LỜI ĐẦU
Của Linh mục Tiến sĩ Joakim Alonso, CMF.
GIỚI THIỆU CÁC HỒI KÝ CỦA CHỊ LUCIA
Trước khi có lời giới thiệu cho toàn ấn bản các Hồi ký, chắc độc giả muốn có một ít lời vắn tắt trình bày ý hướng của chúng tôi, chúng tôi tự giới hạn cho mình và chúng tôi tự thích ứng thủ tục làm việc.
Ấn bản những Hồi ký cuả chị Luxia là bản dịch trung thành và chân thực với bản gốc tiếng Bồ, hiện được lưu trữ tại Văn khố Tòa Giám mục Leiria. Chúng tôi mắc nợ Đức Cha Dom Albertô Cosme do Amaral đã ban phép xuất bản tập Hồi ký này. Dĩ nhiên, đây không phải là những lời bình phẩm theo nghĩa đúng cuả từ ngữ này. Chúng tôi phiên dịch bản chính và mô phỏng những từ ngữ của chị Luxia một cách cẩn thận và chính xác bao nhiêu có thể. Một ấn bản bình luận tổng quát sẽ được in cách vắn tắt- Chúa muốn thế- như là một việc phụ thêm, tựa đề: "Tiến sĩ Gioakim Alonsô- Fatima: Những nghiên cứu bình luận và Bản dịch".
Do đó, công việc hiện tại là ấn bản giá trị,đơn sơ và bình dị làm mọi người ngạc nhiên. Chúng tôi không nói "bình dị" để tránh những đòi hỏi phê bình văn chương, dầu chúng tôi không muốn gặp những yêu sách đó ở đây. Chẳng hạn không cần phải lưu ý độc giả về những chú thích và nguồn mạch phát xuất mà tài liệu nói tới. Độc giả chỉ cần được bảo đảm rằng, trong phần giới thiệu và trong các ghi chú, chúng tôi không thêm điều gì không có nguồn gốc trong phần bình luận mà chúng tôi hy vọng ấn hành song song.
Công việc "bình dị" như vậy cũng đòi vài giới hạn. Không cần phải tăng thêm những tham khảo và ghi chú. Mục đích để các độc giả thấu hiểu văn bản cách dễ dàng, chúng tôi có những giải thích cần thiết mỗi khi chúng tôi thấy rằng từ ngữ hay những đoạn văn của chị Luxia cần phải được làm sáng tỏ hơn. Đây cũng là căn bản cho công việc chúng tôi làm. Chúng tôi không nghĩ rằng nên khuyến khích ấn loát văn bản y nguyên như chị Luxia đã viết- dầu chị đã viết cách rất sáng sủa và bình dị lạ thường- mà không phân chia theo lối thông thường bản văn này thành nhiều đoạn. Do đó, chúng tôi đã phân chia bản văn Hồi ký thành nhiều phần, chương, đoạn, như chính bản văn và theo cơ cấu lý luận đòi hỏi. Và cũng để làm cho độc giả thấy sáng sủa, chúng tôi đã chọn các tiêu đề chứ không phải chị Luxia đã chọn. Chúng tôi đã in các tiêu đề đó bằng chữ hoa và đậm nét cách kính cẩn. Hy vọng rằng, với lối phân chia này, các độc giả sẽ có lúc dừng lại khi gặp những đoạn miêu tả dài. Những tiêu đề đó đồng thời chuẩn bị cho những miêu tả sau. Những ghi chú tại cuối mỗi Hồi ký sẽ giúp độc giả, ban đầu bỡ ngỡ, nhưng rồi sẽ hiểu được nguyên bản có ý nói gì.
Trước tiên đây, chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt, dẫu chưa hoàn tất, tiểu sử chị Luxia, theo đó là khả năng diễn tả văn chương của chị Luxia, và kết thúc là nhập đề tổng quát của các Hồi Ký.
ĐẠI CƯƠNG TIỂU SỬ CHỊ LUXIA
"Vào ngày 30 tháng Ba năm 1907, một trẻ nữ đã được rửa tội tên là Luxia, sinh tại làng Aljustrel... ngày 22 tháng Ba cùng năm, lúc 7 giờ chiều". Đó là những lời còn ghi trong sổ Rửa tội Giáo xứ. Cha mẹ em là Antonio dos Santos và Maria Rosa cư ngụ tại làng Aljustrel, một thôn ấp thuộc xứ Fatima.
