MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bà Là Ai? 27. Tranh Cãi Trong Nội Bộ
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 10-2008

27. Tranh Cãi Trong Nội Bộ

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Đến ngày Chúa nhật, chúng tôi được tham dự một lễ hội đặc biệt. Đó là Chúa nhật ban phép Thêm Sức hằng năm của giáo xứ - và theo truyền thống, Đức Giám Mục địa phận Mostar sẽ đến Mễ Du trao Rước lễ lần đầu (theo thói tục cổ) cho các người chịu phép Thêm Sức. Đây là một dịp lễ hội, một trong những ngày long trọng nhất trong năm của làng này.

Thêm một lý do nữa giải thích sự phấn khích của dân làng, đó là sự có mặt của vị Giám Mục. Từ những thời đầu của sự kiện hiện ra ở Mễ Du, Đức Giám Mục địa phận Mostar tên là Pavao Zanic, đã khởi động một chiến dịch nhằm phá đổ tiếng tăm của sự kiện này. Lập trường của ngài đã gây nên nơi nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo, tình trạng rối loạn, bán tín bán nghi, rồi công khai phủ nhận tính xác thực của hiện tượng này, và do đó, nó cũng đã ảnh hưởng đến sự nhìn nhận từ nơi những Giáo hội và tín đồ thuộc các tín ngưỡng khác.

Những chống đối của Giám Mục thật khó hiểu đứng trước bao nhiêu hoa quả tốt lành phát xuất từ Mễ Du. Đối với tôi và hằng triệu người khác, những cuộc hiện ra ở Mễ Du là một chứng nhận đầy hân hoan và hi vọng cho sứ điệp của Đức Giêsu. Làm sao người lãnh đạo giáo quyền sở tại của Giáo Hội Công giáo lại có thể chống đối sự kiện này? Không những ngài không tin, mà còn trở thành một người chống đối cay nghiệt và hăng hái nhất.

Điều trớ trêu là trong thời gian đầu, Giám mục Zanic ủng hộ mạnh mẽ sự kiện hiện ra. Ngài tha thiết đến độ đã tới thăm giáo xứ này năm lần trong những tuần lễ đầu tiên ấy - khiến cho cha Jozo - cha xứ nhà thờ Thánh Giacôbê - lúc ấy đang khổ sở lại càng khổ sở thêm, (vì lúc ấy cha chưa tin vụ hiện ra). Cha không muốn có những cuộc viếng thăm của Giám Mục, vì chỉ làm tăng thêm sự rối loạn. Dù vậy, cha đã mời Đức Giám Mục Zanic chủ tế Thánh Lễ ngày 25 tháng 7, là lễ kính Thánh Giacôbê, bổn mạng giáo xứ.

Trong bài giảng của Đức Giám Mục ở Thánh Lễ hôm ấy, ngài công bố sự tin tưởng của ngài đối với sự kiện Mễ Du cho toàn thế giới:

86.jpg

Đ.G.Mục Pavao Zanic

“Sáu trẻ em đơn sơ, chất phác như chúng đây đã có thể kể ra hết câu chuyện trong nửa tiếng đồng hồ, nếu như có ai giật dây xúi bẩy chúng. Tôi bảo đảm với quí vị rằng không một linh mục nào làm chuyện đó... Hơn nữa, tôi tin chắc các em không nói dối...

Sự thật hiển nhiên: có một điều gì đó đã dậy lên trong trái tim của người dân. Người ta xưng thú tội lỗi, cầu nguyện, hòa giải với những kẻ thù - đó quả là bước tích cực nhất tiến về phía trước. Phần còn lại, chúng ta phải để Đức Mẹ, Đức Giêsu và Giáo Hội, một ngày nào đó, chắc chắn sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này.”

