MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mục Vụ Cho Những Trẻ Em Xấu Số
Thứ Ba, Ngày 16 tháng 9-2008

MỤC VỤ CHO NHỮNG TRẺ EM XẤU SỐ
http://www.thanhlinh.net/

Trần Mỹ Duyệt

CON SỐ THỐNG KÊ

- Trên thế giới hiện nay có khoảng 27 triệu trẻ em bị buôn bán làm nô lệ lao công, nô lệ tình dục và nô lệ chiến tranh. Con số này tương đương với 30 - 40 % các em tuổi vị thành niên.

- Hình thức nô lệ:

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng chừng 800.000 trẻ em bị mua bán trên khắp thế giới. Con số tương đương với 50% các trẻ vị thành niên. Sau đây là những hình thức nô lệ được tường trình vào tháng 6 năm 2008:


1. Cưỡng bức lao động:  Trẻ em thuộc các quốc gia nghèo đói bị cưỡng bức lao động dưới nhiều hình thức, nhưng phần lớn bị cưỡng bức bằng bạo lực, hoặc bị cưỡng bức lao động để thanh toán những món nợ của chính các em, hoặc của gia đình các em.

2. Cưỡng bức nhập ngũ:  Theo tường trình của UNICEF, có khoảng 300.000 trẻ vị thành niên đang bị cưỡng bức phục vụ nhu cầu chiến tranh tại 30 quốc gia.  Tuổi trung bình các em từ 15 đến 18. Một số em chỉ mới 7 tuổi.

3. Cưỡng bức nô lệ tình dục: Khoảng 2 triệu em. Các em bị bán cho các ổ mãi dâm, hoặc những dịch vụ mãi dâm phục vụ cho những du khách ngoại quốc.

NHỮNG TIẾNG KHÓC TRONG ĐÊM TỐI

Sau đây là hai bài tường trình ngắn được trích từ trang điện toán VNExpress phổ biến ngày 19 tháng 8 năm 2008, nói về tệ nạn nô lệ tình dục tại Việt Nam:

- Hành trình bị ép bán dâm nơi đất khách

Đường dây buôn người của tú bà Nguyễn Thị Mạnh (tức Phượng, 21 tuổi), vừa được bóc dỡ. Nhiều cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc được giải cứu, trong đó có Thanh Hồng.

Trong số những nạn nhân trở về, có cô đang phải điều trị, tâm lý hoang mang. Theo cán bộ điều tra, vẫn còn một số người đang bị ép bán dâm ở sâu trong lục địa Trung Quốc, có cô mới chỉ 13 tuổi.

Thanh Hồng, 20 tuổi là cô gái may mắn đã trốn về được sau 2 ngày bị ép bán dâm ở Trung Quốc. Hiện, Hồng tá túc tại nhà người chị gái đã lấy chồng ở xã khác.
Sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo của tỉnh Hải Dương, cô gái quê phổng phao và rực rỡ ở lứa tuổi trăng rằm. Nhà nghèo, quanh năm chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” mà cũng không đủ ăn, bố nát rượu, suốt ngày đánh đập, Hồng đã chán cảnh gia đình và bỏ lên thành phố Hải Dương, thuê nhà sống cùng một cô bạn gái.

Theo cơ quan điều tra, cả hai tìm được việc làm ở khu công nghiệp trên thành phố và trải qua nhiều cuộc tình. Hồng và người bạn gái nhiều lần đã bị chủ nhà đuổi, không cho thuê nhà.

Ngày 25/7, trong một lần ngồi uống ở quán cà phê, hai cô gái đã tình cờ quen một nhóm thanh niên gồm 4 người. Họ đã rủ các cô lên Móng Cái chơi. Hai cô gái bị chúng giam lỏng ở nhà nghỉ do “không có giấy tờ tùy thân, đi lại sẽ gặp rắc rối”. Tối hôm sau, hai cô được má mì Phượng và gã người tình tên Hải đưa sang Trung Quốc bằng đò.

“Lúc đó, em vẫn nghĩ là đang đi chơi, chỉ đến khi nhìn thấy chữ Trung Quốc, lúc đó anh Hải tuyên bố “các cô đã bị bán”, bọn em mới biết mình đã bị lừa”, Hồng khai với công an.

