V. DANH THƠM THÁNH ĐỨC CỦA GIAXINTA
CÂU HỎI CHÓT
Tiến sĩ Galamba còn hỏi con một câu nữa, mà con chưa trả lời. "Người ta cảm thấy thế nào khi đứng trước em Giaxinta?" Trả lời câu này không dễ dàng được, vì con cũng chẳng rõ những gì xảy ra trong lòng người ta nên con chẳng biết họ cảm thấy thế nào. Con chỉ có thể nói con cảm thấy gì và một vài hình thức bên ngoài nơi người khác.
PHẢN ẢNH THIÊN CHÚA
Những gì con cảm thấy rất giống điều người ta cảm thấy trước một người thánh thiện luôn tâm sự với Chúa. Tính tình của em Giaxinta luôn nghiêm trang và dè dặt, nhưng cũng rất thân thiện. Mọi hành vi của em như phản chiếu sự hiện diện Thiên Chúa như những người già dặn và nhân đức. Con chưa hề thấy nơi em tính nông nổi hay bồng bột thích thú về trò chơi hay những thứ đẹp đẽ như tính của những con nít khác. Dĩ nhiên là con có ý nói từ sau khi Đức Mẹ hiện ra chứ trước đó thì em phải kể là khá nổi về hăng hái và bồng bột nhẹ dạ thay đổi! Các trẻ em khác hay vây quanh con hơn là vây quanh em, có thể vì em không biết nhiều bài ca và chuyện vui để dạy và góp vui cho chúng hoặc có thể vì tính hơi nghiêm trang của em dù còn nhỏ.
Nếu một trẻ nhỏ và ngay cả người lớn nói hay làm điều chi không nên trước mặt em, em dám nói liền:
- Đừng làm thế, phạm đến Chúa! Chúa bị xúc phạm nhiều rồi!
Đã có đôi lần xảy ra, nếu họ cãi lại và gọi em là bà thánh Mari, thánh dở mùa, hay một tên nào tương tự, em nghiêm nghị nhìn rồi bỏ đi chẳng thèm nói một lời nào nữa! Có thể đó là lý do em không được quí chuộng lắm. Nếu có con bên cạnh em, cả chục đứa trẻ vây quanh chúng con bất kể giờ giấc, nhưng nếu con đi thì em Giaxinta lại trở thành đơn lẻ độc hành ngay. Tuy thế khi con còn đó, bọn trẻ xem ra hứng thú ở với em Giaxinta lắm. Chúng vui đùa và ôm ẵm Giaxinta với tất cả sự thơ ngây vô tội của tuổi thơ. Chúng rất thích cùng em ca hát và vui chơi, đôi lần không có em Giaxinta ở đó chúng giục con đi kiếm em. Nếu em bảo em không muốn tới vì chúng hư thân xấc láo, bọn chúng sẽ hứa chơi tử tế nếu em chịu đến.
- Chị đi gọi nó đi, tụi em sẽ chơi đàng hoàng, nếu nó chịu đến!
Trong thời kỳ Giaxinta đau, con thường hay gặp một bọn trẻ đợi con ngoài cửa để cùng vào thăm bệnh nhân. Chúng có vẻ như bị giữ lại với vài nét kính trọng nào đó. Có lần con nói:
- Chị phải về bây giờ nhưng em có muốn chị bảo mấy đứa ở lại với em không?
- Có, chị bảo đứa nào nhỏ hơn em ấy nhá!
Đứa nào cũng đòi ở lại. Sau đó, Giaxinta dạy chúng kinh Lạy Cha,kinh Kính Mừng, dâng mình cho Chúa làm sao và nhiều bài ca. Ngồi ngay trên giường bệnh, hay nếu em khỏe hơn ngồi trên sàn phòng khách, bọn trẻ chơi "chắt" với những quả táo nhỏ, hạt dẻ, vả khô... mà cô con sẵn sàng cung cấp để con bà khuây khỏa đôi chút.
