Dân đang ở chỗ nào ?
VietCatholic News (Thứ Năm 25/09/2008) DÂN ĐANG Ở CHỖ NÀO ?
Chuyện kể rằng: Vào cuối thế kỷ 11, dưới triều Vua Lý Thần Tông (1128–1138) năm Thiên Thuận thứ 3 (1130) có nhà sư Viên Thông (1080–1151) cũng là một quốc sư học vấn uyên bác, thông thạo về sách lược trị quốc, được vua mời vào điện Sùng Khai để hỏi kế hưng vong trị loạn. Quốc sư đáp: “Thiên hạ cũng như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó tất yên, đặt vào chỗ nguy thì nó tất nguy. Xin hoàng thượng hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu hoàng thượng như cha mẹ, ngưỡng mộ hoàng thượng như mặt trăng, mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”.
Những lời góp ý vừa sâu sắc, hùng biện vừa chan chứa tấm lòng thiết tha yêu nước trên của Quốc sư Viên Thông quả thật rất đáng để cho những ai đang nắm quyền trị nước phải gẫm suy, học hỏi và đem ra thực hành.
Tiếc thay, Đất Nước ta kể từ khi những người Cộng Sản cướp chính quyền để độc quyền lãnh đạo, thì triền miên “dân ta bị đặt vào chỗ nguy”.
- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị đầu độc bởi một ý thức hệ hoang tưởng, ngu đần, gây ra bao nổi đau thương, chia rẽ mà cho đến mãi hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn.
- “Chỗ nguy” : khi dân ta bị đưa vào lò sát sinh của 2 cuộc chiến tranh ngu xuẩn. Thay vì giành độc lập và thống nhất Tổ Quốc bằng trí nảo và con tim, bằng hòa giải hòa hợp, Đảng Cọng Sản đã chọn con đường đầu rơi máu đổ, hận thù chém giết khiến hàng triệu người con ưu tú hy sinh oan uổng, bao nhiêu giá trị vật chất cũng như tinh thần đỗ vỡ, tiêu tán mà hôm nay vẫn còn hắn vết thương đau.
- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị đẩy vào những cuộc đấu tố đẩm máu của thời cải cách ruộng đất, những cuộc thanh trừng giới văn học nghệ thuật trong chiến dịch “Trăm hoa đua nỡ” mà vụ án ‘Nhân văn giai phẩm” vẫn còn như một chứng từ đau thương nhức nhối.
- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị bóc lột tận cùng về vật chất cũng như tinh thần bằng các chủ trương tàn bạo, ngu dốt sai lầm: cải tạo chính trị dành cho quân cán chính chế độ Sài Gòn, cải tạo công thương nghiệp với nền kinh tế tự do của miền Nam, hợp tác hóa nông nghiệp trên khắp miền nông thôn, chương trình kinh tế mới nóng vội…
- “Chỗ nguy”: khi nền giáo dục mất gốc, hệ thống chính trị cồng kềnh, biến chất, sản sinh toàn một giới cán bộ hoạt đầu, tham nhũng, cơ hội, tham lam, hống hách, cửa quyền.
- “Chỗ nguy”: khi dân ta bị ru ngủ để yên tâm cúi mình an phận trong cái tự do nhỏ nhoi với chút không gian đi lại, buôn bán gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một chút không gian lễ lạc, xây cất chùa chiền, thánh thất, nhà thờ gọi là “tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng”, một chút góp ý, phê bình xây dựng Đảng gọi là “tự do ngôn luận, báo chí”…mà không thiết tha gì đến tương lai và vận mệnh dân tộc, an phận trong một tình trạng “ngu dân chính trị” để mặc cho giai cấp Cọng Sản thống trị thao túng.
- “Chỗ nguy”: khi những trái tim cháy bỏng ái quốc của giới trẻ, sinh viên, trí thức, đồng bào biểu tình bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lại bị thẳng tay đàn áp, quy chụp phản động, phá rối an ninh trật tự.
- “Chỗ nguy”: khi những nhà trí thức, những nhà văn, những vị thức giả đầy lòng ái quốc và tận tâm tận lực xây dựng và đổi mới quê hương như Hoàng Minh Chính, Lảo tướng Trần Độ, các luật sư Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Kỷ sư Đổ Nam Hải, các chức sắc tôn giáo như Hòa Thượng Huyền Quang, Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý…bị đối xử tàn tệ, kết án, tội tù.
Và trong những ngày nầy, chính quyền Cọng sản đã “đặt dân vào chỗ nguy” khi kích động sự chia rẽ giữa đồng bào Công Giáo và không Công giáo, bôi nhọ và xúc phạm nặng nề các lãnh đạo Công giáo như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, các linh mục Dòng Chúa Thế Thái hà bằng các phương tiện truyền thông được mở hết công suất, để tìm thủ đoạn chiếm đất cách bất hợp pháp và bịt miệng mọi tiếng nói của dân oan.
Khi một chính quyền đã triền miên “đặt dân vào chỗ nguy” như thế, thì hỏi làm sao dân có thể “kính yêu Đảng như cha mẹ, ngưỡng mộ Đảng như mặt trăng, mặt trời”. Và dĩ nhiên, trong những tình trạng như vậy, thì không thể “dân yên” được, không thể nào hết những cuộc tập họp cầu nguyện đòi đất, hết những cuộc xuống đường biểu tình của công nhân, của sinh viên, của dân oan…
Chỉ còn một con đường duy nhất, theo như lời hiến kế của Quốc Sư Viên Thông: “hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân”, đó là:
- Trả lại cho dân quyền chọn lựa chính thể và chế độ chính trị
- Trả lại cho dân các quyền tự do cơ bản của con người.
- Trả lại cho dân tài sản, đất đai và những gì dân sở hữu hợp pháp.
“Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”.
Trần Đoan Hùng
|