VietCatholic News (Thứ Năm 23/10/2008)
LÀM SAO ĐỂ YÊU THƯƠNG THA NHÂN NHƯ CHÍNH MÌNH?
(Chúa Nhật XXX TN A)
Là Kitô hữu, chúng ta không ít lần được nghe diễn giải về giới luật yêu thương là mến Chúa và yêu người. Đã từng có nhiều vị, vì muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ hổ tương giữa đạo mến Chúa và việc yêu thương tha nhân nên đã dùng hình ảnh hai mặt của một đồng tiền. Là hình ảnh minh hoạ dĩ nhiên vẫn có đó sự khập khiễng cần chấp nhận. Tuy nhiên cái hình ảnh hai mặt của một đồng xu xem ra không chỉ khập khiễng mà còn lệch chuẩn.
Chúa Kitô đã khẳng định: Người hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” ( Mt 22,38 ). Đã là điều răn đứng đầu và trọng nhất thì chỉ có một. Xét như loài thụ tạo thì nghĩa vụ thờ phượng Đấng tạo thành là nghĩa vụ hàng đầu và không có gì có thể thay thế. Nếu nhìn nhận mọi sự ta đang có, mọi sự đang là, đều do bởi lãnh nhận từ trên cao, thì việc thần phục đấng tạo Thành là chuyện mang tính sống còn. Nếu Chúa rút hơi lại thì không có loài nào được tồn tại.
Thiên Chúa ta thờ không chỉ là Đấng tạo thành mọi sự mà còn là Cha chí ái. Người không chỉ nhận ta làm con theo nghĩa được dựng nên giống hình ảnh của Người mà còn nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một chí ái của Người làm người là Đức Giêsu Kitô. Con người là chi mà Chúa đoái trông. Loài người là gì mà Chúa lại phó ban Con Một. Tất thảy chỉ vì Chúa muốn thông phần hạnh phúc cho chúng ta mà thôi. Như thế bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực là bổn phận liên hệ đến phần phúc loài người chúng ta.
Điều răn thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình. Chúa Kitô nói điều răn thứ hai “cũng giống” điều răn thứ nhất. Cái từ “giống” rất dễ bị hiểu lầm là tương đương, là ngang bằng. Tuy nhiên khi nói đến trạng thái “giống” là nói đến một sự phản ánh có điểm quy chiếu. Người ta nói cái hình, cái ảnh giống với người, với vật, với cảnh, chứ không nói ngược lại rằng người, vật, cảnh giống với hình, với ảnh. Tương tự như thế, người ta nói đứa con giống người cha chứ không bao giờ nói người cha giống đứa con. Như thế người cha là nguồn, là điểm quy chiếu của sự được gọi là “giống”.
Với hệ luận như trên thì điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa chính là nguồn, là điểm quy chiếu cho giới răn thứ hai là yêu người. Chính nhờ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, vì Người là Cha toàn năng chí ái nên ta mới có thể yêu mến nhau như anh chị em. Trong tình yêu mến Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa và bởi việc yêu mến Thiên Chúa, chúng ta mớ có thể yêu thương tha nhân cho dù họ dễ thương hay đáng ghét, cho dù làm ơn, làm phước cho ta hay làm hại và thù ghét ta…( x. Mt 5,43-48 ).
Điều răn thứ nhất là nguồn, là nền tảng của điều răn thứ hai. Sư thường, trên nguồn đầy nước thì hạ lưu sẽ có nước chảy. Dòng sông không bị ngăn chặn, nếu hạ lưu không có nước chảy thì chắc chắc trên nguồn đang thiếu nước hay không có nước. Theo lôgich này thì ta hiểu được lời của Thánh Gioan Tông đồ: Khi ta không giữ giới răn thứ hai là yêu người thì chắc chắn ta không giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa ( x.1Ga 4,20 ).
