29. Milka
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
“Mẹ xin các con hãy trao phó cho Chúa cuộc sống quá khứ của các con, với tất cả những cái xấu đang chồng chất trong tâm hồn các con...”
Tôi từ Ailen về đến nhà thì thấy cô khách của gia đình sống rất vui vẻ, cởi mở và ổn định. Như chúng tôi mong đợi, Milka Pavlovic đã thích nghi rất tốt trong một tuần lễ rưỡi tôi ở Ai-len. Milka và Terri rất thân thiết với nhau. Còn các con tôi đối xử với cô như thể cô đã sống ở đây từ nhiều năm. Terri đã đăng ký cho Milka học một lớp Anh văn đặc biệt. Còn Milka tiếp thu khá nhanh những điều căn bản, tiện cho việc giao tiếp với chúng tôi.
Ngay từ lúc gặp Milka, tôi đã biết nơi cô ấy có một điều gì đó rất đặc biệt. Cô gái Croát mới lớn này - người đã được phúc thấy Đức Maria trong ngày đầu tiên của biến cố hiện ra, và xem ra đã đau khổ khi không được chọn làm một trong sáu thị nhân sau này - có tính độc lập rất cao và hoàn toàn có khả năng tự lo cho mình.
Tuy vậy, tôi đã khám phá ra nơi cô một tiếc nuối và khát vọng được dự phần vào ơn phúc đã ban cho ngôi làng nhỏ bé ấy của họ. Và sau khi Đức Trinh Nữ Maria truyền lệnh cho tôi mang Milka sang Hoa Kỳ, tôi có cảm tưởng rằng sau này cô sẽ đảm nhận một vai trò đáng kể liên quan đến sự kiện hiện ra này. Trong lúc đó, nhiệm vụ cấp bách của tôi là lo thu xếp cho Milka sang Mỹ, và sau mấy lần tiếp xúc điện thoại với tòa đại sứ Mỹ ở Belgrade, tôi mới biết chuyện ấy không dễ chút nào.
Đến tháng bảy, khi về đến nhà, tôi liên lạc ngay với văn phòng của Thượng nghị sĩ Nam Carolina, tên Strom Thurmond, hi vọng được hỗ trợ về mặt chính trị phần nào. Ông ấy giúp đỡ - rất nhanh, chưa đầy ba tuần, tôi nhận được một điện ngắn gọn từ Milka: “Đã có hộ chiếu, xin gởi vé.” Sau này tôi mới biết là cô gái 18 tuổi cứng rắn ấy đã đi máy bay đến Belgrade một mình, rồi đến Tòa Đại sứ Mỹ và chỉ trong mười phút, cô đã được cấp giấy nhập cảnh.
Terri và các con tôi mừng quýnh. Tôi điện thoại cho Jozo Kraljevic, em họ của cha Svet đang sống ở Mostar (cách Mễ Du hơn 30 cây số) và nhờ anh sắp xếp cho chuyến khởi hành của Milka. Jozo từng dạy Anh văn nhiều năm trong các trường ở Mostar, rất quen thuộc với các thị nhân và gia đình họ. Anh cũng thường giúp thông dịch cho các đoàn truyền thông đến điều tra về những cuộc hiện ra. Liền đó, tôi gọi Dale Krieger, và nhờ hãng Du lịch Toàn cầu của anh, và vé máy bay cho Milka đã được lo liệu xong.
Milka chỉ cần đi Dubrovnik vào thứ sáu để lấy vé, và lên máy bay vào Chúa nhật. Cuối tuần ấy, tôi phải đi thuyết trình vài nơi tại Pennsylvania, và dự định qua sáng Chúa nhật sẽ bay đi New York để đón và đưa cô ấy về nhà tôi tại Myrtle Beach. Chỉ có một vấn đề nhỏ, một vấn đề đã đã thâm nhiễm không ít (vào nếp sống) người Croát: đó là không mấy quan tâm về thời gian. Milka đã không đi lấy vé đúng ngày giờ đã hẹn là thứ sáu, mà thay vào đó là thứ bảy. Một nhân viên khác đang trực, không quen thu xếp theo cách ấy, đã từ chối giao vé cho Milka.
Đâu ngờ có chuyện đó, tôi đến phi trường Kennedy để đón chuyến bay của hàng không Nam Tư mà trong đó không có Milka. Nhờ sự giúp đỡ của một nhân viên hãng JAL, tôi mới biết Milka thực sự có tên trong danh sách hành khách, nhưng đã không lên máy bay.
