VietCatholic News (Thứ Năm 09/10/2008)
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A
Isaia 25: 6-10; Tv: 23; Philiphê 4: 12-14, 19-20; Matthêu 22: 1-10
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật hôm nay, thánh Mátthêu cho chúng ta một bài dụ ngôn có nhiều chi tiết thật rối rắm, và thậm chí có vẻ khích bác. Đó là dụ ngôn về một vua kia mở tiệc cưới cho con mình mà bị khách mời từ chối không đến dự. Chúng ta hãy xét lại câu chuyện, và có cảm nhận câu chuyện rất lung tung. Dụ ngôn sẽ cho chúng ta bài học theo diễn tiến của câu chuyện, và đó là lý do tại sao thánh Mátthêu lại ghi câu chuyện này vào Phúc âm.
Cách mời khách đến tiệc cưới thật là lạ lùng. Vua sai đầy tớ đi mời khách. Thử hỏi chúng ta có mời khách đến dự tiệc theo kiểu đó lần nào chưa? Chắc là chưa bao giờ. Do chúng ta không phải là người có quyền thế, hay là vua của một nước. Vua chúa một nước thường làm những việc khác thường. Và hãy xem lần thứ hai, vua ra lệnh đi mời những khách "đã được mời trước". Bấy giờ quan khách lại được báo tin là "bàn tiệc đã dọn xong" và họ được "mời đến dự tiệc cưới". "Nhưng quan khách không thèm quan tâm tới". Tôi biết có những người trẻ tuổi hay từ chối không dự tiệc, khi họ chưa biết những khách được mời là ai. Tuy nhiên, có nhiều người lớn tuổi cũng có tính cách như vậy. Vậy nên, trong tiệc cưới nói trên, các quan khách có tính cách như thế, hay vì lý do nào khác nên khi được mời lại từ chối chăng?
Những quan khách được mời có phải họ đã giởn mặt với vị vua kia không? Họ đã đưa lý do gì để không đến dự tiệc cưới? có phải đó là những lý do chính đáng như: Phải đi làm việc, vậy họ đã coi việc làm của họ trọng hơn việc dự tiệc cưới của hoàng tử. Làm sao để từ chối dự tiệc cưới của một vị vua? Do vì bạn không muốn, và nếu bạn được trịnh trọng mời dự thì bạn sẽ đến do bạn kính trọng đức vua của bạn. Chúng ta đều biết vì sao chúng ta phải đi dự tiệc: vì người chủ của mình hay do một người bạn mời. Vì thế, đối với bầy tôi của một vị vua, thì dự tiệc cưới là một việc chính trị phải làm. Trong câu chuyện trên, các quan khách "không đếm xỉa đến lời mời", chứng tỏ họ là những kẻ ngạo mạn, ngốc nghếch, có tính xúc phạm tới bề trên.
Trong xã hội thời Chúa Giêsu, làm tổn thương danh dự người khác trước quần chúng là một xúc phạm nặng nề. Và trong trường hợp này, những khách được mời mà từ chối thì thật là một sự xúc phạm lớn đối với nhà vua của họ. Thậm chí, có khách mời lại "bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết", thái độ đó là họ đã sỉ nhục chính đức vua của họ. Vị vua đó không thể để sự việc xảy ra như vậy, nên vì danh dự cho mình, ông đã ra lệnh "sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành trì của chúng". Rồi sau đó đức vua sẽ làm gì khi bàn tiệc đã dọn sẵn cho đám cưới của hoàng tử? Vua sẽ hủy bỏ danh sách những quan khách định mời.
Vua sai các đầy tớ "ra các ngã đường " nghĩa là đến các quảng trường, chợ... để "mời" những người chưa bao giờ được dự một tiệc lớn ở cung điện vua. Còn những người được mời lần đầu là những nhà kinh doanh, chủ điền, là những người từ chối lời mời. Hãy nghĩ xem những người được mời lần này "ở các nẻo đường, ở chợ" là ai? Có thể họ là người hành khất, người bán thịt, người bán dạo, đĩ điếm, thu thuế, trộm cướp, tàn tật, người bệnh hoạn v.v....Những người này khi họ biết có tiệc lớn như vậy họ không dại gì để từ chối.