Giaxinta lần hạt chung với bọn trẻ, khuyên nhủ đừng phạm tội kẻo mất lòng Chúa và sa hỏa ngục. Một số em ở với Giaxinta cả buổi sáng và buổi chiều, có vẻ rất hài lòng. Nhưng khi đã rời thì chúng ít dám trở lại tự nhiên. Đôi lần chúng kiếm con, đòi con dẫn vào hay đợi ngoài cửa chờ con đến thăm rồi cùng vào, hay ít là cô con hay chính Giaxinta mời vào. Bọn chúng thích ở với Giaxinta, nhưng một sự mắc cở hay kính trọng nào đó giữ chúng xa xa.
GƯƠNG NHÂN ĐỨC
Người lớn cũng đến thăm Giaxinta. Họ đã nói rõ là họ rất phục đức hạnh Giaxinta, lúc nào cũng thế, luôn nhẫn nại, không đòi hỏi, phàn nàn chi. Khi má em rời em, nếu em nằm chiều nào em cứ nằm nguyên như thế. Nếu họ hỏi thăm bệnh tình có bớt không, em trả lời: "Cũng vẫn vậy thôi" hay "Cám ơn bác, cháu nghĩ nặng hơn chút xíu". Xem em có vẻ buồn buồn khi em nÄm yên lặng trước mặt khách tới thăm. Nhiều người ở lại rất lâu cạnh giường bệnh và xem ra rất hài lòng được ở đó. Nhưng cũng làm Giaxinta khổ sở vì hỏi han dài dòng lôi thôi, dù thế Giaxinta đã không bao giờ tỏ ra bất mãn khó chịu nhưng về sau chỉ nói cho con:
- Đầu em nhức kinh khủng sau khi nghe họ thăm hỏi! Bây giờ thì đâu chạy trốn và ẩn nấp được nữa. Em xin dâng Chúa hết những hy sinh này.
Đôi lần láng giềng mang theo cả quần áo họ đang khâu để họ ngồi và khâu cạnh giường bé.
- Tôi sẽ làm một chút bên Giaxinta. Tôi không biết nhiều về Giaxinta nhưng tôi thích ở bên Giaxinta lắm.
Họ cũng mang cả con nít theo để chúng chơi giỡn với Giaxinta cho họ rảnh rang khâu vá.
Khi người ta hỏi, em trả lời cách thân thiện nhưng ngắn gọn. Nếu họ nói điều chi mà em nghĩ là không nên, em mau lẹ ngăn chặn:
- Đừng nói thế, phạm đến Chúa đấy.
Nếu họ kể lại những chuyện đáng buồn về gia đình họ, em trả lời:
- Đừng để con cái phạm tội kẻo chúng sa hỏa ngục.
Nếu có người lớn can dự vào đó, em nói:
- Bảo họ đừng làm thế, tội đấy. Xúc phạm đến Chúa, sau này họ sẽ có thể bị luận phạt.
Những người từ xa đến thăm chúng con và vì tò mò hay thành kính đều có vẻ cảm thấy một cái gì siêu nhiên nơi Giaxinta. Có lần họ đến nhà con để gặp con có nhận xét:
- Chúng tôi vừa được nói chuyện với Phanxicô và Giaxinta. Khi ở với hai em, chúng tôi cảm thấy một cái gì siêu nhiên.
Có bữa họ đòi con giải thích sao họ lại cảm thấy thế. Vì con không biết, nên con chỉ nhún vai im lặng. Người ta rất thường nói với con, họ có cảm tưởng như thế nơi Giaxinta.
Một bữa, hai linh mục và một ông đến nhà con. Lúc má con mở cửa mời khách vào nhà, con mau lẹ trèo lên gác xẹp ẩn. Sau khi mời khách ngồi uống nước, má con bỏ khách đó để ra vườn sau gọi con, vì má con vừa cùng con ở vườn sau. Chẳng thấy con, má con xin lỗi khách ngồi chờ để bà kiếm. Trong lúc ngồi chờ, quí khách bàn về chuyện gặp Phanxicô và Giaxinta.