Tôi chỉ còn biết quay về nhà, và bắt đầu lại. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Jozo Kraljevic, tôi đăng ký lại cho cô chuyến bay tới vào ngày thứ sáu, một ngày trước khi tôi đi Ailen. Chỉ có vừa đủ thời gian để đưa Milka về nhà, giới thiệu cô cho gia đình, rồi tôi đi.
Không phải là một cách lý tưởng để cô bắt đầu chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của mình, nhưng mọi vấn đề đều được quên hết, khi cô khai xong hải quan và chào tôi với một nụ cười mệt mỏi. Chúng tôi về tới nhà trước nửa đêm một chút và tạ ơn Chúa về chuyến bay bình yên của cô.
Chuyến đi ba tháng của Milka trôi qua quá nhanh, đầy ắp những việc phải làm và nơi phải đến, vượt xa mức độ người ta nghĩ là có thể. Tuy bận rộn như thế, nhưng đôi lúc Milka vẫn thấy nhớ nhà da diết. Cô không hề bị ấn tượng bởi cảnh xa hoa, tráng lệ, giàu có, vĩ đại của nước Mỹ. Ngay lập tức, cô phản ứng lại nhịp độ và sự căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi; cô cho rằng nó có quá nhiều hoạt động vô nghĩa, làm cản trở tình thân mật hiệp nhất trong gia đình mà cô đã quen tại ngôi làng nhỏ bé của mình. Milka thường nói bằng tiếng Anh bập bẹ của cô: “Nhiều, quá nhiều!”, và chẳng bao lâu, câu này đã thành câu nói cửa miệng của cô: “Làm vừa phải thôi, đừng quá lo!”
Quả thật, chúng ta làm đủ thứ, chỉ trừ giữ vừa phải và chớ quá lo toan. Milka đi học tiếng Anh một tuần hai buổi. Tại đó, cô kết thân với một cô gái Nhật; tuy cả hai đều không biết nói tiếng Anh, nhưng vẫn hiểu nhau và trở nên thân thiết, không rời nhau được. Khi không đến lớp, họ rủ nhau đi tham quan Myrtle Beach, chúng tôi cũng ép họ đi được một chuyến xuống Khu du lịch thế giới Disney.
Nhưng cao điểm lần đến thăm nước Mỹ này của Milka là việc làm chứng về các biến cố tại Mễ Du. Tôi quyết tâm không khai thác Milka dưới bất cứ hình thức nào trong thời gian cô ở với chúng tôi - và chỉ vì Terri nài nỉ, nên tôi miễn cưỡng đồng ý đem Milka theo với tôi trong vài lần thuyết trình. Tôi thấy cô hoàn toàn có khả năng trình bày chứng từ của cô về những gì đã xảy ra trong ngày hiện ra đầu tiên ấy, và sự kiện đó đã tác động trên đời cô thế nào.
Khi tiếng đồn lan ra là Milka đang ở nhà chúng tôi, những lời mời cô đi nói chuyện đến tới tấp. Tôi thảo luận rất lâu về vấn đề này với cô, nhấn mạnh rằng cô không phải làm việc ấy. Theo tôi biết, mục đích chính của cô là học tiếng Anh và làm quen với người Mỹ, hai điều có lẽ sẽ giúp cô đảm nhiệm vai trò yểm trợ khi về lại ngôi làng nhỏ ấy.
Không những cô đồng ý đi làm chứng, mà còn làm việc đó với tất cả nhiệt tâm. Nhờ một người Croát địa phương thông dịch, cô kể lại chi tiết của ngày đầu tiên ấy, khi cô được diễm phúc thấy Đức Maria, và sau đó, cô sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi. Với thính giả, thật là tốt khi có được một trong các thị nhân có mặt như thế. Thực tế, tôi xem Milka cũng là một thị nhân. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất là cô không còn được hưởng những lần hiện ra hằng ngày sau đó và những thông điệp cá nhân từ Thân Mẫu Đức Giêsu mà các thị nhân khác được.
