NHÂN VIỆC ĐẤU TỐ ĐỨC CHA KIỆT TÌM HIỂU PHONG CÁCH THÔNG TIN CỦA BÁO ĐÀI HÀ NỘI
I. CON RẮN VÀ CON BÒ
Không biết vì sao thời sự Hà Nội vừa qua lại làm cho anh bạn tôi có hứng “sáng tác” dụ ngôn. Anh bảo: “có một thầy giáo dạy khoa sinh vật, một hôm dạy học trò rằng: con rắn thuộc loài bò sát. Các kẻ thù của thầy liền cắt ngang câu nói của thầy thành: “con rắn thuộc loài bò”. Sau đó họ liền loan tin thầy đã dạy: con rắn là con bò, và như thế là phản khoa học, không xứng đáng làm thầy giáo. Tin đồn loan đi tới tấp. Những người có óc phê bình không tin. Nhưng nhiều người có khi chưa hề bước vào lớp học, chẳng biết khoa học là cái gì, tự nhiên cũng rất đạo mạo phán quyết: tên nhà giáo đó dạy trẻ con những điều nhảm nhí, phản khoa học, phải bứng nó đi. Có những nhân viên nhà trường biết chuyện bảo các cụ đạo mạo ấy rằng: ông ấy không nói vậy đâu. Nhưng lệnh trên truyền xuống rằng: để giữ vững “kỷ cương” nhà trường, phải bảo rằng ông ấy có nói. Thế là một, hai, ba mọi người phải hô to nhiều lần: “nó nói con rắn là con bò”.
Câu chuyện cực kỳ phi lý. Nhưng mà nó họa lại y chang cách báo đài Hà nội đấu tố Đức cha Kiệt mới đây. Về chuyện chính quyền và báo đài Hà Nội cắt xén, đổi trắng thay đen lời nói của Đức cha Kiệt, thì dư luận đã râm ran từ Bắc chí Nam, và cả ở nước ngoài, nhiều ngày nay. Nhưng tôi nghĩ đơn giản nhất là cứ dựng hai cột song song, một bên là nguyên văn lời phát biểu của Đức cha Kiệt, một bên là cách trích dẫn và chấm câu của chính quyền và báo đài Hà Nội, thì mọi sự sẽ rõ ngay.
Nguyên văn lời phát biểu của Đức Cha Kiệt
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng pháp lý.
Chính quyền và báo đài Hà Nội trích dẫn
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam.
Chính quyền và báo đài xén trụi tư tưởng của người ta đi, chẳng khác nào chấm câu ở chỗ “con rắn là loài bò”. Và thế là con rắn thành con bò. Những lý do khiến cho ở nước ngoài người ta săm soi những ai cầm hộ chiếu Việt Nam, biến thành sự hổ nhục vì là người Việt Nam. Một ý tưởng yêu nước cổ võ những gì cần phải làm để cải thiện hình ảnh đất nước ở nước ngoài biến thành một ý tưởng phản quốc, phản dân tộc.
Trước khi nói những lời bị đem ra đấu tố này, Đức Cha Kiệt đã nói khá dài về quyền tự do của người công dân, về đòi hỏi “sống và làm việc theo pháp luật”. Xem ra Đức Cha ngụ ý rằng chúng ta thiếu sự tôn trọng tự do của con người, thiếu tôn trọng pháp lý cũng là những nguyên nhân khiến cho ở nước người ta “săm soi” những người mang hộ chiếu Việt Nam. Một nguyên nhân nữa mà có lẽ Đức Cha quên không nói, là cái bệnh ăn không nói có, nhưng rồi Đức Cha sẽ có dịp nhớ ngay thôi khi “con rắn” của Đức Cha bị chính quyền và báo đài biến thành “còn bò”.
Kiếm được “con bò” này, chính quyền và báo đài Hà Nội mừng rơn, bởi vì cứ nhắm vào đó mà la hò ầm ỹ, la hò thật to, thế là khỏi phải nói đến tất cả những chuyện khác, nhận chìm hết, quên hết, khỏi phải đi vào nội dung.
II. BỐI CẢNH MỘT CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG
Anh Kh., một giáo dân Hà Nội, đã “phê bình” Tổng Giám Mục của mình như sau: “cái sơ hở của Đức Cha Kiệt là ngài đã phát biểu với một cung cách như bạn bè phê bình xây dựng lẫn nhau. Nhưng trước mặt Ngài hôm đó làm gì có bạn bè, chỉ có ông Nguyễn Thế Thảo thôi. Những nụ cười, những cái bắt tay, những lời hoa mỹ, những chén trà thơm, giả dối hết. Ông Thảo giăng cái bẫy, chỉ chờ có một cơ hội nhỏ là sẽ giáng đòn”.