Hồng bị đưa vào một nhà chứa để bọn người này “chiêu đãi hàng mới”. Cô bị nhốt trong căn phòng tối, ở đó có nhiều gái bán dâm là người Việt. Rồi cô chịu những trận đòn phủ đầu của “má mì” người Việt, bắt tiếp khách. Những trận đòn roi dội xuống cơ thể cô gái khiến cô hiểu rằng, nếu không bán dâm, cô cũng sẽ chết dưới đòn roi.

Ở trong động, cô được các đàn chị truyền dạy cho một số “kinh nghiệm”, rồi học cách chào hỏi, ra giá và xin tiền khách bằng tiếng Trung Quốc, cách nhớ mặt đồng tiền nhân dân tệ...

Tủi nhục và khổ cực, Hồng quyết tâm tìm đường trốn. Cô gái lợi dụng sơ hở của chủ, chạy thục mạng vào một nhà dân gần đó và kêu cứu. Người dân tốt bụng đã đưa cô đến công an Trung Quốc. Cô may mắn trở về Việt Nam sau hai ngày “lưu lạc” nơi xứ người và làm đơn tố cáo với công an.

Ngày 15/8, 8 kẻ buôn người đã bị khởi tố về tội mua bán phụ nữ, trẻ em.

* Tên nạn nhân đã thay đổi
Nam Anh

- Đường dây chuyên cung cấp nàng dâu Việt

Một người đàn ông Hàn Quốc và Đài Loan đang chuẩn bị “coi mắt” các cô gái Việt do hai vợ chồng Văn - Hạnh tổ chức thì cảnh sát ập vào. Thấy “động” hai cặp vợ chồng này nhanh chân trốn thoát.

Ngày 19/8, tại khách sạn Minh Phụng, quận 11, hai cô gái đang chờ được coi mắt, bộ đôi tài xế, cùng 2 người đàn ông nước ngoài đã bị tạm giữ.

Theo thông tin ban đầu từ cảnh sát, vụ “coi mắt” này do vợ chồng Văn - Hạnh, ngụ tại quận 11, tổ chức. Ngay sau khi bắt mối được với chú rể ngoại có nhu cầu tìm cô dâu, cặp vợ chồng này đã liên hệ với khoảng 10 “lò” chuyên nuôi các cô gái phục vụ cho việc coi mắt để đưa đến khách sạn Minh Phụng. Theo kế hoạch, mỗi “lò” sẽ cung cấp cho vợ chồng Văn - Hạnh từ 5 đến 6 cô để “gom” lại tổ chức buổi coi mắt này. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện ra vụ việc khi những cô gái đầu tiên xuất hiện.

Hai tài xế xe ôm gồm Tô Quang Sang, 39 tuổi, và Bô Quốc Cường, 32 tuổi, khai nhận sau khi coi mắt nếu được chú rể ngoại chọn, họ sẽ được đường dây môi giới hôn nhân này trả cho 500 ngàn đồng. Hiện hai người này bị câu lưu để phục vụ điều tra.

Mở rộng truy xét, cảnh sát kiểm tra một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, TP HCM và phát hiện 7 cô gái đang được “đào tạo” để chờ ngày dự tuyển.
Vụ việc do đội 5, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an TP HCM phối hợp với công an quận 11 khám phá.

Đức Quang

Ngoài ra cũng do tin của báo Tuổi Trẻ phát hành tại Việt Nam, con số phá thai của Việt Nam đang đứng hàng thứ ba trong số các quốc gia phá thai nhiều nhất thế giới. Tính trung bình, mỗi năm có đến hơn 1.600.000 vụ phá thai tại Việt Nam, trong số đó phần đông là các em ở tuổi vị thành niên.

Mặc dù Giáo Hội vẫn kịch liệt lên án về hiện tượng buôn bán và tệ nạn phá thai trẻ vị thành niên, nhưng tại nhiều nơi những nạn nhân xấu số này vẫn chưa có một đường lối phục vụ, giúp đỡ tích cực, thí dụ như ở Việt Nam.

NHỮNG CẠM BẪY

Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới trong đó bao gồm những quốc gia Đông Nam Á như    Cao Miên, Nam Dương, Việt Nam, và Phi Luật Tân đang trở thành phần đất mầu mỡ cho dịch vụ buôn bán trẻ em vị thành niên. Dịch vụ buôn bán này bao gồm những hình thức:
1) Hôn nhân. 
2) Lao động nước ngoài.
3) Bắt cóc và dụ dỗ.
4) Du học sinh.

