Không cho thoát nghèo!
VietCatholic News (Thứ Năm 18/09/2008)
Không cho thoát nghèo!
Hôm 29.8.2008, tất cả 25.000 trường Công Giáo thuộc 160 giáo phận và 240 dòng tu trên toàn nước Ấn Độ đã đóng cửa để tỏ tình liên đới và phản đối các vụ tấn công và bạo hành chống các tín hữu Kitô giáo tại bang Orissa. Trong số các học sinh theo học tại các trường Công Giáo này có hơn 80% thuộc các tôn giáo khác.
Hội Đồng Kitô Giáo Toàn Ấn Độ, một tổ chức đại kết, cũng lên án các vụ bạo hành chống các tín hữu Kitô giáo.
Tài liệu kiểm tra sơ khởi cho biết có 22 người bị sát hại, 50 nhà thờ bị thiêu hủy (trong đó có lối 10 nhà thờ thuộc các Giáo Hội Tin Lành Pentecostal và Tẩy giả), 3 tu viện Công Giáo, 5 trung tâm đón tiếp, 7 học viện mục vụ và 300 tư gia bị đốt cháy hoặc hư hại.
Những biến cố tương tự thỉnh thoảng lại xẩy ra ở Ấn Độ trong nhiều thập niên qua. Tại sao? Nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn chủ trương của Đảng CSVN hiện nay và việc đưa tôn giáo vào làm công cụ phục vụ cho các thế lực chính trị sẽ gây ra những kết quả tai hại như thế nào.
VẾT DƠ CỦA NHÂN LOẠI
Trước đây, các chế độ cộng sản trên thế giới thường áp dụng ba biện pháp sau đây để không chế quần chúng: ĐÓI, ĐỐT và SỢ. Các biện pháp này hiện nay vẫn còn áp dụng tại ở Bắc Hàn. Tuy nhiên, tại Ấn Độ hiện nay vẫn còn tồn tại một chế độ cũng tội tệ đối với con người không kém gì các biện pháp mà các chế độ cộng sản đã áp dụng trước đây, đó là dùng tôn giáo để bắt một số đông dân chúng phải sống kiếp nô lệ suốt đời và khai thác. Mọi nỗ giải phóng người nghèo đều bị ngăn chận bằng mọi cách. Đây là tàn dư của chế độ đảng cấp (castes) trong đạo Hindu, thường được gọi là Ấn Giáo, một tôn giáo hiện chiếm khoảng 82% dân số Ấn. Đây cũng là một vết dơ còn tồn động của nhân loại trong thế giới ngày nay.
Mặc dầu Hiến Pháp ngày 26.1.1950 của Ấn Độ tuyên bố hủy bỏ hệ thống tiện dân (untouchability) và việc áp dụng chế độ tiện dân dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. Nhưng trong thực tế, các thế lực chính trị và kinh tế vẫn tiếp tục duy trì hệ thống tiện dân để bốc lột. Trong vụ sóng thần Sunami năn 2004 ở Ấn Độ Dương, chính phủ Ấn đã từ chối nhận viện trợ của các nước khác và không cho các tổ chức cứu trợ quốc tế đến cứu giúp dân Ấn. Tại sao? Tại vì họ không muốn các cơ quan truyền thông và các tổ chức quốc tế thấy rõ thảm cảnh của các tiện dân: Ngoài các giáo hội Kitô giáo, chẳng ai giúp đỡ họ, trong khi đó các giai cấp giàu có ở Ấn lại bắt các tiện dân phải làm việc vất vả không công để phục hồi lại những gì họ đã mất!
Đừng tưởng nhóm tiện dân này chỉ là một thiểu số. Số tiện dân ở Ấn bằng 1/4 dân số Ấn Độ, nghĩa là cứ 4 người Ấn Độ có một tiện dân. Họ phải sống một cuộc đời không hơn gì súc vật.
Nhận thấy đây là một sự xấu hổ cho dân tộc Ấn và là một sự bất hạnh của con người, không thể được chấp nhận trong thế giới ngày nay, chính quyền trung ướng Ấn và nhiều tổ chức quốc tế đã cố gắng để cải thiện đời sống của các tiện dân, nhưng không được bao nhiêu, vì các thế lực ở địa phương tìm cách ngăn chận! Anh Hai Nhân Quyền của người Việt hải ngoại có đầy đủ hồ sơ vê vụ này, nhưng cứ phớt lờ đi như họ đang phớt lờ cho CSVN, vì Ấn Độ là một thị trường lớn mà Anh Hai muốn khai thác chứ không muốn đụng độ!