Đó là những lời lẽ thật mạnh mẽ từ một người - mà sau này đã cho rằng những cuộc hiện ra là một trò lừa đảo do các cha Dòng Phan Sinh giật dây. Cha Jozo đã cảnh giác vị Giám Mục đừng vội can dự quá sớm, vì theo như cha phản ánh sau này, cha có cảm tưởng vị Giám Mục là người quyết định mau lẹ, nhưng rồi sau lại từ chối và thay đổi quyết định ấy.

Đức Giám Mục Zanic không thuộc dòng Phan Sinh và có lẽ đó là căn nguyên sự chống đối của ngài. Tháng 9 năm 1980, một năm trước khi những cuộc hiện ra bắt đầu, với tư cách một Giám Mục mới bổ nhiệm của Mostar, ngài đã lập tức khởi sự chuyển các giáo xứ trong địa phận ngài từ tay các cha dòng Phan Sinh sang tay các linh mục triều (nghĩa là không thuộc dòng tu nào). Nhiều linh mục dòng Phan Sinh, vốn đã phục vụ tại các giáo xứ này trong nhiều năm, cảm thấy bị xúc phạm, cũng như đa số giáo dân của các giáo xứ ấy. Theo thỉnh cầu cụ thể của họ, nhiều linh mục Phan Sinh tiếp tục chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của các giáo dân.

Đến khi Đức Giám Mục biết các linh mục Phan Sinh lờ đi lệnh của mình, ngài trả đũa để làm gương, bằng cách cho trục xuất hai linh mục trẻ ra khỏi dòng và cách chức linh mục của hai vị này. Điều này đã tạo nên sự phẫn uất giữa ngài và các giáo sĩ dòng Phan Sinh trong vùng.

Đến đây, câu chuyện bỗng có một diễn biến bất ngờ. Ít lâu sau những lần hiện ra đầu tiên, người ta thuyết phục các thị nhân đưa vấn đề của hai linh mục trẻ trình bày với Đức Trinh Nữ Maria. Càng ngạc nhiên hơn, vì Người đã có lời phê phán về vấn đề đó. Theo lời các thị nhân thuật lại, Đức Maria nói rằng Đức Giám Mục đã “lầm lẫn và đã được thông tin không đúng”, và khuyên Đức Giám mục nên “xét lại” việc trục xuất hai linh mục trẻ dòng Phan Sinh đó, vốn vô tội, không can vào sai phạm nào.

Thế là rồi! Khi được biết về thông điệp vừa thuật lại trên, Đức Giám Mục la lên: “Đức Thánh Mẫu của Thiên Chúa không bao giờ nói với một Giám Mục theo kiểu đó!” Từ đó về sau, ngài trở thành một kẻ thù kiên quyết của những cuộc hiện ra.

Vào tháng giêng năm 1982, Đức Giám Mục thành lập một ủy ban để điều tra cuộc hiện ra một cách khách quan và toàn diện, để Giáo Hội có thể có một phán quyết với thẩm quyền tối hậu về tính xác thực của sự kiện, sau khi các cuộc hiện ra chấm dứt. Ủy ban gồm có bốn thành viên, họ tuyên bố sẽ đi Mễ Du để điều tra và phỏng vấn những người liên can. Mọi người đều biết từ trước là ba vị trong số đó có lập trường chống đối cuộc hiện ra. Về sau, hóa ra họ làm việc rất ít, chỉ trừ một thành viên là linh mục dòng Phan Sinh, Ivan Dugandzic, đều đặn đến Mễ Du.

Hai năm sau, một Ủy ban điều tra khác được thành lập để thay thế ủy ban trước. Ủy ban này không làm được gì ngoài việc làm phiền Vatican với cách điều tra uể oải của họ. Ủy ban mới nới rộng ra thành mười bốn thành viên, kể cả các chuyên gia y học. Tuy vậy, thành phần của ủy ban cũng chẳng cân bằng gì hơn trước: có mười người trong số đó được biết là chống đối với Mễ Du. Đức Giám Mục tự chỉ định mình làm Chủ tịch ủy ban, và công khai tuyên bố như sau: “Tôi Ủy ban...” và thêm rằng ngài “sẽ đập tan vụ hiện ra”.

