Truyền thông hầm chông
VietCatholic News (Thứ Bảy 04/10/2008 10:39)
“… Truyền thông của CSVN, đặc biệt nhất là truyền thông hầm chông đã thực sự giam cầm người dân trong môi trường mù loà, môi trường xa cách ánh sáng văn minh hàng vạn dặm ”
Đầu tháng 08 năm 2007, ngay sau khi nhận được chức bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, ông Lê Doãn Hợp đã “làm quen” với báo chí dưới chế độ Cộng Sản bằng cách nói lên một sự thực vô cùng sống sượng. Sự thực rằng: “Qui chế báo chí chính là để chúng ta tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh, chúng ta hoàn toàn tự do, nếu đi đúng theo lề đường bên phải”.
Không cần giải thích dông dài, mọi người đều thừa biết lề phải là lề đòi hỏi nhà báo vừa viết báo vừa tìm moi cơ hội đê nhét vào giữa đoạn tin, giữa bài báo những sáo ngữ có nội dung hết lòng ca tụng đảng và nhà nước. Ngược với lề phải là lề trái. Lề này dành riêng cho những nhà báo độc lập và bất khuất kiểu nhà báo Điếu Cày, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, luật sư Lê Thị Công Nhân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và vô số nhà dân chủ khác… Dọc theo lề trái là công an văn hóa, là tòa án luật rừng, là đủ các loai lao tù Cộng Sản. Tuy nhiên, dưới chế độ CSVN truyền thông không chỉ đơn giản bao gồm hai luồng: lề phải và lề trái. Chế độ Hà Nội còn cài đặt vào mạng lưới truyền thông của họ một luồng truyền thông thứ ba hiểm độc hơn nhiều lần, dày đặc hơn nhiều lần, đó là truyền thông hầm chông.
Hầm chông là kỷ thuật giết người rất bất ngờ và hiểm ác mà CSVN thường áp dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hầm chông có chiều sâu cao quá đầu người, diện tích khoảng 1 hoặc 2 thước vuông, hoặc rộng hơn nữa tùy theo địa hình và nhu cầu nơi thiết lập hầm bẩy. Đáy hầm cắm sẳn vô số cây sắt hoặc tre có đầu vót nhọn và sằc hướng thẳng lên trời. Miệng hầm đựợc ngụy trang bằng một đoạn đường mòn hiền hòa, một khoảng cỏ xanh thơ mộng. Khi rơi vào hầm chông, nạn nhân bị các loại cây nhọn đâm từ bàn chân lên tới ngực. Chết đau đớn và tức tưởi.
Bây giờ hãy nói về những tương đồng giữa hầm chông du kích và hầm chông truyền thông. Cả hầm chông du kích lẩn hầm chông truyền thông đều dùng âm mưu hiểm ác để đẩy con người đi vào cõi chết. Hầm chông du kích giết chết thân xác của nạn nhân. Hầm chông truyền thông giết chết khả năng nhận định của người dân về phải-quấy, hư-thực. Nó tạo ngăn cách trầm trọng trong lòng dân tộc. Nó làm cho người dân rất khó khăn trong việc phân biệt bên này là dân chủ nhân bản, bên kia là độc tài gian ác.
Ngày 16 tháng 09 năm 2008, báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của bộ Công An CSVN, đã đăng tải một bài phỏng vấn được gọi là ý kiến của giáo dân nhằm lên án các linh mục, tu sĩ, và giáo dân Công Giáo trong vụ đòi lại đất ở Thái Hà. Thế nhưng, ông Vũ Kim Mỹ, thẩm phán tòa án huyện Kim Sơn, một trong những người mà bài phỏng vấn kia có nêu tên lại viết văn thư xác nhận trước công luận rằng:
“Tôi (tức là thẩm phán Vũ Kim Mỹ) khẳng định không nói gì đến những ngày qua ở Thái Hà, và không đả động gì đến việc đòi xử nghiêm minh, cũng không nói tới Chúa trong câu trả lời”.