Thật ra màn đấu tố Đức Cha Kiệt chỉ là cao điểm của một chiến dịch vu khống và đổi trắng thay đen mà chính quyền và báo đài Hà Nội đã khai diễn từ mấy tuần trước. Nhà Dòng và giáo dân Thái Hà là những người đầu tiên kinh nghiệm về vấn đề này. Trong vụ đòi miếng đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng, chẳng những báo đài không nhắc một tiếng đến cơ sở pháp lý của Thái Hà, mà còn dựng đứng những chuyện không bao giờ có: các linh mục Thái Hà đã trương biểu ngữ chống chế độ, chống chính quyền; đã bắc loa công suất lớn từ nửa đêm về sáng, đã dùng những lời lẽ thô tục trong nhà thờ. Những chuyện xảy ra trước mắt hàng ngàn người, mà còn vu khống trắng trợn được, thì khó gì đối với một câu nói trong phòng họp kín? Đến khi Thái Hà nhân danh pháp luật đòi báo đài cải chính, thì báo đài trả lời là Thái Hà “lu loa”, còn những điều nói sai rõ ràng thì cho rơi vào sự im lặng đáng sợ.
Hôm khác nữa, đài truyền hình Hà Nội đưa một ông tự nhận là giáo dân về bên nhà thờ phỏng vấn. Giáo dân Thái Hà liền xúm lại hỏi thăm: “Thế tên thánh ông là gì? Ông thuộc xứ đạo nào? Linh muc chính xứ là cha nào?” Ông “giáo dân” vội lỉnh mất. Giáo dân lại năn nỉ các phóng viên: “Tôi là giáo dân thật đây, phỏng vấn tôi đi”. Đài truyền hình Hà Nội lại “im lặng đáng sợ”.
Thế rồi sau đó lại một ông giáo dân nào nữa ở xứ Cần Kiệm, Giáo phận Hưng Hoá trả lời phỏng vấn truyền hình Hà Nội. Cha xứ và giáo dân Cần Kiệm lại kêu oan um sùm, rằng ông ấy là một ông công an, không có đạo. Giám mục Hưng Hóa ra thông báo tố cáo việc ngụy dựng danh nghĩa giáo dân. Thường thường là sau khi viết một bài báo bóp méo vụ việc, thì kiếm một ông, một bà nào đó ở rất xa Thái Hà nói mấy câu phụ họa. Nếu phải liệt kê từng trường hợp thì dài quá, vả lại mọi ý kiến đều đúc khuôn như nhau. Chỉ biết rằng lần lượt các linh mục Hà Nội, rồi giám mục Hưng Hóa cho đến tận Đức hồng y Mẫn ở Sài Gòn lên tiếng chống nạn ngụy tạo thông tin. Chả lẽ lần này lại nói rằng các hồng y, giám mục “lu loa”. Báo đài một lần nữa dùng “sự im lặng đáng sợ”, để ỉm đi những phản ứng đó, nhưng chiến dịch đả kích Thái Hà thì vẫn tiếp diễn.
Khi Đức Cha Kiệt còn ở nước ngoài, ngài đã gửi thư về ủng hộ Thái Hà. Từ đó, Đức Cha Kiệt đã ở trong tầm nhắm của chính quyền và báo đài Hà Nội. Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hà nội là ông Vũ Hồng Khanh đã ra chỉ thị cho các phương tiện truyền thông chuẩn bị đánh từ Tổng giám mục Kiệt đánh xuống. Hôm ông Vũ Hồng Khanh tiếp đoàn đại biểu linh mục và giáo dân Thái Hà, những người xem truyền hình đã cười húm với nhau: các ông đang ra vẻ cầm cân nẩy mực kia lại chính là người điều khiển chiến dịch đã kích.
Cho nên khi vụ đấu tố Đức Cha Kiệt nổ ra, thì không ai ngạc nhiên về tính cách tráo trở, ăn không nói có của những người chủ mưu, mà chỉ ngạc nhiên vì tại sao họ lại sử dụng phong cách tàn bạo đó trong một xã hội dù sao cũng đã bùng nổ thông tin, để nhắm vào một nhân vật có thể được đồng hóa với một cộng đồng đông tới bảy, tám triệu người, tự nhiên hằn học với một số người đông như thế vì lợi ích gì?
