21- THÁNH THỂ chờ đợi bạn thân
Nhưng thâu đêm Cha vẫn ngự trong nhà tạm, chờ đợi linh hồn đó. Cha nóng nẩy khát khao họ đến rước Cha, nói với Cha tình thiết như một bạn trăm năm, bày tỏ cho Cha những gian nan, cám dỗ, những đau khổ của mình, bàn hỏi lời hơn lẽ thiệt với Cha, hoặc xin Cha những ơn cần thiết cho mình và cho nhiều kẻ khác …
Phải chăng linh hồn đó có nhiệm vụ săn sóc các linh hồn xa Cha, đang hòng hư mất ? Hãy đến với Cha, con ơi, nói cho Cha nghe hết với lòng tin cẩn hoàn toàn… Hãy thương giúp các tội nhân, hãy dâng mình đền tạ. Hãy thề với Cha từ nay con không để Cha cô đơn … Rồi hãy hỏi xem Trái Tim Cha có đòi con điều gì để yên ủi Cha nữa không ?
22- THÁNH THỂ bị phản bội
Đó là điều Cha hi vọng ở linh hồn này cũng như nhiều linh hồn khác. Nhưng vừa mới rước Cha vào lòng, chưa kịp nói với Cha lời nào, linh hồn ấy đã vội chia trí, mệt mỏi, phản bội : công ăn việc làm chiếm hết tâm tư, gia đình nhà cửa làm bận rộn lòng, các sự vật chung quanh đè nặng não óc, hoặc quá lo đến sức khoẻ, nên không biết nói gì với Cha, lạnh lùng, ngao ngán, rồi vội vàng ra về …
Hỡi linh hồn Cha đã lựa chọn riêng, và Cha khao khát đợi suốt một đêm trường con đón rước Cha như vậy đấy ư ?
Phải, Cha chờ linh hồn ấy để nghỉ ngơi trong nó, gánh đỡ hộ những âu lo thao thức, Cha dọn sẵn cho nhiều ơn mới, thế mà nó không thèm, nó không xin Cha gì hết, không bàn hỏi, không xin sức mạnh, chỉ biết phàn nàn, không nói gì với Cha… Hình như chỉ đến để làm xong một lễ nghi bề ngoài, theo thói quen, chứ không phải vì tình yêu thôi thúc, hoặc khát khao kết hợp mật thiết với Cha.
Linh hồn này thiếu hẳn những điểm đáng yêu Cha đòi hỏi.
23- THÁNH THỂ là nhà ở của mỗi người
Thánh thể là phát minh mới của Tình Yêu, là nguồn sinh lực các linh hồn, thuốc chữa mọi tật nguyền, của ăn đàng đến trường sinh. Tội nhân tìm được trong đó sự sống linh hồn, kẻ khô khan tìm thấy ánh nóng, người đạo đức tìm thấy nghỉ ngơi, thỏa mãn, linh hồn trọn lành như thêm cánh bay cao mãi lên đỉnh trọn lành, linh hồn trong sạch gặp được mật ngọt rất dịu dàng làm của ăn ngon lành nhất.
Chính trong Thánh Thể, các linh hồn đã khấn xây nhà ở đặt tình yêu, và đời sống. Cũng nơi đây, họ tìm thấy hình ảnh lời khấn tức là mối giây thánh thiện, phúc đức ràng buộc bền chặt họ với bạn Chí Thánh.
24- THÁNH THỂ Là ý nghĩa các lời khấn
(Ngày 7 tháng 3-1923)
Chính thế, hỡi các linh hồn đã khấn, các con sẽ tìm thấy tượng trưng lời khấn khó khăn trong tấm bánh nhỏ mọn, tròn mỏng, trơn tru nhẹ nhàng này. Linh hồn khấn khó khăn cũng phải như thế : Không có góc cạnh nghĩa là không có một mảy may quyến luyến hoặc những vật đang dùng, hoặc công việc đang làm, hoặc gia đình quê hương. Một là bao giờ cũng sẵn sàng từ bỏ, thay đổi … (theo ý trên) Không thiết chi dưới thế, tâm hồn thảnh thơi thong dong, không một phân ly tơ vương kín đáo.
Như thế không có nghĩa là linh hồn đó phải sống vô cảm giác. Không, càng yêu mến, càng hiểu cách giữ trọn lời khấn khó khăn. Điều cốt yếu của một linh hồn đã khấn trước hết là đừng giữ của gì không có phép hoặc sự ưng thuận của Bề trên, thứ hai là đừng có gì, yêu gì mà không sẵn sàng bỏ hết khi Bề trên vừa ngỏ ý.