Rõ ràng là báo Công An Nhân Dân đã bịa ra những điều mà ông Vũ Kim Mỹ không hề nói. Bịa tin có nghĩa là bố trí tin tức thành một bẫy sập nhằm gài cho dư luận rơi vào hoàn cảnh phải hiểu sai tình hình và sự hiểu sai này có lợi cho vai trò thống trị xã hội của đảng CSVN. Đó là truyền thông hầm chông.
Ngày 20/09/2008 trong khi thảo luận với UBNDTP Hà Nội, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt có nói một đoạn như sau:
“ Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ! Chúng tôi mong muốn mình mạnh lên.”
Vin ngay vào câu nói “ Chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”, toàn bộ hệ thống truyền thông của Hà Nội đã đồng loạt và ầm ĩ lên án Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã miệt thị dân tộc Việt Nam, đã coi thường tổ quốc Việt Nam. Hành động chặt đầu, chặt đuôi câu nói để kết tội một người trong hồ đồ và huyên náo hẳn nhiên không phải là một hoạt động truyền thông nghiêm chỉnh và khoa học. Muốn xác định chân ý nghĩa câu nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, người đi tìm chân lý cần tiến hành công việc khảo sát theo ba bước:
-Bước thứ nhất: Trước khi nói tới hộ chiếu Việt Nam, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và UBNDTP Hà Nội đã nói với nhau những gì?
Như chúng ta đã biết, sau 1954 cũng như sau 30/04/1975 CSVN đã cưởng chiếm nhà đất của nhân dân cũng như của các tôn giáo theo phong cách thảo khấu: đuổi chủ nhà, chủ đất ra khỏi bất động sản của nạn nhân.Các đương sự đi đâu, đảng không cần biết. Nếu khiếu nại, đảng sẽ cho đi “học tập cải tạo” hoặc đi kinh tế mới. Việc tịch thu tài sản của nhân dân hoàn toàn không tuân theo bất kỳ luật lệ nào, không do bất kỳ văn thư hành chánh hay tư pháp nào. Ngày nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. CSVN phải đầu hàng kinh tế thị trường. Lãnh đạo đảng trở thành đại gia đỏ, họ không còn đại diện cho quần chúng vô sản nữa. CSVN phải nhìn nhận vai trò của luật pháp trong khi luật pháp của xã hội dưới ách cai tri của Hà Nội đang lâm cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Hiện tình Việt Nam chính là lúc hợp thời để người dân chất vấn nhà cầm quyền Hà Hội về căn bản pháp lý của những hành động cưởng chiếm nhà đất do CSVN thực hiện nhiều thập niên về trước. Cuộc nói chuyện giữa Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và UBNDTP Hà Nội không ra ngoài nội dung của những chất vấn vừa kể. Nhằm tránh né cuộc chất vấn không có câu trả lời kia ông chủ tịch UBNDTP Hà Nội đã “dịu giọng” gợi ý Tòa Tổng Giám Mục hãy nói tới vấn dề đất đai tại tòa khâm sứ bằng tình chứ không bằng lý. Lý ở đây dĩ nhiên là pháp lý, là luật pháp.
-Bước thứ hai: ý nghĩa đích thực của điều được gọi là “Rất là nhục nhã khi phải cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.
Đáp lời kêu gọi xem tình nặng hơn luật pháp của UBNDTP Hà Nội, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chủ trương: “ Về phương diện pháp luật, chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý”. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt giải thích thêm: “ Muốn có cái hài hòa trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa.” Tộng Giám Mục nhấn mạnh: “ Chúng ta phải sống theo pháp luật”.
Xã hội sống không theo luật pháp có nghĩa là xã hội đầy dẫy những người phạm pháp. Tại sao Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt than phiền “Đi đâu cũng bị soi xét”! Phải chăng “soi xét” để tìm cho ra mức độ nghèo yếu của người cầm hộ chiếu Việt Nam? Phải chăng “soi xét” để lượng định tầm vóc chia rẽ giữa người dân và nhà cầm quyền Việt Nam? Thưa rằng: không phải như vậy! Soi xét chỉ để lùng kiếm xem những người cầm hộ chiếu Việt Nam có buôn lậu hay không? Có làm điều gì bất hợp pháp hay không? Đây chính là lý do đích thực khiến Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt mạnh mẽ cảnh báo cho mọi người Việt Nam đặng biết: “ Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét”.
