Đại Hội ''Công Lý và Hòa Bình''
VietCatholic News (Thứ Sáu 26/09/2008)
Tôi không được diễm phúc tham dự trực tiếp các buổi cầu nguyện tại Hà Nội và mới đây tại Sài gòn với hơn 6.000 người tham dự (ở Thái Hà tôi đã có dịp đến cầu nguyện nơi linh địa Đức Bà), nhưng qua các lời kể lại, nhìn hình ảnh, đọc bài viết thì nhận thấy sao giống bầu khí của các Đại hội Giới Trẻ Thế Giới quá như thế: mọi người đối xử tốt với nhau cho dù trên 160 quốc gia đến tham dự, già trẻ lớn bé đều một lòng hiệp nhất, bầu khí cầu nguyjên rất linh thiêng, sự an bình lan tỏa khắp nơi nơi, mọi người chỉ nói về Tin Mừng, v.v…
Nếu cảm nhận được như thế thì tại Sài gòn và Hà Nội đang có Đại Hội, tôi được phép tạm gọi là "Đại Hội Công Lý và Hòa Bình“.
Không biết danh từ kêu gào "Công Lý và Hoà Bình“ có phải là một điều đang được mơ ước như cơm bánh hằng ngày của người dân Việt Nam, hoặc được ơn trên giun dủi một cách nào đó thành hình được từ những buổi cầu nguyện đốt nến - qua cái nhìn của các nhà báo ngoại quốc: thật to lớn chưa từng có từ năm 1954 ở miền Bắc và từ 1975 ở miền Nam.
Nơi đây tôi được nhắc đến Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã và đang là người nổi tiếng thế giới: là một giám mục bị tù đày 13 năm trong nhiều trại tù cộng sản Việt Nam, một người tù không có bản án, một người bị csVN đuổi ra khỏi nước để sống cuộc đời lưu vong, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi danh qua nhiều thứ tiếng, là người Á Châu đầu tiên giảng cấm phòng cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Rôma vào dịp mừng Năm Đại Thánh 2000, là người được chính ĐHY Josef Ratzinger (bây giờ là ĐGH Bênêđictô XVI) ưu ái đặt danh hiệu "một vĩ nhân trong Giáo Hội“ khi còn cùng làm việc với ĐHY Thuận, một người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ chủ tịch (tương đương bộ trưởng) của Tòa Thánh, một người vừa nhắm mắt lìa đời thì một vị cao cấp trong Tòa Thánh đã thốt lên: một vị thánh vừa qua đời, cuối cùng một người đang được Giáo Hội hoàn vũ nâng lên bậc Á Thánh.
Nhắc như thế vì cuộc đời của cuối cùng Ngài được gắn liền với danh từ "Công Lý và Hoà Bình“ trong chức vụ Chủ Tịch Bộ Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh Rôma.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã để lại nhiều dấu chân trên 3 miền đất nước: Huế - Nha Trang - Sàigòn - Hà Nội, có lẽ chưa có một mục tử Việt Nam nào có được diễm phúc trải qua cuộc sống lữ thứ trên quê hương Việt Nam như Ngài. Cuối cùng dấu chân của Ngài để lại nơi miền Bắc trước khi phải sống lưu vong đã in đậm tại Giang Xá và Hà Nội, được tạm gọi là bị tù lỏng.
Tuy bị tù đày cay nghiệt và phải sống lưu vong nhưng trong tâm hồn của ĐHY Thuận đượm nhuần an bình. Ngài chưa bao giờ kết án kẻ bắt giữ Ngài, cho dù Ngài có rất nhiều cơ hội tố giác csVN trước cộng đồng thế giới tự do. Trái lại Ngài luôn tự hào về Dân Tộc Việt Nam về cội nguồn, về non sông gấm vóc. Cho dù trong 13 năm ngục tù Ngài vẫn nhắn nhủ đoàn chiên VN yêu tổ quốc qua sách Đường Hy Vọng, chương cuối cùng với bài:
Con Có Một Tổ Quốc
Là người Công Giáo Việt Nam, Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội. Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam nguyện cầu. Tiếng chuông não nùng, Việt Nam buồn thảm. Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khởi hoàn. Tiếng chuông thanh thoát, Việt Nam hy vọng.