Ủy ban đã không làm ngài thất vọng. Vào tháng 4 năm 1986, ngài đi Rôma báo cáo những điều tra sơ khởi của ủy ban mà lời đồn cho là tiêu cực. Nhưng chính tại đó, Đức Giám Mục Mostar đã nhận một cú sốc. Khi về đến nhà, người ta nghe nói là ngài thổ lộ với vài người khách hành hương rằng Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người đứng đầu Thánh Bộ Giáo lý Đức tin lúc ấy, (nay 2006 là đương kim Giáo Chủ Bênêđitô 16), đã khiển trách ngài. Như lời thuật lại, Đức Hồng Y nói với Đức Giám Mục là Đức Hồng Y không tán thành phương pháp điều tra của Đức Giám Mục, và yêu cầu Đức Giám Mục không được đưa ra phán quyết nào về vụ hiện ra vào lúc này.

Sau đó ít lâu, bằng một biện pháp chưa từng thấy (trong lịch sử Giáo Hội Công giáo), Tòa Thánh Vatican đã giải tán Ủy ban của Đức Giám Mục Zanic và thành lập một ủy ban điều tra mới, gồm tất cả các Giám Mục Nam Tư (gọi tắt là Ủy ban BYC), do Hồng Y của nước này lãnh đạo. Chỉ có các vị này mới được phép lập một ban nghiên cứu về những cuộc hiện ra, để có thể phúc trình chính thức lên Đức Giáo Chủ (lúc ấy là Gioan Phaolô II). Trong thời gian này, đang khi Ủy ban BYC khởi sự thu thập chứng cớ (có thể kéo dài trong nhiều năm), thì Đức Giám Mục Mostar nhận được chỉ thị riêng rõ ràng là không được can thiệp nữa vào vụ hiện ra, và phải giữ im lặng trước vấn đề này.

Trong khi lập trường chính thức của Giáo Hội còn cần nhiều thời gian mới có thể công bố, thì lập trường bán chính thức, lại tỏ ra tích cực, ủng hộ (8). Theo tất cả các báo cáo, thành quả của những cuộc hiện ra đều tốt lành, đời sống của nhiều người đang thay đổi. Những trung tâm thông tin Mễ Du đang mọc lên trên khắp thế giới, do những người hành hương đã đến và đã thấy, và hiện đang cố gắng loan truyền sứ điệp theo yêu cầu của Đức Maria. Một hiện tượng độc đáo của kinh nghiệm Mễ Du là sự khác biệt rộng rãi về giai cấp xã hội của những người được tác động: bác sĩ, luật sư, kỹ sư - giàu và nghèo, nam giới và nữ giới, thuộc mọi khuynh hướng và cơ cấu xã hội. Hầu như mọi người đều được tác động với cách thức như nhau.

87.jpg

Dưới ánh sáng của bao chứng cớ tích cực như vậy, phản ứng của chính Đức Giáo Chủ (Gioan Phaolô II) không có gì đáng ngạc nhiên. Trong một buổi triều kiến năm trước, mười hai Giám mục Ý đã hỏi Ngài có nên cho phép giáo hữu đi Mễ Du hay không. Câu trả lời (sau đây) của Ngài đã được loan truyền rộng rãi: “Tại sao anh em lại hỏi tôi câu đó? Nếu giáo dân hối cải, cầu nguyện, ăn chay, xưng tội và làm việc đền tội, thì cứ để cho họ đến Mễ Du!”

Nhưng càng đông người hành hương đến Mễ Du để làm những điều đó, thì Đức Giám mục Zanic càng khó chịu. Bất chấp lệnh của Vatican, Đức Cha tiếp tục đưa ra những lời tố cáo khiêu khích nảy lửa, và nếu ký giả nào muốn có một cuộc phỏng vấn nhằm bôi nhọ phát xuất từ phía giáo quyền, ký giả đó biết nơi nào sẵn sàng cung cấp cho. Với quyền hành Giám Mục, ngài tiếp tục - bằng mọi phương cách - lật đổ cái mà ngài cho là một âm mưu của các tu sĩ dòng Phan Sinh.

