Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng cứu trợ bà con sau trận lũ quét VietCatholic News (Chúa Nhật 12/10/2008)
LẠNG SƠN - Dù cơn báo số 7 đã qua đi được hơn một tuần, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn in hằn nơi hai tỉnh miền núi cực Bắc đó là Cao Bằng và Lạng Sơn. Dọc theo các nhánh sông, những ngôi nhà bị xạc lở vẫn chưa được hồi phục, thậm chí trên cả những con phố nơi dòng nước lũ đi qua, những đống rác vẫn còn đang nằm trỏng trơ, còn nếu đi trên các trục lộ thì màu xanh mơn mởn của lúa nơi những cánh đồng bị ngập úng được thay thế bằng màu nâu xầm của đất phù sa. Đâu đó nơi phố núi sứ Lạng vẫn rân ran những câu chuyện liên quan đến trận lũ quét sau cơn bão số 7 vừa qua. Trong muôn vàn những câu chuyện ấy, vị cha chung, các chủ chăn cùng tất cả các tu sỹ nam nữ của giáo phận không thể không chung tiếng. Những tiếng nói ấy có khi được nói ra ngang qua những lời thăm hỏi động viên, có khi được gởi gắm trong lời kinh nguyện thầm, “máu chảy ruột mềm” mà! Hơn nữa lẽ nào làm thinh trước nỗi đau và sự mất mát của con cái và anh chị em trong giáo phận nhà.
Chẳng nói đâu xa, chính Tòa Giám Mục cũng phải gánh chịu hậu quả lũ quét khi mà toàn bộ khuôn viên Tòa Giám mục chìm trong nước trừ ngôi Thánh đường nhà thờ chính tòa được tọa lạc trên một mảnh đất cao hơn. Không chỉ chung chia nỗi cơ cực với bà con vùng lũ, chung tiếng trong lời thăm hỏi động viên, chung lòng trong ý nguyện mà Hội thánh Lạng Sơn còn chung tay với Ủy Ban Giám Mục Đặc Trách về bác ái xã hội để nâng đỡ những những gia đình phải gánh chịu tổn thất nặng sau trận lũ bằng những hành động cụ thể.
Nhận được tin lũ về Lạng Sơn, đúng vào ngày cuối cùng của kỳ họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân đã phải tức tốc đổi vé máy bay để về nhà sớm hơn dự kiến một ngày để sẻ chia, động viên nâng đỡ bà con giáo dân của mình. Dòng nước vừa rút khỏi, Đức Cha liền hối thúc tất cả các linh mục quản xứ trong giáo phận thăm hỏi, xem xét và thống kê tất cả những gia đình phải gánh chịu thiệt hại bất kể lương giáo đang thật sự khó khăn để đưa ra đường hướng nâng đỡ cụ thể cấp thời đúng với tinh thần bác ái Kitô giáo. Thế rồi đến ngày 3 tháng 10 chính vị chủ chăn ấy đồng hành với Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, đặc trách Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của Giáo tỉnh miền Bắc, đến tận nơi những gia đình phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhất để thăm hỏi động viên và trao những phần quà thiết thực nhất của mẹ Giáo hội giành cho con cái mình. Đáp lại tấm chân tình ấy của những vị chủ chăn là khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười biết ơn của con cái. Biết ơn không chỉ vì phần quà có thể phần nào giúp mình ổn định cuộc sống, nhưng hơn thế nữa, điều mà khiến cho các khuân mặt kia trở nên rạng rỡ chính là việc họ nhận ra rằng, mình vẫn đang ở trong vòng tay của mẹ Hội Thánh và mình có chỗ đứng trong con tim của các vị chủ chăn.
Quan sát sức tàn phá của dòng chảy hữu hình nơi cơn lũ khi nó đi ngang qua phố núi sứ Lạng, khiến cho người viết liên tưởng đến những dòng chảy vô hình khác đã và đang lan tràn và quấn trôi những giá trị nhân văn, tinh thần và tôn giáo nơi mỏm đất tận cùng biên cương của dải đất hình chứ “S” này. Ai cũng biết nguyên nhân của lũ lụt vùng núi là do vỡ đập khiến người ta không kiềm chế và kiểm soát được dòng nước thượng nguồn, còn nguyên nhân xa hơn nữa là do chặt phá rừng khiến nước mưa không còn nơi tính tụ, chuyển hóa. Còn nguyên nhân của những dòng chảy vô hình nhưng lại làm cho những giá trị tinh thần bị lật nhào, tôn giáo bị tục hóa thì khó xác định hơn, vì nó vô hình mà! nhưng nếu tựu chung lại và đẩy đến cùng thì tất cả những dòng chảy ấy bắt nguồn từ tội và sự ích kỷ của con người. Có thể đó là trào lưu hưởng thụ do ý thức hệ duy vật và các luồng văn hóa ngoại lại, tôn thờ vật chất, đề cao khoái lạc, xem trọng chức quyền. Hậu quả là những “cơn lũ vô hình” này khiến những giá trị luân lý bị xem nhẹ một khi lương tâm con người bị bào mòn; cũng chính những “dòng chảy độc hại” ấy quấn theo cái cảm thức thần thiêng và khao khát thuộc về Đấng Tuyệt Đối vốn sẵn có từ ngày đầu được làm người.
Thực tế cuộc sống là thế, những dòng chảy cuộc đời vẫn xô đẩy khiến người ta phải trảo đảo ngả nghiêng. Tưởng chừng như con người mạnh nhất và trổi vượt hơn cả trong mọi tạo thành nhưng hóa ra nó lại yếu đuối và mong manh nhất một khi nó chỉ dựa vào sức của riêng mình, tự tách mình ra khỏi Nguồn Sống. Nếu như hai tuần trước đây có những người bất lực chứng kiến con nước quấn trôi tài sản, nhà cửa và hoa màu, thì ngày hôm nay cũng có không ít những người bất lực chứng kiến “con nước vô hình” quấn trôi những mảnh đời, làm tan tác các gia đình và góp phần làm băng hoại xã hội. Nếu như sau cơn lũ quét mọi người đồng loạt sắn tay dọn dẹp, tái tạo lại nhà cửa và công trình bị hư hao, tập trung cứu trợ những gia đình trong cơn quẫn bách; hôm nay đây giáo phận nhỏ bé cực Bắc đất Việt đã và đang nỗ lực “dọn dẹp” những đổ nát hoang tàn bởi những dòng chảy vô hình, và cũng chính lúc này đây giáo phận vẫn đang cần đến những con người của sứ vụ, can đảm xả thân để “cứu trợ đồng bào”, để chung vai với các vị chủ chăn gánh vác sứ mạng chính Thày Chí Thánh trao. Dominic Vũ
|