MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Những Vụ Sát Nhân Nhỏ Nhoi
Thứ Năm, Ngày 23 tháng 10-2008

Những vụ sát nhân nhỏ nhoi
VietCatholic News (Thứ Năm 23/10/2008)
 
(Tóm lược lời phát biểu của Tổng giám mục Charles J. Chaput hôm 17 tháng 10 trước bữa cơm tối của tổ chức ENDOW (''Educating on the Nature and Dignity of Women'' Giáo dục về bản tính và phẩm giá của Phụ nữ)

Tôi đến đây không phải để nói cho quý vị phải bầu cử như thế nào. Tôi không muốn làm chuyện đó. Tôi sẽ không làm thế và tôi không dùng ngôn từ như một thứ mật mã – do đó quý vị không cần tốn thì giờ tìm kiếm những sự ủng hộ thầm kín về chính trị ở đây. Tôi có ý định nói một cách thẳng thắn, nhưng tôi chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu như quý vị nhớ rằng tôi đến đây trong vai trò một tác giả và một công dân. Tôi không phát biểu thay mặt cho Tòa thánh, hoặc cho các giám mục Hoa kỳ, hay bất cứ giám mục nào, cũng chẳng chính thức thay cho tòa tổng giám mục Denver. Vì thế những điều tôi nói là những quan điểm cá nhân, không hơn không kém. Tôi thíết tưởng những điều sẽ đề cập đều căn cứ vào giáo huấn Công giáo và trung tâm Giáo hội, nhưng chính bổn phận của quý vị, trong cương vị người Công giáo và công dân, là lắng nghe, phán đoán và rồi hành động những điều quý vị nghĩ là tốt đẹp nhất.

Là người đã trưởng thành, mỗi một chúng ta cần hình thành một lương tâm Công giáo vững mạnh. Thế rồi chúng ta cần theo lương tâm khi bầu cử. Và sau đó chúng ta cần gánh lấy trách nhiệm về những hậu quả do lá phiếu chúng ta bầu ra. Không ai khác có thể làm thế cho chúng ta. Đó là lý do tại sao thực sự hiểu biết và sống đức tin Công giáo là điều rất mực quan trọng. Duy nhất đó mới là sự hướng dẫn đáng tin cậy để chúng ta có thể họat động nơi môi trường công cộng trong vai trò người môn đệ Chúa Giêsu Kitô.

Render Unto Caesar

(Trả lại cho Xê-gia)

 

Vì thế xin nói trong ít phút về cuốn sách mới xuất bản của tôi: “Trả lại cho Xê-gia”. Khi người ta hỏi tôi về cuốn sách, các câu chất vấn thường nằm trong ba đề mục: Tại sao tôi viết cuốn đó? Cuốn sách nói gì? Và cuốn sách có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi một cá nhân người Công giáo chúng ta?

Bây giờ, tại sao tôi viết cuốn sách này? Câu trả lời thật giản dị: Một người bạn của tôi yêu cầu tôi viết. Hồi năm 2004, một luật sư trẻ tuổi tôi quen biết, có quan điểm phò sinh, theo đảng Dân chủ, ra tranh cử vào chức vụ công. Anh ta gần thắng thế trong một quận hạt nặng về phe Cộng hòa. Nhưng anh cũng khám phá ra rằng thật khó mà cùng một lúc, quyên góp tiền bạc, điều hành cuộc tranh cử, đồng thời duy trì được những niềm xác tín Công giáo của mình. Sau cuộc bầu cử anh ta yêu cầu tôi đem các tư tưởng về đức tin và chính trị đặt vào một hình thức để những người Công giáo trẻ tuổi có thể dùng được, những người suy tư về ơn gọi làm chính trị, vâng, quả thực đó là một “ơn gọi”.