Là con út của gia đình 7 người con, 6 gái 1 trai. Luxia là con cưng của gia đình và được cưng chiều âu yếm ngay từ những ngày còn thơ. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn trắc trở, má Luxia luôn nuôi con trong sự bao bọc của tinh thần Công giáo đặc biệt. Luxia được rước lễ lần đầu hồi 6 tuổi, điều này sẽ làm các độc giả vui mừng và ngạc nhiên.
Hoàn cảnh gia đình bắt buộc Luxia phải bắt đầu sống ngoài cánh đồng để chăn đàn chiên của nhà. Thoạt tiên, vào năm 1915, các bạn mục đồng gồm có những trẻ nam và nữ trong thôn Aljustrel và vùng chung quanh. Từ năm 1917, chỉ có hai em họ Giaxinta và Phanxicô Marto là bạn mục đồng của em.
Cũng chính vào năm này Đức Trinh Nữ đã hiện ra. Luxia đóng vai trò đặc biệt trong những lần hiện ra, khi thị kiến được nói cho một mình em, và ban cho em sứ mạng mà chỉ được tiết lộ vào ngày giờ trong tương lai. Em đã sống và chịu khổ cùng với Phanxicô và Giaxinta vì biến cố hiện ra này. Chỉ mình em còn sống lâu hơn trên dương thế để hoàn tất sứ mạng.
Đức Trinh Nữ đã đòi em phải đi học...tuy nhiên , em chỉ tới trường sau biến cố hiện ra, nhưng với năng khiếu sẵn có và trí nhớ tốt, em học đọc và viết rất mau.
Dĩ nhiên, chẳng bao lâu, khi các cuộc hiện ra chấm dứt, Luxia tự thấy trong tư thế "thị kiến" với nhiều nguy hiểm phát sinh. Vì thế, có một số sự việc cần phải được hoàn tất cho em. Một trong những quan tâm của Đức Giám mục tiên khởi Giáo phận tái lập Leiria là việc cho em được học hành. Ngài gắng bảo vệ em khỏi những nguy hiểm đe dọa, trong một bầu khí quá thấm nhiễm những điều khác thường. Vào sáng 17 tháng Sáu 1921, em vào trường thánh Dorothy tại Vilar, bây giờ thuộc ngoại ô của Porto. Nhân tiện, chúng tôi sẽ tả lại hình ảnh trung thực về em trong những ngày tháng ấy như sau:
" Đầu cao và rộng, mắt linh hoạt, nâu, rộng, lông mày mỏng, mũi tẹt, miệng rộng, môi dầy, cằm tròn. Mặt phản ảnh một cái gì siêu nhiên, tóc thưa và mịn, dáng mảnh dẻ, thân cao theo tuổi 13 năm, 6 tháng. Điệu bộ mạnh mẽ nhưng vẻ mặt dễ thương. Linh hoạt, thông minh, nhưng nhu mì và không cao kỳ. Tay khổ thông thường nhưng chai cứng vì làm lụng."
Như một thiếu nữ 14 tuổi 3 tháng, Luxia nhập trường Porto, ở đó em được huấn luyện kỹ càng về đạo đức và tôn giáo. Việc học của em không quân bình, vì em mới học hết trình độ Tiểu học. Ban đầu, em được huấn luyện về những công việc nội trợ. Tuy nhiên, với năng khiếu, trí nhớ tốt của em, thái độ thận trọng và kiên tâm của em, người thiếu nữ trẻ này đã hoàn tất chương trình giáo huấn cách tốt đẹp.
Ngay trước khi vào Học viện, Luxia đã cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Tuy nhiên, chủ tâm cuộc sống đạo hạnh của Học viện đã là nguyên cớ cho em suy nghĩ sâu xa hơn. Tư tưởng đầu tiên của em là muốn nhập Dòng kín Carmelô... nhưng gương sáng của các thầy cô và lòng biết ơn đối với họ đã khiến em quyết định nhập Dòng Thánh Dorothy. Vào thời đó, năm 1921-1925, Tập viện mở cho người Bồ ở tại thành Tuy. Nơi đó Luxia nhập Tập viện ngày 24 tháng Mười năm 1925 vào lúc được 18 tuổi. Trước tiên, chị vào nhà Thử tại Pontevedra trong mấy tháng. Nhà này tọa lạc cạnh đường phố và mang tên là "Travesia de Isabella II". Chị ở đó từ 25 tháng Mười 1925 tới 20 tháng Bảy 1926. Rồi chị vào Nhà Tập tại Tuy để hoàn tất thời Thỉnh tu. Mặc áo Tập ngày 2 tháng Mười 1926. Sau hai năm, chị tuyên lời khấn vào ngày 3.10.1928. Chị ở đó như một nữ tu đã khấn cho tới khi tuyên khấn trọn đời ngày 3.10.1934. Ít lâu sau, chị được chuyển về Tu viện Pontevedra, và chỉ trở lại Tuy một lần vào tháng Năm 1937. Chị ở lại đó cho tới khi được gửi về Bồ vào tháng Năm 1946.
