Chính trị Việt Nam đi vào vùng thời tiết xấu Báo điện tử Asia Sentinel vừa có bài 'Hanoi Pain' của tác giả Roger Mitton, cựu phóng viên tờ Straits Times của Singapore tại Hà Nội, nhận xét về tình hình kinh tế-chính trị Việt Nam. BBCVietnamese.com xin trích giới thiệu cùng quý vị:
|
Tập đoàn lãnh đạo CSVN |
Chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản VN trở nên sâu rộng hơn vì nền kinh tế tiếp tục đi xuống, đe dọa tới sự bình ổn chính trị ở trong nước.
Tuần trước, Ban Chấp hành TW đảng vừa có phiên họp khẩn cấp nhằm tìm cách thúc đẩy cuộc đấu tranh chống lạm phát, tình trạng đình công kéo dài và thâm hụt thương mại ngày càng giãn rộng.
Đang tồn tại nhiều quan điểm mâu thuẫn nhau trong nội bộ đảng Cộng sản, từ Bộ Chính trị tới tầng lớp cán bộ địa phương, về nguyên nhân gây ra căn bệnh hiểm nghèo của nền kinh tế VN và cách thức khắc phục chúng.
Các lãnh đạo của đảng cũng chia rẽ thành hai phe: một tiếp tục ủng hộ chính sách phát triển tốc độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và một quy tụ xung quanh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh với chủ trương hợp nhất phát triển, chậm hơn nhưng bền vững hơn.
Các khác biệt về tư duy kinh tế này quện gắn với các than phiền cá nhân lâu nay về việc ông Dũng tiến cử nhiều nhà kỹ trị và đồng hương miền Nam của ông mà loại bớt đi nhiều nhân vật cao cấp khác, nhất là người miền Trung. Thêm vào những rạn nứt này là chiến dịch chống tham nhũng thiếu hiệu quả của chính ông Thủ tướng, cũng như các đợt trấn áp mới đây đối với các nhà báo và người Công giáo.
Khủng hoảng lãnh đạoCác nguồn tin bên trong Đảng và giới ngoại giao cho biết ngày càng có nhiều đồn đoán rằng nếu các chia rẽ sâu sắc thêm nữa thì chúng có thể gây ra khủng hoảng về lãnh đạo trong tương lai gần.
Hội nghị TW tuần trước, cuộc họp lần thứ ba trong năm chưa có tiền lệ của cả 160 thành viên Ban Chấp hành, đã được triệu tập một cách vội vã nhằm ngăn chặn tình trạng bức xúc của người dân và tập trung ý lực vào cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đang bắt đầu đe dọa bình ổn xã hội cũng như quyền lãnh đạo của Đảng.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia VN tại Học viện Quốc phòng Úc châu, nói: "Hội nghị TW lần ba cho thấy là một điều gì đó rất quan trọng đang được thảo luận".
Ông Nguyễn Trần Bạt, chủ tịch tập đoàn Investconsult, một trong các công ty tư vấn kinh tế lớn nhất VN, nhận xét: "Hội nghị lần này rất quan trọng vì nó chú trọng vào việc giải quyết lạm phát và phản ứng trước tình trạng suy sụp trên thị trường Hoa Kỳ".
Tại hội nghị trung ương lần trước, Ban Chấp hành TW đảng, vốn hết kiên nhẫn trước tình trạng lạm phát tăng gần 30%, đã trao cho bộ Chính trị trách nhiệm quản lý nền kinh tế cho tới hết năm. Quyết định này được cho như tước quyền điều hành của chính phủ ông Dũng.
Bản thân ông Thủ tướng và giới thân cận của ông không thể làm gì trước quyết định này vì họ chỉ chiếm số ít trong Bộ Chính trị, nơi các ủng hộ viên của tổng bí thư Nông Đức Mạnh chiếm ưu thế.
Hội nghị TW 7 hồi tháng Bảy không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy sự bất tín nhiệm đối với ông Thủ tướng, mà là chỉ dấu rằng nhiều người trong Ban Chấp hành không tin ông là lựa chọn đúng cho việc điều hành đất nước trong thời kỳ khó khăn này. Và việc hội nghị 8 được triệu tập cho thấy rõ là những người này vẫn chưa được thuyết phục ngược lại.
Không ấn tượngChỉ một ngày trước khi Hội nghị mở màn, thủ tướng Dũng còn lặp lại rằng các bộ ngành phải ưu tiên kiểm soát lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội và duy trì phát triển bền vững.
Ông cũng tiếp tục thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay, tỷ lệ mà nhiều người cho là không thể đạt được.
Ngân hàng Phát triển Á châu và một số tổ chức khác dự đoán con số khoảng 5%.
Tại Hội nghị TW tuần trước, đảng CS khôn ngoan điều chỉnh dự đoán của mình một cách chung chung, rằng "tỷ lệ tăng trưởng cần được duy trì ở mức phù hợp và bền vững".
Ông Dũng cũng ra lệnh cho các bộ ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước VN, phải chú ý tới các dao động trên thị trường tài chính thế giới và Hoa Kỳ để đưa ra được các biện pháp bảo đảm sống còn của hệ thống ngân hàng trong nước.
Theo ông Thủ tướng, người từng có thời giữ chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho tới nay khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ chưa gây ảnh hưởng nhiều tới kinh tế VN.