MỘT VÀI CON SỐ ĐIỂN HÌNH
Tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết Đông Á là vùng duy nhất trên thế giới tương đối thành công trong việc xóa đói giảm nghèo. Số người có lợi tức trung bình dưới 1 Mỹ kim mỗi ngày tại Đông Á giảm 33% xuống còn 280 triệu người. Trong khi đó số người nghèo lại gia tăng ở Nam Á, vùng sa mạc Sahara của châu Phi và châu Mỹ Latin. Các nước ở Nam Á Châu được phúc trình của LHQ nói đến ở đây là Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ. Maldives, Nepal, Pakistan và Sri-Lanca.
Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy Ấn Độ có dân số khoảng 1 tỷ 100 triệu người với tổng sản lượng khoảng 3.319 tỷ Mỹ kim và lợi tức tình theo đầu người là 3.100 Mỹ kim (Việt Nam 2.700 Mỹ kim). Nhưng tài liệu của Ngân Hàng Thề Giới cho biết theo tiêu chuẩn năm 2005, Ấn Độ có đến 456 triệu người nghèo, 41,6% dân sống dưới mức 1,25 Mỹ kim mỗi ngày. Tài liệu kiểm tra cũng cho biết số người có lợi tức dưới 2 USD một ngày chiếm 97,5% dân số, tức hơn 900 triệu người!
Tại Ấn Độ hiện có khoảng 40 triệu công nhân, đa số là người Dalit, đang phải làm việc trong tình trạng như nô lệ để trả những món nợ do các thế hệ trước đã mắc!
DÙNG LUẬT PHÁP ĐỂ KHỐNG CHẾ
Trước tình trạng gần như bị bỏ rơi như vậy, các tiện dân tìm thấy có một cách để làm thay đổi cuộc sống, đó là cải đạo, tức từ bỏ đạo Hindu (Ấn Giáo) để gia nhập một tôn giáo khác. Khi ra khỏi đạo Hindu, họ sẽ không còn bị lệ thuộc vào pháp điển của Hindu nữa.
Chúng ta nhớ lại, hôm 4.11.2001 hơn 50.000 người cùng đinh từ bỏ Ấn giáo quy y Tam Bảo tại viện Ambedkar, thủ đô Delhi Ấn Độ. Biến cố này đã gây sửng sốt cho các đảng lãnh đạo Ấn giáo và chính phủ Ấn. Những người từ bỏ Ấn Giáo để theo Phật Giáo này không hiểu bao nhiêu về Phật Giáo, nhưng họ đã làm như vậy vì đó là một con đường giải thoát khỏi chế độ tiện dân. Tuy phát xuất từ Ấn Độ, theo cuộc kiểm kê năm 1991 của chính phủ Ấn, số tín đồ Phật Giáo ở Ấn chỉ có 0,8%.
Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, các giáo hội Thiên Chúa Giáo đã đến truyền giáo ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ qua, nhưng ngày nay số tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ cũng chỉ có 2,5% dân số. Riêng Giáo Hội Công Giáo hiện có 17 triệu tín hữu với 17 tổng giáo phận, 122 giáo phận và 240 dòng tu. Giáo Hội Công Giáo đã tích cực dấn thân vào lãnh vực văn hóa, giáo dục, y tế xã hội... nên được dân chúng ưa chuộng. Đây lại là lý do khiến cho các tín hữu Kitô giáo bị các nhóm Ấn giáo cuồng tín và các đảng cấp có thế lực thù ghét. Tại tiểu bang Orissa, nơi có cuộc tấn công Thiên Chúa Giáo đầm máu vào cuối tháng 8 vừa qua, có 37 triệu dân, trong đó tín đồ Thiên Chúa Giáo chiếm khoảng 1 triệu. Đây là tiểu bang có đến 39% dân số thuộc loại tiện dân “Dalit”. Số tiện dân theo Thiên Chúa Giáo ngày càng đông. Do đó, các đảng cấp có thế lực thấy rằng nếu để cho tình trạng này phát triển, họ sẽ mất dần số tiện dân thường phải làm nô lệ cho họ. Vì thế, họ đã đưa ra hai biện pháp chính sau đây để ngăn chận: (1) Ban hành các đạo luận cấm cải đạo và (2) xúi giục các tín đồ Ấn Giáo cuồng tín tấn công vào các cơ sở của Thiên Chúa Giáo.
