LAVANG - Trong khi dư âm các cuộc tranh cãi đất đai ở Hà Nội vẫn còn chưa lắng xuống, chính quyền tỉnh Quảng Trị loan báo "cấp bổ sung cho nhà thờ La Vang thêm 15ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân".
Phó Chủ tịch UBND Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm 9/10 rằng tỉnh đã gửi thông báo chính thức về việc này tới Thứ trưởng Ngoại giao của tòa thánh Vatican.
|
Đạị hội 2008 thu hút nửa triệu tín đồ |
Ông Chính được báo trong nước trích lời nói: "Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang phối hợp với nhà thờ tiến hành kiểm kê, giao đất".
Việc bàn giao trên 21 ha đất cho thánh địa La Vang đã được thống nhất về nguyên tắc từ cách đây sáu tháng. Các bản tin Công giáo lúc đó nói "chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trao lại gần như toàn bộ đất đai thánh địa La Vang cho Giáo hội Công giáo Việt Nam".
Nay các phát ngôn về phía nhà nước không dùng từ "trao trả" mà dùng từ "cấp đất".
Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu La Vang, giải thích: "Đơn của Hội đồng Giám mục VN là xin giao lại đất, nhưng Nhà nước lý luận rằng đất đai là thuộc về Nhà nước quản lý, tôn giáo có nhu cầu thì họ cấp".
Theo linh mục Hiền, diện tích đất đai từng thuộc về nhà thờ La Vang trước chiến tranh lên tới trên 23 ha.
Thánh địa La Vang nằm cách thành phố Huế khoảng 60 cây số về phía Bắc. Người Công giáo lưu truyền câu chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra năm 1798 tại đây để cứu giúp các tín đồ đang phải trốn vào rừng để tránh triều đình Tây Sơn tàn sát.
Du lịch sinh thái: Linh mục Lê Sĩ Hiền cho biết diện tích 21 ha đang được giải tỏa và hy vọng cuối năm 2008 quá trình này sẽ hoàn tất và Nhà nước sẽ trao quyền quản lý cho Nhà thờ.
"Hai ha đất khác tại khu vực sẽ dành làm khu du lịch sinh thái, Nhà nước đồng ý không xây dựng gì thêm."
Theo linh mục quản nhiệm, nhu cầu đất đai của Nhà thờ rất lớn vì Trung tâm Thánh mẫu La Vang là một trong những địa chỉ hành hương nổi tiếng nhất toàn quốc và "riêng đại hội năm nay đã có nửa triệu người tham gia".
Tháng Sáu 2008, phái đoàn của tòa thánh Vatican cũng đã có chuyến viếng thăm La Vang.
Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân, và không có việc "đòi lại đất".
Được tin, một phần vì chi tiết có tính nguyên tắc này, mà đối thoại đất đai giữa Chính quyền và tòa tổng giám mục Hà Nội về khu đất Tòa Khâm sứ cũ ở Nhà Chung đã không mang lại kết quả.
Nhà nước đề xuất cấp cho Tòa Tổng giám mục một trong ba lô đất khác, nhưng Tòa Tổng Giám mục muốn lấy lại đất mà họ cho là thuộc về người Công giáo.
(Nguồn: BBC, ngày 10.10.2008)