4. Con Là Con Mẹ...
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
“Mẹ mời tất cả các con bắt đầu sống trong Tình yêu Thiên Chúa... Mẹ muốn dẫn các con đến với sự thánh thiện hoàn toàn...”
Tôi không biết đã quỳ ở đấy bao lâu, miệng cứ lặp đi lặp lại: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao lại là con?” Tôi không đủ tư cách làm việc này. Tôi không biết gì hết về những chuyện hiện ra hoặc về Giáo Hội Công giáo. Điều duy nhất tôi biết được về Đức Trinh Nữ Maria là Bà đã được chọn để sinh hạ Chúa Giêsu Kitô. Tại sao Bà lại xin tôi phổ biến sứ điệp Bà đã đem đến cho dân làng Mễ Du nhỏ bé đó?
Tôi cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng được tham dự vào một chuyện thánh thiêng như vậy. Cảm nhận bất xứng này không do lòng khiêm nhường, nhưng do nhận thức cay đắng về những lầm lỡ tôi đã vấp phải trong đời. Tất cả mặc cảm tội lỗi về vụ ly dị của tôi trước đây, bấy giờ trào lên trong tôi, như xát muối vào vết thương mới mở.
Tuy nhiên, dù những ý nghĩ đó có ảm đạm và nặng nề đến đâu, một cảm giác về Tình Yêu Chúa vẫn không rời tôi. Dường như có một sứ điệp khác bên trong đang trấn an tôi rằng: Tuy tôi tự thấy mình bất xứng, nhưng Chúa vẫn chấp nhận tôi. Lúc ấy, tôi nhớ lại những gì tôi thường nghe giảng ở nhà thờ, và kể cả dạy trong các lớp học ngày Chúa nhật, đó là: Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, để tội lỗi của chúng ta - tất cả mọi tội lỗi - được tha thứ. Tất cả những gì chúng ta phải làm, là xin cho được lòng ăn năn chừa cải cho thật. Nhưng dạy hay nghe biết điều ấy là một chuyện, còn sống cụ thể điều ấy lại là một chuyện khác. Tôi cảm thấy mình như một đứa bé được đùm bọc trong yêu thương và đón nhận sau khi bị quở mắng.
Tôi quỳ ở đó một hồi lâu, quá mệt mỏi không còn làm được cái gì khác. Thế rồi tôi đứng dậy, bỏ băng vào máy lại, rồi nằm xoài ra trên đi văng.
Lần này, khi xem phim, tôi được đổ tràn một ánh sáng thấu tận tâm can, vượt trí hiểu của tôi. Tôi không cần hiểu thế nào và tại sao điều này lại xảy ra cho tôi như vậy; tôi chỉ biết đó là thật và đó là tất cả những gì cần biết.
Khi chiếu đến đoạn trước lúc hiện ra, sứ điệp mà lúc nãy tôi đã nghe lại được lặp lại. Tôi biết là tôi phải làm nhiều việc khác nữa, chứ không chỉ viết sách về sự kiện Mễ Du; chứ không chỉ sống sứ điệp tình yêu và an bình cho cá nhân. Kể từ lúc đó, Mễ Du đã trở nên cuộc sống của tôi.
Mệt nhoài, nhưng không tài nào ngủ được vì quá xúc động, tôi ngồi trên đi văng hồi tưởng lại những biến cố lớn trong đời tôi. Vụ ly dị của tôi chắc chắn là biến cố đau thương nhất. Sao tôi lại dại dột đi lập gia đình quá sớm như vậy, rồi sau đó để cho một gia đình với bốn đứa con thơ xinh xắn tan rã trong một bi kịch oán hờn và chia cách? Tôi cứ tưởng chuyện đó không bao giờ có thể xảy đến với tôi...