Như một ưu tiên đặc biệt dành cho anh Peter Crary, tôi đã chấp nhận một chuyến đi năm ngày đến Fargo, Bắc Dakota, nơi Peter lập một trung tâm Mễ Du, và với những người tình nguyện, anh đã phân phát trên hai triệu bản sao các bài báo của tôi. Đến khi tôi hỏi anh có nên để tôi đem Milka theo không, anh ngây ngất và kêu lên: “Anh không chơi tôi chứ? Có cô ấy phụ họa lại càng tuyệt vời hơn nữa!”
Peter thậm chí còn thu xếp cho linh mục Slavko Zovko dòng Phan Sinh, sinh trưởng tại Mễ Du, hiện đang ở Milwaukee, làm thông dịch cho chúng tôi trong mấy ngày ở đó. Cha Slavko, người đã phục vụ cha Svet ở New York City, đã đi cùng cha Tomislav Pervan, cha xứ nhà thờ Thánh Giacôbê ở Mễ Du, trong chuyến viếng thăm hai tháng tại nước Mỹ. Cũng như bao linh mục Phan Sinh tôi đã gặp, cha Slavko là một người đơn sơ nhưng thánh thiện, hoàn toàn hiến mình cho ơn gọi - theo một phong cách riêng, khiến ta mau chóng thấy thoải mái khi gặp ông.
Chúng tôi đón ông tại phi trường Minneapolis để làm quen với nhau, và cũng để ông gặp Milka và biết một chút về quá trình của cô. Chúng tôi bắt đầu nói với nhau về những cuộc hiện ra và các hiện tượng đa dạng khác nhau đang xảy ra tại Mễ Du. Một trong những điều gợi thắc mắc nhất đối với tôi là những tấm hình kỳ bí mà người ta chụp được ở đấy, trong đó, người ta có thể thấy nhiều hình dáng người được dân chúng nghĩ là Đức Trinh Nữ Hồng Phúc. Cũng như các anh em dòng Phan Sinh của mình tại Mễ Du, cha Slavko cảnh giác tôi không nên quá tin vào đó.
Tôi trấn an ông: “Tôi thường không tin. Người ta gởi tới cho tôi đủ loại hình ảnh trông như gương mặt của Đức Maria trong đám mây, trong thân cây, trong bóng râm vườn nhà họ. Và có nhiều hình ảnh liên hệ tới Mễ Du, đã được chứng minh là giả tạo.” Tôi ngừng lại, rồi rút một tấm từ túi áo khoác, nơi tôi cất nó để mang theo mỗi khi đi nói chuyện, kể từ lúc Karen, con gái của Jim Stoffel tặng cho tôi. “Nhưng tấm ảnh này đã thật sự làm tôi xúc động.”
Tôi có cho Milka xem trước đó, nhưng vào cái ngày cô được thấy Đức Maria, cô đã quá ngây ngất để có thể chú ý những chi tiết của khuôn mặt Người. Bây giờ, tôi đưa cho cha Slavko, và nói tiếp: “Câu chuyện về tấm ảnh này có một không hai. Khi mới trông thấy, tôi đã choáng ngợp vì vẻ đẹp của nó, không cần biết nguồn gốc nó từ đâu, và cảm thấy đó sẽ là hình ảnh về Đức Maria của tôi tại Mễ Du. Thật ra, tôi định dùng tấm ảnh đó làm trang bìa cho quyển sách của mình.” (9)
Cha nhìn tấm ảnh và gật đầu: “Ảnh này đẹp thật.” rồi nhìn tôi: “Nhưng ta phải tập trung vào sứ điệp, vì có thể xác minh bằng Kinh Thánh. Còn tấm ảnh của anh đây thì tôi e là không thể.” Ông trả nó lại cho tôi với một nụ cười.
Bức ảnh Đức Mẹ có gốc tích kỳ bí đang được nói ở đây.
Tôi bất chấp, cứ tiếp tục kể cho ông câu chuyện: “Theo lời cô Karen, một nữ tu từ Vatican đến hành hương Mễ Du đã được mời vào trong phòng hiện ra. Trong thời gian Đức Maria viếng thăm, bà ấy đã chụp ảnh cây Thánh giá treo trên tường, nơi các thị nhân đang hướng mắt nhìn. Khi rửa ảnh ra, thì thấy khuôn mặt chụp cận ảnh của một phụ nữ trẻ hiện lên trên phim. Chính cô Karen đã nhận được một bản sao của ảnh đó trước khi đi Mễ Du, và sau buổi nói chuyện của Ivan với nhóm mình, cô có dịp hỏi Ivan xem tấm ảnh có giống Đức Maria không.
