệm; Đức cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Caritas Asia; đại diện một số tổ chức nước ngoài như: Caritas Internationalis, Caritas Asia, Caritas Germany, Secours Catholique-Caritas France, Catholic Relief Services (CRS), Catholic HIV/AIDS Network (CHAN); cùng tham dự có 96 đại biểu Caritas của 24 giáo phận (thiếu đại biểu Caritas Thanh Hoá và Phát Diệm), đại biểu của 8 Dòng Tu Nam và 16 Dòng Tu Nữ.

Qua 2 ngày, ban tổ chức đã giới thiệu cơ cấu tổ chức, đường hướng hoạt động của Caritas Việt Nam, cũng như giới thiệu một số chương trình hoạt động trong một số lĩnh vực như đào tạo nhân sự, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại thiên tai trước các tham dự viên trong nước gồm có 42 linh mục, 2 thầy dòng, 22 nữ tu và 20 giáo dân đang hoạt động trong lĩnh vực bác ái xã hội.

Từ chiều ngày 21/10, ban tổ chức đón tiếp ân cần các đại biểu từ các giáo phận miền Bắc, vùng cao nguyên, miền Tây. TGM Xuân Lộc với cơ sở rộng rãi, khang trang mới khánh thành ngày 26/9/2008, các tham dự viên được phục vụ tận tình chu đáo.

Ngày 22/10.

Ngày đầu tiên dành cho các bài phát biểu của các vị Giám Mục và đại diện tổ chức Caritas quốc tế, trình bày nội quy Caritas Việt nam và thánh lễ đồng tế.

Trong diễn văn khai mạc, Đức cha Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã chia sẻ rằng ngài rất cảm động và vui mừng vì được chào đón những người làm công tác từ thiện sau 32 năm xa cách. Ngài cũng nói lên sự cảm kích và biết ơn sự quan tâm của Caritas Internationalis và của Caritas Asia đối với Caritas Việt Nam, mà vị đại diện là Đức ông Robert Vitillo; cũng như của những người bạn của các tổ chức bác ái như Caritas Germany, Secours Catholique-Caritas France, Catholic Relief Services (CRS), Catholic HIV/AIDS Network (CHAN) đang hiện diện tại Lễ Ra Mắt này.

Ngài nhận định rằng trong quá khứ, do hoàn cảnh chiến tranh và những tuyên truyền chống phá nhau giữa các ý thức hệ, Caritas Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm đối với những hoạt động bác ái của mình. Và ngài hy vọng rằng sau Lễ Ra Mắt này, những hiểu lầm, nghi kỵ đó không còn nữa để tất cả mọi người Việt Nam có thể cùng cộng tác trong các công trình xây dựng tình thương.

Trong lời chào mừng tới tất cả các thành viên của Caritas Việt Nam có mặt tại Lễ Ra Mắt này, ngài nói: “Ai trong chúng ta cũng là thành viên của Caritas vì ai cũng có một con tim đang đập, một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng được Chúa Cha đổ tràn Thánh Thần tình yêu của Ngài để cùng có những rung cảm và hành động như Chúa Giêsu”. Và đây là một dịp tốt để tất cả mọi người “cùng suy tư, bàn luận và tìm ra những phương cách làm sống lại Caritas Việt Nam trong các giáo phận, các giáo xứ và từng tâm hồn con người”.