Đó là chỗ cho tư tưởng khởi đầu. Nhưng tôi cũng còn một lý do khác để thực hiện cuốn sách. Thành thực mà nói, tôi chán nghe người bên ngoài cũng như kẻ bên trong dạy bảo người Công giáo hãy im miệng làm thinh về quan điểm tôn giáo và luân lý trong những cuộc tranh luận công khai lớn liên hệ đến tất cả chúng ta như một xã hội. Đó cũng như một hình thức bắt nạt, và tôi không nghĩ là người Công giáo nên chấp nhận như thế. Một lý do khác nữa cho việc viết nên cuốn sách này là khi tôi tìm tòi quanh quất xem có tài liệu nào giải thích ơn gọi chính trị cho người Công giáo theo một lối dễ dàng, chân chính và dấn thân thì thấy không có. Vì thế tôi đã nghĩ là mình nên thử viết xem sao, vì một người bạn nói với tôi cuốn sách sẽ “gần như tự động viết ra nội dung của nó.”

Vậy cuốn sách nói gì? Tôi thiết tưởng thông điệp của “Trả lại cho Xê-gia” có thể được cô đọng trong mấy điểm căn bản như sau:

Đây là điểm thứ nhất: Từ nhiều năm, những cuộc nghiên cứu cho biết người Mỹ có một ý thức rất nghèo nàn về lịch sử, và điều đó rất nguy hiểm, vì như các ông Thucydides, Machiavelli và Thomas Jefferson, tất cả đều nói rằng lịch sử mới là điều đáng kể. Đáng kể bởi vì quá khứ hình thành hiện tại, và hiện tại hình thành tương lai. Nếu người Công giáo Mỹ không biết lịch sử, và nhất là không biết đến chính lịch sử của mình trong vai trò người Công giáo, thì ai khác – thường là ai đó rất không thân thiện – sẽ tạo dựng ra lịch sử của họ cho chính họ.

Đây là điểm thứ hai: Mỹ quốc không phải là một quốc gia thế tục. Như đã có lần sử gia Paul Johnson nói, nước Mỹ “sinh ra đã theo đạo Tin Lành”. Hoa kỳ có những căn cội tôn giáo độc đáo và sâu xa. Dĩ nhiên nó không đặt đạo nào làm quốc giáo, và có những cơ chế công cộng không theo phe phái nào. Nó có vô vàn chỗ đứng cho cả người tin tôn giáo cũng như cho những kẻ không tin. Nhưng Hoa kỳ chưa bao giờ có ý định trở thành một quốc gia “thế tục” theo nghĩa triệt để thời hiện đại. Gần như hầu hết các vị Lập quốc đều là người Kitô hữu hoặc ít nhất cũng có cảm tình với tôn giáo. Và tất cả các cơ chế công cộng, tất cả những tư tưởng của chúng ta về con người đều dựa trên một từ vựng do tôn giáo hình thành. Vì thế nếu chúng ta cắt đứt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống công cộng, là chúng ta cắt đứt nền tảng ra khỏi các lý tưởng quốc gia chúng ta.

Đây là điểm thứ ba: Chúng ta phải rất tích cực trong việc bảo vệ ý nghĩa đích thực của những từ ngữ trong bảng từ vựng chính trị. Từ ngữ quan trọng bởi vì nó hình thành tư tưởng của chúng ta và tư tưởng phát sinh ra hành động. Khi chúng ta làm biến chất ý nghĩa của các từ như “công ích”, lương tâm”, cộng đồng” hoặc “gia đình”, là chúng ta phá hoại ngôn ngữ đã nâng đỡ tư tưởng của chúng ta về luật pháp. Ngôn ngữ bất lương dẫn đến những cuộc tranh luận không lương thiện và luật lệ tồi bại.

Đây là một thí dụ: Chúng ta cần nhớ rằng tolerance (bao dung, dung thứ) không phải là một nhân đức Kitô giáo và trong chính nó cũng không bao giờ có một mục tiêu. Trong thực tế, dung thứ trọng tội trong phạm vi xã hội cũng chính là một hình thức tội ác. Cũng thế, democratic pluralism (chủ nghĩa đa nguyên dân chủ) không có nghĩa là người Công giáo phải câm lặng nơi công cộng về các vấn đề luân lý nghiêm trọng vì ý thức lệch lạc về cách cư xử tốt. Một nền dân chủ lành mạnh đòi hỏi sự tranh luận mạnh mẽ về luân lý để tồn tại. Chủ thuyết đa nguyên đích thực đòi hỏi rằng người có đức tin mạnh mẽ phải phát triển niềm tin của họ nơi chốn công cộng – một cách an hòa, hợp pháp và tương kính, nhưng nhiệt tình và không e ngại, bối rối. Bất cứ điều nào ít hơn thế đều không phải là đức tính công dân tốt và là một hình thức mất mát trong những cuộc đàm luận công khai.

