VietCatholic News (Thứ Hai 29/09/2008)
VUI MỪNG VÀ HY VỌNG, ƯU SẦU VÀ LO LẮNG
Tòa Khâm Sứ và Linh Địa Thái Hà đã trở thành công viên. Hệ quả tốt xấu thế nào ? Mọi sự chấm dứt tại đây hay còn phần nối tiếp ? Tương lai sẽ trả lời. Nhưng trong những ngày mà sự việc như ‘đã rồi’ thì xuất hiện bức thư “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay”.
Bức thư bắt đầu bằng câu: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi…”
Người Công Giáo đọc qua câu này rất nhanh và chỉ chú ý đến nội dung của quan điểm đó; vì dường như câu đầu tiên này chỉ là công thức mào đầu cho đúng với một văn kiện Giáo Hội.
Phải chăng câu ấy là một công thức suông ? Không đâu ! Đó là tiếng nói của những người đem lời kêu gọi của Giáo Hội mà áp dụng cho chính mình. Ta thử đọc lại câu mở đầu của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng ( Gaudium et Spes ):
“Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn tủi và lo âu của mọi người trong thời đại này, đặc biệt của những người nghèo và những người khốn khổ, cũng là nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn tủi và lo âu của những người theo Chúa Kitô. Quả thực, không có gì thực sự thuộc về con người mà lại không vang dội trong trái tim của họ”.
Các Giám Mục đã biến ‘của những người theo Chúa Kitô’ thành ‘của chúng tôi’. Vì tôi không thể biết được ‘vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng’ của các ngài trong những ngày này, nên tôi biến thành ‘của tôi’, đối chiếu với những biến cố gần đây, để cố gắng nhìn thấy tầm quan trọng của những câu có vẻ công thức đó.
Và tôi xin chia sẻ một vài điểm trong số những điều khiến bản thân tôi ‘vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng’.
I. VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
1. Tôi vui mừng vì:
Từ năm 1975 đến nay, ngoài thư chung 1980 - một bức thư gửi đến cộng đồng Công Giáo, đề ra một hướng sống đúng với Tin Mừng, trong một bối cảnh lịch sử cụ thể - thì đây là lần đầu tiên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đồng thanh nói lên quan điểm của mình. Và quan điểm này không chỉ gửi đến cho người Công Giáo như là một hướng ‘sống phúc âm giữa lòng dân tộc’ một cách cụ thể trong hiện tình đất nước, mà còn gửi đến cho mọi người: người cầm quyền cũng như người dân thường, người giàu có cũng như người nghèo khổ, người gây ra bất công cũng như nạn nhân của bất công, người Công Giáo cũng như người ngoài Công Giáo.
Những điều các ngài nêu lên thì không có gì mới cả. Nhưng quan trọng ấy là các ngài đã nêu lên !
Vì đã nêu lên giấy trắng mực đen, nên lá thư này xóa tan một số ngộ nhận về thái độ của các ngài trong bao nhiêu năm trường. Thật vậy, những năm vừa qua, nhiều người – chân thành cũng như cơ hội, thông cảm cũng như chê trách – vẫn kêu gọi các ngài lên tiếng. Họ kêu gọi bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau: có người sẵn sàng trích Phúc Âm hay Giáo Luật để hướng dẫn ( có người dùng từ ‘dạy dỗ’ ) các ngài phải xử sự thế nào cho đúng với nhiệm vụ của mình; có người quỳ gối năn nỉ xin các ngài nói lên một tiếng chỉ đường. Đó là chưa kể hằng triệu người chưa bao giờ lên tiếng nhưng vẫn mong mỏi có một tiếng nói rõ ràng của chủ chăn để mình mạnh dạn sống đối diện với những ‘thách thức của thời đại’, như lời kêu gọi của Giáo Hội qua thông điệp Hội Thánh tại Á Châu ( Ecclesia in Asia. )
Nỗi vui mừng này kéo theo niềm hy vọng rằng từ nay, thái độ của Giáo Hội Việt Nam, qua các ngài, sẽ trong suốt và không còn gây ngộ nhận cho bất cứ ai, người trong chính quyền cũng như người ngoài chính quyền Việt Nam, người thiện cảm cũng như người ác cảm với các Giám Mục nói riêng và với Giáo Hội Công Giáo nói chung.