Thế nhưng giới kinh doanh VN lại cho thấy quan ngại rằng suy giảm kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn đã yếu ớt của VN.
Ông Nguyễn Trần Bạt nói: "Rõ ràng, suy giảm kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Đảng và có thể sẽ phải điều chỉnh các mục tiêu lâu dài".
Sự lạc quan có chừng mực của ông Dũng trái hẳn với lời phát biểu trong diễn văn khai mạc của ông Mạnh. Ngoài mặt, từ ngữ của hai ông có thể không quá khác nhau, nhưng tương phản ở bề chìm vô cùng rõ rệt.
Trong một năm trở lại đây, tình hình kinh tế VN đã xấu lại còn xấu hơn, với thị trường xuất khẩu lớn nhất Hoa Kỳ đang dần lâm vào nguy cơ suy thoái. Mọi việc có thể còn tồi tệ thêm nữa khi các gia đình thu nhập trung bình và thấp phải chịu các đợt tăng giá dịch vụ thiết yếu.
Tình trạng bất mãn trong dân và nạn đình công, lãn công có nguy cơ tăng cao.
Phải thêm thời gian nữa mới có thể biết được hội nghị tuần trước có khiến lãnh đạo đảng CS đưa ra thêm hành động nào nữa hay không. Nếu không, có thể sẽ có thêm một hội nghị trung ương nữa, hoặc thậm chí một đại hội giữa kỳ, mà trong đó các lãnh đạo chủ chốt kể cả ông Dũng và ông Mạnh, bị cho ra ngoài lề hoặc thay thế.
Đồng thuậnTổng bí thư Nông Đức Mạnh cảnh báo trong diễn văn bế mạc của mình tại Hội nghị TW 8:"Phải coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và mọi cấp, mọi ngành".
Đảng Cộng sản không chỉ lo lắng về chia rẽ nội bộ mà còn quan ngại về các vấn đề xã hội và đối lập về chính trị.
Đó là nguyên nhân tại sao có các đợt trấn áp mới rồi đối với các nhà báo và phe Công giáo.
Thủ tướng Dũng đã gọi các cuộc biểu tình mới đây của người Công giáo là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và nói nếu không chấm dứt, các hoạt động này có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ đang tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội.
Các quan chức cấp thành phố, đặc biệt những người có liên hệ với các nhân vật kỳ cựu như Tổng bí thư Mạnh hay các ông Trương Tấn Sang hoặc Lê Hồng Anh, đã muốn có hành động mạnh tay hơn. Họ nghĩ rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây hiện đang quá bận bịu với tình trạng khủng hoảng tài chính và bầu cử tổng thống Mỹ để mà chú ý tới việc trấn áp tôn giáo và báo chí ở VN.
Thế nhưng một số người khác, chủ yếu thuộc phe hòa hoãn hơn của ông Thủ tướng, cho rằng tốt nhất là cả hai bên cùng bình tĩnh lại.
Giáo sư Thayer nói:"Một lập trường cứng rắn đối với Giáo hội Công giáo không phải là ý tưởng hay và nó còn tồi tệ hơn nữa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Tất nhiên, phe bảo thủ sẽ nêu quan ngại về ổn định chính trị làm lý do".
Việc trấn áp báo chí cũng như phe Công giáo là những chủ đề cũng đã được thảo luận tại Hội nghị TW tuần trước vì, cũng giống như tình hình kinh tế, chúng gắn liền với sự ám ảnh của Đảng về ổn định chính trị và duy trì độc đảng.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển tại Hà Nội, nói: "Đảng CS luôn luôn lấy quan ngại về ổn định làm lý do chống dân chủ hóa và họ sẽ còn tiếp tục làm như vậy".
Lãnh đạo Đảng cho sự ổn định chính trị trong nước là nền tảng của sức thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là khi các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan và Philippines đều đang mất ổn định.
Một phúc trình của tổ chức Business Monitor International Ltd ra hồi đầu năm, trong có xếp hạng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương dựa theo nguy cơ chính trị, đặt VN vào vị trí thứ hai về bình ổn chính trị ngắn hạn, tương đương Hong Kong và chỉ sau Singapore.
Ông Vũ Mão, cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội VN, nói: "Tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi nghe thấy rằng ổn định chính trị trước mắt tại VN được coi trọng quá."
"Đánh giá như vậy theo quan điểm của tôi là hơi quá, và không tính đến các vấn đề lâu nay của đất nước như quyền sử dụng đất đai, tình trạng nghèo đói ở nông thôn và chất lượng sống của công nhân thu nhập thấp."
Thực vậy, trong đánh giá nguy cơ chính trị về lâu dài, bản phúc trình nói trên xếp VN xuống gần cuối bảng, chỉ hơn Lào và Miến Điện đôi chút.
Tất nhiên, cho dù có tranh chấp nội bộ trong ban lãnh đạo đảng cầm quyền, ít người nghĩ chính thể cộng sản tại VN có thể sụp đổ vì lý do kinh tế hay vì hoạt động của một số nhân vật bất đồng chính kiến, nhà báo hay tu sỹ.
Thế nhưng điều chắc chắn là ban lãnh đạo hiện thời đang bị áp lực nặng nề và không thể không triệu tập cuộc họp khẩn như hội nghị tuần rồi. Những chi tiết của cuộc hội nghị đang dần dần được làm rõ.
(Nguồn BBC: 07 Tháng 10 2008 - Cập nhật 10h39 GMT)