Theo Lịch Phụng Vụ, Giáo Hội dâng Tháng Mười làm tháng kính Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi. Để hiệp thông cùng quý giáo hữu sốt sắng tham gia việc đạo đức trong tháng nầy, chúng tôi xin lược qua một số tìm hiểu, học hỏi về Chuỗi Mai Khôi, về Lễ Đức Mẹ Mai Khôi, Tháng Mai Khôi và, cách riêng, về nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Kính Mừng.
Chuỗi Mai Khôi
Thánh Luy Maria Môngpho – Louis Marie Grignion de Montfort mà nhiều giáo hữu đoàn viên Hội Đạo Binh Đức Mẹ – Legio Mariae đã biết danh người qua Thủ Bản Legio Mariae ( 107, tr. 77-78 ) là tông đồ nhiệt thành rao giảng về Chuỗi Mai Khôi. Thánh nhân là “hội viên tích cực truyền bá cho Hội Mai Khôi, hội của người tín hữu mỗi tuần tối thiểu lần hột Mai Khôi 150 kinh” ( ba chuỗi Mai Khôi ). Theo Thủ Bản Legio Mariae ( số 605, tr. 372 ), đây là “một hội có nhiều ân xá nhất, ta cần vào để hưởng cho hết các ơn ích của chuỗi Mai Khôi.” Về bí quyết chuỗi Mai Khôi, Thánh Môngpho nói:
“Chuỗi Mai Khôi chính yếu gồm có kinh Chúa Giêsu dạy ( Kinh Lạy Cha ) và lời chào mừng của Thiên Sứ ( Kinh Kính Mừng ) và vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa ( Kinh Sáng Danh ). Tuy đã từ lâu đời, các tín hữu sốt sắng với việc tôn sùng Mai Khôi, những mãi đến năm 1214, Giáo Hội mới nhận được chuỗi Mai Khôi như ta đọc ngày nay do Thánh Đaminh truyền lại theo sự chỉ dẫn của Thánh Nữ Đồng Trinh giúp chiến thắng bè rối Albigensian và giúp những kẻ có tội ăn năn trở lại cùng Chúa.
Albigensian từ nguyên thủy là tổ chức có tên Cathari, ở Languedoc, miền Nam nước Pháp, một bè rối chống phá Công Giáo liên quan đến Đức Tin vào Chúa Giêsu Kitô từ thế kỷ 11 và phát triển mạnh ở thành phố Albi, Đông Bắc Toulouse ( 1181 ), nên được gọi là Albigensian. Cả hai Công Đồng Tours ( 1163 ) và Công Đồng Latêranô 3 ( 1179 ) đều không giải quyết được và Đức Giáo Hoàng Innôcent III ( 1198 – 1216 ) phải kêu gọi Thập Tự Chiến để đánh quân Albigensian, nhưng còn nhiều khó khăn không thắng nổi.
Trong sách De Dignitate Psalterii ( Về phẩm chức của Ca Vịnh ), Chân Phước Alan de la Roche ghi lại: “Năm 1213, khi thấy tội lỗi quá nặng nề của nhân dân và của quân rối Albigensian ở Miền Nam nước Pháp, cha Đaminh vào rừng gần Toulouse, Pháp, và cầu nguyện liên miên ba ngày, ba đêm, xin Chúa nguôi cơn giận. Người hãm mình, đánh tội cho đến ngất xỉu. Lúc đó, Đức Mẹ, có ba thiên thần chầu quanh, hiện ra và phán bảo:
- Này Đaminh, con có biết Ba Ngôi Thiên Chúa chí thánh muốn dùng vũ khí nào để cải thiện thế gian chăng ?
- Thưa Mẹ, Mẹ biết hơn con vì Mẹ ở kề bên Chúa Giêsu, Con Mẹ, và Mẹ đồng công chuộc tội loài người chúng con.
Mẹ nói: “Phương cách chính là Lời Chào Mừng của Thiên Sứ, đá tảng của Tân Ước. Nếu con muốn đạt đến tâm hồn cứng cỏi của người tội lỗi và vượt thắng họ, thì phải rao giảng Kinh Kính Mừng đó.”
Đaminh trỗi dậy, sốt sắng tìm gặp những người tội lỗi, bằng cách đi thẳng tới Nhà Thờ Chính Tòa Toulouse. Bỗng có những thiên thần bí mật rút chuông triệu tập dân chúng tề tựu. Khi Đaminh bắt đầu giảng thì bão táp nổi lên, trái đất rung chuyển, mặt trời trở nên tối tăm, các tia chớp lòe sáng và sấm sét nổ vang, khiến cho mọi người hoảng sợ. Nỗi lo sợ càng mãnh liệt khi dân chúng nhìn thấy Đức Bà hiện ra, giơ hai tay lên trời ba lần, xin Thiên Chúa trừng phạt họ, nếu họ không chịu trở lại, cải thiện đời sống, và chạy đến khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa hộ phù.
