18. Trong Phòng Hiện Ra
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
“Hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện!”
Thức dậy khoảng năm giờ sáng hôm sau, tôi soạn vali và lặng lẽ ra đi, không đánh thức ai. Đây xem ra là giải pháp hay nhất để tránh cảnh sát: lặng lẽ bỏ đi, rồi lẩn vào đám đông ở Mễ Du. Đến chiều tối, tôi sẽ quay trở lại nhà Primo trả tiền phòng và chào từ giã ông ấy.
Mới sớm tinh mơ mà tỉnh lẻ Citluk đã tấp nập, nhộn nhịp, tôi ngạc nhiên nhận ra điều đó - và cũng rầu rĩ nhận ra mình phải lái xe ngang qua sở cảnh sát. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua được mà không bị để ý. Rồi tôi đi thẳng luôn tới một quán cà phê bên ngoài Mễ Du để ăn sáng.
Đang thưởng thức một bữa sáng ngon lành với trứng, xúc xích và bánh mì nóng hổi mới ra lò, tôi lại nghĩ đến chín ngày qua. Sao mà nó qua mau thế? Hôm nay đã 26 tháng 6 rồi - sinh nhật của tôi! Trong sự vội vã và phấn khích, tôi đã hoàn toàn quên mất ngày này. Bây giờ, nhân ngày đặc biệt này, tôi sẽ phỏng vấn cha Slavko, nhấm nháp cái thú của một ngày đầy bất ngờ tại Mễ Du, và rồi đến đêm sẽ ra đi với cha Svet đến Konjic. Thật là một ngày sinh nhật đáng ghi nhớ!
Chín giờ sáng, tôi đã ở trước Nhà xứ đợi Tanya đến. Cánh cửa Nhà xứ bỗng mở ra và cha Svet xuất hiện. “A, Wayne, bạn tôi! Làm ơn đến đây với tôi!” ông nói với vẻ bình tĩnh nhưng nghiêm trọng, rồi nắm cánh tay tôi dẫn đến một nơi vắng vẻ phía sau Nhà thờ. “Chúng ta sẽ được yên ở đây.”
Tôi chưa bao giờ thấy ông tỏ vẻ nghiêm trọng như vậy, và như thể đọc được ý tôi, ông thêm: “Anh đừng sợ, nhưng chúng ta phải thay đổi kế hoạch. Vì những lý do tôi không thể nói ra, anh không nên đến Konjic với tôi vào lúc này.” Ông nghỉ một lát, rồi đặt tay trên vai tôi trấn an: “Chúng ta phải sắp xếp cách khác. Ngày mai, tôi sẽ mang bản thảo đã cập nhật của tôi đến cho anh, sơ Margaret sẽ cầm nó về Mỹ và sẽ làm cho anh một bản sao. Chúng ta sẽ làm việc riêng rẽ và Trung Tâm Hòa Bình là người đưa thư của chúng ta.”
- “Nhưng thưa cha, tôi không sợ gì...”
Ông ngắt lời tôi bằng cách níu mạnh vào cánh tay tôi: “Hãy tin tôi, làm như vậy tốt hơn. Ngày mai, tôi sẽ gặp anh và chúng ta sẽ nói thêm. Bây giờ tôi phải đi.”
Cố gắng xua đuổi nỗi thất vọng khi chúng tôi bước ra xe của ông, tôi nghĩ: thế là xong, như vậy sẽ thay đổi mọi thứ. Khi ông đã đi khuất, tôi nhớ ra cuối cùng tôi còn cần một chỗ trọ, hi vọng sẽ kiếm được nơi sơ Margaret. Nhưng cũng tốt thôi: bây giờ rảnh rồi, tôi có thể trở về nhà - mà tôi lại rất nóng lòng. Tôi sẽ ở lại đến hết tuần, rồi đi Dubrovnik sáng sớm thứ hai, kịp giờ bay chuyến 7 giờ 10 phút để trở về nhà.
Khi đứng trong bãi đậu xe gần Nhà xứ, bỗng có người túm lấy tôi từ phía sau và ôm chặt: “Chúc mừng sinh nhật, John Wayne, chúc mừng sinh nhật!” Tanya nhảy quanh tôi, quá vui sướng vì sắp được thông ngôn cho tôi và cha Slavko. Em la lớn: “Em sẽ tặng cho ông một món quà đặc biệt, nhưng ông phải đợi đến sau cuộc phỏng vấn mới được nhận.”