Ngài mời gọi mọi người hãy thay đổi cái nhìn của mình về Caritas, đừng nhìn Caritas như là một tổ chức từ thiện quy tụ một nhóm người tình nguyện ít ỏi như chúng ta vẫn nghĩ, mà phải hiểu nó như là “một hiệp hội mở rộng cho tất cả mọi người để thể hiện tình yêu bao la của Thiên Chúa qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, có tổ chức, có kỹ thuật, có hiệu quả cho những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần”. Chính vì vậy mà Caritas Việt Nam rất cần đến tất cả mọi người, từ các giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đến các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu giáo ưu tuyển. Tất cả hãy nên như “những tấm men hoà vào trong khối bột cộng đồng xã hội và dân tộc để làm dậy lên hương vị ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa”.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN nói lên tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì đã ban cho Giáo hội Việt Nam được tái lập tổ chức Caritas, để hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội địa phương đạt hiệu quả hơn, khi hoà nhập vào mạng lưới của Caritas Quốc tế trong Giáo Hội toàn cầu. Tiếp theo, ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền các cấp vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Caritas Việt Nam được tiếp tục hoạt động sau 32 năm tạm ngưng. Ngài hy vọng rằng trước những nhu cầu khẩn thiết của xã hội Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực giáo dục giới trẻ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các nạn nhân thiên tai hay nạn nhân xã hội, giúp đỡ những người nghèo khổ bệnh tật, bảo vệ môi trường sống, Caritas Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực để xoa dịu đau khổ và thăng tiến đời sống của anh chị em mình. Ngài cũng mong ước các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Caritas các giáo phận và giáo xứ, để hoạt động trong các lĩnh vực này cho xã hội mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn. Trong tinh thần đổi mới, Caritas không còn chỉ là một tổ chức từ thiện đơn thuần nhưng còn là một hiệp hội hướng đến sự phát triển cộng đồng để thúc đẩy mọi người trong xã hội quan tâm đến những thành phần yếu kém; mà hơn thế nữa, Caritas còn là một Hiệp hội Công giáo Tiến hành để thúc đẩy mọi người tín hữu thực thi lòng bác ái của Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô qua các hành động thiết thực cho những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần, như gương mẫu người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,33tt) hành động và phục vụ trong tình yêu (x. Gl 5,6; x. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31), để mọi người có thể cảm nhận được những giá trị phong phú của kiếp người trong tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, đã chia sẻ “bác ái chính là khởi đầu và là kết thúc của công cuộc loan báo Tin Mừng. Cần có một tầm nhìn mới và một con tim mới. Bác ái không phải là cho, là bố thí mà là trả lại cho người nghèo cái mà họ đáng được hưởng. Và cách chúng ta làm bác ái cũng là cách chúng ta đang trả lại cho Thiên Chúa, cách trả này được thể hiện qua những hành động cụ thể với một tâm tình tạ ơn và lòng khiêm tốn...”.

Đức ông R. Vitillo, đại diện cho Caritas Quốc tế, cho Tổ chức CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), và là một người từng gắn bó và yêu quý dân độc và Giáo hội Việt Nam. Ngài nói rằng mình thật vinh dự vì có cơ hội đại diện cho 162 quốc gia thành viên của Caritas Quốc tế chào mừng và chúc mừng Caritas VN nhân ngày Lễ Ra Mắt này. Cũng như tâm tình của những lần chia sẻ khác khi đến Việt Nam, ngài cho biết mình thật cảm động và vinh dự được giao trọng trách là người đại diện này; và rằng “dân tộc Việt Nam và Giáo hội Việt Nam có một chỗ đứng quan trọng trong tâm hồn” ngài, và nhất là ngài “luôn nhớ đến trong lời nguyện mỗi ngày”.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH - Caritas VN, cũng đã giới thiệu Caritas VN với nội quy, cơ cấu tổ chức và đường hướng hoạt động. Caritas có nền tảng Linh đạo Bác ái: “Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái... Họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu dạy chúng ta là: “Luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu” (x. Mt 22,40; Ga 15,12; CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes, số 38). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Trong phạm vi xã hội, sự thật này cũng y như vậy. Các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31; 14,1) để dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 580). Theo linh đạo này, mỗi hội viên caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu.

Sau phần phát biểu của các đại biểu, Lễ Ra Mắt được đánh dấu bằng Thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện của Toà Giám mục. Đức cha Chủ tịch HĐGMVN chủ tế và giảng lễ. Ngài nhắn nhủ rằng, buổi Lễ Ra Mắt hôm nay phải được ghi khắc như một Lễ Ngũ Tuần mới, Caritas được hình thành và được sai đi từ đó, phải làm sao để diễn tả được “ngôn ngữ của Đức Bác ái Kitô giáo”, một ngôn ngữ xuất phát từ nguồn là Chúa Thánh Thần. Và một điều quan trọng nữa là “trước khi thực hiện một hành động cho, chúng ta phải làm chứng tá của tình yêu Phúc Âm” (Cor Unum) bằng ngôn ngữ tình yêu.