Tuy nhiên, gần đây đã có triển vọng cải thiện mối liên hệ giữa tòa giám mục và giáo xứ Mễ Du. Trong nhiều tháng qua, Đức Giám Mục đã không phát biểu những lời chống đối và một số linh mục giáo xứ Mễ Du đến hỏi thăm ngài về các vấn đề khác không mấy quan trọng, và đã không có xích mích gì xảy ra.

Thực ra, Đức Giám Mục không những chỉ lịch sự, mà còn ân cần ra mặt. Như vậy, có thể hi vọng. Biết đâu ơn bình an của Mễ Du cũng xuống bao phủ cả tình huống mong manh này. Bất cứ ai mà tôi có dịp trò chuyện đều hi vọng Chúa nhật hôm nay sẽ đánh dấu bước đầu tiên đến con đường hòa giải. Chắc chắn Đức Giám Mục sẽ có những lời huấn dụ yêu thương cho các thiếu niên lãnh phép Thêm Sức trong dịp vui mừng này.

Ngày Chúa nhật, khi Thánh Lễ tiếng Anh vừa xong, tôi gặp Bernie Hanley, và cả hai chúng tôi nhanh chân bước ra ngoài để nhìn mặt Đức Giám Mục Zanic tăm tiếng đã bị lu mờ kia. Ngài sẽ đi theo sau đoàn kiệu gồm các thiếu niên lãnh phép Thêm Sức và các linh mục, để tiến về khoảng sân rộng ngoài trời, nơi sẽ cử hành Thánh Lễ. Bầu trời quang đãng, mặt trời rạng rỡ, đoàn thiếu niên trong lễ phục trắng với dây lưng xanh tươi cười hớn hở. Các linh mục cũng tươi cười, tất cả mọi người đều tươi cười. Chỉ trừ Giám mục Zanic. Thấp và mập, trịnh trọng mang mũ, gậy và toàn bộ lễ phục của phẩm trật mình, ngài kiên quyết không mỉm cười.

88.jpg

Theo hiệu lệnh của cha Pervan, đoàn rước khởi hành, dẫn đầu là một cây Thánh giá giương cao, theo sau là trẻ em, các linh mục và vị Giám mục. Còn Bernie và tôi đứng ở một quãng kín đáo xa xa. Đến khoảng đất trống, một bàn thờ đang đợi sẵn cũng như toàn thể dân làng, ai nấy xúng xính trong bộ quần áo đẹp nhất của mình. Rất nhiều bà con thân hữu của họ từ các làng và thị trấn lân cận cùng đến tham dự. Rất đông người hành hương đang có mặt ở Mễ Du trong thời gian đó, đứng nhìn một cách cung kính dọc theo chu vi của khoảng sân. Tổng cộng số người tham dự cuộc lễ hôm ấy lên đến trên một ngàn.

Bernie cứ giơ cao máy hình lên khỏi đầu, chụp lia lịa, trong khi tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin mở lòng trí Đức Giám Mục. Xin đổ tràn Thánh Linh trên ngài, xin cho ngài thấy được ngày lễ hôm nay đẹp biết bao! Xin cho ngài thấy được số đông dân chúng đang tề tựu tại đây, và biết bao người đã đến để chia sẻ trong dịp này. Lạy Chúa, xin hãy làm ngài xúc động bởi những gì Chúa đang thực hiện tại Mễ Du.”

Thánh Lễ bắt đầu bởi một bài ca tuyệt vời bằng tiếng Croát, một trong những bài thánh ca hứng khởi nhất mà tôi từng được nghe; sức mạnh của nó khiến tôi tin rằng lời cầu nguyện của tôi chỉ là tiếng vọng lại lời cầu nguyện từ tâm khảm của bao người đang hiện diện. Phần đọc Tin Mừng diễn ra êm xuôi, và rồi Đức Giám mục Zanic bước tới ban huấn từ. Ngài nói nhanh, mạnh mẽ, và mặc dù không hiểu lời, nhưng ý nghĩa thì tôi dễ dàng đoán ra.