Ivan, cũng như các thị nhân khác, thường không trả lời những câu hỏi về các tấm ảnh. Cậu liếc nhìn nó và lắc đầu quay đi - nhưng rồi vội quay lại, vừa nói chậm rãi, vừa chăm chú nhìn: “Phải, quả là có giống.” Rồi cậu mỉm cười: “Chỉ có điều Người đẹp hơn rất nhiều!”
Dù tôi đồng ý với cha Slavko không nên tin bất cứ tấm ảnh nào, nhưng tấm ảnh này sẽ mãi mãi là hình ảnh về Đức Maria của tôi.
Peter và mẹ anh đón chúng tôi tại phi trường Fargo, và cho biết sẽ có một buổi liên hoan chào mừng tại nhà Peter. “Thành phần tham dự tối nay,” anh giải thích, “gồm những người tình nguyện đã làm việc rất vất vả để có được những bài báo của anh đến tận đây, và để cho chuyến đi nói chuyện này được thành công. Họ sướng run lên vì cuối cùng lại được gặp anh. Tôi biết anh sẽ bị họ bao vây để hỏi đủ chuyện, nhưng nếu được, xin anh vui lòng thêm cho họ chút thời gian.”
- “Anh đừng lo!” tôi cam đoan với Peter, “Tôi sẽ rất hân hạnh.”
Rời khỏi phi trường, mẹ của Peter dẫn Milka và cha Slavko về nhà bà, nơi họ sẽ ở, để cất hành lý trước khi đến nhập bọn với chúng tôi. Trong khi đó, Peter muốn tôi đi gặp một số bạn khác của anh. Vì vậy, Milka và những người ấy có thể về đến nhà anh trước chúng tôi. Khi chúng tôi bước lên mấy bậc cấp dẫn đến cửa trước nhà anh, Peter lặp lại lần nữa là hết thảy những người tình nguyện đó chắc chắn sẽ rất mừng được gặp tôi. Chúng tôi bước vào nhà - và ngạc nhiên vì không có một ai, kể cả trong phòng khách. Đi lui vào trong một phòng nhỏ, chúng tôi phát hiện là tất cả những khách mời đều xúm vào đây - và ở chính giữa là Milka Pavlovic đang chủ tọa!
- “Trời ơi!” tôi nói với giọng mỉa mai trêu chọc, “Peter, tôi không biết có ai còn muốn chú ý đến tôi nữa?” Rồi cả hai chúng tôi phá ra cười. Milka là cái đinh của buổi tối hôm đó, và đặc biệt tạo hiệu quả nơi những người trẻ có mặt. Cô đã đánh động nhiều tâm hồn tối nay chỉ bằng sự hiện diện của mình. Những người tình nguyện xem cô như là một phần cụ thể nhất của Mễ Du mà họ có thể xem thấy, nghe thấy và chạm đến.
Và cũng như ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến, cha Slavko chỉ làm tăng thêm hiệu quả. Theo lời yêu cầu của tôi, bên cạnh việc phiên dịch, ông đồng ý nói về cuộc sống của ông trong ngôi làng nhỏ bé ấy. Như thế, nhờ hai nhân chứng là hai cư dân của ngôi làng, chứng từ của riêng tôi đã trở thành sống động một cách đầy ấn tượng. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng, mặc dù Peter cứ liên tục nhét thêm đủ thứ vào chương trình của chúng tôi, đúng vào lúc chúng tôi chuẩn bị nói ở chỗ này, chỗ nọ, thế mà tôi vẫn cảm thấy đó là đợt đi thuyết trình dễ dàng nhất của tôi tính đến nay.
Một chiều nọ, chúng tôi có chương trình đến nói tại một dòng tu, và như mọi lần, tôi hơi lo lắng khi phải nói trước một nhóm nữ tu. Chiều nay chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn, vì đây là những nữ tu dòng kín: tôi sẽ nói với họ, nhưng không nhìn thấy mặt họ.