Ban chiều, đại diện của các tổ chức Caritas Internationlis, Caritas Germany, Secours Catholique (Caritas France), Catholic Relief Service (Hoa Kỳ), CHAN (Catholic HIV/AIDS Network) cũng đã lần lượt giới thiệu về tổ chức của mình cũng như chương trình hoạt động tại Việt Nam. Những bài trình bày này giúp cho các tham dự viên cảm nhận mình đang hoà nhập vào mạng lưới Caritas toàn cầu, cũng như nắm bắt được những nhu cầu mà mọi người đang quan tâm.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Chủ tịch UBBAXH, cũng đã trình bày đề tài: Caritas và cuộc sống con người.

Cha Nguyễn Ngọc Sơn tổng kết ngày làm việc và hướng dẫn các tham dự viên tham quan nhà truyền thống Giáo Phận Xuân Lộc.

Ngày 23-10

Các tham dự viên đã thảo luận và góp ý để hoàn thiện bản nội quy và quy chế của Caritas Việt Nam, cùng lắng nghe 5 đề tài về Caritas và các vấn đề xã hội: Cách vận dụng Tài chính trong Hệ thống Caritas VN, Tiến sĩ Đoàn Liêng Diễm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương.Chương trình Phòng chống Ma tuý và Phục hồi cho người Nghiện Ma tuý, Thầy GB Đỗ Văn Lộc.Chương trình Trợ giúp các trẻ em (mồ côi, khuyết tật, thiểu số và trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn), Nữ tu Ter Đỗ Thị An.Caritas VN và các vấn đề xã hội, Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.Caritas Việt nam giúp được gì cho phụ nữ Việt nam ?, Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Lan Hải.Chương trình Phòng chống HIV/AIDS, Lm GB.Phương Đình Toại.

Thánh lễ Tạ Ơn do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh,Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng chủ tế và giảng lễ. Ngài chia sẽ những thao thức truyền giáo của Giáo hội Việt nam qua những hoạt động của Caritas.

Ngày làm việc thứ hai được ghi dấu đặc biệt bằng sự hiện diện của Đức cha Yvon Ambroise, người Ấn Độ, Chủ tịch Caritas Asia. Đáng lẽ ngài có mặt từ ngày 21-10, nhưng khi đến Bangkok thì được tin người rất thân với gia đình là linh mục sáng lập Đại học Ca múa Ấn Độ đột ngột qua đời, ngài đã vội trở về Ấn Độ để chia buồn, rồi sau đó, ngài mới trở lại Bangkok để đến Việt Nam vào sáng ngày 23-10. Điều này tỏ rõ lòng yêu mến của ngài đối với Giáo hội Việt Nam và với Caritas Việt Nam. Đức cha đã nói chuyện với đại hội về sứ mạng đồng hành của Giáo Hội với người nghèo, nhất là những người nghèo ở Châu Á. Chung quanh ta có biết bao nhiêu người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần mà ta cần phải xác định và nhận rõ khuôn mặt của họ là ai, và có bao nhiêu người. Họ là những người không có miếng cơm manh áo, nhiễm HIV hay nghiện ma tuý, bị bóc lột sức lao động và đánh mất nhân phẩm; nhưng họ cũng có thể là những con người bị đẩy ra khỏi đồng ruộng, vườn tược hay làm thuê trên chính mảnh đất của cha ông... Có xác định được họ, ta mới thấy rõ sứ mạng là mình cần làm gì hay có thể làm gì cho họ để thể hiện tình liên đới, để giúp họ sống đúng nhân phẩm và đứng vững bằng chính đôi chân của họ, nhất là giúp cho họ có thể đòi được những quyền lợi của chính họ mà người ta đã tước đoạt.

Hội nghị cũng đã ra mắt Ban Điều hành Caritas Việt Nam, trong đó có 24 vị trưởng Caritas giáo phận và 4 đại biểu đại diện cho các dòng tu được chọn vào Hội đồng Đại biểu Caritas Việt Nam (Lm. G.B. Phương Đình Toại, Dòng Camêlô; Lm. P.X. Đào Trung Hiệu, OP; Nt. Anna Nguyễn Tấn Sinh, Dòng Phaolô; Nt. Maria Đinh Thị Lan, Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn).