2. Tôi vui mừng vì:
Trong một thời gian dài, nhiều người Công Giáo ‘vì Tin Mừng thúc bách’ cũng như nhiều người bị thôi thúc bởi nỗi căm hờn cá nhân hay nỗi ưu tư cho dân tộc mình, trong nước cũng như ngoài nước, đã thốt lên nhiều tiếng nói không đồng thuận, thậm chí trái ngược nhau, làm cho người Công Giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới cảm thấy mình đang sống trong bầu không khí đầy ‘âm thanh và cuồng nộ’, nếu không nói là chia năm xẻ bảy.
Những ngày qua, trong giới Công Giáo, tất cả mọi người đều cùng nhìn về một hướng, đó là đứng về cái thiện và chống lại cái ác ! Cũng vì thế mà nhiều người, dù chưa được thuyết phục hay đồng tình với cách suy nghĩ của anh em mình, thì cũng im lặng nguyện cầu, vì biết rằng những tiếng nói nêu lên đều nhằm phục vụ cho cái thiện ( ít ra từ suy nghĩ chân thành của người lên tiếng, dù có khác mình ở cách nhìn vấn đề ) chứ không phải là cổ võ cho cái ác, vì quyền lợi hay vì sợ hãi. Từ lâu lắm rồi mới thấy sự ‘hiệp nhất’ của cộng đồng Dân Chúa, giống như vào những giai đoạn khó khăn khác của Giáo Hội Việt Nam.
Nỗi vui mừng dẫn đến niềm hy vọng rằng sự hiệp nhất này sẽ kéo dài, khi tất cả mọi thành phần dân Chúa, mang dòng máu Việt Nam, quay lại với chính mình để nghe lời kêu gọi: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác… Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” ( Kh 2, 2-4 )
3. Tôi vui mừng vì:
Qua những việc làm cố ý hay vô tình, vì suy tư có chiến thuật hay vì bực tức nóng vội, chính quyền Hà Nội đã để lộ ra một số vấn đề gay gắt trong các cấp lãnh đạo đất nước. Qua những vấn đề đó, tôi thoáng thấy rằng những người muốn làm những việc tốt nhất cho dân tộc thì không hoàn toàn tự do để thực hiện ý nguyện của mình, vì bị cản trở bởi những thế lực rất mạnh mẽ của những người sống vì quyền lợi riêng tư của mình hay phe nhóm mình. Ngược lại, thế lực của những người chỉ lo cho quyền lợi mình thì không còn vững như bàn thạch để tự tung tự tác. Và có thể còn những bất đồng vì những lý do khác.
Đây cũng là một dịp để các thành phần không đồng thuận với nhau trong giới lãnh đạo đất nước có thể thực sự xóa bỏ những cản trở sống chết, chẳng những cho đất nước, cho người dân, mà cho ngay cả quyền lợi của bản thân mình: cản trở ấy chính là tham nhũng, là tư lợi, là dối trá, những thứ làm cho người dân ngày càng bớt ủng hộ cách lãnh đạo của chính quyền hiện nay.
Với niềm vui mừng này, tôi hy vọng những biến cố vừa qua giúp cho những người thực sự vì dân vì nước có những yếu tố quyết định để đẩy lùi các quốc nạn; cũng như chính những kẻ làm hại cho đất nước bằng mọi con đường phải chùn bước, nếu không phải vì ‘thức tỉnh’ thì ít ra cũng vì sợ hãi khi thấy rằng mình sẽ mất tất cả những gì mình từng gian lận được, và không chừng mất cả mạng sống. Đối với những người này, vấn đề hiện nay không phải là quốc nạn – vì họ bất cần – mà đang trở thành đại nạn cho bản thân họ và phe nhóm của họ.