Sự kiện những phụ nữ này đã hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, đã lưu lại trong tôi xuyên suốt buổi nói chuyện - gợi lên những xúc động sâu xa đến nỗi khi kết thúc, tôi như bị vắt kiệt. Sau đó, qua cha Slavko, Milka nói lên chứng từ của mình một cách tự tin và hồn nhiên. Tôi kinh ngạc vì cô tỏ ra rất có khả năng chỉ một thời gian ngắn như thế, ở mỗi lần được mời nói chuyện, cô lại thêm vài chi tiết nhỏ nữa.
Sau đó, bà Mẹ Bề Trên xin chúng tôi nán lại thêm ít phút (để trả lời những câu hỏi), chúng tôi đồng ý ngay. Chúng tôi ngồi một bên cánh cửa sổ lớn mở rộng, còn các nữ tu ngồi bên kia. Tôi ngạc nhiên khi một nữ tu hỏi về những bức ảnh Đức Trinh Nữ Hồng Phúc mà người ta cho là hiện lên trên phim ảnh của khách hành hương, sau khi họ trở về nhà và rửa phim. Tôi nhìn sang cha Slavko hỏi nhỏ: “Cha nghĩ tôi có nên đưa tấm ảnh của tôi cho họ xem không?”
Ngài làm bộ nhăn nhó rồi nói: “Ừ, cũng được, sao lại không? Nó đâu có làm hại gì ai?”
Tôi rút tấm ảnh ra khỏi túi áo, và ngắn gọn giải thích về gốc tích tấm ảnh, rồi đưa cho bà Mẹ Bề Trên. Các nữ tu cứ xuýt xoa khi chuyền tay nhau, và cuối cùng trả lại cho tôi. Tôi cố nhét tấm ảnh vào túi áo trong của tôi khi đang trả lời một câu hỏi, nhưng vì lý do nào đó, nó không chịu lọt vào. Lát sau, tôi thử lại lần nữa, nhưng kết quả cũng vẫn thế. Vì ngại làm chia trí mọi người, tôi để nó trên bệ cửa sổ, đợi đến khi xong cuộc phỏng vấn.
Chúng tôi nói chuyện với các nữ tu gần một giờ, và khi chúng tôi sắp chào từ giã họ, tôi lại cố nhét tấm ảnh vào túi áo khoác lần nữa, nó vẫn không chịu lọt vào. Thình lình, tôi lại nghe thấy tiếng nói quen thuộc (hồi trước) ấy đang phát ra từ bên trong: “Hãy tặng họ tấm ảnh...” Tặng họ tấm ảnh? Tấm ảnh hết sức ý nghĩa với tôi đây? Tôi không thể tin được! Nhưng - tôi vâng lời. “Đây thưa Mẹ, tại sao các chị không giữ lại tấm ảnh này để kỷ niệm chuyến viếng thăm của chúng tôi?”
Các nữ tu mừng quýnh. Họ cũng như cha Slavko, khó lòng tin rằng tôi muốn tặng nó cho họ.
Đến khi chúng tôi ra xe, cha Slavko ngạc nhiên nói nhỏ với tôi: “Anh quý tấm ảnh đó biết chừng nào! Làm sao lại có thể đem tặng cho họ?”
- “Thưa cha, tôi thật tình không biết tại sao, nhưng cảm thấy được yêu cầu làm như vậy, nên tôi đã làm”. Sau khi nghĩ lại, tôi nói thêm với cha: “Vợ tôi sẽ bắn tôi chết!” Terri cũng yêu quý tấm ảnh đó như tôi, và đã do dự khi để cho tôi mang theo trong chuyến đi này.
Tối hôm đó, chúng tôi dùng cơm tại nhà của đôi vợ chồng đã sắp xếp buổi nói chuyện cho tôi ấy. Khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn, bà vợ dúi vào tay tôi một phong bì và nói: “Tôi muốn biếu anh mấy cái này - đó là một phép lạ nho nhỏ đặc biệt của Mễ Du.” Tôi mở bì thư ra, bên trong là hai tấm ảnh giống hệt tấm tôi đã tặng các nữ tu! Bà chủ nhà còn nói: “Anh giữ một tấm, còn một tấm thì đưa cho Milka. Đây đúng là hình ảnh mà tôi luôn tưởng tượng về Đức Mẹ. Gốc tích của nó là như thế này...” Tôi cười và nói: “Đừng bận tâm, tôi biết chuyện đó rồi.”
Tôi chỉ biết ngồi đó nhìn sững vào hai tấm hình. Lại một lần nữa, một món quà cho đi với cả tấm lòng đã được bù lại cả vốn lẫn lời. Và thật là một món quà tuyệt vời!