Đây là điểm thứ tư: Khi Chúa Giêsu bảo người Biệt phái và người theo phe Hêrođê trong sách Tin Mừng thánh Matthêu (22:21) hãy “trả cho Xê-gia những gì của Xê-gia và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” là Ngài đã đặt ra khuôn khổ cho chúng ta nên suy tưởng như thế nào về tôn giáo và về nhà nước, áp dụng cho cả thời đại hôm nay. Xê-gia quả thực có quyền bính. Chúng ta phải tôn trọng các thẩm quyền dân sự và tuân phục cho xứng hợp. Nhưng sự tuân phục đó được hạn chế bởi những gì thuộc về Thiên Chúa. Xê-gia không phải là Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là Thiên Chúa, và quốc gia phải phụ thuộc và có trách nhiệm với Thiên Chúa về cách đối xử của quốc gia đối với con người, tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng. Nhiệm vụ của chúng ta trong vai trò người tín hữu là nhận ra đâu là những điều thuộc về Xê-gia và đâu là những gì thuộc về Thiên Chúa – và rồi xếp đặt những sự đó theo đúng thứ tự trong cuộc sống chúng ta, và trong liên hệ của chúng với người khác.

Vậy sau khi đề cập đến những điểm đó rồi thì cuốn sách có ý nghĩa thế nào trong thực tế cho mỗi người chúng ta là những cá thể Công giáo? Có nghĩa là mỗi người chúng ta có nhiệm vụ học hỏi và lớn mạnh trong đức tin, do các giáo huấn của giáo hội chỉ đạo. Cũng có nghĩa là chúng ta phải có bổn phận tham gia vào chính trị. Tại sao vậy? Bởi vì chính trị là thực thi sức mạnh, và sự dùng sức mạnh luôn có một nội dung luân lý và các hậu quả trên con người.

Là người Kitô hữu, chúng ta không thể nói rằng mình mến Chúa mà lại lơ là với nhu cầu của người khác. Mến Chúa cũng giống như yêu thương người phối ngẫu. Một người chồng có thể nói với vợ rằng anh ta yêu nàng, và dĩ nhiên đó là điều rất tốt đẹp. Nhưng nàng vẫn còn muốn thấy bằng chứng trong các việc làm của anh ta. Cũng thế, nếu chúng ta tự xưng là người “Công giáo”, chúng ta cần chứng tỏ điều đó trong cách cư xử. Và phục vụ người khác bằng các hoạt động cho công lý và bác ái trong đời sống chính trị của quốc gia chúng ta là một trong những phương cách quan trọng nhất để thực thi điều đó.

“Sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước” không có nghĩa là – và không bao giờ có ý nghĩa là – tách biệt đức tin Công giáo ra khỏi đời sống làm chứng nhân của chúng ta nơi công cộng, ra khỏi các chọn lựa chính trị và các hoạt động chính trị của chúng ta. Sự tách biệt như thế sẽ bắt buộc người Kitô hữu từ chối căn tính của mình, bác bỏ lời Chúa Giêsu khi Ngài truyền cho chúng ta “làm men muối cho đời” và “làm môn đệ cho mọi dân tộc.” Sự tách biệt như thế loại bỏ nội dung luân lý chứa đựng trong một xã hội. Chẳng khác gì bảo một người có vợ rằng anh ta không được hành động như một người có gia đình ở nơi công cộng. Dĩ nhiên, anh ta có thể hành động như thế, nhưng đời sống vợ chồng của anh ta chắc sẽ không lâu bền.

