Của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê
VietCatholic News (Thứ Sáu 17/10/2008)
Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX TN A (Mt 22, 15-21)
Chúa Giêsu từ Galilêa lên Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua lần cuối cùng. Sau khi được dân chúng long trọng đón tiếp vào thành (Mt 21:1-11), Người đã lên thẳng Đền Thờ và ở đó Người đã đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi khu vực Đền Thờ (Mt 21:12-16). Các thượng tế và Biệt Phái rất bất mãn về những lời Người giảng dạy và những việc Người làm. Trong khi giảng dạy ở Đền Thờ, Người đã dùng dụ ngôn để ám chỉ và cảnh cáo họ. Người cho họ biết rằng Thiên Chúa đã tha thiết mời gọi họ và đã đối xử với họ cách đặc biệt hơn các dân khác, nhưng vì họ đã không đáp lại lời Ngài nên họ sẽ bị loại ra và Dân Ngoại sẽ được đón nhận vào Nước Thiên Chúa. Họ đã tẩy chay Chúa Giêsu và tìm cách giết Người vì họ không tin Người là Đấng Mêsia, mà theo ý họ là một Đấng Mêsia sẽ đưa họ lên tột đỉnh vinh quang trần thế. Tuy bất mãn với Người và muốn hại Người, nhưng họ không dám làm gì Người vì sợ dân chúng (Mt 21:45-46). Trong bài Tin Mừng hôm nay, phe Biệt Phái hùa với phe Hêrôđê để tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu. Hai phe này thù ghét nhau, nhưng lần này hợp tác với nhau vì một kẻ thù chung là Chúa Giêsu.
Câu 15 - Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói.
Từ lâu những người Biệt Phái thù ghét Chúa Giêsu vì họ thấy Người đã không giữ Lề Luật cách tỉ mỉ như họ. Đã thế Chúa lại còn bè bạn với những người thu thuế, tội lỗi và cả dân ngoại. Theo quan niệm của họ thì Chúa Giêsu không thể là Đấng Mêsia vì Người không tỏ ra giữ luật bề ngoài. Do đó họ tìm cách bắt bẻ Người và các môn đệ Người. Càng tìm cách hạ Người thì uy tín của Người càng gia tăng giữa đám dân chúng bình dân. Ghét Chúa thì nhiều, nhưng sợ Chúa dẫn đầu dân chúng nổi loạn chống lại họ và người Rôma còn nhiều hơn, nên họ tìm cách gài bẫy để tố cáo Người trong lời nói. Thực ra dịch là “bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói” thì không hoàn toàn lột được nghĩa của câu này. Đáng lẽ phải dịch: “tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu khi Người nói” hay “tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy” như bản dịch của Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ. Thâm ý của họ ở đây không những là bắt bẻ Người mà muốn mượn tay người Rôma hay nhóm yêu nước quá khích mà hại Người.
Câu 16 - Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào.
Những người Biệt Phái không còn cách nào khác mới phải dùng đến phe Hêrôđê làm đồng minh. Người Biệt Phái cho rằng mình là người công chính, nhiệt thành tuân giữ Lề Luật, và có thái độ chống đối đế quốc Rôma. Còn phe Hêrôđê dựa vào thế của đế quốc để cầm quyền. Hơn nữa về phương diện thần học, họ gần với người Xa Ðốc hơn người Biệt Phái. Ðiều này chứng tỏ rằng chỉ vì ghen ghét và muốn hại Chúa Giêsu mà hai bên đồng tình với nhau để gài bẫy Người. Vì sợ lộ tẩy và dân chúng nên họ phải rào trước đón sau trước khi đưa ra cái bẫy để gài Người.
Câu 17 - Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?"
Khi hỏi Chúa rằng “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê không?” họ chờ xem Chúa trả lời là “có” hay “không.” Nếu Người trả lời là “có” thì phe Biệt Phái có thể kết án Người là không có lòng yêu nước, và họ dùng điều này để chứng minh với dân chúng rằng Người không phải là Ðức Kitô. Đồng thời có thể xúi nhóm yêu nước quá khích hại Người. Còn nếu Người trả lời là “không” thì những người thuộc phe Hêrôđê có thể tố cáo Người là xúi dục dân chúng không nộp thuế cho Cêsarê, và như thế Chúa sẽ bị bắt và kết án làm loạn (Lk 23:3). Với âm mưu này, họ ăn chắc rằng Chúa không tài nào thoát khỏi tay họ.
Câu 18 - Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: "Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì?
Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa nên Người thấu suốt lòng dạ của họ. Nếu không phải là Thiên Chúa thì chắc Người đã mắc bẫy họ rồi. Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn phân biệt thần khí. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Hoa Kỳ, người ta thấy đa số người Công Giáo ủng hộ các ứng cử viên phò phá thai. Người ta đã mắc bẫy các ứng cử viên này vì họ đã dùng những chương trình xã hội khác xem ra phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh mà làm bẫy đánh lừa những người Công Giáo này. Họ quên rằng một người không tôn trọng quyền căn bản nhất của con người là quyền sống thì cũng sẽ chà đạp tất cả các quyền khác sau khi họ lên nắm quyền. Đó là những bọn giả hình của thời đại chúng ta. Chúng giả nhân giả nghĩa, chứ làm gì có thương yêu ai!