***
Chán ngấy trường trung học, tôi đã bỏ đi khi hết lớp mười và gia nhập Hải quân. Sau khi giải ngũ, tôi sang Columbia, thuộc bang Carolina, để thăm bà chị ruột và người chồng mới của chị. Tôi chỉ ghé thăm một chút thôi, vì còn phải đi tới Tempe, bang Arizona, để vào Đại học quốc gia Arizona cùng với một người bạn Hải quân sống ở đấy.
Tôi chưa bao giờ tới Arizona. Tôi gặp một thiếu nữ giáo phái Báptít và chúng tôi bắt đầu hẹn hò. Đó là mối quan hệ nghiêm chỉnh đầu tiên của tôi, và tôi tin chắc là nếu tôi không cưới cô ấy, tôi sẽ không còn có cơ hội nào khác nữa. Cô ấy có tính nhút nhát, sinh trưởng ở tỉnh nhỏ, và đi nhà thờ thường xuyên. Tôi bắt đầu đi nhà thờ với cô ấy, tuy gia đình tôi thuộc giáo phái Lutêrô. Thực ra, tôi không cần biết là đi nhà thờ nào hoặc có đi nhà thờ hay không. Chưa đầy một năm, chúng tôi đã cưới nhau.
Một Chúa nhật nọ, ít lâu sau đám cưới, tôi cảm thấy được thúc giục hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Tôi không hiểu tại sao tôi muốn làm điều đó. Có lẽ là do lời mời gọi ăn năn hối cải, vốn thường là thành phần trong giờ thờ phượng của giáo phái Báp-tít; hoặc là do ảnh hưởng bài giảng trong nhà thờ buổi sáng hôm ấy. Tôi chỉ biết có một điều: tôi cần thay đổi nếp sống của tôi. Từ đó, tôi trở nên ngoan đạo, đi lễ mỗi sáng Chúa nhật và chiều thứ tư.
Nhưng, mặc dù tôi dấn thân làm việc Giáo Hội, cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn rắc rối, chỉ vì giữa hai chúng tôi có quá nhiều khác biệt. Mối tình của chúng tôi xem chừng đã nguội dần từ mấy tuần đầu, nhưng tôi không đành để mất chút an toàn và tình thương nó mang lại. Chúng tôi chỉ phải cố gắng làm cho nó phát huy hiệu quả mà thôi.
Ít tháng sau, từ một lần đi thăm cha mẹ vợ trở về, tôi tìm thấy giấy nhập học của trường Đại học Nam Carolina trong thùng thơ. Tôi sửng sốt. Tôi đã lãnh được giấy chứng nhận đã thi hành nghĩa vụ quân sự bốn năm trong Hải quân, và đã nộp đơn xin vào trường đó chỉ vì người anh rể của tôi đang học trường Dược ở đấy thuyết phục tôi. Tôi làm đơn cốt yếu để được rảnh nợ với anh ấy, chứ không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ được chấp nhận.
Bây giờ, chuyện đã vậy rồi, tôi không thể chần chừ nữa. Tôi dự định lấy chuyên khoa báo chí, vì từ lâu, tôi vẫn muốn làm nhà văn. Thoạt đầu, mọi việc khá hấp dẫn, tôi không có một ý tưởng gì về những khó khăn sẽ phải gặp bốn năm sau như thế nào.
Mới bắt đầu được ít lâu, tôi được biết vợ chồng tôi sắp có con. Bỗng nhiên tôi phải đi học cả ngày, đồng thời kiêm một việc làm suốt ngày. Sau bốn năm và có ba đứa con, tôi nhận được văn bằng như hằng mong ước. Nhưng chính cái nỗ lực căng thẳng để đạt được thành quả ấy, đã gây họa lớn cho cuộc hôn nhân của chúng tôi.