Ngài cứ lắc ngón tay, và càng lúc càng cao giọng. Tôi không khó khăn gì đọc được phản ứng của đám đông: mọi nụ cười đều biến mất, thay vào đó là vẻ chịu đựng của đá. Một điều không ổn, cực kỳ không ổn đang diễn ra. Tôi liếc nhìn về phía các linh mục Phan Sinh - những con người mà tôi đã quá quen thuộc và ngưỡng mộ. Các vị đều cúi nhìn xuống đất, trong khi cha Pervan thì nhìn thẳng phía trước, không chớp mắt, nét mặt không để lộ ra điều gì.

Nhìn qua phía Bernie, lúc ấy vẫn đang loay hoay chụp hình, tôi thì thầm với anh ta: “Bernie, không xong rồi, cái này giống một đám tang hơn một lễ Thêm Sức.”

- “Tôi không biết đang có chuyện gì.” anh ta thầm thì: “Im lặng dễ sợ quá!”

Khi Đức Giám Mục tạm ngưng công kích, thì có ba người vỗ tay. Tôi liếc nhìn người gần nhất đang đập hai tay vào nhau - cho đến khi anh ta thấy chỉ có hai người làm theo như vậy giữa đám đông hàng ngàn người vẫn yên lặng, anh ta bèn vội vàng ngưng lại. Khi Đức Giám Mục kết thúc những lời phê bình, bầu khí hân hoan, vui mừng của ngày lễ đã tắt ngúm. Ai ai cũng mong cho mau xong. Và khi đã xong, thay vì một cuộc thăm viếng phấn khởi như người ta có thể đã mong đợi, mọi người lặng lẽ tản ra, ai về nhà nấy.

Nhưng không phải tất cả: một số ít người, bị tổn thương nặng nề và tức giận vì buổi lễ Rước Mình Thánh Chúa lần đầu của con cháu họ (chịu phép Thêm sức) bị phá vỡ, đã kéo nhau đến gặp Đức Giám Mục để nói cho ngài biết họ nghĩ thế nào về ngài, cho đến lúc cha Pervan vội vàng can thiệp và yêu cầu họ về nhà.

Sau đó, Bernie và tôi tình cờ gặp một hướng dẫn viên du lịch người Croát chúng tôi quen biết. Anh đã xác nhận điều chúng tôi ngờ vực. Vị Giám Mục đã tuyên bố những chống đối về vụ hiện ra tại Mễ Du một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Còn người dân? “Họ tức giận,” hướng dẫn viên du lịch ấy nói. “Có người dám nói thẳng với Đức Giám Mục ngài là một kẻ nói dối, họ không muốn đón ngài đến làng họ.”

Tôi trở về nhà Grgo Vaslij kịp lúc gia đình ông và bạn bè đang liên hoan trong sân, mừng con trai của Grgo tên Andrija, 13 tuổi, được chịu phép Thêm Sức. Nhờ Marija, cô gái lớn của ông biết tiếng Anh, tôi hỏi Grgo nghĩ gì về bài giảng của Đức Giám Mục. Với một nụ cười chua chát, ông và mấy người khác trong bàn tiệc khi nghe thông dịch mấy câu hỏi của tôi, đều chỉ ngược ngón tay cái xuống đất (ý nói: tệ!).