II. ƯU SẦU VÀ LO LẮNG
1. Tôi ưu sầu vì:
Những phong trào cầu nguyện chân thành của Giáo Sĩ và Giáo Dân tại Hà Nội, Thái Hà và nhiều nơi khác đã trở thành thực sự một sức mạnh khiến chính quyền phải xem những người cầu nguyện là một lực lượng chính trị hơn là một cộng đồng Đức Tin. Và biết đâu lại chẳng có những Giáo Dân, thậm chí những Giáo Sĩ, bớt coi trọng quyền năng Thiên Chúa và bớt đặt trọn niềm hy vọng nơi Người để cho Người đem lại công lý và hòa bình theo đường lối của Người, mà lại coi trọng sức mạnh của số đông ‘biểu tình qua hình thức tập họp cầu nguyện’, hòng gây áp lực với chính quyền để họ phải nhượng bộ trước ý nguyện của đông đảo quần chúng !
Tôi ưu tư không biết có Giáo Dân nào, vì hăng say cho Giáo Hội, mà đã đồng hóa thửa đất Tòa Khâm Sứ hay Thái Hà với niềm tin Công Giáo hay không. Nếu tình huống bạo lực xảy ra, họ sẵn sàng chết vì Tòa Khâm Sứ hay Linh Địa Thái Hà, mà vẫn tin rằng mình tử đạo. Dĩ nhiên Chúa sẽ đón nhận ý ngay lành của họ, nhưng phải chăng đó là sống Niềm Tin Công Giáo, khi mà Chúa Kitô đã minh định rằng Nước Chúa không thuộc về thế gian ? Và cái chết tử đạo ấy, thay vì làm chứng cho tình yêu, thì lại tạo ra sự nghi ngờ của 90% nhân dân không Công Giáo, vì họ nhìn thấy đấy chỉ là vấn đề cay cú ‘ăn thua đủ’ của những người muốn bành trướng đất đai cho riêng mình, cho đạo mình.
Nỗi ưu tư này kèm theo sự lo lắng là qua những biến chuyển đầy lòng đạo đức, thì có những thành phần Dân Chúa sẽ buông điều đáng nắm, và nắm điều đáng buông.
2. Tôi ưu sầu vì:
Qua cuộc lên tiếng vì Công Lý và Hòa Bình này, người Công Giáo dễ dàng phân định dứt khoát rằng chính quyền làm việc của bóng tối, và Giáo Sĩ cùng Giáo Dân phục vụ cho ánh sáng. Nói nôm na là những gì Giáo Dân và Giáo Sĩ làm ở Hà Nội và Thái Hà là hoàn toàn thiện, và những gì hay những ai làm ngược lại là hoàn toàn ác.
Thực ra, không cần phải dựa trên Niềm Tin Công Giáo, mà chỉ suy nghĩ thông thường thôi, thì cũng có thể thấy rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện nơi môi trường xã hội, và quyền lực sự dữ ( mà tôi gọi là Satan ) vẫn len lỏi vào cộng đồng Dân Chúa. Nếu Satan gieo mầm dối trá và bạo lực chống lại cộng đồng Giáo Dân, thì nó cũng gieo mầm dối trá ngay trong cộng đồng Dân Chúa, khiến cho nhiều chủ chăn không còn hiệp nhất với nhau trong chọn lựa của mình: người thì đặt ưu tiên vào sức mạnh Tin Mừng, người thì đặt ưu tiên vào sức mạnh của tập thể Giáo Dân.
Từ ưu tư này trỗi lên một nỗi lo lắng, ấy là sức mạnh của cộng đồng cầu nguyện biết đâu chẳng có nguy cơ khiến Giáo Hội lại muốn tự khẳng định mình như trước 1975 – hay nhiều giai đoạn khác trong lịch sử Châu Âu – ấy là có thái độ phô trương và trịch thượng ( triomphalisme ): một vết thương gây cản trở cho Tin Mừng, mà từ 1975, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã cố gắng làm cho lành và tự hứa không bao giờ gây lại một vết thương như thế vào Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Lo lắng ấy kéo theo nỗi lo lắng khác, ấy là một số người sẽ sử dụng ‘lực lượng Công Giáo’ để thực hiện một mục đích hoàn toàn trần thế. Và họ làm như thế vì lý do chính trị theo nghĩa triệt để: nghĩa là phải nắm chặt hoặc lật đổ chính quyền. Dù mục đích trần thế ấy có xấu xa hay cao đẹp, và người Công Giáo với tư cách công dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tham dự vào, thì dưới những bàn tay đầy thủ đoạn, Giáo Hội vô tình trở thành công cụ trong một môi trường ‘mà mình không có chức năng’.