Tôi đi làm cho một công ty báo chí địa phương - không phải như một phóng viên, nhưng như một nhân viên giới thiệu quảng cáo thuộc bộ phận quảng cáo của công ty. Tôi hoàn toàn bị thất vọng, nhưng việc này đem lại cho tôi lợi nhuận nhiều hơn là làm phóng viên. Vả lại, trong hoàn cảnh một vợ ba con và một đứa còn trong bụng mẹ, tôi không còn lựa chọn nào hơn. Việc làm của tôi hóa ra đã được Chúa an bài: tôi đạt thành quả mau lẹ, chẳng bao lâu lên đến cấp quản lý. Tôi vẫn luôn muốn cầm bút, nhưng ít ra với từng ấy là tôi cũng đã “thành công”.
Năm 1971, cánh cửa may mắn mở ra cho tôi. Trước đó, công ty này đã mua lại ba tờ tuần báo ở trong và chung quanh vùng Myrtle Beach, một thành phố nghỉ mát ven biển. Tôi được trao công tác tăng số phát hành của tờ lớn nhất (trong ba tờ đó) và chuyển tờ tuần báo thành nhật báo. Nếu làm được, tôi sẽ trở thành chủ nhiệm tờ báo. Tôi liền chụp ngay lấy cơ hội.
Đang khi đó, vợ tôi không chia sẻ sự hăng hái với tôi. Gia đình vợ tôi lúc ấy ở cách chỗ tôi làm việc chỉ có chưa đầy một tiếng đồng hồ lái xe. Nàng nghĩ rằng dọn xuống Myrtle Beach, xa cách đó 300 cây số, là đánh mất gia đình và bạn bè; ý nghĩ ấy quá sức chịu đựng của nàng. Thế là tôi phải đi đi về về hằng tuần. Mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng tồi tệ. Cứ đến mỗi chiều Chúa nhật, tôi lại ra đi trong tiếng gào khóc và nước mắt của các con tôi. Mỗi ngày, tôi phải làm việc từ 15 đến 17 giờ. Khi về đến nhà vào tối thứ sáu hằng tuần, tôi hoàn toàn kiệt sức.
Mọi người, trừ tôi, thấy việc ly dị không còn xa mấy. Tuy cuộc hôn nhân của chúng tôi không mấy hạnh phúc, nhưng vì các con, tôi muốn duy trì tình trạng như vậy. Nhưng hoàn cảnh đã không được như thế. Rốt cuộc, việc phải đến đã đến: chúng tôi ly dị nhau. Quá sức đau đớn khiến tôi cay đắng đối với nhiều người, nhất là với những kẻ giả hình hay đi nhà thờ. Sao Thiên Chúa lại cho phép biến cố này xảy đến cho chúng tôi? Tôi đã cố gắng sống tốt để giáo dục con cái tôi - thế mà tôi lại được phần thưởng như thế đó! Tôi ngưng lui tới nhà thờ và thề sẽ không bao giờ đi nhà thờ nữa.
Đang trong tình trạng chao đảo như thế, cô Terri Harris đến với tôi. Tuy ít tuổi hơn, nhưng nàng chín chắn hơn tôi về nhiều mặt. Đối với người khác, nàng hơi nhút nhát; nhưng với tôi, nàng thoải mái và hồn nhiên. Tính nàng kiên quyết và không dễ bị nao núng, với một vốn sống khôn ngoan hiểu đời phong phú. Từ buổi sơ giao, tôi phải công nhận câu ngạn ngữ thời xưa nói về “Các cực đối kháng lại cuốn hút nhau” là đúng cho trường hợp của hai đứa chúng tôi, tuy chỉ có trời mới biết nàng đã thấy những gì nơi tôi, với những vấn đề khó khăn của tôi lúc đó.
Tuy thế, vào lúc ấy, Terri chính là điều cuối cùng mà tôi muốn có trong đời. Đây không phải là lúc dấn thân vào một mối quan hệ nghiêm túc. Theo bản năng, tôi cảm thấy nếu chúng tôi cứ gặp gỡ hẹn hò, việc nghiêm trọng tất sẽ xảy ra. Và đã xảy ra như vậy.