1. Hôn nhân:

Những cuộc phỏng vấn tư cũng như công đã được thực hiện gần đây đều dẫn đến kết luận là hầu hết các cuộc hôn nhân giữa các thiếu nữ Việt Nam với những đàn ông Đại Hàn, Đài Loan, Trung Hoa hoặc ngoại quốc đều là giả tạo. Một hình thức buôn bán người. Một hình thức nô lệ mới nhằm phục vụ nhu cầu sinh lý và lao động cho người bỏ tiền ra “mua” những hôn nhân ấy.

- Giả tạo không hạnh phúc. 

Khảo cứu về hôn nhân dị chủng đã cho biết rằng, phần lớn những cuộc hôn nhân này rồi ra cũng kết thúc bằng ly dị. Rất ít trong các cuộc hôn nhân dị chủng đạt được hạnh phúc. Đây không phải là những cuộc hôn nhân dị chủng miễn cưỡng như những cuộc hôn nhân hiện nay đã, và đang xẩy ra cho những thiếu nữ Việt Nam quê mùa, đơn sơ và không biết một tí gì về những dị biệt văn hóa, chủng tộc, và ngôn ngữ. Những cuộc hôn nhân như thế chỉ là một hình thức buôn bán người. Một hình thức nô lệ mới nhằm phục vụ nhu cầu sinh lý và lao động cho người bỏ tiền ra “mua” chúng. 

Những cuộc hôn nhân dị chủng được đề cập đến đúng nghĩa là những cuộc hôn nhân của hai người khác chủng tộc, tuy nhiên vẫn có cùng một khả năng học vấn, trình độ hiểu biết, và sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy. Thí dụ, những cuộc hôn nhân dị chủng hiện nay giữa con cái thuộc thành phần di dân thứ nhất của người Việt tại các quốc gia đang sinh sống. Hoặc những cuộc hôn nhân dị chủng với người Pháp, người Hoa Kỳ và một số quốc gia đồng minh trước năm 1975.  Trong lãnh vực nghề nghiệp, người viết đã có cơ hội kiểm chứng vấn đề này khi tiếp xúc với những chị em phụ nữ Việt Nam có chồng là người ngoại quốc. Kết quả là phần đông những phụ nữ này đã ly dị một thời gian sau đó. 

- Lường gạt bất chính.

Xét về mặt luân lý và đạo đức, bất cứ cuộc hôn nhân nào mang tính gian dối, lường gạt, cưỡng bức, hoặc gượng ép đều phản lại giá trị và ý nghĩa của Bí Tích Hôn Nhân Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo coi đây là những cuộc hôn nhân bất thành. 

Tại Việt Nam hiện nay tuy chưa có những khảo cứu rộng rãi và chuyên nghiệp về những khác biệt hôn nhân dị chủng, tuy nhiên, con số những trường hợp thiếu nữ Việt Nam kết hôn với những người nước ngoài được tường thuật trên khắp báo chí cũng đủ nói lên hiện tượng tiêu cực và đáng thương cho tình trạng hôn nhân dị chủng của các thiếu nữ Việt Nam. Hậu quả là hầu hết những thiếu nữ ấy đã trở thành nạn nhân nô lệ tình dục, bị hành hạ thể xác, nhục mạ nhân phẩm, và nô lệ không công tại những nơi mà họ đang sống.

2. Lao động nước ngoài:

Ít năm trước, người viết có dịp về thăm quê nhà, và trên chuyến bay chuyển tiếp từ Thái Lan về Sàigòn, tình cờ gặp được một nhóm bạn trẻ cũng về Việt Nam trên chuyến bay Thái Lan – Sàigòn. Nhóm bạn trẻ này có 4 em tuổi từ 16 đến 20, ngồi bên nhau có vẻ buồn và đói. Lợi dụng ít phút trước khi máy bay cất cánh, người viết mời các em ăn và uống giải khát, rồi lân la hỏi chuyện. Được biết, 2 trong số các em là người Thái Bình, 1 em Hải Phòng, và 1 em ở Bắc Ninh. Tất cả được cơ quan nhà nước tuyển dụng qua làm việc tại Nam Dương, nhưng hơn 6 tháng bị đối sử tàn tệ, bị bóc lột lương bổng, và bị cưỡng bức lao động quá mức, các em đã liều mạng trốn bỏ về, mặc dù biết rằng hậu quả của hành động ấy sẽ đem lại cho các em rất nhiều phiền phức. Một em trong nhóm trả lời lý do tại sao các em trốn về như sau:

“Thưa bác, những điều kiện về ăn ở, lương bổng, hoặc công việc đều hoàn toàn khác hẳn với những gì tụi nó hứa hẹn và thông tin từ cơ quan nhà nước trước khi tụi em qua đây. Khổ lắm, nhục lắm thưa bác. Tụi em bị nhốt vào những căn hộ chật chội. Bị cưỡng bức làm nhiều giờ. Bị đói và khát. Nhất là tụi em không được trả lương. Mới đây có được đồng nào thì lại phải trả cho tụi môi giới, thành thử tụi em cực nhọc không công, tệ hơn hồi còn ở Việt Nam.” 

Sau này, khi theo dõi những màn phỏng vấn của Nguyễn Cao Kỳ Duyên với các anh chị em lao động tại Nam Hàn, Đài Loan hoặc những cuộc phỏng vấn của nhóm băng nhạc Vân Sơn đều xác nhận sự thật như thế.

3. Dụ dỗ và bắt cóc:

Ai đã có dịp nghe qua những câu truyện nói về cuộc vượt thoát của các em gái sau khi đã bị dụ dỗ do một tổ chức buôn người nào đó, thí dụ, hai câu truyện đã được hai nhà báo Đức Quang và Nam Anh tường trình ở trên, thì không thể không dùng mình sợ hãi. Tóm lại, những câu truyện như thế đều được khởi đầu là em các em này thích muốn trốn thoát một sự thực nghèo đói, hoặc bị đối xử tàn tệ do chính cha mẹ mình, hay như tâm trạng của rất người Việt Nam của chúng ta bây giờ là muốn đi ngoại quốc, muốn sang Hoa Kỳ...

Rồi bằng mọi giá để đạt ước mơ đó, các em đã trở thành mồi ngon bị bọn buôn người lợi dụng. Sau khi đã lọt vào tay chúng, hành động đầu tiên như đã xẩy ra cho tất cả các nạn nhân, là các em bị chúng tịch thu tất cả các giấy tờ tùy thân, và rồi sau đó tất cả mọi chuyện xấu xa đã xẩy ra tùy theo trường hợp của từng em. Những em may mắn vượt thoát thật là ít ỏi, và nhiều trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Lợi dụng tâm lý ham muốn lấy chồng nước ngoài, được xuất ngoại, được ra nước ngoài như hiện nay Việt Nam, thì số phận những em gái quê hoặc ngay cả những em sống tại các thị thành bị dụ dỗ vào những đường giây buôn người như vậy cũng có một kết quả tương tự. Nhưng liệu có mấy em đã may mắn vượt thoát và kể lại cuộc phiêu lưu tình cảm của mình. Hoặc may mắn vượt thoát như Thanh Hồng mà Nam Anh đã tường trình ở trên.

4. Du học sinh:

Du học sinh tại Việt Nam là một hiện tượng đang thu hút và ăn khách hiện nay. Đi du học nước ngoài, đặc biệt sang Hoa Kỳ là một giấc mơ của nhiều phụ huynh và các em. Nhưng đàng sau những mỹ từ “du học sinh” ấy là chuyện gì sẽ xẩy ra?
Hằng ngày chúng tôi vẫn nhận được những điện thoạt của các em du học sinh mới từ Việt Nam sang gọi tới nhờ tư vấn về tình trạng mang thai mà hầu hết là muốn phá thai. Nhiều em trông thật ngây thơ và rất tội nghiệp. Các em cũng chẳng biết mình đang ở đâu, làm gì, và ai là những kẻ lường gạt tiền bạc, thân xác và tình cảm của mình giữa một đất nước Hoa Kỳ mênh mông bát ngát nữa. Bởi vì sau khi đã lọt qua bức tường giấy tờ, và được ngồi trên máy bay rồi, lúc đó mới là khởi đầu một hành trình đầy gai góc và tuyệt vọng.