Vào thập niên 1980 phong trào Ấn giáo cực đoan Sangh Parivar được thành lâp với sự yểm trợ của các đảng cấp có thế lực ở Ấn. Mặc dầu điều 15 của Hiến pháp toàn Ấn ngày 16.1.1950 cấm phân biệt dựa trên tôn giáo, chủng tộc, đảng cấp, phái tính và nơi sinh (Prohibition of discrimination on grounds of religion, race, caste, sex or place of birth), phong trào này chủ trương “Ấn giáo hóa” toàn nước Ấn với lý do là các tôi giáo khác đi theo các nền văn hoá xa lạ không phù hợp với văn hoá Ấn, nên cần phải xóa bỏ. Nhưng mục tiêu chính là ngăn chận không cho nhóm tiện dân thoát khỏi hệ thống đảng cấp của Ấn Giáo để bắt họ phải suốt đời làm nô lệ cho các đảng cấp cao.
Ở Ấn Độ hiện nay ngoài Ấn Giáo (82%) còn có Hồi Giáo (11,3%), Thiên Chúa Giáo (2,4%), đạo Sikh (2%), Phật Giáo (0,8%) và đạo Jains (0,48%). Nhưng phong trào nói trên chỉ nhắm vào Thiên Chúa Giáo vì tôn giáo này chủ trương giải thoát các tiện dân khỏi chế độ nô lệ.
Thực hiện chủ trương của Phong Trào Sangh Parivar, hiện nay đã có 6 tiểu bang ở Ấn Độ ban hành luật cấm cải đạo, bất chấp hiến pháp ngày 26.1.1950 của toàn Ấn, đó là các bang Arunachal Pradesh, Madhya Pradesh, Orissa, Tamil Nadu, Gujarat và Chhattisgarh.
DÙNG BẠO ĐỘNG ĐỂ ĐE DOẠ
Ngoài các đạo luật cấm cải đạo, các thế lực chính trị và kinh tế ở Ấn đã bảo vệ cho các nhóm Ấn Giáo quá khích mở các cuộc tấn công vào các cơ sở của Thiên Chúa Giáo, nhất là tại hai tiểu bang Gujarat và Orissa.
Theo bản tin của Asia News ngày 26.8.2008, Sĩ quan cảnh sát Ashok Biswall cho biết hôm 25.8.2008, một nhóm Ấn Giáo quá khích đã tràn vào một trại mồ côi ở quận Bargarh thuộc bang Orissa, phiá Đông Bắc Ấn Độ, và thiêu sống một nữ tu Công Giáo. Một linh mục hiện diện trong trại bị thương nặng và đang được chữa trị trong bệnh viện. Nữ tu Meena ở Trung Tâm Xã Hội Bubaneshwar bị một nhóm Ấn Giáo quá khích cưỡng hiếp tập thể. Trung tâm này đã thoát khỏi làn sóng bạo lực hồi tháng 12, giờ cũng bị phá hủy hoàn toàn. Linh mục Thomas, người điều hành trung tâm này đang nằm bệnh viện vì bị thương nghiêm trọng ở đầu. Tại một nơi khác, một linh mục bị thương và hai người bị bắt cóc.
Các cuộc bạo động này đều do hai phong trào Ấn Giáo Vishwa Hindu Parishad và Sangh Parivar chỉ đạo. Những phần tử quá khích lang thang trên các đường phố, làng mạc, chặn các lối đi, đột kích vào các cơ sở Thiên Chúa Giáo và nhà của giáo dân, đập phá cửa chính, đập vỡ cửa sổ và cướp bóc. Nhiều linh mục và nữ tu phải trốn chạy.