Sau ít ngày thăm viếng Cova da Iria và thôn Aljustrel, nơi chị xác định các chỗ Đức Mẹ hiện ra, chị Luxia được chỉ định ở nhà dòng tại Sardao tại Vila Nova de Gaia gần Porto. Cuối cùng, ước nguyện từ lâu được sống ẩn dật và thanh vắng lại nổi dậy, chị được Đức Thánh Cha Piô 12 ban đặc ân chuyển qua Dòng Kín ngày 25 tháng Ba năm 1948. Tại đó cho tới nay, chị sống đời cầu nguyện và đền tội. Khách hành hương, trên con đường tới Fatima, khi qua Coimbra, để viếng Dòng Carmelô ở đó, có thể nghe tiếng chị trong ca đoàn các nữ tu kín Carmelô. Năm nay là năm 1976, chị Maria Luxia Trái Tim Vô nhiễm được 69 tuổi.
TÍNH CÁCH HÀNH VĂN CỦA CHỊ LUXIA
Nếu đọc các bản viết về Fatima, người ta hẳn đồng ý với văn sĩ người Bồ, Antero de Figueiredo đã cảm hứng viết lên trong tác phẩm của ông như sau:" Nhưng ánh sáng, ánh sáng kỳ diệu của cuốn sách này, có một nguồn gốc rõ ràng,linh hồn đơn sơ lạ lùng sâu thẳm của Luxia Chúa Giêsu, người được thị kiến." Trước hết, tôi xin lưu ý rằng các cảo bản của chị Luxia viết để lộ một vài thiếu sót về cách viết văn thông thạo. Tuy nhiên, với năng khiếu tự nhiên và trổi vượt, đã bù đắp những thiếu sót đôi khi xảy ra. Hơn một lần chị đã thẳng thắn nhận rằng"chị bất lực và bất xứng". Và lời chị đã viết:
" Ngay cả bản viết của con cũng diễn tả cách khó khăn". Khiếm khuyết cách nào đi nữa, cũng không thể làm mất vẻ trong sáng rõ ràng của các câu văn. Quả thực, đôi khi chị viết với dòng văn trổi vượt và lưu loát.
Đặc tính hành văn của chị có thể tóm tắt như sau: Tư tưởng sắc bén và rõ ràng, cảm tình sâu kín và tế nhị, tưởng tượng linh hoạt, cảm quan tính chất mỹ thuật cách chân thực, kể chuyện quyến dũ, giọng hài hước tế nhị nhưng không làm mích lòng. Trí nhớ khác thường cả tới những chi tiết và hoàn cảnh tỉ mỉ. Kiểu đối thoại của chị Luxia làm người đọc có cảm tưởng như đôi bên đang hiện diện. Qua trí tưởng tượng, chị thấy cảnh vật như ở trước mắt. Chị diễn tả Giaxinta và Phanxicô, cha giải tội chị, và những người khác với những lời lẽ cho thấy được hoàn cảnh tâm lý khác thường. Chị nhận thức rõ đang đi xa đề nhưng đã trở lại cách rất khéo léo về khởi điểm.
Một cách nào đó, giọng văn của chị vô tình bị ảnh hưởng văn vẻ trau chuốt của viện tu, nhưng tính tự nhiên, vẻ sống động và vui vẻ của chị đã luôn chiến thắng. Ai có thể quên được đêm hôm trước khi chị giã biệt nơi yêu dấu đã diễn ra những cuộc thân hiện của Đức Mẹ, vào buổi chiều khởi hành đi Porto? Ai lại không ngưỡng mộ lối diễn tả duyên dáng chiếc giầy nào đó với những vòng khuyên bằng bạc? Có ai không ngạc nhiên với vẻ hồn nhiên chị đã ghi lại những "Bài ca của núi rừng"?