Có thể có nhiều người diễn giải rằng tuân giữ giới răn thứ nhất là mến Chúa thì dễ còn giữ giới răn thứ hai là yêu người thì rất khó. Một sự diễn giải như gần đời thường và có vẻ mang tình hiện sinh nhưng lại hơi lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn ở đây là nơi cách hiểu về đạo mến Chúa, vì người ta những tưởng rằng tuân giữ một vài hành vi tế tự, một vài nghi lễ thờ phượng bên ngoài là giữ đạo mến Chúa. ( vd: đọc kinh, tham dự Thánh Lễ…)
Quả thật, trong thực tế, sống đạo yêu người không phải dễ dàng. Ta có thể không ngược đãi và áp bức khách ngoại kiều, mẹ goá, con côi. Ta có thể cho vay mượn mà không kiếm lãi. Ta có thể trả áo choàng người nghèo cầm cố trước khi đêm về để họ có cái mà đắp ấm. Ta cũng có thể gặt lúa, hái cà phê mà không mót phần rơi vải, nhằm để cho người nghèo mót lượm. Tuy nhiên, để yêu thương người không mấy dễ thương, yêu thương người hành khổ, thù ghét, làm hại chúng ta thì không dễ chút nào. Người ta độc chiếm quyền lực, nguời ta ra sức vơ vét của cải cách bất công, người ta không màng chi đến người nghèo, không nghĩ chi đến tương lai dân tộc, người ta lại còn gian xảo bôi nhọ các Đấng bậc trong Hội Thánh và qua đó phỉ báng đạo thánh Chúa…, thì làm sao ta có thể yêu thương họ như chính mình đây ? Ngay cả những người cùng chung niềm tin, cùng một Hội Thánh mà vẫn không thiếu người thú nhận rằng đạo thì con giữ đạo nhưng con không thể làm hoà hay tha thứ cho mấy cái người làm hại con, làm hại gia đình con…Thử hỏi có bao nhiêu bà mẹ sẵn sàng nhận người giết con trai của mình làm con nuôi ? Thử hỏi số vị thánh Tử đạo sẵn sàng cầu nguyện và chúc lành cho kẻ giết mình có đến con số một vài triệu ? Vậy thì đại đa số người tín hữu Kitô có thực sự giữ giới răn thứ hai là yêu người chưa ? Thật khó trả lời. Nhưng ta có thể khẳng định rằng nếu ta cố tâm giữ giới răn thứ nhất thì sẽ có khả năng thực thi giới răn thứ hai. Vấn đề là giữ giới răn thứ nhất như thế nào.
Thiên Chúa là Đấng không ai thấy bao giờ. Nhưng Người đã nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha ( x. Ga 14,9 ). Và yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Thiên Chúa. Yêu mến Chúa Kitô là hãy ở lại trong tình yêu của Người và hãy giữ giới răn của Người ( x. Ga 14 23-24 ).
Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô nghĩa là hãy để cho Chúa Kitô yêu thương ta. Ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô là kết hiệp nên một với Người, là nên đồng hình đồng dạng với Người. Một trong những phương thế tuyệt hảo để ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô đó là liên lĩ cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để kết hiệp với Chúa, nên một với Chúa, để nhận biết Chúa mà yêu mến Chúa, để biết thánh ý Chúa mà thực thi ý Người. Nên một với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người thì ta sẽ biết cách yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta ( x. Ga 15,12 ). Và đây là giới răn mới mà Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta ngay đêm Tiệc Ly, trước khi Người chịu khổ nạn.
Vì biết cùng chung cha mẹ nên người ta nhận nhau là anh chị em., chứ không phải vì đã nhận nhau làm anh chị em nên mới biết mình cùng chung một mẹ cha. Tuy nhiên trong tình yêu, nhiều điều như nghịch lý vẫn hiện hữu. Dù không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi rằng khi anh chị em thương nhau là đã yêu cha mẹ, nhưng chính cha mẹ tự nhận lấy việc con cái yêu thương nhau là cách thế tốt đẹp mà chúng tỏ bày lòng hiếu thảo với mình. Cũng thế, là Tình Yêu, Thiên Chúa đã nhận việc loài người chúng ta yêu thương nhau là một phương thế yêu thương Người cách tốt đẹp. Chúa Kitô đã nói rõ chân lý này trong dụ ngôn ngày cánh chung ( x. Mt 25,31-46 ).
Mến Chúa và yêu người là trọng tâm sứ điệp Kitô giáo. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc lòng chân lý này. Tuy nhiên để thực thi đạo mến Chúa - yêu người thì cần phải biết Chúa, một sự “biết” theo nghĩa Thánh Kinh đó là gắn bó nên một với Chúa. Ngoài các giờ kinh nguyện, ngoài các buổi tham dự Phụng vụ, thì việc giữ tỉnh lặng khoảng năm, mười phút hay lâu hơn trong một ngày sẽ giúp ta can đảm và nhiệt thành mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình cách hữu hiệu.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
|