Trong ba ngày 23, 24 và 25.8.2008, bang Orissa đã bị phủ bóng bạo lực. Các nhà thờ, các trung tâm của cộng đoàn và trung tâm mục vụ, các trại mồ côi... đã bị tấn công. Nhiều đám đông hô lớn: “Giết bọn Kitô giáo! Phá hủy các cơ sở của chúng!”
Các nữ tu của Mẹ Têrêsa cũng bị những người Ấn Giáo tấn công bằng cách ném đá làm cho một người bị thương nghiêm trọng.
Tại Bubaneshwar, các chiến binh Ấn Giáo đã ném đá vào Toà Tổng Giám Mục nhưng không dám vào bên trong vì có sự hiện diện của cảnh sát.
Ở Phulbani, nhà thờ giáo xứ và nhà của giáo sĩ địa phương bị tấn công và đốt cháy. Tất cả linh mục địa phương phải trốn chạy và tìm nơi ẩn náu tại tại nhà của các thành viên tu hội địa phương. Nhà trọ sinh viên theo học ở Phulbani cũng bị đốt.
Tổ chức Miserior của Đức đang hoạt động tại Ấn Độ cho biết các linh mục, các nữ tu và các cộng tác viên nam nữ của các Giáo Hội bị lôi kéo ra khỏi xe và bị đánh đập dã man, các xe cộ của họ bị đốt cháy. Các phần tử Ấn giáo quá khích đã cưỡng hiếp đàn bà con gái và chặt các nạn nhân ra từng khúc ngay trước sự chứng kiến của cảnh sát. Về phía nhà chức trách Ấn Độ, họ chỉ tìm cách ngăn cản qua loa những vụ bạo hành như thế cho qua chuyện, nếu không nói là các cảnh sát còn vào hùa với bọn quá khích. Tổ chức Misereor nói rằng rằng chính quyền địa phương ở Ấn chỉ tỏ ra miễn cưỡng trong việc ngăn chặn làn sóng bạo lực.
Theo bản tường trình của Misereor gửi cho đối tác của họ ở Ấn Độ vào thứ sáu 29.8.2008, những cuộc tấn công các Kitô hữu của các phần tử Ấn Giáo quá khích vào cuối tuần vừa qua, đã làm cho khoảng:
- 15.000 Kitô hữu đã phải bỏ lại nhà cửa để chạy thoát thân và đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất; - 1.500 ngôi nhà của các Kitô hữu bị đốt phà hoàn toàn; - 50 nhà thờ bị chiếm giữ và bị cướp phá;
Linh mục Martin Broeckelmann-Simon, Giám đốc điều hành tổ chức Misereor, kêu gọi chính quyền Liên Bang Đức đừng nhắm mắt trước tình trạng bạo lực chống các tín hữu Kitô giáo tại Ấn Độ, trái lại cần cấp thiết yêu cầu chính phủ Ấn bảo vệ các quyền con người tại bang Orissa.
ĐHY Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Ủy ban đối thoại liên tôn của Toà Thánh, đã lên tiếng đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải làm áp lực với chính phủ Ấn Độ. Trong nhật báo Ý «Corriere della Sera» số ra ngày 26.8.2008, ĐHY nói rằng những cuộc tấn công và giết hại các Kitô hữu vô tội của những phần tử Ấn Giáo quá khích là «một trọng tội xúc phạm đến Thiên Chúa và cả nhân loại».
Trong báo «Osservatore Romano» của Toà Thánh, ĐHY cũng đã cho biết rằng các tín hữu Công Giáo, dù bị tấn công, vẫn luôn can đảm ở lại tại quê hương họ. Còn câu trả lời của họ cho các hành vi bạo động và bắt bớ họ là họ vẫn luôn cương quyết đứng về phía những người nghèo khổ và những người phải sống ngoài lề xã hội.
CHỈ LÀ GIẢI PHÁP TẠM THỜI
Hôm 28.8.2008, một phái đoàn các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành Ấn Độ đã gặp ông Mannohan Singh, Thủ Tướng Liên bang Ấn. Phái đoàn do Đức TGM Raphael Cheenath của giáo phận Bhuhaneshwar cầm đầu đã trao cho Thủ Tướng Singh một thỉnh nguyện thư yêu cầu nhà nước can thiệp kịp thời để ngăn chận những vụ tấn công các Kitô hữu, đặc biệt trong tiểu bang Orissa.