Trong vụ này chính quyền và báo đài có cái nét gì đó giống như một đứa trẻ bị bệnh tự kỷ. Tự kỷ là đứa trẻ bị rối loạn trong tương giao với người khác và với thế giới chung quanh. Có một hàng rào tâm lý, một hàng rào ý thức gì đấy mà nó không thể vượt qua. Nó cau có, bực bội, phá phách vì nó không tìm được lối thoát. Ở đây, chính quyền và báo đài Hà Nội ngụy tạo ra một vấn đề rồi cứ thế hằn học, la lối. Ngoài ra ai nói gì có vẻ cũng không nghe thấy nữa. Cả khi dư luận đã thấy rõ, người ta đã chứng minh rõ ràng là anh đã cắt xén, ngụy tạo một cách phi nghĩa, anh vẫn cứ một mực lặp lại mãi điệp khúc cũ cả chục, cả trăm lần.
Nhưng một đứa trẻ tự kỷ nó có khuôn mặt tự kỷ đâu. Nó đau khổ trong sự tự kỷ của nó. Đàng này người ta lại tự nguyện nhốt mình vào vòng tự kỷ. Chắc phải có nguyên nhân gì?
Nếu như chúng ta còn đang sống trong kỷ nguyên Stalin ngày xưa, mọi thông tin có thể bị bưng bít, để cho chính quyền và báo đài độc quyền ăn nói, thì vụ Đức Cha Kiệt chỉ nói lên tấm lòng độc ác của những người chủ mưu. Nhưng cái thời ấy đã qua rồi. Vụ việc đã phơi bầy trước dư luận rồi, mà người ta vẫn cố tình “tự kỷ”, thì ngoài sự độc ác còn cần một mức độ trâng tráo, bất cố liêm sỉ rất dày dạn.
III. NHÀ VUA CỞI TRUỒNG.
Viết tới đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện “nhà vua cởi truồng” của văn hào Amdersen. Có một ông vua con ở một thành phố nọ rất hậu hĩnh và hống hách. Một hôm nghe nói có hai tay thợ dệt thiên tài sẽ dệt và dâng lên vua một tấm áo cẩm bào cực đẹp, có điều chỉ những ai thông minh mới nhìn thấy tấm áo cực đẹp đó, còn kẻ ngu ngốc thì chẳng thấy gì.
Liền đó, hai thợ dệt thiên tài dựng khung dệt vải. Vua đến thăm, ngài chả thấy gì. Nhưng như thế chẳng hoá ra ngài ngu đần lắm sao. Đâu có được. Ngu đần là sai chính sách rồi. thế là vua cũng hết lời khen ngợi hai anh thợ. Mọi người cũng khen hai ông, rất đúng chính sách.
Đến ngày đại lễ, vua xuất hiện trước thần dân thủ đô. Mọi người khen nghĩ khen ngao: “ôi! Chưa bao giờ thấy cái áo nào đẹp thế, đẹp không thể tưởng tượng được!”. Nhà vua cũng rất hãnh diện trước sự trầm trồ thán phục của mọi người.
Trong đám đông, có một bé con, nó chả biết thế nào là chính sách. Nó buột miệng nói: “Ủa, nhà vua ở truồng!” mọi người chết lặng. Sao bé con lại nói cái điều sai chính sách thế. Nhưng rồi có một vài người lẩm nhẩm: “thằng bé con nói đúng đấy chứ”. Rồi tiếng xì xầm loan xa: “nhà vua ở truồng!” tiếng xì xầm cứ vang dần lên như sóng cồn. Cuối cùng chính đức vua cũng nghe thấy. Nhưng lúc ấy thì muộn quá rồi, làm sao đi mặc quần áo được. Ngài đành cứ lấy hết vẻ oai phong lẫm liệt mà đi hết con đường vinh quang.
Tôi có cảm tưởng trong xã hội Hà Nội ngày nay, những đứa trẻ con như trong truyện cũng hơi đông, và tiếng xì xầm đồn cũng hơi mau. Nhưng chỉ vì những truyện bùn lắng nước đọng mấy hôm nay mà phải nại đến Amdersen là đỉnh cao nhân văn, tôi thật áy náy. Chẳng qua tôi muốn gợi lại câu truyện này là một lời chia tay buồn với những ảo tưởng áo đẹp từ nay đã mất đối với một số chức quyền và cơ quan truyền thông.
Lại nhớ ra rằng lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long Hà Nội sắp đến nơi rồi. Hà Nội dẫu còn nhiều nhếch nhác và tệ nạn, nhưng làm sao có thể quên Hà Nội đó đây vẫn còn phảng phất biết bao tinh hoa của ngàn năm văn vật, của giang sơn, trí khí. Trong những chiều sâu ẩn khuất của tâm hồn người Hà Nội, vẫn còn những giá trị tâm linh, tinh thần của truyền thống nghìn năm để lại. Vậy mà, ngự trị trên đất thủ đô này lại có những con người do đấu tố cải cách ruộng đất hay cách mạng văn hoá Trung Quốc phối hợp sinh ra thì người dân Hà Nội làm sao yên lòng được.
Hồng Nhâm
|