Ngay từ lúc ban đầu, Chị Luxia đã biết diễn tả ra sao điều chị muốn nói, và chị diễn tả theo lối riêng của chị. Được trí tưởng tượng linh hoạt hướng dẫn, chị viết rất thành công điều chị muốn viết, ngay cả khi những việc trong nhà làm chị đôi lúc phải ngừng lại, chị vẫn có thể tiếp tục viết không đứt quãng những điều đang diễn tả hay những suy tư đang lý luận. Những điều như thế, không thể xẩy ra được, nếu tâm trí không thật tỉnh táo, bình tĩnh.
Đúng là chị Luxia được "thần hứng" khi viết, như chị thường nói tới...Chị xác tín rằng chị cảm thấy sự hiện diện của Chúa khi chị viết, tuy không nên hiểu danh từ"thần hứng" theo nghĩa chặt, như khi nói về bản chất tiên tri như những phê bình tỉ mỉ đã nói tới. Chị cảm thấy rằng khi viết, chị được Chúa "giúp sức". Tuy nhiên, cẩn thận đọc những điều chị viết sẽ thấy ngay chị không có ý dùng từ ngữ đó theo nghĩa chặt. Chính chị giải thích cho chúng ta điều này:" Tiếng"Thần hứng" ám chỉ rằng có một sức kích động tâm trí để hành động."
Do đó, không có vấn đề "không lỗi lầm" như vẫn áp dụng cho Kinh Thánh. Chị Luxia có thể bị lừa trong việc giải thích mầu nhiệm theo kinh nghiệm riêng mình. Vì giải thích như thế là điều rất khó. Có lúc chính chị cũng nghi ngờ, không biết có phải chính Chúa nói với chị không. Lúc khác chị lại thú nhận rằng không thể biết được điều chị cảm nghiệm qua ơn thần bí là thế nào. Những nhà bình luận tài ba có thể khám phá thấy lỗi lầm trong vấn đề ngày tháng, biến cố và hoàn cảnh.Ngay cả khi chị quả quyết với chúng ta trong những lúc nghiêm trọng, thật vậy, chị ghi cho chúng ta những lời của chính Đức Mẹ, những lời đó cũng chỉ có ý nói rằng chị cố gắng lương thiện hết sức. Chị Luxia luôn cảm thấy chắc chắn về những điều chị nói. Đó là ý nghĩa của những lời của chị.
Còn về những ngày tháng liên quan, được biết là chị không chắc. Lý do là chị, Phanxicô, Giaxinta khi còn nhỏ đã không biết tính ngày, tháng, năm. Vì thế Chị Luxia không tính được ngày Thiên Thần đã hiện ra. Chị chỉ có thể căn cứ vào mùa gần đó, là điều gây ấn tượng mạnh hơn nơi những trẻ em miền núi. Lý do chính về sự không nhớ này có thể tìm thấy trong đặc tính thực tế cuả các hồi ký của chị Luxia là luôn luôn phải nhắm tới điểm cốt yếu. Hơn nữa, các độc giả đọc Hồi ký chị Luxia không nên quên nguyên tắc hướng dẫn gồm việc giải thích các sứ điệp, trong đó có điều mầu nhiệm liên kết với những cảm nghiệm siêu nhiên. Điều đó luôn cần đến việc" giải thích", tuy không cần phải giải thích từng lời các Sứ điệp linh thánh. Như thế không có ý nói rằng người ta chỉ nên tin những gì hoàn toàn tự nhiên trong những hiện tượng siêu nhiên mà chị cảm nghiệm.
Chúng tôi muốn nêu ra một khó khăn cuối cùng để chuẩn bị cho các độc giả sẽ đọc bản Hồi ký lạ lùng này.Quí vị nên có thái độ trung lập giữa Sứ điệp gửi từ Trời cao được chị Luxia trình bày, và những suy tư,những giải thích về Sứ điệp của chị.
Trong những khó khăn liên quan tới việc giải thích mầu nhiệm, điều trước (Sứ điệp từ Trời cao) cho chúng tôi bảo đảm về sự chân thật lớn lao hơn điều sau (suy tư riêng của chị Luxia). Nếu Chúa đã ban những dấu lạ lùng như thế để chứng tỏ sự Hiện diện của Ngài trong sự kiện Fatima, thì Người cũng có thể can thiệp cách đặc biệt để Sứ điệp của Người gửi qua Đức Mẹ, phải được trung thành truyền bá qua những thị nhân nhỏ bé để làm trọn mục đích ấy. Như chúng ta quả quyết, Thiên Chúa đã ban Sứ điệp cứu rỗi cho Giáo hội Người, chúng ta cũng phải nhận rằng Người ban đoàn sủng sự thật để thông chuyển Sứ điệp cho chúng ta không lầm lẫn. Chúng ta thường thấy chị Luxia "nghĩ" về những lời và sự kiện.. Như thế chị là người có đặc ân giải thích, nhưng chỉ là và luôn luôn là người giải thích mà thôi. Về phương diện này, những lời giải thích của chị Luxia không cần sự trợ giúp đặc biệt như chúng tôi đã nói tới ở trên.