- “Tốt, tôi cũng có một món quà cho em, mặc dù hôm nay là sinh nhật của tôi!” Tanya hơi buồn vì tưởng tôi phải đi Konjic tối hôm đó. “Này, Tanya, chương trình thay đổi rồi, tôi không đi Konjic nữa, nghĩa là tôi còn ở đây với em ba ngày nữa.” Nghe vậy, Tanya ôm chặt tôi lần nữa, hò hét om xòm vì mừng rỡ. Em đã cư xử rất đàng hoàng kể từ cái sự cố đêm ấy, và tình cảm nồng nhiệt của em làm tôi động lòng.
Nhưng đã đến giờ phỏng vấn. Khi đi vào phòng cha Slavko, tôi phát hiện ra đây chính là căn phòng Đức Trinh Nữ
Phòng làm việc của cha Slavko là nơi Đức Maria thường hiện ra vào năm 1987. Trên hình : Marija ở gần cửa, còn Jakov bên trái cô, vì nhỏ hơn nên hơi bị che khuất .
Maria hiện ra mỗi chiều tối. Trước kia, cuộc hiện ra xảy ra ở trong Nhà thờ, chính xác là ở phía nhà mặc áo lễ, bên phải bàn thờ, cho đến khi ông Giám mục địa phận Mostar ra lệnh dời ra khỏi Nhà thờ. Giám mục Pavao Zanic, trong mấy tháng đầu của sự kiện này, đã là một người tin mạnh mẽ; ngày nay, ông lại là người chống đối số một. Không thuộc dòng Phan Sinh, ông đã tuyên bố những cuộc hiện ra này là trò lừa bịp, được duy trì và khích lệ bởi các linh mục dòng Phan Sinh đang ở tại Nhà thờ Thánh Giacôbê. Trong hai năm rưỡi qua, những cuộc hiện ra đã diễn ra trong cái phòng ngủ kiêm phòng làm việc chật chội, tù túng này.
Run rẩy xúc động vì được ở trong nơi đặc biệt ấy, tôi càng sung sướng hơn khi có cơ hội phỏng vấn nhà thần học tâm lý học có khuôn mặt gầy và căng thẳng, với mái tóc xám và đôi kính gọng đen này. Điều trớ trêu là ngay từ đầu, ông được chính Giám mục Zanic bổ nhiệm đến Mễ Du để bác bỏ những cuộc hiện ra và tố giác chúng như một trò dối trá, lừa bịp - điều mà hiện nay ông Giám mục rất tin. Ông Giám mục nghĩ rằng nếu có ai làm được việc đó, người ấy chính là linh mục Slavko Barbaric. Chắc chắn, vị học giả nói lưu loát bốn thứ tiếng, cũng là một trong những giáo sư thần học lỗi lạc nhất Nam Tư, sẽ mau chóng chấm dứt mọi thứ vớ vẩn này.
Tôi khởi sự bằng các câu hỏi về những ngày đầu tiên của ông với các thị nhân. Vừa mới gặp và tra vấn các em, ông đã tin chắc không có sự lừa gạt nơi các em. Và nếu các em không lừa gạt, thì những cuộc hiện ra đã thực sự xảy ra đúng như các em mô tả. Ngoài ra, ông còn cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt về đời sống thiêng liêng của các em này - giờ đây đang chịu quá nhiều áp lực; thực tế, ông thấy mình có trách nhiệm với tất cả những người trẻ trong giáo xứ. Vì nay – do được cảm hứng bởi những người được Đức Maria hiện ra, vốn cũng là bạn bè của họ từ tấm bé; và do đã nhìn thấy sự thay đổi trong đời sống của các thị nhân ấy – một số lớn trong giới trẻ đó đang xem xét lại mối quan hệ giữa họ với Thiên Chúa và với Giáo Hội của Người. Họ cũng thành lập những nhóm cầu nguyện, và nhờ cha Slavko Barbaric linh hướng.
Bất chấp cơn giận dữ của Giám mục Zanic, cha Slavko hết lòng phục vụ cộng đoàn, làm việc nhiều giờ và giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Nhóm tư vấn dành để lo cho những thiếu niên bị khủng hoảng, là một kết quả của sự tận tụy của ông. Trách nhiệm khó khăn nhất của ông là gì? Đó là phải phụ trách phòng hiện ra mỗi buổi chiều; phải làm người quyết định ai được hoặc không được vào phòng đó. Khi được hỏi tại sao các em này được chọn làm thị nhân, ông đã trích dẫn câu mà Đức Maria trả lời cho các em khi chúng cũng hỏi như vậy: “Mẹ không luôn luôn chọn những người tốt nhất.”