Câu 19 - Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế". Họ đưa cho Người một đồng bạc.
Chúa Giêsu bảo họ đưa cho người xem một “đồng tiền nộp thuế”. Đồng tiền nộp thuế này là tiền Rôma vì thuế nộp cho Cêsarê. Thuế nộp cho Đền Thờ thì nộp bằng tiền Do Thái. Người Do Thái thời Chúa Giêsu phải trả rất nhiều loại thuế như thuế thập phân, thuế thân, thuế bất động sản, thuế muối, thuế nghề nghiệp…
Câu 20 - Và Chúa Giêsu hỏi họ: "Hình tượng và danh hiệu này là của ai?"
Chúa Giêsu thừ biết hình đó và danh hiệu là của ai, nhưng Người hỏi họ để lấy câu trả lời của họ mà làm tiền đề cho câu trả lời chí lý của Người. Người biết chắc chắn rằng họ sẽ trả lời là của “Cêsarê”. Trước khi trả lời họ, Chúa Giêsu cho họ biết rằng Người biết rõ ác tâm của họ.
Câu 21 - Họ thưa rằng: "Của Cêsarê". Bấy giờ Người bảo họ rằng: "Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa".
Câu trả lời của Chúa thật khôn ngoan, và họ sững sờ vì không thể đánh lừa được Người, nhưng họ cũng không hiểu ý nghĩa thâm sâu của câu trả lời ấy.
Của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê. Cêsarê là hoàng đế của chính quyền Rôma đương thời, phải dựa vào thuế má mà trang trải các chi phí cai trị, cũng như giữ gìn an ninh cho dân chúng, đồng thời cung cấp các phương tiện tối thiểu như nước uống, đường xá,... cho dân. Như thế người dân có nhiệm vụ đóng thuế, nhưng chỉ có thế thôi, không hơn, không kém. Chúa Giêsu không theo đế quốc, nhưng Người tôn trọng luật pháp của xã hội.
Giáo Lý của Hội Thánh dạy rằng xã hội loài người sẽ không có trật tự và thịnh vượng nếu thiếu những người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích một cách đầy đủ. Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, và cần thiết để tạo sự thống nhất cho cộng đoàn. Vai trò của nó là bảo đảm tối đa cho công ích xã hội. Quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa. Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp (x. GLCG 1897-1900).
Theo Hội Thánh thì đóng thuế là một trách nhiệm luân lý (x. GLCG 2240). Trốn thuế là lỗi luật Thiên Chúa (x. GLCG 2409).
.. . Và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” - có nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tuân giữ mọi giới răn của Người. Mà nếu họ tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì họ đã không tìm đủ cách để hại Người.
Câu trả lời của Chúa Giêsu chứng tỏ Người nhìn nhận quyền bính của thế quyền, nhưng đề cao nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, và dạy cho chúng ta rằng, chu toàn bổn phận công dân là Thánh Ý Chúa.
Kết Luận
Trong câu trả lời trên Chúa Giêsu không nói rõ là điều gì thuộc vầ Cêsarê và điều gì thuộc về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết rằng sở dĩ Cêsarê có quyền hành là do Thiên Chúa ban, như vua Cyprô trong Bài Đọc Thứ Nhất. Cho nên chúng ta tôn trọng chính quyền vì họ là thừa tác viên của Chúa. Khi chính quyền làm những điều trái Luật của Chúa thì theo lương tâm chúng ta phải tuân hành.
Lạy Chúa, Chúa muốn con sống trên đời như một công dân của quốc gia trần thế mà Chúa đang cho con cư trú. Xin cho con luôn ý thức rằng tuy đây chỉ là quê hương tạm bợ, nhưng con vẫn có bổn phận phải làm cho nó mỗi ngày một thêm tốt đẹp, và luôn hướng tâm về quê Trời để chu toàn cả bổn phận công dân trần thế lẫn công dân Nước Trời của con. Amen.
Câu Hỏi để thảo luận
1. Nếu Chúa Giêsu chỉ trả lời là “Có” hay “Không” với câu hỏi của người Do Thái trong câu 17, thì hậu quả sẽ ra sao khi Chúa trả lời “Có”? Khi Chúa trả lời “Không”?
2. Khi trả lời như trong câu 21, Chúa Giêsu có ý nói gì? Chúng ta phải trả cho Thiên Chúa những gì? Chúa dạy gì về liên hệ giữa Hội Thánh và quốc gia? Nhỉệm vụ nào quan trọng hơn?
3. Trong đời sống bạn thuộc về Cêsarê hay thuộc về Thiên Chúa? Bạn chu toàn bổn phận với cả hai như thế nào? Khi chỉ đuợc lựa chọn một, bạn chọn bên nào?
Phaolô Phạm Xuân Khôi
|