Thủ Tướng Singh đã gọi các vụ tấn công các tín hữu Kitô giáo tại bang Orissa là ”một điều ô nhục cho quốc gia”, đồng thời ông loan báo chính quyền sẽ bồi thường cho gia đình của những người bị sát hại. Ngoài ra, Thủ Tướng cũng hứa thiết lập một quỹ liên bang để trợ giúp hàng ngàn tín hữu Kitô giáo, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải chạy vào rừng để trốn tránh các cuộc tấn công. Sau cùng, chính quyền liên bang Ấn hứa sẽ gửi thêm quân đội đến bang Orissa.
Các đối tác của cơ quan Misereor ở Ấn Độ cho hay hiện chính phủ trung ương ở New Delhi đã ra thông cáo tuyên bố miền đất các Kitô hữu bị tấn công là vùng bị nạn và thành lập một ủy ban điều tra vụ việc.
Hôm 29.8.2008, một cuộc họp của các vị lãnh đạo Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo đã được triệu tập tại thành phố Sambalpur, bang Orissa, để thảo luận về tình hình và tìm cách trấn an các cộng đồng liên hệ.
Nhìn chung, giải pháp ông Mannohan Singh, Thủ Tướng Liên bang Ấn đưa ra cũng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm trấn an dư luận trong cũng như ngoài nước. Đó không phải là giải pháp giải quyết vấn nạn khai thác những người cùng đinh để phục vụ các thế lực chính trị và kinh tế ở Ấn.
TƯƠNG LAI VẪN MỜ MỊT
Bang Orissa được coi là môi trường thí nghiệm chích sách ”Ấn giáo hóa” toàn quốc của Phong Trào Sangh Parivar, sau bang Gujarat là nơi từ nhiều năm qua đã liên tục xảy ra các vụ bạo động và bách hại Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số khác.
Vào dịp lễ giáng sinh năm 2007, bang Orissa cũng đã xẩy ra những cuộc tấn công Thiên Chuá Giáo. Linh Mục Laxmikanta Pradhan, cha sở giáo xứ Balliguda, hiện vẫn đang phải lẩn trốn trong các vùng chung quanh giáo xứ, cho biết vào khoảng 7 giờ rưỡi chiều ngày 24.12.2007, các nhóm Ấn giáo cuồng tín vũ trang gươm, dao, súng lục, thanh sắt và rìu, đã phá cửa ùa vào bên trong giáo xứ, đe dọa và chĩa súng vào các linh mục, nữ tu và giáo dân đang trang hoàng nhà thờ cho thánh lễ đêm Giáng Sinh. Và thế là mọi người bỏ chạy vào trong rừng. Từ trong rừng họ trông thấy lửa bốc cháy. Những nơi khác, tình trạng tương tự cũng đã xẩy ra.
Cuộc phỏng vấn Đức Giám Mục Raphael Cheenath, TGM giáo phận Cuttack-Bhubaneswar, về tình hình bách hại Kitô hữu tại Ấn Độ, sẽ cho chúng ta thấy những khó khăn của vần đề:
Hỏi: Thưa Đức Cha, hơn một tháng sau khi xảy ra các vụ tấn kích các tín hữu Kitô giáo trong giáo phận của Đức Cha, tình hình tại đây hiện nay ra sao?
Đáp: Hiện nay tình hình xem ra yên ắng, nhưng các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân công giáo vẫn lo sợ là đích điểm tấn kích của lực lượng Sangh Parivar. Nhiều trẻ em nội trú trong giáo xứ không còn chỗ sống nữa, vì vài trường học đã bị đốt cháy. Do đó các em bị gửi trả về gia đình, với nguy cơ là bị mất đi một năm học. Rất nhiều cha mẹ của các em vẫn còn lẩn trốn trong rừng vì sợ hãi. Và đây không phải là chuyện tình cờ, vì họ thường xuyên bị đe dọa. Bầu khí nghi ngờ rất là mạnh. Chính quyền có gửi đồ cứu trợ, nhưng qúa ít, không thấm vào đâu. Tuy đã có các biện pháp bồi thường những người đã mất nhà cửa và công ăn việc làm, nhưng cho tới nay hơn một tháng đã trôi qua mà các tổ chức phi chính quyền và Giáo Hội vẫn chưa được phép cứu trợ dân chúng trong vùng.