Terri là điều tốt đẹp duy nhất đã đến trong đời tôi lúc đó. Với một cuộc đời tan nát như thế, tôi đâu còn đầu óc để điều khiển một tờ báo - việc ấy dĩ nhiên văn phòng tổng quản trị ở Columbia đã thấy ngay. Ông tổng giám đốc đến Myrtle Beach để nói chuyện với tôi. Kết quả, họ đánh giá cao mười năm công tác của tôi, nhưng công việc là công việc, mà họ thấy công việc lại chẳng ra làm sao. Người ta bèn trả cho tôi ba tháng lương trong thời gian tôi đi tìm việc khác.
Vào tuổi 37 và trong hoàn cảnh khổ não vì vụ ly dị, tìm được một chỗ làm mới không phải là dễ. Hồi đầu, tôi lạc quan vì có một lý lịch công tác khá gây ấn tượng. Nhưng chính điều đó mới thành vấn đề: nơi nào tôi đến gõ cửa, họ cũng đều nói là trình độ nghiệp vụ của tôi quá cao. Tôi phải hạ thấp đòi hỏi và kỳ vọng của mình, nhưng vẫn không đi đến đâu. Một buổi sáng nọ, tôi chạm đến đáy vực, khi gặp một tay phát báo dạo trên đường đi. Hắn nhìn tôi với vẻ thương hại. Không ai trong tòa báo biết được tôi đã nghỉ việc, chỉ trừ người này. Mà nếu anh ta biết, thì chắc hẳn mọi người sẽ biết. Tối hôm đó, sau một ngày tìm việc không kết quả, tôi chán chường ngồi trong bóng tối của căn phòng trọ, nơi tôi đang tạm trú. Đây là một trong những đêm tồi tệ nhất trong đời tôi.
Terri thấy được điều đang xảy ra cho tôi. Nàng khuyến khích tôi đến hỏi thử các cơ sở tuyển dụng, lại còn lái xe đưa tôi đến các thành phố xa, vì thôi việc, tôi không còn quyền sử dụng xe của công ty nữa. Nhà băng trước kia đã từng cho tôi thế chân căn nhà để vay một số tiền lớn xây ngôi nhà mới tại Myrtle Beach, nay cũng từ chối cho tôi vay khoản tiền 800 đô để mua một chiếc xe Volkswagen cũ, trừ phi tôi kiếm được một người nào chịu ký nợ chung với tôi.
Ngày 30 tháng 6 năm 1974, tôi lãnh tháng lương cuối cùng. Hầu hết số tiền này được chi vào khoản trợ cấp cho con cái sau khi ly dị. Khoảng một tuần lễ sau, tôi nhận được điện thoại của một trong những cơ sở tuyển dụng. Một đại diện văn phòng niên giám điện thoại quốc gia đặt tại Tennessee phân vân hỏi tôi có muốn đi bán “những trang giấy vàng” quảng cáo chăng. Tôi nói chắc với ông ấy là tôi muốn, và còn hẹn với ông ấy một buổi phỏng vấn vào mấy ngày sau.
Ông ấy cho tôi biết đây là một dịch vụ được hưởng hoa hồng trực tiếp, và tôi phải tự lo các khoản chi phí đi lại. Tôi nói: “Tốt thôi, tôi biết tôi bán được.” Tôi cố giấu không để lộ vẻ lo sợ, vì tôi chưa bao giờ bán hàng ăn hoa hồng. Nhưng tôi cần việc làm, bất cứ việc gì. Ông ấy hứa trong một tuần sẽ gọi tôi và cho tôi hay.
Tôi cám ơn về thời giờ ông dành cho tôi, trong bụng thầm nghĩ có lẽ chẳng bao giờ ông gọi điện lại cho mình nữa. Vậy mà cuối tuần sau, ông đã gọi và giao việc cho tôi.