Chuyến đi kết thúc tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria ở Minneapolis, với một cử tọa trên một ngàn người. Sau buổi thuyết trình có một cuộc tiếp tân, và tất cả mọi người đều được mời tham dự để gặp gỡ chúng tôi. Đám người hôm ấy nồng nhiệt hơn thường lệ rất nhiều, và tôi thấy được sức ép đè nặng trên cô gái người Croát trẻ tuổi này. Ngay từ những buổi nói chuyện đầu tiên của cô tại Mỹ, Milka đã tỏ ra có ác cảm với cái màn khen lao tâng bốc người ta thường làm sau mỗi lần nói chuyện; và ở đây, tại Minneapolis, màn đó lại càng tệ hơn. Tệ nhất là khi một phụ nữ to lớn xáp lại gần Milka, tìm cách hôn tay cô. Milka lập tức rút tay lại và yêu cầu bà ấy đừng làm như thế... Bà này, không nao núng, còn dúi vào tay cô một tờ bạc 20 đô.
Thế là rồi! Milka quẳng tiền rồi bỏ chạy ra khỏi phòng tiếp tân.
- “Milka, đợi đã!” Tôi chạy theo sau, gọi ầm lên, nhưng Milka không ngừng lại. Bị bao vây bởi hàng lớp người, tôi không dễ thoát ra, nhưng cuối cùng cũng chạy đi được, và thấy Mikla đang ngồi đợi trong xe.
Cô nài nỉ: “Đi đi, đi đi, thôi đủ rồi! Đây là những người điên!”
- “Milka, tôi xin lỗi! Bà ấy...”
- “Không chỉ là một bà, mà là nhiều người; họ muốn chụp hình, xin chữ ký... Tôi đâu phải là ngôi sao điện ảnh!”
- “Được rồi, chúng ta sẽ đi ngay!” tôi nói, cố trấn an cô. “Để tôi tìm người đã đưa chúng ta đến đây, rồi ta đi luôn.”
Khoảng 15 phút sau khi rời nơi ấy, Milka đã bình tĩnh lại, chúng tôi quyết định ghé vào quán ăn món pizza, một trong những món khoái khẩu của Milka. Sự cố ở phòng tiếp tân cũng được quên đi mau chóng, và sau này, cô đã có thể nhớ lại mà cười.
Chuyến viếng thăm nước Mỹ của Milka kết thúc bằng một chuyến đi đến New York City, như thế, chúng tôi có thể nói chuyện tại nhà thờ Croát, trước khi bay đi Nam Tư. Chúng tôi nghỉ ở nhà anh Fino Guaradino, là một nhà kinh doanh rất thịnh đạt, đã đến Mễ Du vào tháng 6 năm 1986 và đã được ơn hối cải. Anh Fino nóng lòng giới thiệu New York với Milka, và là một người chủ nhà rất dễ mến. Anh và một người bạn thân khác mà tôi đã gặp tại Mễ Du, Penny Abbruzese, đã cùng nhau thành lập một trung tâm, chuyên lo phổ biến thông tin và chứng từ Mễ Du.
Đó là kết thúc hoàn hảo của chuyến đi tuyệt vời và đầy học hỏi bổ ích cho Milka. Tôi cảm thấy nhiệm vụ của mình đã hoàn thành, vì bây giờ Milka nói tiếng Anh rất khá, và tôi cầu nguyện để kinh nghiệm làm một người chứng về Mễ Du này sẽ thúc đẩy cô tiếp tục nói nữa. Cô có ảnh hưởng đặc biệt nơi giới trẻ, và đang có nhu cầu rất khẩn thiết phải đến với họ lúc này, bởi vì sự tiến bộ vững chắc của Mễ Du như một nơi thánh thiện đã bị đối chọi bởi sự tiến công của Satan. Những nhà hàng ăn mới mở đã kéo theo các quán bar bán rượu, và những quán này nhanh chóng trở thành nơi tụ họp của thế hệ trẻ tại Mễ Du. Thêm vào đó là tác động ảnh hưởng của sự giàu có đột ngột (do khách du lịch và hành hương mang đến) trên những gia đình vốn đã thường nghèo khổ và không có kinh nghiệm đối phó với những vấn đề nó mang lại.