Con có một tổ quốc Việt Nam, Quê hương yêu quí ngàn đời. Con hãnh diện, con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc, Con yêu lịch sử vẻ vang. Con yêu đồng bào cần mẫn, Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn. Núi cao, xương chất cao hơn. Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn. Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang. Con phục vụ hết tâm hồn, Con trung thành hết nhiệt huyết. Con bảo vệ bằng xương máu, Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào, Buồn nỗi buồn của Dân Tộc. Một Nước Việt Nam, Một Dân Tộc Việt Nam, Một Tâm Hồn Việt Nam, Một Truyền Thống Việt Nam.
Là người Công Giáo Việt Nam, Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội. Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con. Cha mong giòng máu ái quốc, Sôi trào trong huyết quản con.
(Sách Đường Hy Vọng - Ngục sĩ Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận)
Tâm tình yêu nước dâng trào cao độ tới chừng nào nơi người Ngục sĩ Nguyễn Văn Thuận, vị mục tử khá kính của người công giáo Việt Nam. Lúc này tại Hà nội tâm tình của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt có thể đã hòa nhập sâu thẳm vào lời thơ trên: "Vui với niềm vui của đồng bào, buồn nỗi buồn của dân tộc.“
Đã gần năm nay, "Công Lý và Hoà Bình“ đang được phát xuất từ Hà Nội và giờ đây người mục tử Giuse Ngô Quang Kiệt đang chịu nhiều đau khổ do bọn cường hào ác bá csVN gây ra vì dám hiên ngang gióng lên tiếng nói của hơn 80 triệu dân Việt: "Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho!” và "Chúng tôi đòi đất chứ không xin đất!“ Can đảm hơn nữa, chưa bao giờ có một ai dám tuyên bố công khai trước mặt chính quyền csVN tại Hà Nội: "Chính các ông làm cho người dân chúng tôi phải nhục nhã mang hộ chiếu Việt Nam. Nếu các ông yêu nước, yêu dân tộc hãy làm cho chúng tôi hãnh diện với các nước láng giềng Á Châu đi!“ Ở buổi họp với UBND TP Hà Nội Đức Tổng Kiệt muốn thay mặt hơn 80 triệu dân Việt đòi hỏi quyền cao thượng của một người dân: "Chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý!“
Có thể những lời chân tình ấy lại tạo ra trái bom nguyên tử làm lung lay bọn csVN đến gốc rễ chăng? Hoặc đó là mũi kim nhọn đầu tiên chọc thẳng vào ung mủ của đảng cộng sản từ ngày độc lập đã 63 năm nay? Tinh ý một chút, người đọc có thể nhận ra cái bánh vẽ lừa đảo, gian trá của csVN từ lâu nay đã được Đức Tổng Kiệt phơi bầy ra giữa chư dân thiên hạ:
- Đảng csVN không được đồng nghĩa với "Dân Tộc Việt Nam“ - Đảng csVN không được đồng nghĩa với "Tổ Quốc Việt Nam“ - Đảng csVN không được đồng nghĩa với "Đồng Bào Việt Nam“ - Đảng csVN không được đồng nghĩa với "Giòng Máu Ái Quốc Việt Nam“ - Đảng csVN không được đồng nghĩa với "Non Sông Gấm Vóc Việt Nam“ - Đảng csVN không dựa trên pháp lý điều hành quốc gia - Đảng csVN làm cho người dân VN phải nhục nhã - Đảng csVN là một đảng cướp tài sản của nhân dân - Đảng csVN chối từ công lý
Việt Nam đã có một vị mực tử can đảm đứng lên thay thế cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận gióng lên tiếng nói "Công Lý và Hòa Bình“.
Người mục tử Giuse Ngô Quang Kiệt đáng làm cho người công giáo Việt Nam hãnh diện. Xin Thiên Chúa và Thánh Cả Giuse luôn ở cùng Đức Tổng.
Hà Long
|