Việc tái thiết vật chất luôn là điều có thể làm được, vì có sự liên đới của tín hữu công giáo toàn Ấn Độ, nhưng để tái thiết sự tin tưởng, cần phải mất nhiều thời gian hơn. Tất cả tùy thuộc rất nhiều nơi cách thức chính quyền kiểm soát tình hình.
Hỏi: Câu chuyện đầu đuôi đã xảy ra như thế nào, và người ta đã tìm ra các thủ phạm và bắt giữ họ chưa, thưa Đức Cha?
Đáp: Các vụ bạo động đã xảy ra lúc 8 giờ sáng ngày áp lễ Giáng Sinh tại làng Bamunigam, không xa đồn cảnh sát bao nhiêu. Tại đây cộng đoàn thổ dân Hui Kalyan Samiti đã tổ chức một cuộc biểu tình không dính dáng gì tới tôn giáo, mà chỉ có mục đích chính trị, và nó đã là ngòi nổ cho bạo lực. Các tín hữu Kitô giáo đã nghi ngờ mưu toan này của họ, nên hai ngày trước đó đã báo cho viên cảnh sát trưởng quận Kandhamal biết. Ông ta hứa là sẽ che chở cộng đoàn Kitô giáo. Và riêng tôi, tôi đã ra lệnh cho các linh mục là phải trốn chạy khi bị tấn công. Sự kiện này đã cho phép cứu sống nhân mạng, nhưng lại khiến cho các nhóm Ấn giáo cuồng tín đốt phá các cơ sở của Giáo Hội như họ muốn.
Từ nhiều tháng nay nhóm Sangh Parivar do Swami Laxmananda Saraswati lãnh đạo. Ông này tự phong cho mình tước hiệu là ”người khắc khổ” nhưng là một người cuồng tín và đã chủ mưu tấn công các Kitô hữu. Các nhóm của họ gồm 200 người kéo đến giáo xứ Bamunigam và 500 người kéo đến giáo xứ Balliguda, là nơi bị tấn công nặng nhất. Họ tới bằng xe vận tải và được trang bị để tấn công chớp nhoáng và gây ra nhiều thiệt hại chừng nào có thể. Mọi đường vào quận Kandhamal đều bị chặn bằng cây lớn để không ai có thể tiếp cứu được. Họ tấn công 7 địa điểm khác nhau trong cùng một lúc. Và điều này đã xảy ra với sự đồng loã và yểm trợ của các lực lượng an ninh địa phương. Một nhóm tín hữu công giáo đến cứu chữa các tín hữu bị tấn công đã bị cảnh sát ngăn chận và đuổi ra khỏi quận.
Rất tiếc là chưa bắt được thủ phạm nào, và chúng tôi cũng không thể tin cậy và trông mong gì nơi các lực lượng an ninh trật tự của chính quyền, vì đa số các biến cố đã xảy ra dưới sự chứng kiến của cảnh sát. Chẳng hạn, nhà thờ Bamunigam đã bị tàn phá trước sự hiện diện của 20 cảnh sát viên, mà không một cảnh sát nào can thiệp để ngăn chặn việc tàn phá ấy.
Hỏi: Thưa Đức Cha, các lý do nào đã gây ra cuộc khủng hoảng trong giáo phận của Đức Cha?
Đáp: Các người Ấn giáo vu khống chúng tôi là tìm lôi kéo các tín hữu Ấn giáo theo Kitô giáo. Nhưng mà đây chỉ là cớ che đậy âm mưu biến Ấn Độ trở thành một quốc gia Ấn giáo, trong đó tín hữu các tôn giáo thiểu số phải thích ứng hay biến mất, không được quyền tồn tại. Ngay hiện nay nữa vẫn còn có các nhóm tín hữu Ấn giáo cuồng tín diễn hành qua các đường phố Kandhamal, và đưa ra các lời đe dọa đối với các cá nhân hay gia đình. Họ đưa ra ba điều kiện: thứ nhất là rời bỏ xứ sở, thứ hai là theo Ấn giáo và thứ ba là chết. Đây là một thử thách rất lớn đối với tín hữu Kitô giáo. Rất nhiều Kitô hữu đang gặp khó khăn vì đã mất hết của cải. Lý do đích thật của các hành động bạo lực hướng tới các tín hữu Kitô là những người thuộc các giai tầng thấp kém trong xã hội, đó là tiến trình giải phóng họ khỏi tình trạng thấp kém này.