3. Tôi ưu sầu vì:
Thông tin Việt Nam đã loan truyền nhiều lần một số điều xem ra hiển nhiên:
- Nước Việt Nam áp dụng luật Việt Nam. Luật Việt Nam xác định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Tòa Giám Mục Hà Nội đòi quyền sở hữu. Kết luận: Tòa Giám Mục sai !
- Tổng Giám Mục Kiệt tuyên bố rằng mình ‘nhục’ vì làm người Việt Nam ! Mọi người Việt Nam yêu nước phẫn nộ… ( và vô tình cũng gieo vào tâm trí người dân: nếu không phẫn nộ thì không yêu nước ! )
Những việc này và nhiều việc khác nữa có tác dụng rất mạnh chứ không phải là không. Khi thông tin với nhau qua mạng lưới Internet, ta thấy rằng mọi người đều biết lý lẽ của hai bên và có đủ thông tin để đánh giá đúng sai; vì thế ta có cảm giác rằng, với phương tiện truyền thông hiện nay, lượng thông tin hai chiều tương đối là quân bình.
Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn sai. Hơn 90% người dân ở Việt Nam không hề biết đến Internet. Mặt khác, 92% người dân không phải là Công Giáo. Với những thông tin truyền hình truyền thanh, và toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, giản lược vấn đề như hiện nay, thì hầu hết mọi người dân không có một tiên kiến gì với Nhà Nước hoặc Công Giáo, đều chân thành tin rằng ‘Công Giáo’ làm bậy ! Trong số này có người Công Giáo và người không Công Giáo. Người Công Giáo thì còn có dịp được cung cấp thông tin bổ túc, còn 92 % dân chúng không phải là Công Giáo thì ai sẽ xóa và đến bao giờ mới xóa được cái ý niệm sai lệch ?
Dĩ nhiên, có người mang sẵn định kiến với Công Giáo, nhưng số người này rất ít so với toàn thể 86 triệu dân trong nước. Đại đa số người dân tốt bụng và ngay lành đã và sẽ tiếp nhận những thông tin méo mó, dần dần rồi dễ tiếp nhận những thông tin ‘đóng gói’ về một tổ chức Công Giáo ‘cõng rắn cắn gà nhà’ của một lịch sử có đúng có sai, mà đại bộ phận nhân dân đã quên rồi.
Từ những ưu tư này kéo theo nỗi lo lắng: Biết bao nhiêu phần trăm người dân hiền lành, vị tha, ( 50%, 60%, 70% hay hơn nữa ? ) bỗng chân thành thấy rằng Công Giáo là nhóm gây rối, Công Giáo đi ngược quyền lợi dân tộc… Có một điều thấy rõ: ngay cả 10% những người sử dụng internet thì cũng không phải ít người chân thành thấy rằng cách xử sự của Công Giáo là sai và chính quyền là đúng. Và họ nói lên vì lương tâm họ thấy thế chứ không hề vì quyền lợi hay vì sợ hãi ! Điều này là một nỗi đau cho người Công Giáo Việt Nam đã đành; mà còn là một nỗi đau cho toàn thể người dân Việt Nam, những đồng bào ruột thịt với nhau mà phải sống trong hiểu lầm.
Cái mất mát này đối với tôi là một điều đáng ưu sầu và lo lắng. Và nhìn qua lăng kính này, dù hệ quả của những sự kiện vừa qua có thế nào đi nữa, thì người dân đen Việt Nam, Công Giáo hay không Công Giáo, vẫn tiếp tục là những nạn nhân trường kỳ.
III. KẾT
Trên đây là một vài điểm trong số những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng mà tôi nhìn thấy, với thông tin thiếu hụt và đầu óc hạn hẹp của riêng mình. Thế thì những chữ ngắn gọn ‘vui mừng, hy vọng, ưu sầu, lo lắng’ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam không chỉ là một lời máy móc trích dẫn Công Đồng, mà tiềm ẩn những sự kiện cụ thể, phức tạp, đòi hỏi các ngài phải đối diện với những sức mạnh vượt khả năng của một con người. Chúng ta nhớ chân thành cầu nguyện cho các ngài.
Sài-gòn 29.9.2008
Trần Duy Nhiên
|