25- THÁNH THỂ Là ý nghĩa lời khấn sạch sẽ
(Ngày 11 tháng 3 năm 1923)
Bây giờ con bắt đầu viết cho các linh hồn. Con nói họ biết cũng trong tấm bánh nhỏ mọn trắng sạch này, họ sẽ tìm thấy hình ảnh lời khấn đức sạch sẽ của họ. Dưới hình bánh rượu, có thật một Thiên Chúa. Nơi đây, qua bức màn mầu nhiệm, có tất cả Cha, có Thịt Máu, có linh hồn, và tính Thiên Chúa.
Cũng thế, linh hồn đã khấn dâng cho Chúa Giêsu bằng lời khấn đồng trinh phải đội một bức khăn nết na đơn sơ, bề ngoài là loài người nhưng bề trong trắng sạch như thiên thần.
26- GƯƠNG SẠCH SẼ của Chúa và Đức Mẹ
Hỡi các linh hồn kết thành triều đình của Con Chiên thanh tịnh, các con hãy hiểu kỹ rằng : Sống như thế, các con làm vinh danh Cha hơn các Thiên thần bội phần, vì các thiên thần không biết đến tính yếu đuối, thắng trận mới ăn ở thanh sạch được.
Các con cũng nên giống Mẹ Cha, một thọ vật hay chết nhưng trong sạch, không một chút bợn nhơ, Người phải chịu mọi đau khổ như nhân loại, nhưng suốt đời thanh tịnh. Chỉ một mình Người cũng đủ làm vinh danh Cha hơn mọi thần thánh trên trời, và chính Thiên Chúa say sưa lòng trinh khiết đó, đã giáng thế mặc tính nhân loại trong Người, ngự trong Người, một thọ vật chính Chúa dựng nên.
Hơn thế nữa, linh hồn khấn sạch sẽ nên giống chính Cha, Đấng Tạo Hóa linh hồn, vì khi mặc tính nhân loại, cùng với tất cả mọi đau khổ, Cha đã sống không một bóng mờ tội lỗi dù bé nhỏ nhất.
Chính vì lời khấn sạch sẽ, linh hồn trở nên tấm bánh thánh trong trắng, luôn luôn làm vinh danh Chúa uy nghi cao cả.
27- THÁNH THỂ Là ý nghĩa lời khấn vâng lời
Hỡi các linh hồn trinh tu, sau hết các con tìm thấy trong Thánh Thể gương lời khấn Vâng lời.
Nơi đây quyền phép cao cả Thiên Chúa bị che khuất và hầu biến ra không. Nơi đây, các con nhìn ngắm Cha như không sống, Cha, một Đấng là nguồn sống các linh hồn, là Chúa nâng đỡ thế gian. Ở đây, Cha không còn tự do đi hay ở, sống cô đơn, hay có bạn : Tất cả khôn ngoan, quyền phép, tự do như biến hết dưới tấm bánh thánh này. Hình bánh chính là giây ràng buộc Cha, là màn che khuất Cha.
Cũng thế, lời khấn Vâng lời đối với linh hồn tu sĩ là xiềng buộc họ, là bức màn trong đó họ phải che giấu mình, để không còn một tí ý riêng xét đoán, lựa chọn, tự do, chỉ còn Thánh ý Chúa biểu lộ qua bề trên.
28. Vườn Gietsimani
(Trích sách Tiếng Gọi Tình Yêu, Sài gòn, 1967,, Vườn Giétsêmani ngày 12 -3-1923 , bản dịch của Linh mục Phêrô Tri)
(trg 237)
*Cần phải Vâng Ý Chúa,
Sau khi rao giảng cho dân chúng đông đảo, chữa lành bệnh tật, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa, cho kẻ chết sống lại. Rồi sau ba năm chung sống với các môn đệ để huấn luyện, để dạy chúng về giáo lý của Cha, và dạy chúng noi gương Cha mà tập yêu thương nhau, chịu đựng lẫn nhau, thực hiện đức bác ái với nhau bằng cách rửa chân cho chúng và biến Mình làm thức ăn cho chúng. Giờ đây đã đến lúc Con Thiên Chúa mặc xác phàm sắp đổ máu ra, ban cả mạng sống cho thế gian.
Chính lúc đó, Cha đã cầu nguyện để phó thác hồn xác theo Thánh ý Chúa Cha.