Từ bao thế kỷ qua họ đã bị chèn ép, khai thác, bốc lột. Và từ lâu Giáo Hội đã phát động phong trào giải thoát các anh chị em thuộc lớp cùng đinh dalit, với các sáng kiến giáo dục, y tế, phát triển qua các thừa sai cũng như qua các tổ chức phi chính quyền. Kết qủa là ngày nay nhiều người cùng đinh đã cải tiến cuộc sống, và có được vai trò mới trong xã hội.
Nhưng thực tại này khiến cho họ đụng chạm tới các lợi lộc của các phong trào Ấn giáo cuồng tín, bao gồm các giai tầng xã hội cao hơn. Từ đó phát xuất ra các hành động bạo lực và đàn áp này, nhằm mục đích duy trì các anh chị em dalit trong tình trạng tùng phục họ và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội.
ĐƯỜNG TA TA CỨ ĐI
Với những sự kiện đã được trình bày trên, Liên Hiệp Quốc khó có thể đưa được những người cùng khốn ở Ấn Độ ra khỏi cảnh nghèo khó vào năm 2015 theo mục tiên thiên niên kỷ, vì tại Ấn Độ, còn nhiều thế lực chính trị và kinh tế muốn duy trì giai cấp cùng khốn để khai thác. Điều khó khăn hơn nữa, tôn giáo đã được xử dụng như một công cụ đê thực hiện chủ trương này.
Tại Việt Nam, Đảng CSVN cũng không muốn cho các tôn giáo và các tổ chức tư nhân góp phần vào việc bác ái, văn hoá và giáo dục để nâng cao đời sống của người nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần, cũng chỉ với tiêu duy trì dân chúng trong tình trạng nghèo đói và ngu dốt để dễ cai trị và khai thác. Đảng và Nhà Nước tin rằng nếu duy trì được cuộc sống của dân chúng ở mức thấp, nhân công sẽ rẻ và sẽ thu hút được nhiều đầu tư ngoại quốc hơn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các cơ xưởng và cao ốc mỗi ngày mọc lên càng nhiều, tỷ lệ phát triển mỗi năm được dự trù tăng đến 8%, nhưng đa số dân chúng vẫn còn phải sống dưới mức nghèo khổ. Đó là hậu quả của chủ trương người bốc lột người, Nhà Nước bốc lột dân nghèo.
Thiên Chúa Giáo tại Ấn Độ hiện nay chỉ khoảng 17 triệu trong tổng số 1 tỷ 100 triệu dân, nhưng đó là những nhân tố đang xói mòn dần chế độ đảng cấp ở Ấn Độ và đưa những người cùng khốn ra khỏi cảnh nghèo đói. Với 25.000 trường học, Giáo Hội đang góp phần vào việc nâng cao trình độ của những người khốn cùng khốn lên để họ có thể tự giải thoát. Ở Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo và nhiều tổ chức cũng đang chọn con đường đó.
Hôm 3.9.2008, nữ tu Nirmala Joshi, người kế nhiệm Mẹ Têrêxa trong chức vụ Bề Trên Tu Hội Bác Ái Truyền Giáo, đã truyền đi một lời kêu gọi gửi đến mọi người Ấn, yêu cầu bẻ tan xiềng xích bạo lực và tình trạng “lạm dụng tôn giáo”. Nữ tu nói: “Hãy hạ xuống những vũ khí hận thù, bạo lực” và “vươn tới mọi người bằng tình thương” theo gương của Chân phước Têrêxa Calcutta, nhằm xây dựng một “nền văn minh tình thương” ở Ấn Độ và trên khắp thế giới. Nữ tu nhấn mạnh xin đừng dùng tôn giáo để chia rẽ hay dùng tôn giáo như một dụng cụ bạo hành.
Lữ Giang
|