Bây giờ, tôi cần có một chiếc xe hơi, và Terri đồng ý ký hợp đồng vay tiền chung với tôi. Tôi không muốn nhờ vả như vậy, nhưng tôi không còn biết xoay sở cách nào hơn. Sau hai tuần lễ tập huấn, tôi bắt đầu lên đường hành sự. Nhưng sau hai ngày chạy đôn đáo, tôi chẳng bán được gì cả. Tệ hơn nữa, có một khách hàng cũ nhất định không mua quảng cáo nữa, thế có nghĩa là số tiền dịch vụ của tôi thiệt mất 35 đô.
- “Tôi không thể làm việc này được”, tôi cứ lẩm bẩm. Nhưng lần này, tôi không đơn thân độc mã, tôi còn có Terri. Tôi gọi điện cho nàng ở Myrtle Beach. Nàng khuyên tôi nên nhẫn nại và chờ đợi ít lâu. Thật vậy, nàng xác tín đến độ làm cho tôi phải giận chính mình vì đã mau chán nản. Sáng hôm sau, tôi đi bán hùng hục như bị ma đuổi, rồi cả ngày hôm sau nữa cũng vậy. Đến tối thứ sáu, tôi kiếm được hơn 500 đô tiền hoa hồng.
Tuần kế tiếp, tôi kiếm được hơn 800 đô và trong vòng sáu tháng, tôi đã là một trong năm người bán hàng giỏi nhất trong cả nước. Thật là khoái trá khi tôi trở lại gặp tay giám đốc ngân hàng để trả dứt món nợ mua xe, và làm giấy tờ để vay tiền mua một chiếc xe mới. Chiếc xe này đánh dấu ngày tôi thoát cơn bĩ cực mà hướng tới cảnh thái lai. Lòng đầy tự tin, tôi cầu hôn cùng Terri. Tháng 5-1976, nàng trở thành vợ tôi.
Ít tháng sau, khi đang ở Bắc Carolina bán hàng, tôi để ý đến một tờ tuần báo tại một nhà hàng ăn. Đó chỉ là một loại báo quảng cáo phát không kèm theo một số tin tức địa phương, nhưng cái đó làm nảy sinh nơi tôi một sáng kiến. Vừa về đến Myrtle Beach, tôi nói ngay chuyện này với Terri: “Em biết không, đây đúng là công việc mà anh luôn muốn làm; anh còn có thể viết một mục cho tờ báo ấy.” - “Anh có khùng không đó?”, Terri chận ngang. Tôi chống chế: “Anh làm được mà! Anh đã chứng tỏ là anh bán được quảng cáo và...”
- “Và bây giờ cuộc sống anh đã ổn định, anh làm ra nhiều tiền, anh lại muốn liều mạng để mất hết vì mấy cái trò ngu ngốc...”
- “Ê! Anh đã xuống tận đáy vực sâu rồi, còn sợ gì nữa? Chúng ta làm được mà!”
Tôi tin chắc rằng cùng với nhau, hai đứa chúng tôi có thể làm được mọi việc. Nhưng Terri vẫn nghi ngờ và lo lắng. Cuối cùng, tôi thuyết phục được nàng đi với tôi đến nói chuyện với viên giám đốc của một tờ tuần báo nhỏ và một nhà in nhỏ ở cách đó khoảng 60 cây số. Khi nghe tôi nói chuyện với ông ấy một cách thông thạo, với những từ nhà nghề như: dàn trang, chia cột, chế bản, lên khuôn, v.v..., Terri bắt đầu đổi ý và cuối cùng chịu thua.
Tháng 2-1977, tôi bỏ việc làm cũ để triển khai một tờ báo mới: tờ The Horry Shopper (Horry là tên hạt chúng tôi đang ở). Sau nhiều thử nghiệm và sai sót, ấn bản đầu tiên đã được phát hành. Thật đáng ngạc nhiên: mục xã luận hàng tuần của tôi trên tờ báo rất được chú ý, vì nó không phải là mục bàn những chuyện phù phiếm. Quả thực, ngay những tuần lễ đầu, mục xã luận thường là mục mà độc giả đọc, trước khi vứt tờ báo vào sọt rác.