Ông nói thêm: “Nghe có vẻ chói tai, nhưng việc Đức Maria cố tình chọn những người bình thường đã mang lại sự tin tưởng không còn thể nghi ngờ gì được cho một hiện tượng như thế.” Tôi hiểu ông muốn nói gì: Thật khó mà tưởng tượng rằng có người nào đó nghi ngờ những trẻ em đơn sơ như vậy lại có thể dàn dựng - hoặc bị sai khiến - một trò lừa bịp có tầm cỡ như thế trong năm năm trời!
Hình trên : Được Đức Mẹ cho phép, các nhà khoa học đã đến làm nhiều cuộc trắc nghiệm. Dưới : Ba thị nhân được xét nghiệm đang lúc diện kiến. Ở giữa là Ivanka, trên đầu gắn đủ thứ máy đo, đặc biệt là bị che mắt bằng một tấm bảng rất dầy, nhưng em vẫn nhìn thấy Đức Mẹ.
Chắc chắn là trong suốt thời gian đó, sự tra xét không khoan nhượng của hàng đoàn những nhà điều tra thuộc các môn khoa học, y học, giáo luật đã thừa sức lật tẩy trò bịp bợm này. Cha Slavko còn nói: đó là lý do tại sao ông để cho các nhà báo, các giáo sĩ và các nhóm khoa học gia được ưu tiên có mặt trong giờ Đức Maria hiện ra.
Ông còn đề cập đến một điểm quan trọng khác: khi hiện ra với các trẻ em ít học, Người muốn đòi hỏi một lòng tin tinh tuyền, tuyệt đối. Khi được hỏi Người mong đợi gì ở dân chúng (tại Mễ Du và sau này khắp thế giới), Người đáp: “Họ hãy tin như thể chính mình đã được thấy.”
Trước khi được thấy Đức Maria, lòng tin của các thị nhân như thế nào? Cũng giống như bao thiếu niên cùng tuổi trên khắp thế giới, chúng cũng ý thức về tầm quan trọng của lòng tin, nhưng lòng tin ấy đã phải vật lộn với các bận tâm, lo lắng của đời sống tuổi thanh thiếu niên. Chúng đi lễ ngày Chúa nhật, nhưng nếu bỏ lễ thì chúng cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Những kinh nguyện như kinh Mân Côi, chúng chỉ đọc vào những ngày lễ đặc biệt.
Còn bây giờ? Bây giờ thì các em dồn hết tâm lực vào vai trò tiếp đón những lần viếng thăm (của Đức Maria) và tập luyện sống đời thiêng liêng hằng ngày.
Giữ lòng tin có khó đối với các em không? Khách hành hương cứ tuôn đến để gặp, để chạm đến các em và để nói chuyện với các em, khiến các em không còn thời giờ sống cho riêng mình. Tuy vậy, mỗi em hiện nay đều được đầy sự bình an nội tâm, và biết chấp nhận vai trò của mình. Trải qua năm năm, các em đã được trưởng thành về mặt thiêng liêng, khiến các em không còn tầm thường như trước kia nữa.
Tôi gật đầu tán thành, cứ ghi nhớ mãi thái độ tự tin và vẻ thanh thoát, nhã nhặn của các em, khi đáp ứng các đòi hỏi không ngớt đặt ra với các em. Tôi nhớ lại lời cha Pervan nói về các em: “Trước khi Đức Mẹ hiện đến, các em là những đứa trẻ bình thường y như những đứa khác trong làng. Bây giờ, các em đã được chọn và đặt vào một con đường mới, một lối sống mới.” Cha Slavko nói: “Con đường mới đó được tóm tắt hay nhất bằng câu trả lời của Marija, khi một ký giả hỏi rằng phải chăng được thấy Đức Trinh Nữ Maria là điểm sáng chói nhất trong ngày của em: “Điểm sáng chói nhất trong ngày của tôi là tiếp đón Đức Giêsu qua phép Thánh Thể trong Thánh Lễ.”