- Có lẽ chúng ta sẽ nhờ cô em này nói cho chúng ta hay!
- Điều tôi cảm thấy là sự trong trắng và chân thành của Giaxinta và anh cô. Nếu cô này không có chi khả nghi, tôi có thể tin được. Tôi thực không biết diễn tả những gì tôi cảm thấy khi ở trước hai em đó.
- Hình như người ta cảm thấy một cái chi siêu nhiên.
- Tôi cảm thấy tâm hồn sảng khoái và hứng thú lắm khi nói với hai em đó. Má con không kiếm ra con và ba quí khách đành chấp nhận ra về dù chưa gặp con. Má con đã thưa:
- Có lần cháu đi chơi với các trẻ em mà chẳng sao kiếm ra nữa!
- Xin cám ơn bà và xin lỗi vì phiền bà quá! Chúng tôi đã may mắn được nói chuyện với hai em rồi và chúng tôi muốn gặp con bà nữa; nhưng thôi được, chúng tôi sẽ trở lại gặp cháu vào dịp khác.
Chúa Nhật kia, các bạn con ở Moita là Maria, Rosa và Ana Caetano và Maria và Ana Brogueira có đến gặp má con sau lễ để xin phép cho con sang bên nhà họ chơi. Họ lại bảo con rủ cả Giaxinta và Phanxicô đi với. Con xin cô con và cô đồng ý nên cả ba chúng con cùng đi Moita. Sau cơm trưa, Giaxinta buồn ngủ quá nên gật gù hoài. Ông José Alves bảo người dẫn em vào giường ngủ. Chỉ một chút là em ngủ ngon lành. Các người trong xóm tụ tập với chúng con suốt chiều đó. Họ nóng lòng muốn gặp em Giaxinta đến nổi ngó xem em đã thức chưa. Nhưng họ ngạc nhiên hết sức khi thấy dù đang ngủ say em vẫn giữ nụ cười, ánh nhìn thần tiên, hai tay nối lại, hướng về trời. Phòng ngủ chật ních những người hiếu kỳ. Mọi người đều muốn xem em, nhưng những người vòng trong thì lại chậm chạp nhường chỗ cho người đến sau. Ông bà Alves và các cháu đều nói:
- Đúng là một thiên thần!
Quá cảm động, họ quì xuống bên giường tới chừng bốn giờ rưỡi, con vô đánh thức em dậy để con đi Cova da Iria lần hạt rồi về nhà. Các cháu của ông bà José Alves thuộc về dòng họ Caetano con đã nói ở trên.
PHANXICÔ KHÁC GIAXINTA
Ngược với Giaxinta, Phanxicô lại khác hẳn. Em dễ dãi và luôn thân thiện, cười vui, chơi với mọi trẻ mà không phân biệt. Em không la mắng ai. Hễ thấy chi không nên không phải là em tránh đi chỗ khác. Nếu họ hỏi tại sao em bỏ đi, em trả lời:
- Vì các bạn không tử tế. Hoặc:
- Vì tôi không thích chơi nữa!
Khi em bị đau, trẻ ra vào phòng em tự do lắm, nói chuyện với em qua cửa sổ, hỏi thăm sức khỏe... Nếu hỏi có muốn ai ở lại với em không, em sẽ nói không, vì em thích ở một mình. Có lần em đã nói với con:
- Em chỉ thích chị ở đây, cả Giaxinta nữa!
Khi người lớn đến thăm, em thường yên lặng, và chỉ trả lời khi người ta hỏi trực tiếp một cách ngắn gọn bao nhiêu có thể. Dù láng giềng lân cận hay khách lạ miền xa đến thăm thường ngồi rất lâu bên giường. Một nhận xét quen thuộc là:
- Tôi không biết gì về Phanxicô, nhưng tôi cảm thấy khoan khoái được ở đây.