Chúng ta ai cũng biết, sửa soạn một tiệc cưới phải tốn bao nhiêu thì giờ và tiền bạc, và chúng ta không phải ở hàng vua chúa. Hãy tưởng tượng các món cao lương mỹ vị và rượu ngon hảo hạng trên các bàn tiệc. Chắc chắn những món ăn uống đó đã được chọn lựa kỹ. Thử hỏi, những người được mời lần sau này có biết quý những thức ăn uống đó không? và biết cách dùng các thứ ấy không? Chắc là họ chưa biết. Họ là những người đói khát. Anh chị em có thể tưởng tượng cảnh xô đẩy nhau để vào dự tiệc, dành chổ ngồi, và dành đồ ăn thức uống hảo hạng. Trong suốt đời mình, họ chưa bao giờ có được một bữa tiệc lớn như vậy, và chắc sau này họ sẽ không bao giờ được mời như vậy nữa. Vì thế bằng mọi cách họ nhào vô để ăn uống một bữa hả hê. Thử hỏi những người thiếu ăn có biết cách dự tiệc như những người giàu có không? Nếu hôm nay chúng ta biết chúng ta cần những gì nơi bàn tiệc thánh, và chúng ta hiểu được ơn ích gì chúng ta sẽ lãnh nhận, chắc chúng ta sẽ dùng mọi cách để vui mừng "dự tiệc thánh" chung với nhau.
Bấy giờ vị vua "tiến vào quan sát khách dự tiệc". Họ không còn là những người ăn xin, đầu đường xó chợ, trộm cướp v.v...nữa. Họ là những "quan khách". Địa vị của họ đã được thay đổi. Nhưng họ không làm gì để được địa vị như thế cả. Họ được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn mà họ không hề nghĩ là có thể được mời. Nơi đây, tôi lắng nghe Lời Chúa mời gọi đến sảnh tiệc, những lời nói râm ran, những lời ca tiếng hát, và có cả những tiếng cười của "quan khách".
Đến đây chúng ta thấy được một chi tiết rối rắm xuất hiện trong dụ ngôn, một chi tiết mà chúng ta ai cũng muốn cắt đi coi như chưa hề biết đến, vì nó thật khó chịu. Đó là chi tiết khi đức vua gặp một người trong số quan khách "không mặc y phục lễ cưới". Tôi ước gì thưa với đức vua, là Ngài vừa sai đầy tớ "ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào hết", thì làm sao những người đó ăn mặc chỉnh tề được? Thử hỏi làm sao họ có được quần áo chỉnh tề chứ? Rõ là vua không biết chuyện phải không?
Bài Phúc âm hôm nay có thể đọc đến hết câu 10 thôi. Và như thế có thể không đá động đến chi tiết rối rắm nói trên về người khách không mặc y phục cưới. Nhưng đôi khi, những chi tiết khó chịu trong các dụ ngôn lại là phần gây ảnh hưởng trên người nghe. Trong một lớp giáo lý chim non 6 tuổi, khi cô giáo đọc dụ ngôn này lên, và hỏi về người khách không mặc y phục cưới, có một em trả lời rằng "Khi đức vua muốn các quan khách ăn mặc chỉnh tề để dự tiệc cưới thì Ngài đã chuẩn bị y phục sẵn cho họ ở cửa vào". Câu trả lời này cũng hay đấy. Và đây cũng là câu trả lời của một nhà thần học đã đề nghị. Chúng ta được nhận lãnh những gì chúng ta cần mỗi khi chúng ta chấp nhận lời mời vào dự tiệc cưới. Anh chị em còn nhớ chuyện cô bé lọ lem không? Bà tiên đó không để cô bé đó phải chờ có áo đẹp để dự dạ vũ trong cung điện vua. Thánh Phaolô cũng nói lên ý đó trong thư gởi cho Philiphê. "Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su." (Phi.4:19)
Cộng đoàn của thánh Mátthêu gồm có người Do Thái và người ngoại trở lại. Đó là một sự pha trộn của Giáo hội thời sơ khai. Những Kitô hữu Do Thái chắc hẳn có để ý đến chuyện những quan khách đã bắt giữ, sĩ nhục và giết chết các đầy tớ của vua được xem như các ngôn sứ đã được gởi đến để mời gọi dân Chúa trở về và đã bị giết hại.