Can a Catholic Support Him? Asking the Big Question about Barack Obama

(Người Công giáo có thể ủng hộ ông ta hay không? Đặt một câu hỏi lớn về Barack Obama)

Tôi bắt đầu viết cuốn sách “Trả lại cho Xê-gia” vào tháng 7 năm 2006. Những sửa đổi sau chót trong văn bản được thực hiện vào tháng 11 năm 2007. Đó là một thời gian dài trước khi chưa có ai được đề cử ra tranh chức tổng thống. Và chính là do nhà xuất bản Doubleday đã định ngày phát hành vào tháng 8 năm 2008, chứ không phải tôi, Do đó – không phải như cuốn sách mới đây nhan đề “Can a Catholic Support Him? Asking the Big Question about Barack Obama” của Giáo sư Douglas Kmiec, biện luận về vụ việc liên quan đến chuyện người Công giáo ủng hộ cho Thượng nghị sĩ Obama - tôi đã viết cuốn “Trả lại cho Xê-gia” không có ý định ủng hộ hay tấn công bất cứ ứng viên hay bất cứ đảng phái chính trị nào. Mục đích của cuốn sách “Trả lại cho Xê-gia” đơn giản chỉ là mô tả tiến độ đi vào đời sống chính trị của một người Công giáo chân chính và rồi khuyến khích người Công giáo Mỹ sống cuộc sống đó.

Giáo sư Kmiec đã có một thành tích tích cực phục vụ Giáo hội và đất nước trong quá khứ. Ông đã phục vụ dưới chính quyền Reagan, đã ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của Mitt Romney trước khi quay vào một đường lối rất công khai ủng hộ Barack Obama hồi đầu năm nay. Trong cuốn sách của mình, ông đã trích dẫn dài dòng từ cuốn “Trả lại cho Xê-gia” của tôi. Trong thực tế, ông cho biết rằng lý luận của ông và của tôi đều “không quá xa đòi hỏi luân lý cần thiết trong cuộc bầu cử năm 2008.” Thật đáng tiếc, là ông vừa hiểu không đúng vừa dùng không đúng các từ ngữ của tôi, và ông không thể bị hiểu lầm hơn thế nữa.

Tôi tin rằng Thượng nghị sĩ Obama, dù ông ta có nhiều tài năng khác nữa, cũng là một ứng cử viên tổng thống cam kết “quyền phá thai” hơn bất cứ ứng cử viên tổng thống nào thuộc cả hai đảng lớn kể từ khi quyết định về phá thai Roe v. Wade năm 1973 ra đời. Bất chấp điều Giáo sư Kmiec mô tả, cương lĩnh đảng để Thượng nghị sĩ Obama tranh cử năm nay không những chỉ “phò chọn lựa” một cách hung hãn mà nó còn loại bỏ bất cứ gợi ý nào nói rằng giết đi một đứa trẻ chưa sinh là một điều đáng ân hận. Về vấn đề sát nhân đối với trẻ chưa sinh – xin hãy nhớ rằng mục sư thời danh Dietrich Bonhoeffer đạo Luther đã minh thị gọi phá thai là “sát nhân” – cương lĩnh đảng Dân chủ phát xuất từ Denver vào tháng 8 năm nay rõ rệt là chống lại sự sống.

Giáo sư Kmiec lý luận rằng có những động cơ có thể chấp nhận được trong việc ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama. Với ý kiến của riêng tôi, tôi không biết có lý do cân xứng nào quan trọng hơn chuyện 40 triệu đứa trẻ chưa ra đời bị giết đi bằng hành động phá thai và hàng triệu phụ nữ đã bị thương tổn sâu xa do sự mất mát và ân hận vì phá thai tạo nên. Chủ trương rằng Thượng nghị sĩ Obama là một ứng cử viên phò sinh “đích thực” năm nay - như ý kiến một số người Công giáo – là điều cần đến một kiểu tự ru ngủ đặc biệt, hoặc lúng túng về đạo đức, hay điều nào đó còn tồi tệ hơn. Mô tả liên danh ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2008 như là một lựa chọn “phò sinh” được ưa chuộng hơn cả, là làm đảo lộn ý nghĩa của từ ngữ “phò sinh”. Bất cứ ai muốn theo dõi thành tích của Thượng nghị sĩ Obama về phá thai và các vấn đề liên hệ chỉ cần đọc bài tham luận công khai của Giáo sư Robert P. George nhan đề ''Obama's Abortion Extremism'' (Chủ thuyết cực đoan về phá thai của Obama) mới công bố hồi đầu tuần này và bài kế tiếp có tựa đề ''Obama and Infanticide.'' (Obama và tội giết trẻ sơ sinh). Những bài đó đề cập đến mọi chuyện cần phải đề cập.