Một nhóm các bà trong xóm đã nói điều này với má con và má Phanxicô, sau khi đã ở lại trong phòng Phanxicô khá lâu:
- Như một điều bí nhiệm không sao hiểu nổi, các em cũng chỉ là con nít như bao đứa trẻ khác, các em lại chẳng nói gì với chúng tôi. Tuy thế, ở trước mặt các em người ta cảm thấy một cái gì không thể giải thích được và đó là điều khác biệt với các trẻ khác.
- Tôi cảm thấy một cảm giác bước vào nhà thờ mỗi lần vô phòng Phanxicô. Đó là cảm tưởng của bà Romana, người tỏ rõ không tin gì ở sự hiện ra. Nhóm các bà còn có các bà Manuel Faustino, José Marto, José Silva.
Riêng con không ngạc nhiên gì khi người ta cảm thấy như thế, vì quen thuộc nhìn thấy mọi người lo lắng bận rộn với vật chất, là những cái đem lại một đời sống trống vắng và giả tạo. Thật thế, chỉ một bóng dáng của các em cũng đủ để nâng tâm trí lên Mẹ trên trời, Đấng mà các em được phúc chuyện trò; cũng đủ để người ta nghĩ đến chuyện đời đời, vì họ nhìn thấy các em hăng hái, vui mừng, hạnh phúc biết mấy khi các em nghĩ sẽ về đó; cũng đủ để người ta nhớ đến Chúa, vì các em nói các em yêu Chúa hơn cả ba má; và cũng đủ để nghĩ đến hỏa ngục nữa, vì các em cảnh cáo người ta sẽ phải vô hỏa ngục nếu họ tiếp tục lỗi phạm đến Chúa. Dù bên ngoài có thể nói được là các em cũng như muôn ngàn trẻ em khác. Nhưng nếu người ta dù quen biết với những gì vật chất, biết nâng tâm hồn lên một chút, họ sẽ dễ dàng nhìn thấy có một cái gì khác biệt các trẻ khác.
Con vừa nhớ một điều khác liên hệ đến Phanxicô:
Bà Mariana, quê ở Casa Velha, đến thăm Phanxicô. Bà ta rất buồn bực vì chồng bà đã đuổi cậu con trai khỏi nhà. Bà đến xin cầu nguyện cho cậu biết thống hối trở lại với gia đình. Phanxicô bảo bà:
- Đừng có lo, cháu sắp về trời rồi. Khi nào về đấy, cháu sẽ xin Đức Mẹ ban ơn đó cho.
Con không nhớ Phanxicô còn sống được bao lâu nữa nhưng con nhớ chắc là vào chiều chính ngày Phanxicô qua đời, cậu con trai đã trở về nhà xin ba tha thứ. Ông này đã từng từ chối không cho cậu về, vì cậu không nhận điều kiện ông đặt cho. Nay cậu nhận mọi điều kiện cha đòi hỏi và hòa thuận trở lại mái ấm gia đình. Bà chị của cậu con trai này, Leocadia, về sau lập gia đình với ông anh của Phanxicô. Bà là mẹ của đứa trẻ mà Đức Cha đã gặp ở đồi Cova da Iria khi đi thăm gia đình Dorothean.
LỜI CUỐI
Kính thưa Đức Cha, con tưởng đã ghi lại mọi chuyện Đức Cha dạy con làm. Cho tới nay, con vẫn gắng giữ kín những điều bí nhiệm của việc Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria. Hễ con phải nói, con cẩn thận lướt qua, tránh tiết lộ những gì con muốn giữ kín. Nhưng nay đức vâng lời đòi con điều đó, con xin dâng hiến! Con có cảm tưởng như một bộ xương ở bảo tàng viện quốc gia, bộ xương bị tước đoạt mọi sự, dù sự sống. Bộ xương đó nhắc nhớ du khách tới sự khốn cùng và hư vô của mọi sự chóng qua cũng bị tiêu hủy như thế, con sẽ được giữ nơi bảo tàng viện thế giới để nhắc nhủ mọi người, không phải sự khốn cực và hư không, nhưng là điều trọng đại của Tình Chúa xót thương.
