Tư hoạn dự phòng VietCatholic News
Tư hoạn dự phòng
Tôi xin lấy đầu đề bài viết này bằng một câu thành ngữ của người Trung Hoa mà câu thành ngữ này nó như một phương châm sống của những người có quyền thế. Bởi chúng ta không khó bắt gặp câu thành ngữ này trên các bức hoành phi của các gia đình quý tốc Trung Quốc xưa cũng như nay. "Tư hoạn dự phòng" đó là hãy suy nghĩ về những tai hoạ có thể xảy ra để đề phòng.
Tục ngữ Việt Nam cũng thường có câu: "ác giả ác báo" hay như "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"... để nói lên kết cục của những kẻ lúc còn sống, còn sung sướng đã chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc của những kẻ khác hòng phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình. Và trong lịch sử nhân loại, trong kho tàng văn học dân gian cũng như văn học thành văn mà chúng ta đã được học, được nghe kể đều cho chúng ta nhiều bài học thấm thía về điều đó.
Mới đây thôi, tôi đọc được bài viết của LM Anphong Trần Đức Phương mang tựa đề "Cái chết của bạo chúa" được đăng tải trên trang VietCatholic. Bài viết kể về tên bạo chúa lộng hành là Phalaris (Khoảng 570-554) thuộc nước Ý ngày nay. Khi lên làm lãnh chúa, Phalaris với mọi quyền hành trong tay đã thể hiện hết mọi thú tính của mình bằng cách dùng cực hình giết chết những người ông không ưa thích. Ông cảm thấy rất sung sướng về điều đó. Kết thúc câu chuyện là cái chết bi thảm của Phalaris và những tên nịnh thần chính bằng cực hình mà ông đã dùng trước đây.
Kể chuyện Phalaris tôi mới chợt nhớ đến ông vua Ngoạ triều Lê Long Đĩnh trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta hẳn còn nhớ những trang sử đen tối của Lê Long Đĩnh. Lúc lên làm vua, ông chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, lấy việc giết người làm trò chơi. Ông cũng đã chịu kết cục bi thảm và để lại tiếng xấu cho muôn đời. Rồi các “tấm gương” tàn bạo khác trong lịch sử nhân loại như Hít-le (Đức), Mao Trạch Đông (Trung Quốc)...
Người Việt Nam từ xưa đến nay vốn hiểu rất rõ điều đó và bài học đạo đức đó mỗi chúng ta đều được học từ những ngày chập chững biết đi, ê a biết nói. Còn người Công giáo thì sao? Chúng tôi còn ý thức sâu sắc hơn về điều đó bởi chúng tôi biết rằng, con người không chỉ có cuộc sống chóng qua đời này mà điểm đến của con người chính là thế giới mai sau. "Hoạn" đó chính là lửa hoả ngục, nơi mà mọi linh hồn phải khóc lóc và nghiến răng. Còn "hoạn" đối với Phật giáo đó chính là chết đi mà phải chịu cảnh trầm luân, mãi mãi không được đầu thai trở lại. Chính cái "hoạn" mai sau đó đã nhắc nhở tất cả mọi người Kitô hữu chúng tôi cũng như các tín đồ của các tôn giáo khác phải biết sống lương thiện và hướng thiện, sống là phải biết yêu thương để được lãnh nhận.