Dĩ nhiên đây chỉ là quan điểm của riêng tôi trong vai trò một tác gia và một công dân cá biệt. Nhưng tôi biết ơn Giáo sư Kmiec vì đã trích dẫn tôi trong cuốn sách của ông và cho tôi lý do để được nói ra những điều khác biệt giữa ông và tôi một cách thật rõ ràng. Tôi thiết nghĩ những hoạt động của ông để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama, và công việc của những nhóm thân đảng Dân chủ như Catholics United and Catholics in Alliance for the Common Good (Liên hiệp Công giáo và Liên minh Công giáo phục vụ Công ích) đã là những hành động có hại cho Giáo hội, làm xáo trộn các ưu tiên tự nhiên của giáo huấn Công giáo về xã hội, phá hoại các tiến bộ mà những người phò sinh đã đạt được và cung cấp lý do cho một số người Công giáo bỏ qua vấn đề phá thai thay vì tranh đấu ngay trong nội bộ đảng và nơi thùng phiếu để bảo vệ trẻ em chưa ra đời.

Và đây là điều thật mỉa mai: Không có lời biện bác nào của người Công giáo nêu ra để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama là mới mẻ cả. Chúng đã có rồi, dưới hình thức này hay hình thức khác, từ hơn 25 năm nay. Tất cả đều tìm cách “đi ra ngoài” vấn đề phá thai, hay là giảm thiểu con số phá thai bằng phương tiện kinh tế, hoặc là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nơi phá thai không còn cần thiết nữa. Tất cả những luận chứng đó đều liên quan đến cách xử dụng sai lạc giáo huấn Công giáo về xã hội. Và tất cả, trong thực tế, đều tìm cách bối cảnh hóa, giáng cấp và rồi đặt làm đối trọng tội ác phá thai với các vấn đề xã hội quan trọng khác ít có cơ sở hơn. Đấy là một điều rất đáng buồn. Như lời mới phát biểu gần đây của Hồng y Chicago là Francis George, có quá nhiều người Mỹ “không có chút nhận thức nào về sự kiện trẻ con tiếp tục bị giết (bằng phá thai) và chúng ta như vậy sống trong một quốc gia thấm đậm máu. Điều này, theo thực dụng, không thể dùng để đối chọi quyết liệt với các vấn đề khác.”

Trong khi đó, sự vi phạm những quyền căn bản của con người ở trọng tâm vấn đề phá thai – cố ý phá hủy một mạng sống con người vô tội đang phát triển – lại bị từ ngữ diễn giải sai lạc như một tội ác khủng khiếp không thể chỉ sửa chữa bằng luật pháp. Tôi không tin như thế. Tôi nghĩ rằng lý luận như vậy là một sự lừa đảo. Và tôi cũng không nghĩ rằng bất cứ ai nghiêm chỉnh tin như thế lại có thể chấp nhận lý luận đó mà không thấy niềm tin của mình bị tổn hại. Chúng ta vẫn còn hơn một triệu vụ phá thai mỗi năm, và chúng ta không thể đổ tội đó là do các chính sách xã hội của đảng Cộng hòa. Suy cho cùng, chính một vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ, chứ không phải Cộng hòa, đã phủ quyết dự luật cấm phá thai từng phần – tới hai lần.

Sự thật là, đối với một số người Công giáo, phá thai là một vấn đề chẳng thoải mái gì khi nói tới. Nó gây ngượng ngùng. Nó không phải là một thứ công lý xã hội họ thích đề cập tới. Nó can thiệp vào những liên minh chính trị đương nhiên của họ. Và vì những vụ sát nhân do phá thai gây ra là “những vụ giết người nhỏ nhoi” – một thứ sát nhân nơi chốn riêng tư được pháp luật che chở, giết đi dễ dàng những sinh mạng ta không trông thấy – nên thật dễ dàng quay mặt làm ngơ.

