ĐÂU RỒI TẤM ÁO CON?!
Chuyện đời người, có lẽ chẳng câu chuyện nào vui và thú vị hơn câu chuyện ngày cưới. Niềm vui trong ngày cưới là niềm vui của cả tông ty họ hàng chứ không riêng gì đôi tân hôn. Lấy vợ gả chồng, con đàn cháu đống, gia phả đông đúc, gia đình trù phú giàu sang là dấu hiệu được chúc phúc. Đặc biệt, theo quan niệm xưa cũ, người Do Thái cho rằng, gia đình nào hiếm muộn được hiểu ngay là bị chúc dữ.
Tiệc cưới là tiệc vui, tiệc hoan hỉ, đời người thường chỉ có một lần, không hơn không kém và thường khách được mời dự tiệc đều là những người khách thân quen, vinh dự mới được gia chủ mời đến chung vui với gia đình. Chẳng mấy ai muốn mời người dưng nước lã, không liên hệ vào dự tiệc cả. Như vậy, những vị khách vinh dự nhất phải là những người có mối liên hệ gần gũi và thân thuộc. Ai càng có liên hệ ngay lành, thì niềm vinh dự càng lớn. Phần hết những hàng ghế hay cỗ bàn danh dự dành riêng cho những vị đại khách quí của gia tộc.
Nước Trời là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy được Đức Giêsu truyền giảng dưới nhiều hình ảnh, bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện. Phương tiện và hình ảnh gần gũi, hữu hiệu nhất mà Ngài thường dùng để giảng dạy chính là những hình ảnh thực từ cuộc sống. Từ trong bức tranh động của đời sống thường nhật, Ngài đã góp nhặt hình ảnh thực để rồi lại mặc cho chúng hình ảnh linh thiêng hầu diễn tả mầu nhiệm Nước Trời.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời với những tình tiết hết sức hấp dẫn, gây cấn.
Như đã nói, tiệc cưới là một tiệc vui, tiệc hoan hỉ. Nói đến tiệc cưới, ta hiểu ngay đó là một bữa tiệc được chuẩn bị bằng cả một quá trình. Không chỉ chuẩn bị cỗ bàn, bò to, thú béo, rượu ngon… mà còn chuẩn bị cả việc chọn lựa khách mời dự tiệc. Những vị khách được gia chủ quan tâm đầu tiên phải là những vị khách quí, có liên hệ gần gũi, thân thiết, quan trọng với gia đình. Thế nhưng, điều kỳ lạ trong bữa tiệc Nước Trời hôm nay, những vị khách quí, vị khách đặc biệt được đặt lên hàng đầu ấy lại từ khước lời mời của gia chủ với những lý do hết sức giản đơn nếu không muốn nói là tầm thường, ngay cả vô lý nữa là đàng khác. Tin Mừng kể rất rõ, lời mời của gia chủ không phải là lời mời suông, nhưng bằng cả tấm lòng ưu ái và thao thức. Niềm vui mở tiệc cưới của ông được tỏ lộ như là một niềm vui tột bậc. Niềm vui khi không chia sẻ thì chỉ là niềm vui khô cằn, ích kỷ. Nỗi buồn không được chia đôi nó cũng sẽ trở thành tảng băng chai cứng. Ắt hẳn chủ tiệc hôm nay, không nhằm mục đích mở tiệc cho to, cho lớn để lấy danh lấy tiếng, nhưng ta có thể đọc thấy ngay niềm vui khôn tả ông muốn chia sẻ cho tất cả những vị đại khách mà ông tuyển chọn, ưu ái. Ấy vậy, bẽ bàng thay, ông đích thực lại là một gia chủ đáng thương và tội nghiệp, số khách mà ông tuyển chọn ấy, chẳng có ai đáp lại lời mời của ông, họ chẳng thèm đếm xỉa, đoái hoài đến.
Gia chủ tốt bụng nọ thật là một gia chủ giàu lòng kiên nhẫn và bao dung, quảng đại, ông không tỏ lộ chút nản lòng hay phật ý, trái lại ông rất từ tốn, kiên nhẫn và nhẹ nhàng, tiếp tục sai những đày tớ khác đến mời khách dự tiệc, còn không quên cẩn thận dặn dò đày tớ trấn an khách được mời rằng cỗ bàn đã sằn sàng, mọi thứ đã được chuẩn bị, chỉ cần đến dự tiệc mà thôi, có lẽ ông không muốn mất thì giờ của họ. Quả thật, ông chính là một ông chủ rất tinh tế và nhạy bén, có lối ứng xử tận tình và tận tâm. Vậy mà trớ trêu thay, tấm lòng thành của ông vẫn không được chập thuận, những vị khách quí ấy vẫn tiếp tục từ khước lời mời với lý do đáng kinh ngạc “kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, thậm chí kẻ khác còn bắt đày tớ của Vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22,6). Câu chuyện nghe đã đến hồi gây cấn, nó không còn là một câu chuyện của một bữa tiệc vui, mà ở đó đáng lẽ mọi người đã có với nhau những giây phút cười nói, ăn uống vui nhộn, mừng vì gia chủ có thêm một gia đình mới thành hình. Thay vì tiệc cưới, tiệc vui nay trở thành tiệc buồn, tiệc chia ly, chết chóc, bởi có xô xát, có chém giết đẫm máu.