Bước thứ ba: Muốn cảm thấy hãnh diện khi cầm hộ chiếu Việt Nam, muốn đi đâu cũng không bị soi xét, người Việt Nam phải làm gì?
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt phát biểu ý kiến như sau: “Tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thực sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
Muốn đất nước lớn mạnh ư? TGM Ngô Quang Kiệt trả lời: “ Chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luân xây dựng thật vững chắc trên nền tảng pháp lý”.
Nói tóm lại, muốn lớn mạnh, muốn hãnh diện là người Việt Nam thì dân tộc Việt Nam, nhất là nhà cầm quyền Việt Nam, phải sống theo luật pháp. Luật pháp mang lại giàu mạnh và đoàn kết. Luật pháp mang lại công lý và hòa bình. Như vậy, rõ ràng là Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã khởi đi từ vấn đề căn bản pháp lý của lô đất Tòa Khâm Sứ. Sau đó, dùng “Câu chuyện hộ chiếu Việt Nam” để chuyển ý thành quyết tâm đòi hỏi công lý và hòa bình cho toàn khối nhân dân Việt Nam, cho trọn vẹn dòng sống Việt. Đó là tất cả ý nghĩa nghiêm chỉnh và đích thực nằm trong câu nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt nhân khi nhắc tới hộ chiếu Việt Nam.
Bản tin về Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và về thẩm phán Vũ Kim Mỹ là hai trong vô số bằng chứng cho thấy guồng máy truyền thông của CSVN bao giờ cũng sẳn sàng gán cho một người nào đó đã nói những lời mà đương sự không hề nói, hoặc cắt đầu, cắt đuôi câu nói của một người bất đồng quan điểm với chế độ Hà Nội nhằm kích động dân chúng chống đối người này. Đây là loại truyền thông gài bẩy. Loại truyền thông gài bẩy này hiểm ác không khác gì hầm chông. Vì vậy nó được gọi là truyền thông hầm chông. Như vậy dưới ách cai tri gian ác của CSVN, hoạt động truyền thông được chia thành ba luồng.
Luồng một bao gồm những ngòi bút ngoan ngoản phục tùng độc tài và tham ô. Luồng một được CSVN gọi là truyền thông lề phải.
Luồng hai bao gồm những ngòi bút độc lập, yêu chuộng tự do dân chủ. Luồng hai bị CS gọi là truyền thông lề trái. Vì vậy những ngòi bút luồng hai là khách hàng quen thuộc của ngục tù bao la dưới chế độ CS.
Luồng ba là luồng truyền thông hầm chông. Luồng này chuyên bịa đặt tin giả, bưng bít tin thật, chặt đầu chặt đuôi tin tức quan trọng nhằm đầu độc dư luận hoặc lèo lái dư luận suy nghĩ theo hướng có lợi cho độc tài tham ô.
Nhờ có sự tham dự của tư tưởng giới, con người là một loài động vật có khả năng và có nhu cầu truyền thông. Truyền thông giữa người dân với người dân. Truyền thông giữa người dân với nhà cầm quyền. Truyền thông giữa cộng đồng dân tộc với cộng đồng thế giới. Truyền thông là cội nguồn của cảm thông và hợp tác, của hòa bình và công lý. Truyền thông của CSVN, đặc biệt nhất là truyền thông hầm chông đã thực sự giam cầm người dân trong môi trường mù loà, môi trường xa cách ánh sáng văn minh hàng vạn dặm. Muốn Việt Nam tiến lên dân chủ và thịnh vượng, hành động tiên quyết của nhân dân Việt Nam là phải nhanh chóng giải thoát người dân ra khỏi nanh vuốt của truyền thông hầm chông. Có như vậy người dân mới đủ hiểu biết chân xác để nhận ra tính chất tuyệt hảo của thể chế tự do dân chủ. Có như vậy người dân mới tích cực dấn thân vào con đường phá vỡ tảng đá độc tài và tham ô hiện đang đắp mô trên dòng sử Việt.
Đỗ Thái Nhiên
|