CN 26 A THI HÀNH Ý CHÚA Mt 21, 28-32 Tôi có xem DVD “lá thư từ chiến trường” do trung tâm Asia phát hành tháng 5.2008. MC Năm Lộc nói rất dí dỏm: Người Mỹ khi nói là làm. Nói đánh Irắc là đưa quân vào ngay. Nói hạ Sađam Hussen là thực hiện ngay. Người Nhật bản thì làm xong rồi mới nói. Từ chiến tranh đến kỹ thuật, họ chế tạo ra điều gì rồi thì mới cho thế giới biết. Trung cộng không nói mà làm. Không nói đàn áp mà vẫn đưa quân đàn áp Thiên an môn, không nói đàn áp Tây Tạng mà vẫn đưa quân đàn áp. Thế còn Cộng Sản Việt nam thì thế nào? CSVN đặc biệt hơn, nói một đàng mà làm một nẻo. Cả hội trường mấy ngàn người vỗ tay nồng nhiệt. Nghe MC Năm Lộc nói, tôi nhớ đến người con thứ 2 trong phúc âm Chúa Nhật 26 hôm nay.
Dụ ngôn trình bày hai thái độ khác nhau của hai người con trước cùng một yêu cầu của người cha :
-Người con thứ nhất : Lúc đầu đã từ chối không vâng lời cha. Nhưng sau đó nghĩ lại nên đi làm vườn nho cho cha. Đứa con này tượng trưng cho các người thu thuế và tội lỗi.Tuy đã phạm tội, nhưng sau đó đã hồi tâm tin theo Đức Giêsu mà quay về với Thiên Chúa.
-Người con thứ hai: Lúc đầu ngoan ngoãn vâng lời cha. Nhưng thực tế nó lại không đi làm vườn nho theo ý cha. Đứa con này có vẻ công chính, tượng trưng cho các thượng tế và kỳ mục. Tuy giữ luật Môsê trong từng chi tiết, nhưng họ lại từ chối không tin Gioan Tẩy giả, là người đã đến chỉ đường công chính cho họ, không tin lời Đức Giêsu.
+ Thưa cha, con đây: câu trả lời lễ phép của một đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, sẵn sàng vâng nghe lời cha dạy bảo.
+ Nhưng rồi lại không đi : đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng môi miệng, nhưng lòng anh ta lại ở xa cha, nên sau đó đã không đi làm vườn nho theo lời cha dạy. Anh ta đã có thái độ "ngôn hành bất nhất", "nói mà không làm", “nói một đàng mà làm một nẻo”, chứng tỏ anh ta có một đời sống vụ hình thức bề ngoài. Đây là thái độ đạo đức giả của các đầu mục Do Thái là các thượng tế và kỳ lão. Người con thứ hai, ám chỉ những thượng tế, kinh sư và Pharisêu thời ấy, là những người tự xưng mình là đạo đức, công bằng, trong sạch, nhưng là thứ đạo đức, công bằng, trong sạch giả hình, bôi bác. Ngoài miệng thì nói hay lắm, nhưng không thực thi điều mình nói. Đó là những người “ngôn hành bất nhất” : nói mà không làm.
Nhưng tại sao Chúa lại nói với các thượng tế, kinh sư và Pharisêu : “Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông”? Bởi vì những thượng tế, kinh sư và Pharisêu khi Chúa giảng dạy, không chịu nghe, coi thường lời Chúa, không ăn năn sám hối. Còn những người thu thuế và gái điếm, khi được Chúa kêu gọi, họ đã thành tâm sám hối.
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã viết: Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nên người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn thế khi việc làm mâu thuẫn với lời nói. Như trường hợp những người Pharisêu: "Họ nói mà không làm". Trong những trường hợp ấy, nói về đạo trở thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận đạo.
Khi phê phán thái độ của người Pharisêu, Ðức Giêsu muốn dạy ta đừng nói nhiều, nhưng hãy làm. Chính việc làm minh chứng đạo thật. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Giáo lý ai cũng đã biết cả rồi. Chỉ còn thiếu việc thực hành mà thôi. Thực ra những người Pharisêu không phải không làm. Họ có làm. Nhưng họ làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải "đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài" để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương dễ biến thành tự phụ tự mãn, hợm mình. Nên những người Pharisêu "ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy". Bài Phúc âm dạy cho ta những bài học:
Đức Giêsu rất thẳng thắn và can đảm. Dù biết rằng ‘lời thật mất lòng’ Đức Giêsu vẫn thẳng thắn và can đảm nói cho các thượng tế và kỳ mục Do Thái biết họ đang sai lầm như thế nào. Các thượng tế, kinh sư, pharisêu, những người đáng kính vì đạo đức và học thức,những người đáng trọng vì chức vụ.Chỉ có cách ấy mới có hy vọng cứu những con người ấy ra khỏi tình trạng đạo đức gỉa của họ mà thôi. Noi gương Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội rất thẳng thắn và can đảm trong bài phát biểu trước UBND thành phố Hà Nội.
Đức Giêsu rất tế nhị và tâm lý. Trước khi đưa ra quan điểm và lời cảnh cáo thẳng thắn của mình Đức Giêsu đã đặt câu hỏi (Trong hai người con ấy, ai đã thi hành ý muốn của người cha?) và để các thượng tế và kỳ mục tự trả lời (Người thứ nhất). Làm như vậy thì những người đối thoại ít bị sốc hơn và dễ chấp nhận lời cảnh cáo của Ngài hơn, vì họ cảm thấy được Ngài tôn trọng. Trong bài phát biểu, Đức TGM Hà nội chân thành bộc bạch nỗi lòng của một người Việt Nam yêu nước: “Tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”.
Chỉ cần trích một câu trong ngữ cảnh năm câu, cũng đã thấy trái tim của một nhà tu hành.1/5 chiếc bánh mì, thì vẫn có chất bột mì. 1/5 trái tim thì vẫn có máu chảy.Chỉ mới nghe một lời chân tình, mà đã cảm được máu yêu nước đang chảy trong lời nói.Còn những khi phải nghe cả một thiên thuyết giảng dông dài về lòng yêu nước, mà vẫn thấy rỗng tuếch. (Lý hành Giả). Đức Tổng đối với tôi và với nhiều người luôn là một người nhân hậu, dễ gần và rất yêu thương đoàn chiên của mình. Tôi cảm phục hình ảnh của một vị chủ chăn cùng đồng lao cộng khổ với đoàn chiên trong bất cứ hoàn cảnh nào(Vĩnh Hưng).
Việc làm quan trọng hơn lời nói. Chúa phán xét căn cứ vào việc làm chứ không dựa vào lời nói suông. Như Lời Chúa nói rõ ràng : "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi (Mt 7:21). Thi hành thánh ý Chúa cách âm thầm.
Khi phê phán người Pharisêu, Ðức Giêsu muốn cho môn đệ hãy thực hành đạo trong kín đáo: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. . . Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. . .
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. . . Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" (Mt 6,1-6).
Âm thầm làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm tốn, biết luôn chọn chỗ hèn kém, biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu. Người đã từ bỏ tất cả để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Khi hoàn thành chương trình của Chúa Cha, không những Người đem lại hạnh phúc cho loài người, mà bản thân Người cũng được Chúa Cha tôn vinh. Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng để luôn thực thi ý Chúa. Xin cho con biết yêu mến Chúa không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm.
Bình An
|