Thánh Đaminh cầu nguyện và rao giảng chuỗi Mai Khôi, rồi cùng với nhịp hùng hồn của người, bão táp lại lặng dần. Nhân dân Toulouse nghe lời người, cùng nhau lần hạt Mai Khôi và thống hối, cải thiện đời sống, trở về với Chúa. Nhờ ơn Đức Mẹ, bè rối Albigenxian tan rã tại thành Muret ( 1213 ).
Thánh Đaminh được Chúa Thánh Thần soi sáng và Thánh Nữ Đồng Trinh Maria dạy bảo, đã rao giảng chuỗi Mai Khôi suốt đời ngài, vừa giảng vừa lần hạt Mai Khôi, làm gương sáng cho Dân Chúa, cũng như cho kẻ tội lỗi và người theo bè rối, từ thành nọ đến thành kia suốt miền Nam nước Pháp.
Các Tu Sĩ Dòng Đaminh tiếp tục truyền bá chuỗi Mai Khôi của Thánh nhân, và, năm 1460, Tu Sĩ Alan de la Roche, hoàn chỉnh chuỗi Mai Khôi, gọi là Thánh Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria vì, tương tự như 150 Thánh Vịnh vua Đavít mà các Tu Sĩ dùng để đọc kinh hằng ngày trong các Dòng Tu, Chuỗi Mai Khôi có 150 kinh Kính Mừng Maria.” ( Louis Marie Grignion de Montfort: The Secret of the Rosary )
Lễ Đức Mẹ Mai Khôi 7 tháng 10
Chiến thắng Lepanto: Năm 1498, quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Lepanto, một hải cảng quan trọng tại Hy Lạp ăn thông ra vịnh Côri-tô. Suốt thời 11 Giáo Hoàng, từ Đức Alêxanđrô VI ( 1492-1503 ), đến Piô III ( 1503 ), Giuliô II ( 1503-13 ), Lêô X ( 1513-21 ), Ađrian VI ( 1522-23 ), Clêmentê VII ( 1523-34 ), Phaolô III ( 1534-49 ), Giuliô III ( 1550-55 ), Macxêlô II ( 1555 ), Phaolô IV ( 1555-59 ), Piô IV ( 1559-65 ), đạo quân Thập Giá ủng hộ Giáo Hội đều thất bại không sao thắng được quân Thổ.
Thời Đức Piô V khởi sự từ 1566, các phong trào lần hạt Mai Khôi được phát động mạnh mẽ. Ngày Chúa Nhật thứ nhất tháng 10 năm 1571 tại Rôma, Hội Huynh Đệ Mai Khôi tổ chức cuộc rước kiệu trọng thể tôn vinh Đức Mẹ Maria. Cùng một lúc, có tin đoàn tàu ủng hộ đức giáo hoàng, gồm có quân Tây Ban Nha, Venise và Gênes, dưới quyền chỉ huy của tướng Don John, người Áo, đã chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto. Ngày ấy là 7.10.1571.
Tuy vào các năm sau đó, quân Thổ cũng đánh trả quyết liệt, nhưng, chính yếu, quân Hồi Giáo Thổ không khôi phục được Lepanto. Và mãi đến 1827, quân Hy Lạp mới làm chủ tình thế. ( Ngày nay, giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn thường xuyên có xích mích, khi thì chính trị, khi thì quân sự. ).
Đức Giáo Hoàng Piô V ( 1566 – 72, sau khi qua đời được phong Thánh ngày 22.5.1712 ) đã lập lễ kính nhớ thắng trận Lepanto mà ngài gọi là “Chiến thắng của Chuỗi Mai Khôi”, và đặt tên ngày 7 tháng 10 là Lễ Đức Mẹ Mai Khôi. Năm 1671, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X ( 1670 – 76 ) cho phép cả nước Tây Ban Nha mừng Lễ Mai Khôi, và chính Đức Clêmentê XI ( 1700 – 21 ), ban hành Lễ Đức Mẹ Mai Khôi ngày 7.10.1716 cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn vũ.
Sau đó, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ra thông điệp Quod Auctoritate ( 22.12.1885 ) công bố Năm Thánh, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuỗi Mai Khôi. Ngày 20.9.1887, ngài nâng Lễ Đức Mẹ Mai Khôi lên lễ nhớ bậc hai, và thêm câu “Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mai Khôi” vào kinh cầu Đức Bà, gọi là Kinh Cầu Lôrêtô ( Sách Mục Lục Việt Nam 2004, tr. 95 ).
Nguồn gốc tháng 10, Tháng Mai Khôi
Từ các thế kỷ qua, có nhiều vị giáo hoàng rất sốt sắng với kinh nguyện Mai Khôi. Vị Giáo Hoàng, cách đây 124 năm ( 1884-2008 ), được mệnh danh là kẻ biện hộ và cao rao mạnh mẽ việc đạo đức Mai Khôi là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ( 1878-1903 ). Trong 25 năm làm Giáo Hoàng, ngài đã ban hành 12 tông huấn, cùng nhiều huấn từ, thông điệp liên quan đến chuỗi Mai Khôi.