Sau này, qua một bản viết tay những lời chỉ trích của Đức Giám Mục, tôi biết được lý do tại sao. Ngài kết tội các cha Phan Sinh tại Mễ Du đã tổ chức một cuộc lừa dối: “Kẻ nào rao giảng những điều dối trá như thế về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu và Đức Mẹ cho tín hữu đáng bị phạt sa đáy hỏa ngục.” Linh mục Philip Pavic vô cùng chán nản nhớ lại: “Dân chúng lúc đó chỉ biết im lặng. Họ không tài nào tin được những lời họ đang nghe... rằng vị giám mục đó, đầu đội mão, tay cầm gậy mục tử, mình vận phẩm phục, mà lại từ nơi bàn thờ cầu khẩn Đấng Công Bình Chí Thánh giáng phạt đầy chúng tôi xuống hỏa ngục, về tội tạo ra điều dối trá phạm đến Chúa Giêsu, Đức Mẹ và chính Thiên Chúa.”

Đức Giám Mục giải thích sự im lặng của cộng đoàn là dấu hiệu tán thành - “một dấu hiệu cho thấy dân chúng ở đây đã mệt mỏi về chuyện hiện ra và không còn tin vào chuyện đó nữa.” Một sự đánh giá như vậy khó lòng được xác nhận, khi chứng kiến lối sống hằng ngày của dân làng. Đối với tôi, bi kịch thực sự là sau sáu năm, Đức Giám Mục vẫn ngoan cố tiếp tục mù quáng, không thấy mọi điều tốt lành đã xảy ra trong giáo xứ - không kể trên toàn thế giới - như là kết quả của những cuộc hiện ra. Trước khi có cuộc hiện ra, không một xóm nào trong năm xóm nhỏ của làng có thể sống thuận thảo được với nhau. Giờ đây, bình an và hòa hợp ngự trị nơi thung lũng đồi núi này. Trước kia, số người dự Thánh Lễ đếm được trên đầu ngón tay; bây giờ nhà thờ luôn đông nghẹt, đến nỗi họ phải tổ chức thêm một buổi Lễ nữa vào sáng sớm trước giờ lao động, để tiện cho những ai phải đi làm mà muốn dự lễ hằng ngày. Và Đức Giám Mục sẽ giải thích thế nào về lòng mộ đạo sâu sắc của những người trẻ? Vào thời buổi mà, ở nơi khác, họ lũ lượt quay lưng lại với tôn giáo của cha mẹ; còn ở đây, họ lại đang lên đường trở về.

Tôi nhớ lại lời vị Giám Mục nói hồi đầu biến cố: những trẻ em đơn sơ như thế không thể tiếp tục diễn trò bịp bợm ấy sau khi bị tra hỏi gắt gao, dù chỉ trong nửa giờ. Vậy ngài sẽ giải thích thế nào về việc các trẻ thị nhân, sau suốt sáu năm bị điều tra tỉ mỉ, khắt khe không thể tưởng tượng được, mà vẫn không nao núng?

Chiều hôm ấy, khi đang thong thả đi bộ về phía nhà thờ, dọc theo lối mòn băng qua những cánh đồng giờ đây đã quen thuộc, tôi nhớ lại một câu Kinh Thánh mà theo tôi có thể định nghĩa tốt nhất cho những cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria, trong ngôi làng nhỏ bé này: “ Chúa Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn nhất...” (Matthêu 11,25).

* * *

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Bà, Nữ Vương Hòa Bình (10/26/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 10 Năm 2008 Từ Medjugorje, Nam Tư. (10/25/2008)
Cn112: Đức Mẹ Hiện Ra Với Nhóm Hành Hương Giờ Của Mẹ Vào Tháng 3, 2002 (10/24/2008)
Tầm Quan Trọng Của Kinh Truyền Tin (10/22/2008)
Mặt Trời Nhảy Múa Tại Đền Thánh Vô Nhiễm Mẹ Maria Ở New Jersey, Hoa Kỳ, Ngày 13/10/2008. (10/21/2008)
Tin/Bài khác
Phù Thủy Theo Kitô Giáo Nhờ Danh Thánh Maria (10/2/2008)
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi, Cầu Cho Chúng Con (10/1/2008)
Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Tháng 10, Tháng Mân Côi Ðức Mẹ Maria (10/1/2008)
Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý (10/1/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768