LOẠI VĂN HỒI KÝ
Chúng tôi gọi bản viết tay mà chúng tôi sẽ trình bày với các độc giả là "Hồi ký", vì quả thực nó y hệt như loại văn này, dù đôi khi nó giống như những bức thư hay bản tự thuật. Thực ra, chị Luxia không hề có tham vọng trình bày văn chương khi viết tài liệu đáng ngưỡng mộ này. Chị viết vì chị bị bó buộc phải viết. Chúng tôi có thể quả quyết rằng chị chẳng bao giờ viết điều gì vì ích riêng cho chị. Điều đó có nghĩa là, trong những điều chị đã viết, chị không tình cờ bị những biến cố chị còn nhớ được thu hút, hoặc tưởng rằng chị sáng tác ra văn chương. Tuy nhiên, văn của chị luôn trong sáng và tự phát, một điệu văn đầy vẻ phong nhã mà không đòi chị phải chủ ý gượng ép.
Chị Luxia tuyệt nhiên, không để ý gì đến văn vẻ trong các bản viết của chị, và chị không hề có ý tưởng nào khác về chữ "Hồi cố, hồi ký" hơn là những điều chị nhớ lại. Một khi chị chỉ thấy rằng không biết viết sao cho thứ tự những điều chị nhớ về cuộc đời của Giaxinta, và vì thế chị hoàn toàn hướng về Đức Giám mục như để thưa với Ngài câu truyện mà chị nhớ lại được. Thế nhưng những tập viết tay này gửi cho Đức Giám mục, không nên coi như một bức thư dài. Tiến trình này cũng như sách truyện, văn vẻ trong trường hợp này chỉ cốt giải thoát nỗi khó khăn phải viết thế nào. Điều chị Luxia thực muốn là viết ra những gì chị nhớ được, và vì vậy các bản viết của chị phải được gọi là "Hồi Ký", vì đây thực là lối văn mà tác giả cố ý thuật lại những liên quan đến mình và người khác, những cảm nghiệm của mình và của người.
Tuy vậy, có thể gọi các bản viết tay này là tiểu sử hay thủ bản tự thuật theo nghĩa chặt của danh từ được không. Chị Luxia đã không hề có ý hiến cho chúng ta tiểu sử hay tự thuật về Giaxinta và Phanxicô, đó chỉ là vấn đề con số những hồi tưởng liên quan đến những sự việc chính trong đời sống của Giaxinta và Phanxicô, và dĩ nhiên, của chính Luxia nữa, dù chị không chủ ý nói về chị
Tuy nhiên, tiểu sử và tự thuật khác với Hồi ký. Hồi ký không muốn đi xa hơn những điều nhớ được, còn tiểu sử hay tự thuật lại tiến xa hơn thế, hoàn hảo và hệ thống hơn, và căn cứ không những trên việc hồi tưởng mà còn dựa trên việc phân tích các tài liệu.
Nhưng trong các bản viết của chị Luxia, chị chỉ nhìn lại và viết ra những điều chị còn nhớ, nhớ về đời sống Giaxinta Phanxicô và điều không thể tránh được là về chính chị. Đàng khác, những điều liên kết với việc Đức Mẹ hiện ra được nhìn chỉ như những hồi tưởng lại, nhưng như còn đang gây ấn tượng nồng cháy trên tâm hồn chị. Chính chị chứng tỏ cho chúng ta rằng những điều này vẫn còn gây ấn tượng nơi linh hồn chị rõ ràng khiến chị không thể nào quên được.
Vì vậy hồi ký của chị Luxia, đúng hơn , giống như đọc lại những điều đã được ghi khắc sâu thẳm mãi mãi trong tâm hồn chị. Những điều đó xuất hiện để được "thấy" hơn là để được "nhớ". Quả thực trí"nhớ" dễ dàng của chị lâu dài đến nỗi chị chỉ việc "đọc" ra những gì tàng ẩn trong đáy linh hồn chị.
|