Ngày 1.9.1883, ngài ban hành tông huấn Supremi Apostulatus ( Việc Tông Đồ của Đấng Cao Cả ), đặt Tháng 10 thành Tháng Mai Khôi mời gọi giáo hữu sốt sắng lần Chuỗi Mai Khôi. Nhắc đến chiến thắng Lepanto, ngài nói: “Nhân kỷ niệm hồng ân cao cả Đức Mẹ ban cho người Kitô hữu nhờ lòng sùng kính Mai Khôi, nay Giáo Hội ước mong nhờ lòng sùng kính như vậy của toàn thể thế giới Công Giáo, Đức Trinh Nữ Rất Thánh cầu bầu cùng Chúa nguôi cơn giận, đoái thương cứu giúp chúng ta khỏi mọi khốn khó phải gánh chịu.”
Nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Kính Mừng
Khi lần mỗi chuỗi Mai Khôi, người giáo hữu đọc 53 Kinh Kính Mừng ( 3 kinh đầu và 50 kinh sau ). Kinh Kinh Mừng gồm có những lời chào mừng và phần cầu xin:
Lời chào mừng lấy từ Tin Mừng theo Thánh Luca ( Lc 1, 28 ) khi Thiên sứ Gaprien truyền tin cho Đức Mẹ: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Và lời mừng của bà Isave khi Đức Mẹ đến viếng thăm ( Lc 1, 42 ): “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.”
Phần cầu xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.”
Để việc đọc kinh Kính Mừng thêm sốt sắng, xin hãy lắng nghe lời diễn giải của Thánh Luy Môngpho:
Khi lâm cơn khốn khổ vì tội lỗi, anh chị em hãy dâng lên Mẹ “Kính mừng” có nghĩa “con tha thiết kính chào Mẹ là Đấng vô nhiễm nguyên tội, xin Mẹ cứu con khỏi sự dữ của tội lỗi.
Khi ở trong tối tăm lầm lạc, xin hãy đến cùng Mẹ và đọc “Kính mừng Maria” với niềm xác tín Mẹ được chiếu sáng bởi những tia mặt trời công chính và Mẹ sẽ thông phần ánh sáng cho chúng con.
Khi sợ mất ơn nghĩa thánh Chúa, chúng ta hãy tôn vinh Mẹ “Đầy ơn phúc” và đầy hồng ân Chúa Thánh Thần, Mẹ sẽ thông phần ơn phúc cho chúng ta.
Khi gặp cảnh đơn độc, cảm thấy mất sự che chở của Chúa, xin hãy kêu lên “Đức Chúa Trời ở cùng Bà” vì Mẹ kết hợp với Chúa Giêsu trong lòng Mẹ, như đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi sợ Chúa chúc dữ vì tội lỗi, chúng ta hãy ca khen Mẹ “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” và nhờ ơn lành của Mẹ, chúng ta sẽ được chúc phúc thay vì chúc dữ.
Khi đói bánh ơn thánh, bánh trường sinh, xin hãy đọc sốt sắng “và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, Giêsu Mẹ đã cưu mang và sinh ra, là Đấng chữa lành con người bệnh hoạn vì tội lỗi; cho kẻ chết sống lại và cứu chuộc nhân loại.
Lời cầu “Thánh Maria” xác tín với tư cách Mẹ Thiên Chúa là Đấng Thánh muôn đời.
“Đức Mẹ Chúa Trời” cũng là Mẹ chúng con, Đấng phù hộ các giáo hữu và thông ban ơn thánh Chúa.
“Cầu cho chúng con là kẻ có tội” vì Mẹ từ bi nhân hậu, là Mẹ Đấng Cứu Thế không từ bỏ tội nhân.
“Khi này” giữa đời tạm mỏng manh, chóng qua, chúng con luôn bị bao quân thù vây hãm, tấn công.
“Và trong giờ lâm tử” đầy gian nguy trong khi chúng con có thể kiệt sức, với lòng trí lẫn thể xác bị rã rời vì đau khổ và sợ hãi. Xin Mẹ cứu giúp những kẻ yếu hèn; dẹp tan quỷ dữ trong giờ lâm chung.
Amen – Chúng con vững tin vào Mẹ.
Trong tháng 10, Tháng Mai Khôi, chúng ta hãy cùng nhau hiệp thông nhiệt thành cầu nguyện: Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi – Cầu cho chúng con.
Tài liệu tham khảo:
“Bí quyết lạ lùng của Chuỗi Mai Khôi Rất Thánh” ( Secret admirable du Très Saint Rosaire ) Louis-Marie Grignion de Montfort.
Kỹ sư TRẦN VĂN TRÍ, 10.2008