Nhưng thiết nghĩ, những kẻ vô thần được trang bị đầy mình mọi giáo điều chính thống của chủ nghĩa Mác - Lê, sẵn sàng tiêu diệt những con người mà họ cho là phản động, là "kẻ thù của nhân dân" để bảo vệ chủ nghĩa, bảo vệ "cách mạng", một thứ chủ nghĩa, một thứ cách mạng không cần đến con người. Những gì xảy ra trong cuộc "cải cách ruộng đất" ở nước ta, trong cuộc "cách mạng văn hoá" bên Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông... cho thấy người ta sẵn sàng "yêu chủ nghĩa xã hội", "yêu nước" đến mức đàn áp, bóc lột nhân dân một cách dã man. Và để bào chữa cho hành động sai trái của mình thì ngay sau đó các nhà cầm quyền đã tiến hành "sửa sai". Đúng là "đảng sai đảng sửa, dân sai đảng bỏ tù". Một thứ chủ nghĩa giáo điều, nguyên tắc, cứng nhắc nhưng người ta vẫn coi đó là cứu cánh, còn tất cả, kể cả con người, chỉ là phương tiện. Để có thể "tiến nhanh, tiến mạnh" và "đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội" (mà họ chưa biết đích thực chủ nghĩa xã hội là gì) người ta không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm và sinh mạng của con người. Điều đau lòng hơn nữa là ngày nay, phần lớn giới trí thức mà họ hoặc gia đình họ vốn xuất phát từ những người nông dân chân lấm tay bùn ấy lại làm tay sai đắc lực cho chủ nghĩa cộng sản để bóp nghẹt nhân dân vốn đã lầm than cơ cực. Vậy mà họ luôn hô hào phải "lấy dân làm gốc". Nhưng thử hỏi cái gốc đó bị chèn ép như thế thì rễ cây làm gì hút được chất dinh dưỡng cho cây phát triển khoẻ mạnh nữa.
Trong vụ việc nhà thờ Thái Hà và Toà Khâm Sứ (Hà Nội), chúng ta đã thấy rất rõ điều đó. Nhà cầm quyền Hà Nội và Nhà nước Việt Nam đã biết sai nhưng không chịu sửa. Họ vẫn ngang nhiên đàn áp nhân dân và chiếm đoạt tài sản mà họ cho là thuộc quyền sở hữu của quốc gia. Nhưng thành thực mà nói thì có phải họ làm vậy vì lợi ích chung hay không hay chỉ phục vụ cho một số người có chức quyền? Còn các phương tiện truyền thông thì sao? Theo chỉ đạo của cấp trên thì họ phải làm thật hay, thật mạnh và "đúng sự thật", cái "sự thật" chỉ có những người trong cuộc mới biết.
Trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ thấy một chế độ nào tồn tại được mãi mãi. Chế độ nào rồi cũng qua đi, sự thay đổi đó tạo tiền đề cho sự phát triển. Thực tế cho thấy, không có sự ưu việt vượt trội của chủ nghĩa xà hội ở Việt Nam. Sau 54 năm (ở miền Bắc) và 33 năm (ở miền Nam), Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng thành quả mà ngày nay chúng ta "gặt hái" được cũng chỉ là một nước nông nghiệp kém phát triển, hàng chục triệu người dân vẫn đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Nó chỉ ưu việt đối với những nhà cầm quyền mà thôi. Suốt năm 2008, chúng ta thường xuyên thấy và nghe khẩu hiệu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhưng thử hỏi có người cán bộ nào thời nay lại sống "cần, kiệm, liêm, chính" hay không? Các nhà lãnh đạo đã có thái độ "chí công vô tư" với mọi tầng lớp nhân dân hay chưa?
Chỉ vì một mảnh đất nhỏ mà cách xử lý của chính quyền Hà Nội và chính phủ Việt Nam lại tỏ ra quá kém cỏi để việc bé mà xé ra to. Người dân mất lòng tin vào đảng vào nhà nước. Thiết nghĩ các nhà lãnh đạo cần phải suy nghĩ sâu sắc về câu thành ngữ mà tôi đã nêu ở đầu bài viết. Bởi cái "hoạn" mất nước, mất chính quyền dường như đang rình rập. Nếu như việc đó xảy ra thì người mất nhiều nhất có lẽ chính là các nhà cầm quyền vậy. Nếu như có một cuộc thanh trừ như trong lịch sử xã hội chủ nghĩa thanh trừ các địa chủ thì hậu quả thật khôn lường. Còn nhân dân thì không mất gì ngoài mất xiềng xích và ách áp bức. Thành Tâm
|