Theo tình tiết câu chuyện, nếu chỉ hiểu nông cạn, có lẽ không ai là không tức giận bởi thái độ vô lý, bất công của những vị khách quí đã được nhà vua tuyển chọn và mời gọi bước vào tiệc cưới cao quí. Từ khước lời mời dự tiệc con vua là một thiếu sót lớn lao rồi, lại còn bắt bớ các đày tớ, sỉ nhục mà giết đi là một điều hoàn toàn bất công và vô lý, có lẽ người đời ai chẳng cười chê kẻ “điên khùng mới làm điều rồ dại, oan uổng ấy”. Mấy ai chẳng lắc đầu tiếc thay cho họ, cơ hội ngàn vàng mà họ vụt mất vì kém ý thức.
Quả thật, sự chịu đựng của nhà vua cũng có giới hạn, như không thể dung thứ cho hành động ngạo ngược của những vị khách bất nhân, vô ơn và hung bạo, nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ tiêu diệt tận căn bọn người vô lương tri ấy, vì họ thật không xứng đáng.
Ngài làm lại một cuộc mời gọi, lúc này đã không còn sự tuyển chọn, nhà vua sai các đày tớ rảo khắp phố phường để mời gọi cho bằng hết thực khách, tất cả mọi người, không trừ một ai, không loại bỏ ai, bất luận tốt xấu, người người, ai ai cũng được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời. Qua đây, ta càng thấy rõ tấm lòng của gia chủ, ngài không tuyển chọn những vị khách quí nhằm mục đích mưu lợi lại phần tốt cho mình, nhưng trên hết là tấm lòng quảng đại. Mục đích trước nhất, mục đích cao cả của ông là muốn cho mọi người được vào chung vui trong ngày trọng đại. Ông không muốn giữ niềm vui riêng mình, ích kỷ hưởng thụ cho thỏa thích, nhưng là muốn chia sẻ, hầu niềm vui ấy tràn lan đến tất cả mọi người, ai cũng được cười chung tiếng cười hoan hỉ với ông. Như vậy, ta hiểu rõ tấm lòng của ông chủ là khao khát cho mọi người được chung phần vinh phúc.
Khi khách dự tiệc đã đến đầy nhà, nhà vua đến để gặp gỡ từng người trong niềm vui đã được nhân đôi vì sự hiện diện của họ. Câu chuyện tưởng như đã khép lại với tình tiết kết thúc có hậu, vậy mà gây cấn vẫn xảy ra ở giờ sau ót. Trong số những vị đại khách ấy, có người vào dự tiệc mà không mặc y phục của người đi ăn cưới. Và tất nhiên, số phận của vị khách bạc mệnh ấy chẳng tốt đẹp gì, anh ta đã bị trục xuất ra khỏi bàn tiệc.
Dụ ngôn tiệc cưới hôm nay, cho ta nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn và kết thúc nghe chẳng mấy hậu, nhưng không nên hiểu theo nghĩa tường minh của ngôn từ mà hãy hiểu theo tinh thần của người sống và chia sẻ kinh nghiệm Tin Mừng. Trước hết, ta cần hiểu tập tục Do Thái, trang phục dự tiệc cưới luôn được chuẩn bị sẳn sàng ở phòng riêng dành cho khách dự tiệc. Và do vậy, vị khách không mặc y phục lễ cưới xấu số hôm nay, bị trục xuất ra khỏi đám tiệc không phải do bởi tính khắt khe của gia chủ hay vì gia cảnh anh nghèo nàn không sắp sửa cho được y phục dự tiệc cưới, nhưng chính là do sự cố chấp và chai lỳ của anh. Chính anh đã phá bỏ tập tục, đã coi thường nết nhà đã được lưu truyền rộng rãi và lâu đời của dân tộc. Anh đã đi sai luật tục, và do vậy tự anh đã chuốc lấy án phạt cho mình chứ không phải do ai.