Dần dà, dân chúng bắt đầu ngóng đợi tờ báo phát hành để được đọc. Họ chận tôi lại trên đường để nói với tôi là họ thích bài xã luận tôi viết tuần qua. Các mục quảng cáo bắt đầu có hiệu quả như tôi đã tiên đoán. Terri với tôi họp lại thành một đội tuyệt vời. Đến cuối năm thứ hai, thì chúng tôi có rủng rỉnh tiền bạc.
Năm 1980 là năm ghi dấu nhiều biến cố xảy ra cho chúng tôi, quan trọng nhất là sự ra đời của con trai chúng tôi, Kennedy. Trong khi đó, công việc làm ăn của chúng tôi tiếp tục phát triển. Chúng tôi xuất bản thêm tờ báo thứ hai, rồi thứ ba và thứ tư. Đến năm 1982, vì thấy chi phí in ấn gia tăng, chúng tôi quyết định trang bị một dàn máy in để tự in lấy. Nó làm chúng tôi phải vét hết tiền trong ngân hàng, nhưng tôi tin là chúng tôi sẽ không bị kẹt lâu đâu. Bây giờ chúng tôi có số phát hành trên 55.000 bản, phủ kín một địa bàn trên 100 cây số quanh tỉnh Myrtle Beach, với 35 nhân viên. Và tuy thường xuyên thiếu tiền mặt, nhưng trên giấy tờ thì chúng tôi xem ra vẫn ngon lành.
Bức tường sau lưng bàn giấy tôi treo đủ thứ bằng khen. Tôi tham gia nhiều câu lạc bộ dân sự, đang là chủ tịch Hội những nhà xuất bản quảng cáo cấp khu vực và là thành viên Ban quản trị cấp quốc gia. Năm 45 tuổi, căn cứ theo các tiêu chuẩn đã được người đời công nhận, cuối cùng, tôi được coi là người thành đạt.
Cuộc sống thật tốt đẹp, tốt đẹp vượt cả những gì tôi dám hi vọng. Thế rồi, một sáng thứ bảy, khi chúng tôi đang làm việc chung với nhau ngoài sân, Terri nói là chúng tôi phải đem đứa con trai, nay đã hai tuổi, đến nhà thờ để chịu phép Thánh tẩy. Trong lòng, tuy phập phồng lo sợ, nhưng bề ngoài, tôi cứ tảng lờ đi, hi vọng nàng sẽ quên việc đó. Nhưng nàng cứ nhấn đi nhấn lại không thôi, rốt cuộc, tôi phải nói: “Này, anh không đi nhà thờ lại, dù chỉ để cho Kennedy được chịu Thánh tẩy. Anh không tin vào nhà thờ. Anh cho đó là giả hình, anh đã chán ngấy nhà thờ cho đến chết!”
Không cần biết là tôi đang giận, nàng cứ kiên trì: “Ít ra chúng ta phải đi nhà thờ vì con chứ! Khi lớn khôn, nó có thể tự quyết định.” Nàng cứ từ tốn nói khiến tôi nản lòng.
Rốt cuộc, tôi phải đầu hàng. “Thôi được”, tôi bực bội khua tay nói lớn tiếng, “Vậy chỉ đi đến nhà thờ để con chúng ta được Thánh tẩy, chừng đó thôi, không thêm gì nữa nghe!”
Vợ tôi tìm thấy một nhà thờ Lutêrô cách nhà khoảng hai cây số, nhà thờ có một chương trình học đạo cho trẻ rất tuyệt. Nghĩ đó là nơi lý tưởng cho Kennedy, nàng quyết định cùng đem con đến đó, mà không ngờ rằng gia đình tôi vốn gốc thuộc giáo phái Lutêrô. Việc trước tiên là nàng phải gặp vị mục sư.