Điều thực sự có tính chất mới trong các biện luận của người Công giáo đưa ra để ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama là cái vỏ bên ngoài của họ. Hệt như những người vận động hành lang phò phá thai đã cổ võ “''Catholics for a Free Choice'' “ (Người Công giáo ủng hộ Tự do Chọn Lựa) để thách thức giáo huấn Công giáo về vấn đề phá thai hơn hai thập niên trưóc đây, nay những người ủng hộ Thượng nghị sĩ Obama cũng đã làm những điều tương tự nhằm mục đích trung lập hóa chứng từ của các giám mục và phong trào phò sinh bằng cách đưa ra phương thức khác mang nhãn hiệu “Công giáo” để thay thế cho quan điểm của Giáo hội đặt ưu tiên vào sự thánh thiêng của những vấn đề liên quan đến sự sống. Tôi nghĩ đó là một chiến lược thông minh. Nhưng tôi cũng nghĩ nó lầm lạc và thường thiếu lương thiện.

Thật kỳ cục vì không thấy ai lo âu về chuyện “tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước” hoặc những can thiệp của tôn giáo vào lãnh vực công, khi có những tiếng nói tôn giáo cất lên để ủng hộ một ứng cử viên nào đó. Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Kmiec phàn nàn về nghị trình và ảnh hưởng của cái mà ông gọi là RFPs (Republican Faith Partisans – người có đạo theo phe phái Cộng hòa). Nhưng dường như ông cũng tỏ ra rất mực tán dương họ, bằng cách bắt chước. Nếu RFPs là xấu, có thể hợp lý chăng khi cho rằng DFPs (Democratic Faith Partisans – người có đạo theo phe phái Dân chủ) cũng nguy hiểm không kém?

Như tôi đã đề cập xuyên suốt cuốn “Trả lại cho Xê-gia”, điều quan trọng là người Công giáo phải là những con người có đức tin dấn thân vào chính trị để đạt được công lý, chứ không phải là những người làm chính trị dùng hoặc dùng sai lạc đức tin để đạt được quyền hành. Tôi không có chút nghi ngờ nào khi cho rằng Giáo sư Kmiec nằm trong nhóm thứ nhất vừa nói. Nhưng tôi tin là những lý luận của ông chung cuộc phục vụ cho nhóm thứ hai vừa kể.

Suốt 35 năm tôi đã chứng kiến hàng ngản những giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ Công giáo tốt lành tranh đấu để phục hồi một hình thức nào đó nhằm che chở về mặt luật pháp cho những em bé chưa ra đời. Những nhóm vận động hành lang phò phá thai đã chống mọi thỏa hiệp và mọi hạn chế về luật pháp đối với vấn đề phá thai, mọi bước trên con đường đó. Rõ rệt là họ tin tưởng vào niềm xác tín của họ hơn một số người Công giáo chúng ta. Và tôi nghĩ đó là một cáo trạng cho cả một thế hệ lãnh đạo Công giáo Mỹ. Cuộc xung đột về vấn đề phá thai chưa bao giờ đơn thuần chỉ là hủy bỏ Roe v. Wade. Và nhiều người chủ trương phò sinh tôi quen biết đang sống một thứ kỷ luật sâu xa hơn những vấn đề chính trị đơn thuần. Nhưng quả thực họ hiểu rằng nền tảng của giáo huấn Công giáo về xã hội là bảo vệ sự sống của con người từ lúc hoài thai đến khi chết tự nhiên. Quả thực họ hiểu rằng mọi quyền khác của con người đều tùy thuộc vào quyền được sống. Họ đã không, hiện nay không và sẽ không bỏ cuộc – Và họ sẽ không bị lừa dối.

