Xét về bản chất, sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ không phải là một vụ việc khiếu nại đất đai như hàng ngàn vụ khiếu kiện xảy ra hàng ngày tại Việt Nam hiện nay.
Bản chất của sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ là một vụ việc liên quan đến hai vấn đề: vấn đề dân chúng đang muốn đặt lòng tin của mình vào một chỗ khác chứ không phải vào cơ cấu điều hành xã hội hiện tại, và vấn đề vai trò của các tổ chức dân sự và tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội và Đất Nước.
Có lẽ hơn ai hết, hệ thống chính quyền hiện hành, từ cấp cơ sở cho đến cấp trung ương, đều nhận thức rõ điều đó. Và họ đã kinh hoàng sợ hãi khi nhận ra rằng dân chúng không còn tin vào họ nữa.
Chính vì thế mà họ đã phải sử dụng cả đến những biện pháp bạo lực, thậm chí những biện pháp mang tính xã hội đen, để dập tắt làn sóng bày tỏ sự bất tín nhiệm của dân chúng. Cũng chính vì thế mà họ đã phải dùng cả một hệ thống truyền thông đồ sộ với những biện pháp nghiệp vụ xảo trá để đánh lừa công luận và bôi tro trát trấu, hạ uy tín những con người và tổ chức dân sự đang được dân chúng tín nhiệm vì có nhân cách và đã quả cảm nói lên tiếng nói của công lý và sự thật. Đức Tổng Giám mục Hà Nội là một khuôn mặt điển hình cho những con người mà dân chúng sẵn sàng đặt lòng tin vào họ. Và đó là “tội” lớn nhất của ngài dưới con mắt của chính quyền Hà Nội. Bởi thế, người ta đã phải dồn mọi nỗ lực đấu tố, thoá mạ và đe doạ ngài.
Vì vậy, cái được cái mất sau sự kiện Thái Hà & Toà Khâm Sứ không phải là hai mảnh đất 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung đang bị biến thành cái gì.
Khi những chiếc mặt nạ đã bị rơi xuống và nhân dân đã bắt đầu thấy rõ bản chất dối trá và bạo lực của hệ thống điều hành xã hội và hệ thống tuyên truyền một chiều hiện nay của chính quyền, thì chính quyền đang mất nhiều hơn được. Mất lòng tin của dân chúng.
Khi “biệt tài” đổi trắng thay đen của hệ thống điều hành xã hội và hệ thống tuyên truyền một chiều hiện nay của chính quyền đã được minh chứng rõ ràng qua cách hành xử với Đức Tổng Giám mục Hà Nội nói riêng và với cộng đồng Công giáo Hà Nội nói chung, thì các nhà đầu tư và các tổ chức nước ngoài (vốn thường khôn ngoan và cẩn trọng) sẽ buộc phải tính toán kỹ hơn trong quan hệ với chính quyền hiện nay.
Xem ra chính quyền đang mất nhiều hơn được.
Hà Nội ngày 28/9/2008
Gaspar Nguyễn