Lòng tốt của Thiên Chúa
VietCatholic News (Thứ Tư 17/09/2008)
LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA
(Chúa Nhật 25 A)
1. Hai sự kiện.
Báo Người Lao Động số 23.1993 có đăng bài: Chợ Người Hà nội. Người Hà nội bấy lâu nay đua nhau xây nhà. Nếu thiếu nhân công lặt vặt là có thể ra ngay chợ người mua sức lao động. Đội quân từ các tỉnh về Hà nội thường xuyên có đến hai ba chục ngàn người. Rỗi việc nhà nông, ở quê không có người phụ...không việc làm, họ ra Hà nội, tụ tập nhiều nhất là dọc đường đôi Giảng võ, trục đường dài theo đê Đại la, xuống Láng. ..đến chợ Mộc...
Công việc có nhiều giá. Việc lặt vặt như dọn đất đá, khuân gạch tô vôi, quét vôi lóc thì khoán từ A đến Z, hoặc là cơm chủ hai bữa cộng tiền công ba, bốn ngàn, hoặc là tự lo bữa ăn. .thì 5,6 ngàn một ngày. Tiền công như vậy là rẻ mạt. Cũng đành vậy thôi. Họ chỉ có đôi tay. Và còn hơn là không có việc. Người thuê cũng có ít. Vì ngại, vì sợ người làm công quen cửa quen nhà mình rồi, làm xong biết đâu người ta “xin đểu”,”trộm cắp, nhờ vả”. ..rách việc thêm.
Báo Tuổi trẻ ngày 4.4.1996 có đăng bài: Chợ Người Ơ Định Quán. Nếu như ở Hà nội, dòng người xuất phát từ nông thôn đổ xô về thành thị “nhóm chợ’ tìm việc làm thì tại Định Quán (Đồng nai), một khu chợ mới đã hình thành trên quốc lộ 20 với những đặc trưng của nó. Đó là những người lao động hình thành từ những làn sóng “di dân tự do’ it đất, không có tư liệu sản xuất, đành phải bán sức lao động kiếm sống...
Vùng này là vùng có nhiều đất, có nhiều đá lộ đầu nên việc dùng cơ giới trong nông nghiệp bị hạn chế. Do đó nhu cầu về lao động rất cao.Từ tháng tư đến tháng mười hai, thời gian diễn ra vụ trồng, ngày ngày có hàng trăm lao động tụ tập ở “chợ” chờ đợi. Những ngày cao điểm, vào vụ lên đến bốn năm trăm người. Những chiếc xe cải tiến, xe máy xới chạy ì ạch, chở đầy những lao động từ “chợ người” đi về các vườn cây, các nương rẫy. Mỗi lao động được từ 15.000 – 20.000đ /ngày. Những ngày cao điểm có thể đến 30.000 – 40.000đ. Hôm sau, mờ mờ sáng chợ lại đông.
2. Trọng tâm dụ ngôn
“ Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông. ..” Giữa một “chợ người” thời Chúa Giêsu ở đất nước Do Thái, tương tự như “Chợ người Hà nội” hay “Chợ người Định quán” bây giờ, một xã hội ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời.
Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày. Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận như một ngày công lao động 15.000đ – 20.000đ Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau. Ở Do thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều: - 3 giờ là 9 giờ sáng - 6 giờ là 12 giờ trưa - 9 giờ là 3 giờ chiều - 11 giờ là 5 giờ chiều
Theo lệ thường công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ.
Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành nổi đe dọa, ghen tức.
Vậy thì ông chủ có bất công không? Chắc chắn là không. Vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận tức là 1 đồng. Chính ông chủ trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ?
Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông ta bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng. Trọng tâm của dụ ngôn là việc phân phát lương bổng lúc cuối ngày.
3. Ý nghĩa dụ ngôn
Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài ngươì nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời. 1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời.
Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Đức Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa thì nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người thì nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Sự trả công của Ngài không làm thiệt hại ai, vẫn luôn bảo đảm tính công bằng.
Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, khô cứng, Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.
4. Sứ điệp
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không ?
Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa thương xót. Đã là thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
|