Thứ sáu sau đó, khi chúng tôi vừa xong bữa ăn tối thì nghe tiếng chuông cửa reo. Đó là mục sư William Wingard ở nhà thờ Thánh Philip, thuộc giáo phái Lutêrô. Ông cùng với vợ ghé qua thăm xã giao, hi vọng sẽ thuyết phục chúng tôi gia nhập giáo hội của họ.
Tôi nổi nóng. Trong gia đình, chúng tôi có một nguyên tắc cơ bản là dù áp lực có nặng nề đến đâu, chúng tôi cũng không bao giờ thảo luận về công việc trong các ngày cuối tuần, cho dù hoàn cảnh thúc bách mấy đi nữa; và nếu được, chúng tôi tránh làm bất cứ việc gì trong những tối thứ sáu. Đó là một nguyên tắc tốt, thường tỏ ra là một biện pháp độc đáo giúp đầu óc chúng tôi tỉnh táo. Thế mà bây giờ lại có người không hẹn mà đến làm gián đoạn, lại còn để nói toàn chuyện tôn giáo.
Bill Wingard, tối hôm đó, bị rơi vào tổ ong vò vẽ. Ông ta với bà vợ đến chưa được mười phút, thì đã nghe tôi tuyên bố thẳng thừng: Tôi không thích gia nhập giáo hội của ông, bây giờ cũng như mãi về sau. Theo tôi, cuộc viếng thăm của ông ấy chỉ làm phí thời giờ của ông cũng như của tôi. Dầu vậy, tôi mến phục ông ấy vì sự kiên nhẫn, và sự đôn hậu . Ngay sau đó, tôi không ngờ lại nghe thấy chính mình đồng ý đến nhà thờ “đôi ba lần”, cho đến khi Kennedy được chịu phép Rửa. “Nhưng chỉ có thế thôi, chớ đừng mong tôi thay đổi ý kiến”. Được đằng chân lân đàng đầu, trong lần thứ nhất đến nhà thờ, Terri đã năn nỉ tôi đi với nàng đến dự lớp học trường Chúa nhật, dành cho người lớn trước giờ thờ phượng. Rồi tuần kế tiếp cũng vậy. Hầu như chẳng ai thèm nói chuyện với tôi, và tôi tự nghĩ: “Đúng, chẳng có gì thay đổi: nhà thờ vẫn là nơi tụ tập một bọn người giả hình.”
Nhưng đến Chúa nhật thứ ba, tôi phát biểu trong buổi thảo luận của lớp học. Sau đó, có vài người cho tôi biết họ rất thích mục xã luận tuần vừa qua của tôi - do đó, tôi nghĩ: Có lẽ mình đã xét đoán họ quá khắt khe.
Rồi có hai phụ nữ trong lớp học hỏi tôi có muốn dạy một vài lớp không. Làm sao mà tôi từ chối được? “Cái tôi” nó không cho phép điều đó. Chẳng bao lâu, tôi đã đến đó dạy đều đều và còn tham gia ủy ban này, ủy ban kia. Đến khi mục sư Wingard hỏi tôi là ông có thể ghi tên tôi vào danh sách ứng viên Hội Đồng nhà thờ không, tôi liền ưng thuận. Tôi rất ngạc nhiên là mình đã được bầu.
Rất thản nhiên, theo cách thức và thời gian của tôi, tôi nhìn nhận rằng trở lại với nhà thờ là tốt. Và tất cả đều do vợ tôi muốn cho con trai chúng tôi được chịu phép Thánh tẩy. Tôi mỉm cười khi nhớ đến câu Kinh Thánh: “Và một trẻ thơ sẽ dẫn dắt họ...”
Và ngày Chúa nhật – (lẽ nào chỉ mới có bốn ngày trước đây?) – khi đang giảng dạy tại trường Chúa nhật, là chính lúc tôi được nghe nói đến Mễ Du lần đầu tiên...
Lúc từ từ chìm vào giấc ngủ, dường như tôi nghe thấy những lời ấy lần nữa trong lòng tôi: “Con là con của Mẹ, Mẹ xin con hãy làm theo Ý Con Mẹ...”
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|