Tôi sẽ không bao giờ quên lần nói chuyện trước kia với ông Grgo Vasilij về vấn đề xem truyền hình. Nhiều dân làng bây giờ đã sắm được tivi, và Grgo đã chống lại được những lời năn nỉ của các con ông đòi mua một cái. Jelena thích sang nhà bạn bè xem tivi với chúng, và khi tôi hỏi ông về việc để con đi xem tivi ở nhà bạn, ông nói: “Thà vậy còn hơn là có một cái ở nhà, khi đó sẽ suốt ngày xem tivi, bỏ cả kinh nguyện.”
Tuy vậy, khi tôi trở lại vào tháng mười, Grgo đã mua một cái tivi rồi. Bọn trẻ cứ nằng nặc đòi cho bằng được, cuối cùng ông phải nhượng bộ. Bây giờ ông nghĩ là để chúng xem tivi ở nhà thì khôn ngoan hơn, vì ít ra ông còn kiểm soát được số giờ chúng ngồi trước máy truyền hình, và đương nhiên cả loại chương trình chúng xem. Giới trẻ ở Mễ Du cần có những tấm gương để noi theo, và Milka đương nhiên là người đứng đầu.
Do một sự nhầm lẫn, chúng tôi đã không xuống máy bay ở Zagreb như được ấn định, cho nên đã đến Mễ Du vào một giờ sáng. Milka lập tức đánh thức chị dậy; hai chị em cô xa nhau đã lâu ngày, và người duy nhất mà cô gái mới lớn rất độc lập này gần gũi nhất và cũng lệ thuộc nhất là Marija. Khi Milka cố gắng kể lại mọi chuyện của ba tháng qua trong năm phút, thì Marija cũng phấn khích như em mình. Vừa tuôn ra một tràng những câu hỏi, cô vừa khăng khăng đòi dọn một bữa ăn cho chúng tôi.
Bỗng nhiên, cái mệt của cuộc hành trình lê thê ấy ụp xuống chúng tôi. Milka ăn một chút rồi tuyên bố đi ngủ. Tôi cũng mệt và chuẩn bị về phòng. Nhưng Marija, kể như thức dậy luôn và đã hoàn toàn tỉnh ngủ, lại muốn nói chuyện tiếp. Cô lắc đầu kể cho tôi một điều gì đó về ông Tổng thống, nhưng tôi không hiểu. Cô kêu lên: “Tổng thống của ông, ông ta gọi tôi - tại đây, tại nhà tôi!...”
Tôi không chắc đã nghe đúng. “Có phải cô muốn nói Tổng thống Reagan của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không?” Cô ấp úng tìm cho đúng từ: “Phải, ông ấy gọi nhưng không nói được. Tôi gọi đến văn phòng ông ấy, cho thư ký ông ấy.”
Tôi sửng sốt: “Tại sao ông ấy gọi?
- “Tôi có gởi cho ông ấy một lá thư nói về Mễ Du, về việc Đức Mẹ đến và kêu gọi hòa bình. Ông ấy đang họp với Gorbachev để ký hiệp ước, và tôi muốn ông ấy biết về Đức Mẹ.”
Tôi muốn ép Marija nói thêm chi tiết, nhưng biết tiếng Anh của mình còn hạn chế, cô giục tôi đi tìm thêm chi tiết nơi Kathleen vào buổi sáng. Khi gặp Kathleen, cô này hớn hở kể lại rằng Tổng thống Reagan đã rất xúc động về lá thư đơn sơ và trực tiếp - mà cô đã dịch sang tiếng Anh cho Marija - thuật lại lời kêu gọi hòa bình của Đức Trinh Nữ tại Mễ Du. (10)
Kathleen giải thích: “Alfred Kingnon, Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng đồng Âu châu đã đến viếng nơi đây cùng phu nhân với tư cách cá nhân và tĩnh tâm ba ngày trước khi trở về Mỹ dự lễ ký kết hiệp ước tên lửa giữa Reagan và Gorbachev. Ông hết sức cảm kích về những cuộc hiện ra, và càng cảm kích hơn khi gặp Marija. Sau đó, cô đã mời ông dùng cơm trưa, và chính khi đó cô nảy ra ý kiến là ông có thể mang về một lá thư cá nhân của cô gửi cho ông Tổng thống, vì ông quen biết riêng ông ấy.”