Nghe cha Slavko nói chuyện chẳng khác nào đi ăn một bữa tiệc, tôi được biết về các em thị nhân nhiều hơn những gì tôi đã đọc trong tất cả các sách về Mễ Du trước đó. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi biết ông đã được tín nhiệm thế nào và biết ông hiện đang là linh hướng của các em. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện gần một tiếng đồng hồ. Tanya dịch rất cừ, hoạt động như một người máy, mắt nhìn thẳng và dịch rõ, cẩn thận từng chữ một. Cha Slavko cũng nói cho Tanya biết là cha rất hài lòng việc làm của em.
Sau cùng, tuy còn muốn tiếp tục, nhưng tôi nghĩ cũng đã đến giờ phải kết thúc buổi phỏng vấn này. Tôi cám ơn cha Slavko về thời gian dành cho tôi, rồi quay gót đi ra ngoài. Nhưng Tanya cuống quít ra dấu bảo tôi đợi, rồi nói thầm gì đó với linh mục. Ông mỉm cười: “Ừ nhỉ, tôi suýt quên mất!” và bằng tiếng Anh rất chuẩn, ông tiếp: “Chiều nay, lúc 5 giờ, hãy đến Nhà xứ, nếu anh muốn có mặt lúc Đức Mẹ hiện ra. Điều này sẽ cần thiết cho quyển sách anh viết về những cuộc hiện ra đấy.”
Tôi lặng người. Là một nhà báo đang chuẩn bị viết một quyển sách, tôi biết ông đánh giá tôi đủ tiêu chuẩn, nhưng đây không phải thế. Rõ ràng Tanya đã cho ông biết hôm nay là sinh nhật của tôi, và đây chính là quà tặng đặc biệt của em. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận. Tôi đứng đó một lúc, quá bàng hoàng không biết làm gì hơn là lặng lẽ lặp đi lặp lại câu “Cám ơn”, “Cám ơn” và nước mắt tràn mi. Tôi bước ra ngoài trong bàng hoàng, đang khi Tanya nhảy nhót mừng rỡ vì đã làm tôi bất ngờ. Tôi nhìn lên trời, không ngớt thầm thì: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài!”
Chiều hôm đó, một tiếng rưỡi trước giờ hẹn, tôi đã đứng dưới chân bậc thềm dẫn đến cửa Nhà xứ, mặc dù còn nửa tiếng nữa dân chúng mới bắt đầu tụ tập. Khoảng 4 giờ 30, đám đông như tăng dần lên. Người ta chen vào từ tứ phía, cố lách sao cho
Khách hành hương tụ tập đông đảo trước phòng Nhà xứ nơi Đức Maria hiện ra. Ai cũng muốn được vào dự cuộc hiển linh hồng phúc của Người, nên dễ xảy ra cảnh chen lấn nơi cầu thang. Nhưng chỉ những ai được mời mới được vào. Người đứng ngoài sốt sắng thông công bằng cầu nguyện.
càng gần với bậc thang lên Nhà xứ càng tốt. Nhiều người cầu kinh rất sốt sắng, hi vọng cha Slavko nhìn thấy, vì một đôi khi, nếu trong phòng còn chỗ, ông sẽ chọn bất kỳ một hoặc hai khách hành hương nào.
Tuy đã được ông đích thân mời, nhưng tôi cứ nghĩ vẩn vơ: ông có thể quên tôi; hoặc trong đám đông xô đẩy chen lấn, ông có thể không nhận ra tôi. Bởi đó, tôi không muốn chuyện may rủi, nên cứ bám trụ gần chân thang trước bất cứ ai đến. Thực tế, tôi đã loanh quanh ở khu vực đó hơn hai tiếng đồng hồ rồi.
Đứng bên cạnh tôi lúc bấy giờ là một phụ nữ người Ý. Bà ta bỗng nhiên cất tiếng than khóc, rên rỉ, nài xin, vò đầu bứt tai khổ sở, trong khi đám đông đùn đẩy về phía trước. Tôi nhìn lên, cha Slavko đang đứng ở lối ra vào, vội vã ra dấu cho tôi và vài linh mục khác bước lên, rồi đi nhanh vào phòng. Chúng tôi chen lấn tìm đường đi lên những bậc thang và cuối cùng vào được bên trong.