Các con hãy học gương mẫu của các con: Chỉ có một điều cần duy nhất là đặt mình tuân phục và khiêm tôn phó thác vào Thánh ý Chúa Cha, ở bất cứ hoàn cảnh nào, bằng một tác động thắng vượt ý riêng mình, dù cho bản năng tự nhiên có gào thét, có chống cự, có rên la đến đâu đi nữa!
29- Cần phải cầu nguyện,
Các con còn học được nơi Cha một điều khác, đó là trong mọi việc hệ trọng phải có lời cầu nguyện đi trước, lời cầu nguyện đi kèm, và lời cầu nguyện đi sau. Bởi vì trong lời cầu nguyện, linh hồn tìm được sức mạnh để đứng vững vào những giờ nguy khốn! Chính đang khi cầu nguyện, Thiên Chúa thông hiệp, dạy dỗ, cảm kích nó ngay cả lúc nó không hay biết nữa.
- Tìm nơi yên tĩnh: Cha lánh sang vườn Gietsimani, nghĩa là vào nơi hiu quạnh. Linh hồn phải tìm đến Đấng tạo dựng nó để cầu khẩn, van xin khi lâm nguy, khốn khó. Ngài không ở đâu xa. Ngài ở giữa trong lòng nó. Muốn gặp được Ngài, linh hồn phải bắt tất cả những xao xuyến của bản năng, bắt những tự ái và dục cảm im lặng đi, vì đó là những trở ngại lớn nhất trong cuộc hội diện với Thiên Chúa.
- Cha đem theo ba môn đệ,
có ý dạy các con, trong khi cầu nguyện phải sử dụng ba năng lực linh hồn các con như thế nào:
1. Trí nhớ, phải nhắc nhớ cho các con về sự trọn lành, hoàn hảo của Thiên Chúa, về sự quyền phép, lòng nhân từ, lòng Thương xót và Tình yêu của Ngời.
2. Trí phán đoán, phải liệu phương cách để đền đáp những ơn kỳ diệu mà Ngài tuôn xuống lai láng cho linh hồn các con.
3. Ý muốn, phải hướng dẫn, thúc giục các con gia tăng việc cứu vớt các linh hồn hoặc trong trách vụ truyền giáo, hoặc trong kinh nguyện cuộc sông âm thầm và khiêm tốn.
30. Ý nghĩa Chúa đổ mồ hôi máu trong vườn Gietsimani
Các con hãy bắt ý muốn các con tuân theo Thánh Ý Chúa, các con hãy tôn thờ ý định của Chúa, dù cho ý muốn đó có thế nào đi nữa, các con cũng phải sấp mình với cử chỉ của thụ tạo thờ lạy Đấng Tạo thành.
Với đường lối đó, Cha dâng mình để hoàn tất công việc cứu chuộc thế gian.
- Cha thấy hết những nỗi thống khổ của Cuộc Thương Khó sắp đổ lên thân Cha: Những lời tố cáo, những lời nhục mạ, những roi đòn, mũ gai, cơn khát khô cổ, thập giá nặng nề.
Chừng ấy đau khổ đổ dồn dập trước mắt Cha, tiếp theo đó là những lời chê bai phỉ báng, những tội ác loài người xúc phạm triền miên trong chuỗi thời gian vô cùng tận.
- Cha không những nhìn thấy, mà còn phải mặc lấy nữa, vì chính dưới gánh nặng nhục nhã đó, Cha trình diện với Chúa Cha Cực Thánh để van xin lòng thương xót. Cha cảm thấy cơn thịnh nộ của một Thiên Chúa bị nhục mạ, bị khiêu khích xâm nhập vào Cha.
Cha sẽ dâng mình lãnh nhận tất cả để đền tạ hầu làm nguôi cơn thịnh nộ, làm lắng dịu phép công thẳng của Ngài.
Nhưng thương ôi, sức nặng của bao tội ác đó đã khiến con người nhân tính của Cha sầu muộn, hấp hối, kinh hoàng, khiến toàn thân Cha phải toát mồ hôi máu.
Hỡi những kẻ tội lỗi, các con đã buộc Cha phải khổ dường ấy.
Vậy Máu này có đem lại cho các con sự giải thoát, sự sống linh hồn không? hay sẽ ra hoang phí vì các con ?
- Ôi nói sao xiết nỗi đau đớn của Cha khi Cha nghĩ đến những giọt mồ hôi máu, những sầu muộn, rồi đây sẽ trở nên vô ích cho biết bao linh hồn!!!
|