Kathleen mỉm cười khi nhớ lại: “Mọi việc đều đâu vào đấy. Tôi ngồi xuống với Marija để giúp dịch lá thư sang tiếng Anh. Thế đấy! Điều thú vị nhất là khi ông ấy trao thư cho ông Tổng thống và giải thích về nó, ông Tổng thống đã xúc động sâu xa. Vì vậy, ông Tổng thống đã thử liên lạc với Marija bằng điện thoại. Nhưng anh biết cái hệ thống (viễn thông) ở đây nó như thế nào rồi. Ông bị cắt hai lần.”
Cô cười khúc khích, nói tiếp: “Rồi, vào ngày 8 tháng 12, thư ký của ông đã liên lạc được với Marija và cho cô biết ông Tổng thống đã đánh giá cao lá thư của cô như thế nào.”
Tôi thầm thì: “Thật khó tin!” Ở đây, Thiên Chúa làm việc một cách đơn giản và trực tiếp biết chừng nào! Một cô gái trẻ người Croát cho rằng cô được thấy Đức Maria mỗi ngày, lại có khả năng đánh động trái tim của nhân vật chính trị có quyền lực nhất trên thế giới.
- “Phần hay nhất”, Kathleen tiếp tục, đang khi Marija ngồi sát cạnh đó xác nhận các chi tiết, “là khi Tổng thống đang đi vào phòng họp để ký hiệp ước - nhằm đúng ngày 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Ông ấy quay lại nói với ông Đại sứ Cộng đồng Âu châu là ông đã được Sứ điệp Mễ Du tác động sâu xa và ông muốn “cho hai cô gái ấy biết điều đó.”
Tin này giúp làm vơi đi nỗi buồn của tôi khi phải giã từ Milka, nay đã trở thành hầu như thành viên mới của gia đình chúng tôi. Milka đã khóc khi chia tay Terri - mà đâu phải chỉ có mình cô khóc. Nhưng một tin khác nữa cũng giúp cho sự chia tay dễ dàng hơn. Ủy ban điều tra những cuộc hiện ra đã cho mời Marija, Jacov, Ivan và Mirjana đến Split để phỏng vấn thật sâu sát, kỹ càng lần thứ nhất. Marija về lại ngôi làng nhỏ bé vào ngày Chúa nhật, tức là một ngày trước khi tôi trở về Mỹ. Tôi đang ở trong tháp chuông nhà thờ để thăm cha Pavic sống tại đó, thì Marija đến và gõ cửa. Cô hơi ngạc nhiên khi thấy tôi ở đấy, nhưng cực kỳ rạng rỡ vì sung sướng.
Cô kêu lên: “Cha ơi, tuyệt quá! Ban điều tra này rất tốt, họ hỏi chúng con nhiều câu hay lắm. Con rất sung sướng và hài lòng về cách họ làm việc!” Cô nói cô sẽ kể nhiều cho cha sau này, cô phải đi vì đã gần đến giờ hiện ra.
Toà Thánh Vatican cũng gửi những đoàn điều tra gồm linh mục và chuyên gia đến nghiên cứu. Họ đang thẩm vấn thị nhân Vicka.
Tối hôm đó, tại nhà, Marija cứ nói đi nói lại nhiều lần rằng cô sung sướng quá, và thật là hay khi có một ủy ban có vẻ điều tra rất nghiêm túc. Cô nói là hai ủy ban điều tra trước không bao giờ đưa ra những câu hỏi thích đáng, và đại đa số thành viên của họ thậm chí không bao giờ chịu đến Mễ Du, hoặc muốn tham dự một buổi hiện ra.
Rồi đến lúc tôi phải ra đi. Tôi khởi hành lúc nửa đêm, vì chuyến bay từ Dubrovnik sẽ cất cánh lúc sáng sớm. Tôi ôm hôn chào từ biệt Marija và cám ơn cô về mọi sự. Tôi cũng nán lại thêm mấy phút để cám ơn cha mẹ cô. Tôi quay sang từ giã Milka đang đứng phía sau. Một cách trịnh trọng, cô đưa tay ra và nói cám ơn - rồi mỉm cười bảo: “Làm vừa phải thôi, đừng quá lo!”
Tôi ôm cô chào từ biệt và bước nhanh ra taxi, không muốn cho cô bé cứng cỏi này thấy nước mắt của tôi.
---o0o---
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|