Vì thế tôi thiết nghĩ: ai đó cho rằng cuộc chiến đấu chống phá thai đã bị thua trong vấn đề luật pháp, hoặc cho rằng ủng hộ một người lớn tiếng ủng hộ phá thai hợp pháp là một cách nào đó “phò sinh”, thì họ không những chỉ lầm lạc mà còn phản bội lại chứng tá của mỗi con người đang tiếp tục hoạt động để bảo vệ trẻ em chưa ra đời. Và tôi hy vọng họ biết cách làm sao giải thích được điều đó, bởi vì một ngày kia họ phải làm như vậy.

Trước khi kết thúc và đi vào phần chất vấn, xin cho tôi nói đôi điều về ENDOW. Betsy Considine, Marilyn Coors, Terry Polakovic và một số phụ nữ khác, những người đã thành lập ENDOW, đều là những nhà lãnh đạo phi thường. Sự thành công của ENDOW là một bằng chứng không phải chỉ về niềm hăng say và công việc cần cù của họ mà là của chính quý vị. ENDOW thành công bởi vì sứ điệp của tổ chức này gửi cho phụ nữ là điều chân thật.

Có những thời điểm khó khăn cho đất nước chúng ta. Ngay trong nội bộ Giáo hội chúng ta, nền kinh tế, chiến tranh Iraq, các vấn đề tổng quan về đời sống, và đặc biệt là cuộc bầu cử năm nay, đã tạo ra một không khí xung đột và lo âu sâu xa. Tôi xác tín điều Kinh Thánh dạy chúng ta đừng sợ hãi. Thiên Chúa dùng mỗi người chúng ta để canh tân thế giới nếu chúng ta để cho Người thực hiện đều đó. Thiên tài của phụ nữ là khả năng của họ biết yêu thương, pha trộn tài nghệ, sự thông minh và năng lực vào với kiên trì, hiểu biết, tôn trọng sự thánh thiêng của sinh mạng và lòng từ bi đối với những người khác.

Đó là loại hình lãnh đạo chúng ta cần tới, trong các cộng đồng đức tin, trong các dịch vụ công cộng và trong toàn thể xứ sở chúng ta. Bất kể điều gì xảy ra tháng tới hoặc những năm tháng trước mặt, ENDOW sẽ có một bàn tay nâng đỡ và làm tươi mới trái tim của Giáo hội. Đó không phải là một thành tích kém cỏi của một tổ chức còn mới mẻ. Tôi hãnh diện vì chứng tá của quý vị, hãnh diện vì những gì quý vị đã thực hiện và rất mực biết ơn vì sự phục vụ Giáo hội của quý vị. Xin Chúa chúc phước lành cho các bạn.

Phụng Nghi

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lại Suy Nghĩ Từ Một Bài Báo (10/24/2008)
Suy Niệm: Luật Yêu Mến (10/24/2008)
Thế Giới Tự Do Đã Để Ý Đến Vấn Đề Tự Do Tôn Giáo Và Nhân Quyền Tại Việt Nam (10/24/2008)
Bài Học Cảnh Giác Khi Làm Việc Với Quan Chức Csvn: Tự Nhắc Nhở Mình ''hãy Cẩn Thận, Có Chó Dữ'' (10/24/2008)
Suy Nghĩ Về Cách Viết Báo Của Người Kitô Hữu (10/24/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Miệng Người Lưỡi Hổ Mang (10/23/2008)
Giáo Xứ Bắc Dũng Hạt Xóm Mới Hiệp Thông Với Giáo Phận Hà Nội Trong Yêu Thương (10/23/2008)
Liên Minh Bất Hoà (10/23/2008)
Đường Tình (10/23/2008)
Tri Ân Đức Bà Mân Côi Pompei (10/23/2008)
Tin/Bài khác
Gương Chứng Nhân. (10/22/2008)
Lời Xin Lỗi Muộn Màng (10/22/2008)
Người Tôi Tớ Trung Thành, Người Chủ Chăn Nhân Hậu (10/22/2008)
Bài Medu 7, Năm 2005:cảm Nghiệm Của Chị Nancy Latta Tại Medjugorje, Nam Tư. (10/22/2008)
Bài Medu 6, Năm 2005: Cảm Nghiệm Của Anh Patrick Latta Tại Medjugorje, Nam Tư (10/22/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768