HÃY THEO THẦY (Ga 21,19)Khi được hỏi về việc chọn một lời Thánh Kinh làm châm ngôn cho đời giám mục của mình, lập tức tôi nhớ lại bài giảng của Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI hiện nay, trong Thánh Lễ an táng Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Bài giảng hôm ấy được gợi hứng từ Tin Mừng Ga 21,15-19, và tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với Phêrô, cũng là thánh bổn mạng của tôi: “Hãy theo Thầy” (21,19).
Trong cách suy tư và khai triển của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tiếng gọi “Hãy theo Thầy” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, từ khi làm linh mục giữa thời chiến tranh đến khi lên ngôi giáo hoàng trong sự ngỡ ngàng của toàn thế giới, và cả đến khi tuổi già sức yếu, không cất nổi bàn tay ban phép lành cho dân chúng. Dù cuộc đời có trải qua những bước thăng trầm nào chăng nữa, thì vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Dù trong âm thầm tĩnh lặng của giờ cầu nguyện hay giữa tiếng ồn ào của thế giới truyền thông, vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Dù trong vinh quang của một nhà lãnh đạo được mọi người ca tụng hay trong nỗi cô độc trên giường bệnh, vẫn chỉ là những bước theo Thầy. Và tôi không ngần ngại chọn lời Thánh Kinh đó làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình: “Hãy theo Thầy.”
“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.
“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.
“Hãy theo Thầy” còn là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu.
Cũng vì thế, khi được hỏi là chọn huy hiệu như thế nào, tôi đã nghĩ ngay đến logo của Trung tâm mục vụ giáo phận Tp. HCM., là nơi từ đó tôi được gọi làm giám mục, và cũng là logo diễn tả tâm niệm của anh em chúng tôi khi cùng nhau làm việc ở trung tâm này. Logo đó làm thành bởi hai chữ M và V (Mục Vụ), được trình bày như hai trái tim đan quyện vào nhau, và ở giữa lòng hai trái tim là Thánh giá, là Tình yêu Giêsu.
Trong truyền thống Đông phương và chắc chắn cũng rất gần với truyền thống Thánh Kinh, theo Thầy không chỉ là theo bằng trí mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Phil 2,5). Đó lại chẳng phải là là cốt lõi của mục vụ đó sao? Làm mục vụ trước hết là để tâm của mình đan kết với tâm của Chúa, nhờ đó mới có thể đến với anh chị em mình bằng tâm tư của Chúa, và mới sống trọn nghĩa của đức ái mục tử, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Như thế, việc chọn lựa khẩu hiệu và huy hiệu vừa diễn tả điều vốn đã được ấp ủ từ lâu, vừa là ý thức về con đường phải đi tới và đi hoài. Dù con đường đó có êm xuôi hay trắc trở thế nào chăng nữa thì có điều chắc chắn là tôi không đi một mình, nhưng có rất nhiều anh chị em cùng đi, và điều quan trọng nhất là có Chúa cùng đi. Quả thật, không có người lữ hành nào là cô đơn cả, vì có Chúa cùng đi với họ (Virgil Georghiu).