Ước chi Thiên Chúa toàn thiện và Trái Tim Vô Nhiễm Tội Mẹ Maria đoái nhận những hy sinh hèn mọn này mà các Đấng đòi hỏi nơi con, để làm sống động trong các linh hồn tinh thần của Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến.
Tuy, ngày 8 tháng 12 năm 1941
GHI CHÚ HỒI KÝ BỐN
1. Chị đang viết trên sàn gác trần nhà Tập ở Tuy.
2. Đoạn nhập đề này tỏ rõ tài văn chương và giáo dục của Lucia và cho thấy chị có khả năng quí hóa về viết văn.
3. Tuy nhiên Lucia không hề có ý nói chị cảm thấy "linh ứng" theo nghĩa Thánh Kinh.
4. Phanxicô là em họ về họ nội.
5. Có thể nói là Phanxicô có ơn về chiêm niệm.
6. Ngày 11 tháng 8, Ba của Lucia dẫn chị ra trình diện trước chính quyền. Ông Ti Marto không chịu dẫn các con ông.
7. Cậu ta nói về cuộc hiện ra tháng 6 và tháng 7. Các em thấy Chúa trong ánh sáng mầu nhiệm mà Đức Mẹ thông cho.
8. Sườn dốc nguy hiểm trên bờ Đại Tây Dương ở Bồ.
9. Chính Lucia quan sát thấy.
10. Ngày hôm sau là 4 tháng 4 năm 1919 lúc 10 giờ sáng.
11. Đó là lý do tại sao chị Lucia đã không viết phần ba của bí mật ở đây.
12. Lần thứ bảy này đề cập đến ngày 16 tháng 6 năm 1921 áp ngày Luxia đi Vilar de Porto. Lần hiện ra này có sứ điệp riêng cho Luxia nên chị coi là không cần thiết để kể lại đây.
13. Điều này có nghĩa "lâu lắm".
14. Bởi vì vội vã, chị bỏ sót phần của đoạn này nơi tài liệu khác người ta đọc được: "Mẹ hứa phần rỗi cho những ai yêu mến sự sùng kính Trái Tim đó, các linh hồn đó được Chúa yêu thương sẽ như những bông hoa chính Ta đặt tô điểm ngai Chúa".
15. Đây là "Bắc Rạng Đông" vào đêm 25 tới 26 tháng 1 năm 1938 là một Bắc Rạng Đông ngoại lệ, Luxia đã coi đó như điều Chúa cho biết như lời hứa trước.
16. Coi phụ bản 1.
17. Coi phụ bản 2.
18. Luxia đã nhớ lầm việc hiện ra xảy ra cùng ngày các em trở về từ Vila Nova de Ourém. Điều này không đúng. Việc hiện ra đã xảy ra vào Chúa Nhật 19 tháng 8.
19. Luxia không có ý nói chiến tranh chấm dứt cùng ngày. Nhiều vô số những câu hỏi làm chị cảm thấy như thế.
20. Do nhà xuất bản Brazilian.
21. Đây là cây sồi lớn đã được giữ lại khá lâu.
22. Cuộc phỏng vấn diễn ra tại Pontevedra từ 16 tới 20 tháng 9 năm 1935. Antero de Figueiredo (1886 - 1935) dùng cuộc phỏng vấn cho tác phẩm của ông "Fatima: Ơn Phước - Bí Mật - Mầu Nhiệm" (Lisbon 1936). 23. Như chúng tôi đã nói, đối với chị Luxia lần hiện ra thứ bảy và những hậu quả khác không liên hệ tới đây.
|