Dụ ngôn tiệc cưới cũng cần được hiểu cách đúng đắn về lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Gia chủ chính là Thiên Chúa, Ngài mở tiệc cưới Con Chiên, tiệc cưới của Con Một Ngài hiến mình cho nhân lọai. Ngài tuyển chọn và mời gọi dân tộc Do Thái là dân riêng đầu tiên được đón nhận Tin Mừng cứu độ. Nhưng oan trái cũng từ đó, dân được tuyển chọn lại từ khước ơn cứu độ dành riêng cho họ, với những lý do hết sức nhỏ nhặt của những con người xem nhẹ thực tại thiêng liêng và đề cao những giá trị vật chất thế trần mau qua chóng tàn, vô trường cửu. Họ đã đặt ơn cứu độ của Ngài xuống hàng thứ yếu và đề cao nhu cầu cá nhân ích kỷ thấp hèn. Do vậy, khi Thiên Chúa sai các tiên tri đến trần gian loan báo mầu nhiệm cứu độ thì lại bị từ khước và giềt chết, các ngài đã tử đạo vì Tin Mừng của Chúa.
Có thể nói, dụ ngôn hôm nay cũng chính là bản tóm lược lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Câu chuyện trải dài suốt dòng lịch sử và hiện đang còn tồn tại. Câu chuyện nói đến con đường cứu độ của Thiên Chúa. Bắt đầu từ việc tuyển chọn dân riêng, cho đến thời các ngôn sứ bị đánh đập, ức hiếp dã man, nhưng các ngài vẫn trung kiên đến cùng để giành vòng hoa tử đạo chiến thắng.
Việc nhà vua mời gọi mọi thực khách vào dự tiệc cưới, cần được hiểu là ơn cứu độ Thiên Chúa đã trao ban nhưng không cho toàn thể nhân loại, không còn sự chọn lựa, phân biệt tốt xấu mà “bất luận tốt xấu”, bất kỳ ai cũng đều được đón nhận ơn cứu độ qua Giáo Hội của Người. Ý định yêu thương của Thiên Chúa chính là muốn cho mọi người đều được cứu độ.
Khách dự tiệc không mặc lễ phục của người đi dự tiệc cưới là chính chúng ta, những người sống danh hiệu là con cái Thiên Chúa, nhưng lại không mặc lấy tấm áo của Đức Kytô, tấm áo choàng sặc sỡ nhân đức bằng lối sống đúng Tin Mừng, bằng việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Bổn phận của chúng ta chính là mặc áo cưới để đi vào dự tiệc. Ngày ngày chúng ta đang được mời gọi vào dự tiệc cưới Vua trời bằng việc sống đạo ngay trong môi trường sống vụ thể thường nhật. Nếu như hiện tại này chúng ta không biết trang điểm cho mình tấm áo của người dự tiệc, thử hỏi sau này chúng ta lấy gì bảo đảm sẽ được cùng bàn với Ngài trên thiên quốc?
Lạy Chúa, tiệc cưới là tiệc vui, tiệc hoan hỉ, tiệc hạnh phúc, đời người hầu chỉ một lần cảm nếm. Làm khách dự tiệc, con đây có ít kinh nghiệm, làm kẻ chủ mời, có lẽ chẳng bao giờ tới lân con. Nhưng dẫu vậy, con cũng phần nào cảm nghiệm được nguồn vui bất tận trong ngày trọng đại hồng phúc. Có tiệc cưới nào mà chan hòa nước mắt Chúa nhỉ, nếu như loại trừ những trường hợp hôn nhân không đúng nghĩa?! Chắc hẳn, tiệc cưới phải vui rồi, huống gì nói tới tiệc cưới Con Chiên, ngày Con Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại bằng giá máu cứu chuộc. Giá máu ấy chính là những làn tơ ngũ sắc nhiệm màu, óng ánh nhân đức và hy sinh thêu dệt nên tấm áo choàng cứu chuộc con, vậy mà biết bao lần trong đời con đã từ khước. Con không thích tấm áo thập giá Chúa mặc vào đời con, để rồi mải miết con kiếm tìm chiếc áo ảo ảnh là những lời phỉnh nịnh, ngọt ngào của kẻ bội tín quên thề. Con thích những bộ trang phục theo ý riêng mình, những bộ trang phục diêm dúa, đắt tiền và sang trọng là những thói hư, tật xấu, những ước muốn bất chính không xứng hợp nhân phẩm và ơn gọi. Biết bao bữa tiệc Thánh Thể qua đi và ngày ngày con dự mà lòng vẫn ngán ngẩm, trống rỗng. Con hiên ngang tiến vào dự tiệc chẳng chút ngại ngần mỗi khi phát hiện tấm áo hồn mình, tấm áo cưới tinh tuyền trinh trong thuở đầu đời Chúa mặc nay đã ố vàng, nhàu nát, tơi tả… Hỏi thử làm thể nào con có thể vững vàng tiến vào dự tiệc mà khẳng khái giả lời “Đâu rồi tấm áo con… ?!” M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.
|