Lễ Ra Mắt Caritas Việt Nam đã kết thúc lúc 5 giờ chiều ngày 23/10. Rất nhiều công việc với những thao thức với những quyết tâm mời gọi những người đang trực tiếp tham gia vào công tác bác ái xã hội hãy bắt tay vào làm việc.

Hiện tại, công việc trước tiên mà Caritas Việt Nam phải làm là lập các văn phòng làm việc của Caritas giáo phận và trợ giúp phương tiện làm việc cho các văn phòng này, cũng như phổ biến hoạt động Caritas tại các xứ đạo. Caritas Trung ương cũng sẽ soạn các tài liệu, cẩm nang,… nhất là hoàn thành bản nội quy và quy chế của Caritas Việt Nam, đồng thời, xác định những vấn đề xã hội ưu tiên, những đối tượng nào cần sự trợ giúp thật sự, để lên chương trình hoạt động trong tương lai gần. Một điều khó khăn mà Caritas Việt Nam gặp phải là tìm những nhân sự có khả năng để làm việc tại Caritas Trung ương, Caritas giáo phận và giáo xứ. Theo Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thì nhân sự chúng ta không thiếu, vì ngay trong bộ phận tu sĩ, hiện đã có 276 người đã tốt nghiệp cử nhân xã hội, chưa kể còn có đến trên 200 người đang nhận học bổng của Misereor để hoàn thành cử nhân xã hội. Điều quan trọng là chúng ta phải phối hợp và liên kết với nhau: giữa các dòng tu, giữa các các tổ chức bác ái xã hội để những hoạt động bác ái của chúng ta có được hiệu quả và trở thành một hành động loan báo Tin Mừng.

Giáo hội Việt Nam hiện có 6.087.659 tín hữu, với 3.510 linh mục, 1.370 chủng sinh, 14.968 tu sĩ, 1.458 tu hội viên, 56.133 giáo lý viên. Đây là nguồn nhân sự lớn lao mà Caritas hy vọng có thể thôi thúc tinh thần bác ái yêu thương để hoạt động của tổ chức này thật sự mang tính cộng đồng.

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ họp thường niên, từ ngày 25-9-2008, tại Xuân Lộc, đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của Caritas Việt Nam trong Giáo hội Việt Nam. Caritas thật sự đã đổi mới bản chất và phương thức hành động khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chỉ định vị Hồng y đầu tiên, Oscar Andres Rodriguez, làm Chủ tịch Caritas Internationalis thay cho những người giáo dân giữ chức vụ này từ mấy chục năm nay. Hành động này như muốn xác định Giáo Hội toàn cầu muốn Hiệp hội Caritas đóng vai trò lớn lao hơn trong sinh hoạt của Giáo Hội và người tín hữu cần xác tín rằng “hoạt động bác ái chính là trách nhiệm của mỗi tín hữu và cũng là bản chất của Giáo hội Công giáo” như Đức Thánh Cha đã xác định trong Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), số 20.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Caritas Phan thiết

Caritas: Theo nguyên ngữ Latinh, từ Caritas có nghĩa là bác ái, là tình yêu bao la, là tình thương quảng đại hay hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo hội Công giáo đã khuyến khích thành lập nhiều tổ chức Caritas quốc gia để thể hiện tình yêu thương này ở khắp nơi. Caritas đầu tiên được thành lập vào năm 1897, tại Freiburg, Đức, sau đó được hình thành tại nhiều quốc gia khác như Thuỵ sĩ (1901), Áo (1903), Hoa Kỳ (Catholic Charities, 1910).

Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) là một tổ chức liên kết các hoạt động bác ái trên phạm vi toàn cầu của Giáo hội Công giáo. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện có 162 thành viên Caritas cấp quốc gia. Trụ sở được đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy. Caritas Quốc tế cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam

- Đầu năm 1965, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam (HĐGMVN) thành lập Caritas Việt Nam: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặc trách; Linh mục G.B. Hồ Văn Vui làm Giám đốc.