Người phụ nữ Ý không ngừng van nài, chen sát sau tôi, cho đến khi bà ấy bị cha Slavko chận lại, và dùng tiếng Ý nói với bà rất nhanh và cương quyết. Sau nhiều cử chỉ và lời nói qua lại giữa hai người, cha đẩy nhẹ bà ấy ra khỏi cửa. Nhưng không dễ dàng bỏ cuộc, bấy giờ bà khóc lóc, kêu van inh ỏi, hai tay bà níu lấy cánh cửa, cản lại không cho cha đóng. Tôi phát hoảng, người phụ nữ đáng thương này xem ra quá khẩn thiết muốn được vào bên trong phòng. Có lẽ bà cần được vào trong hơn tôi. Tôi có nên nhường chỗ cho bà ấy không? Giữa lúc cha Slavko đang lúng túng giằng co với bà ấy, thì có nhiều người nhào tới gỡ bà ra khỏi cánh cửa. Cuối cùng, cánh cửa được đóng và khóa lại.
Phải một hồi lâu, tôi mới nhận ra mình đang đứng ở lối vào và không lâu nữa sẽ được chứng kiến cảnh hiện ra. Nhưng tôi không thể xua đuổi ra khỏi đầu hình ảnh bàn tay người phụ nữ bám chặt vào cánh cửa. Cha Slavko đưa tôi về thực tế, khi nhẹ nhàng giải thích với tôi: “Chiều nào cũng vậy. Ai cũng nghĩ là mình phải được vào bên trong và nhu cầu của họ lớn hơn của người khác.” Ông nhẫn nhục lắc đầu: “Tôi không thể cho tất cả mọi người vào được, không thể được!” Cũng dễ hiểu tại sao ông lại coi đây là một trong những trách nhiệm nặng nề nhất của ông.
Cha Slavko mở cái cửa dẫn vào văn phòng, và chúng tôi bước vào. Tôi vội vàng kiếm chỗ đứng xa xa bên phải đằng đầu căn phòng, để có một góc độ tốt mà chụp cận ảnh nét mặt của các thị nhân. Cạnh bên tôi là một đoàn người quay vidéo của một đài truyền hình nào đó.
Trong hai mươi phút kế tiếp, căn phòng trở nên ngột ngạt, vì chứa đầy hết cỡ các linh mục, nữ tu và giáo dân. Không một ai có vẻ quan tâm về chuyện đó.
Tôi quỳ gối, cố gắng không để ý đến mồ hôi đang nhỏ xuống từ trán, tham gia vào tiếng thì thầm đọc kinh, khi một trong các linh mục bắt đầu xướng kinh Mân Côi. Bên ngoài cửa sổ vang lên tiếng rì rầm vì họ cũng bắt đầu đọc kinh. Nhìn quanh căn phòng, tôi xúc động vì sự đơn giản của khoảng không gian nhỏ hẹp này mà biết bao người khao khát được vào. Một chiếc sơ mi lẻ loi treo trên móc, ở đằng sau cánh cửa. Một chiếc trường kỷ nằm dọc theo tường, chất đầy ảnh tượng khách hành hương gởi vào, để được Đức Trinh Nữ Maria đích thân làm phép. Phía bên trường kỷ là một kệ sách với một Thánh giá treo ngay phía trên ngăn cao nhất, (trong hình, tượng thánh giá bị che khuất chỉ còn thấy chân), đánh dấu chính nơi được cho là Đức Mẹ đã hiện ra với các thị nhân.
Tôi đưa mắt liếc nhìn nét mặt của những người khác ở trong phòng, và thấy tất cả mọi người - ngay cả các linh mục và các nữ tu - đều ý thức là mình sắp được tham dự vào một kinh nghiệm để đời. Chỉ vài phút nữa, chúng tôi sẽ được Vị sứ giả thiên đàng, Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc đến viếng thăm. Các thị nhân đã mô tả Người như một phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi, mặc áo dài màu xám bạc và đầu đội khăn choàng trắng. Nước da Người trắng hồng, mái tóc Người đen nhánh, và Người có một giọng nói - theo các thị nhân - êm ái, du dương hơn mọi thứ âm nhạc mà các em từng nghe.
Bỗng nhiên, Marija Pavlovic và Jacov Colo, hai thị nhân sẽ có mặt tại đây chiều nay, bước vào phòng. Chúng tôi liền ngưng đọc kinh, khi Marija quỳ ở lối vào và Jacov, cao, gầy, với vẻ ngượng ngùng của một thiếu niên 15 tuổi, đến góc phòng quỳ sụp xuống, tay đặt trên đầu gối. Cha Slavko quỳ khoảng giữa hai em và bảo Marija xướng kinh Mân Côi. Cô khoan thai bắt đầu. Tôi không thể rời mắt khỏi cô và giật mình khi cô bỗng nhìn tôi và mỉm cười. Tôi đã nhìn thấy thiếu nữ này, nay đã 21 tuổi, rất nhiều lần trên vidéo. Cô luôn có vẻ rụt rè và hơi hoảng sợ trước toàn bộ sự việc này. Giờ đây, một vẻ đẹp nội tâm đang rực rỡ tỏa sáng chung quanh cô.