Cũng như những người ở các ngã đường đã được mời vào dự tiệc cưới, cộng đòan thánh Mátthêu có lẽ gồm đủ loại "người tốt và kẻ xấu". Vì thế, phần thứ hai của dụ ngôn có thể làm cho họ thắc mắc. Thử hỏi các thành phần trong cộng đòan làm sao thay đổi đời sống của họ để đáp lời mời dự tiệc cưới của Chúa? Họ có hiểu được ơn ích của lời mời gọi đó không? Thái độ của họ và hành vi của họ đối với những "quan khách" trong cộng đòan như thế nào? Nếu tất cả là quan khách và tất cả không ai xứng đáng được nhận lời mời gọi đầy ân sủng ấy, thì tại sao các Kitô hữu lại phân biệt nhau vì chủng tộc, vì địa vị, nguồn gốc, ngôn ngữ, vì kẻ đến trước người đến sau, vì kẻ ăn mặc sang trọng và người nghèo khó?
Nếu Anh chị em đã đọc hai thư thánh Phaolô gởi cho tín hữu Cô-rin-tô thì hẳn anh chị em đã hiểu những chia rẽ trong cộng đòan ở đó đã làm thánh Phaolô buồn phiền biết bao. Trong bữa Tiệc thánh, có những Kitô hữu Do Thái và người ngoại trở lại, có người giàu kẻ nghèo, có những góa phụ, mồ côi, người đau yếu và những người này đã đáp lời mời của Chúa Giêsu. Một cộng đòan gồm nhiều thành phần như vậy chắc có người sẽ khó chịu, nhất là những người chỉ biết đến người trong giới của mình thôi. Chính vì thế, trong thư, thánh Phaolô đã khuyên bảo nặng lời, và vì thế dụ ngôn hôm nay đã thách thức họ và gọi họ quay về cộng đòan của Chúa Giêsu.
Có người nói là không hiểu tại sao bạn của anh ta lại theo đạo Công giáo, một đạo "không có Lời Chúa và với Phụng vụ trống rỗng". Thật là một lời bình luận hơi khắc khe. Nhưng, từ sau Công Đồng Vatican II đã có những sửa đổi Phụng vụ, nhấn manh vào việc đọc và nghe Thánh Kinh. Thánh Kinh mở mắt chúng ta để biết sự quan trọng của việc thờ phượng Chúa và giúp chúng ta có ý thức khi thực hiện Phụng vụ, tránh những tập quán về Phụng vụ xưa cũ.
Nếu chúng ta đã quan trọng hóa Lời Chúa và đặt Lời Chúa vào đúng chổ của Phúc âm ngày hôm nay thì tại sao chúng ta có thể bỏ qua những người cùng chúng ta dự bàn Tiệc thánh hôm nay được? Chúng ta không nên xét đoán kẻ khác về lý do họ đi lễ, về cách ăn mặc, về những hoạt động của họ trong cộng đòan. Chúng ta hãy cùng họ thờ phượng Chúa, và cùng họ lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta sẽ hết sức thực hiện Lời Chúa. Hãy để Thiên Chúa mời gọi những người ăn mặc y phục tiệc cưới vào dự tiệc.
Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
Lm Jude Siciliano OP
|