- Năm 1968, Caritas Việt Nam do Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách. Caritas Việt Nam bắt đầu nhắm đến các kế hoạch phát triển lâu dài.

- Năm 1969, vì các hoạt động xã hội đòi hỏi nhu cầu chuyên môn nên Caritas Việt Nam cộng tác với trường Cán sự Xã hội của Tu đoàn Nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn mở 2 khoá đào tạo nhân viên sơ cấp. Sau khi học xong, những cán sự xã hội này về làm việc trong các văn phòng Caritas Giáo phận, phòng phát thuốc, cơ sở dạy trẻ em nghèo, dạy phụ nữ cắt may…

- Năm 1972, Caritas Việt Nam do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặc trách. Ngài mở rộng hoạt động bác ái xã hội bằng việc thành lập cơ quan điều hợp các tổ chức, gọi là Hội Hợp tác để xây dựng lại Việt Nam gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam). Hội này gồm các thành viên: Caritas Việt Nam, Hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao công VN, CRS Hoa kỳ… Hội này được Đức cha Henri Lemaitre, Khâm sứ Toà Thánh, chúc lành và yểm trợ đắc lực. Hội xây dựng được nhiều làng định cư, nhiều trung tâm xã hội.

- Đầu tháng 7-1974, Linh mục Phêrô Trương Trãi, Giáo phận Nha Trang, được cử làm Giám đốc.

- Tháng 6-1976, Caritas Việt Nam được lệnh tạm ngưng hoạt động, bàn giao cơ sở và phương tiện cho Uỷ ban Quân quản TP. HCM.

- Ngày 19-09-2001, Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) được thành lập trong Đại hội VIII của HĐGMVN, tại Hà Nội, nhưng chỉ chính thức hoạt động sau kỳ họp ngày 26-09-2002, với sự tham dự của đại biểu các giáo phận và các dòng tu để lo các công việc từ thiện, phát triển, cứu trợ khẩn cấp và hoạt động xã hội như hiện nay. Uỷ Ban đã bầu ra Ban Thường trực tại Trung ương cũng như Ban Bác ái Xã hội tại các giáo phận.

Trong tinh thần hội nhập với thế giới, UBBAXH Việt Nam xin phép sử dụng lại tên Caritas Việt Nam và các tên Caritas Giáo phận cho thống nhất ở trong nước và phù hợp với mạng lưới Caritas toàn cầu.

Ngày 2-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi Công văn số 941TGCP-CP chấp thuận cho HĐGMVN tái lập Caritas ở cấp Trung ương và cấp giáo phận.

(Theo quy chế Caritas Việt nam)
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Người Việt Tại Đan Mạch Tổ Chức Diễn Hành Và Cầu Nguyện Cho Công Lý Tại Việt Nam (10/27/2008)
Người Công Giáo Việt Nam Và Học Thuyết Xã Hội Công Giáo (10/27/2008)
Nhân Đạo Hơn (10/27/2008)
Vinh Quang Và Hư Danh (10/27/2008)
Đức Mẹ Maria Có Đội Khăn Xếp Như Nam Phương Hoàng Hậu Không? (10/27/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Một Trăm Năm Hồng Ân: Giáo Xứ Trì Chính Phát Diệm (10/26/2008)
Trong Nước Của Bác Hồ (10/26/2008)
Giờ Bình An #164 Đức Viện Phụ Dôminicô Phạn Văn Hiền, Ngày 26/10/2008 (10/26/2008)
Hình Ảnh Đại Hội La Vang Tại Las Vegas 25.10.2008 (10/26/2008)
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Tin/Bài khác
suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật 30a - Mến Chúa Yêu Người (10/25/2008)
Cảm Nghiệm Medu 231: Mùi Hương Thơm Của Mẹ Medjugorje. (10/25/2008)
Cảm Nghiệm Medjugorje 230: Mẹ Medjugorje Ban Ơn Hối Cải. (10/25/2008)
Truyền Đạt Niềm Vui Òa Vỡ Trong Lòng (10/25/2008)
Phép Lạ Medjugorje #28, Câu Chuyện 24 (10/25/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768