Khi cô đã đọc xong chục kinh thứ nhất của chuỗi Mân Côi, cha Slavko ra dấu cho Jacov bắt đầu chục thứ hai. Em đọc từng chữ rõ ràng, thong thả, và tôi ngạc nhiên về sự nghiêm túc ấy - cho đến khi nhớ ra em đã được Đức Maria dạy dỗ từ khi em lên mười. Giây lát sau, hai thị nhân đứng dậy, đứng bên nhau trước tràng kỷ và lại bắt đầu đọc kinh.
Cũng căn phòng nói trên nơi Đức Maria hiện ra. Đây đang lúc Đức Maria hiện ra với Marija và Jakov. W.Weible đã được vào và tham dự.
Thình lình, họ ngừng lại và quỳ xuống. Tim tôi đập mạnh khi thấy chính mình đang quỳ cạnh Marija, cách cô chưa đến ba tấc! Và rồi tôi bàng hoàng nhận ra là Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc đang hiện diện... Marija có một vẻ tôn kính sâu xa. Miệng cô mấp máy, nhưng không có tiếng phát ra. Miệng Jakov cũng mấp máy. Tôi nhìn về hướng nhìn của họ. Tôi không thấy gì ngoài cây Thánh giá trên tường; tuy vậy, một cảm giác ấm áp, an bình bao phủ tôi. Tôi quên cả chụp hình và không làm gì được, trừ việc tạ ơn Chúa cho tôi được đặc ân có mặt ở đây.
Lòng cung kính của tôi bị xáo động, khi hai người trong đoàn quay phim của đài truyền hình đứng dậy. Họ đến bên Jacov, mỗi người một bên, nhấc em lên bằng cách nắm lấy khuỷu tay em, toàn thân em như đông cứng trong tư thế quỳ gối, đang khi họ nhấc bổng em lên trên không; và máy camera quay xè xè... Hai mắt em cũng không hề rời khỏi điểm mà em đang đăm đăm nhìn từ lúc cuộc hiện ra bắt đầu. Khoảng mười giây sau, họ hạ em xuống, đặt em lại chỗ cũ. Jakov cứ tiếp tục, không hề biết cái gì đã xảy ra cho em.
Tôi cảm thấy quá mau chóng, vì Marija và Jacov đã làm dấu Thánh giá rồi đứng lên. Cuộc hiện ra chấm dứt, Đức Maria đã đi rồi. Marija ra khỏi chỗ đó, đi vào phía sau Nhà xứ để ghi lại sứ điệp cô mới nhận. Lòng tôi buồn rười rượi, chỉ mong cuộc hiện ra tiếp tục mãi; nhưng cũng đầy tràn niềm tri ân, vì đã được hiện diện.
Tôi không muốn rời khỏi căn phòng - và thấy những người kia cũng nghĩ như vậy. Nhưng đã đến giờ ra đi, giờ trở về với thế gian. Khi bước ra khỏi cửa, tôi giật mình trước một biển người đang ngước mặt nhìn lên. Ngay giây phút Marija và Jacov bước vào phòng, tôi đã quên hết đám đông bên ngoài. Bây giờ, họ đang nhìn vào tôi và những người kia, dò tìm trên nét mặt chúng tôi chút manh mối của điều chúng tôi vừa chứng kiến. Tôi mong chia sẻ điều đó với họ - với tất cả mọi người - nhưng lòng tôi lại khao khát được ở một mình nơi nào đó, để hấp thụ tất cả những gì mới chứng kiến và cảm nghiệm. Tôi không có cách nào để cám ơn cô bạn bé nhỏ người Úc của tôi cho đủ về món quà sinh nhật đặc biệt này - hoặc cám ơn cha Slavko đã vui lòng cho tôi được có mặt trong buổi hiện ra. Nhưng, một cách nào đó, tự đáy lòng tôi, tôi biết Đấng mà tôi phải hết lòng tri ân là chính Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc...
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|