 Tại miền Long Khánh hiện nay đang sôi lên cơn sốt du học, do một người tự nhận là tu sỹ Don Bosco đứng ra đảm trách dịch vụ móc nối và lo thủ tục giấy tờ. Nhiều phụ huynh đang kín đáo móc nối với y để hy vọng con mình sẽ được qua Hoa Kỳ du học.

Để gây được niềm tin nơi các phụ huynh, tên này đã tỏ ra sành sỏi và hiểu biết về hệ thống các đại học, về công ăn việc làm tại Hoa Kỳ, và đã vẽ ra những chương trình du học hết sức hấp dẫn bao gồm thủ tục xuất ngoại, ghi danh, nhập học, thời gian, và nơi chốn ăn ở.  Thí dụ, khi một em đến Hoa Kỳ thì sẽ có người ra tận phi trường đưa đón về lưu học xá. Các em được theo học các trường danh tiếng và trong thời gian vừa học, các em còn có thể đi làm thêm để kiếm tiền. Sau khi tốt nghiệp các em có thể ở lại Hoa Kỳ làm việc hoặc trở về nước.

Tiếc một điều, tất cả những thông tin này đều là láo khoét và lừa bịp. Những ai đã từng sinh sống tại Hoa Kỳ và đã qua những chương trình giáo dục tại Hoa Kỳ đều không thể nào tin được những lời nói láo như vậy mà các phụ huynh Việt Nam có thể tin được. Nhưng khi những nạn nhân lên được máy bay rồi, và khi phụ huynh đã trao số tiền ấn định là 9000 Mỹ kim cho y rồi, thì số phận con họ như thế nào? Chỉ có trời biết! 

Phụ huynh tại Việt Nam nên biết rằng, ngoại trừ một số con ông cháu cha được du học cách chính thức và cha mẹ có dư tiền, thừa của bao bọc, còn lại những gia đình bình thường như mức sống và sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam, rất ít gia đình có đủ khả năng nuôi con ăn học theo diện du học tại Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả tầng lớp con ông cháu cha đã được qua Hoa Kỳ thì việc học được hay không học được lại là một chuyện khác, và do đó mới có hiện tượng hằng ngày có bao nhiêu các em du học sinh tìm đến các văn phòng phá thai để xin phá thai miễn phí.  

Ít năm trước đây, đã có hàng loạt những cuộc hôn nhân giả tạo được thực hiện, và khi đường giây này bị phá vỡ, thì một hình thức hoạt động mới đang nở rộ, đó là chương trình du học.

Tóm lại, kết hôn ngoại chủng, xuất ngoại du học hoặc làm việc là những món hàng giả như những món hàng giả của Trung Cộng đang tràn ngập thị trường tiêu thụ ở Việt Nam, và nó đã được các phóng viên ngoại quốc phanh phưu qua kỳ Olympic tháng  8 vừa qua tại Bắc Kinh mà rất ít phụ huynh đã nhận ra sự thật này. Họ vẫn sống trong cơn ảo mộng khi nghĩ về Hoa Kỳ như một thiên đàng hạ giới. Chính vì thế, nhiều người đã tiền mất, tật mang, đem con bỏ chợ. Mà còn hơn bỏ chợ, họ đã đẩy con họ vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy đau thương và nước mắt.

MỤC VỤ CHO NHỮNG NẠN NHÂN XẤU SỐ

Sự thật nằm sau những bình phong đẹp đẽ trên tuy cũng đã được biết tới, nhưng hầu như việc đưa ra trước công luận, hoặc đem những kẻ chủ mưu ra trước pháp luật vẫn là việc làm hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Nhiều tổ chức xã hội cũng chỉ đưa ra những phương pháp ngăn chặn như giáo dục cộng đồng, hoặc trợ giúp một số ít em may mắn thoát khỏi những hỏa ngục này. Ủy Ban Di Dân Công Giáo Thế Giới tại Hoa Kỳ đã cho biết rằng họ đã làm việc với những quốc gia ở Đông Nam Á từ năm 2001 trong lãnh vực luật pháp và những chương trình trợ giúp những nạn nhân thiếu niên, nhưng đã vấp phải những rào cản về kinh tế và chính trị. 

Về phương diện Giáo Hội Việt Nam, gần đây một hình thức mục vụ được nhắc tới và đang gây hoang mang đối với nhiều Kitô hữu Việt Nam hải ngoại, đó là “mục vụ di dân”.  Mục vụ này được Hồng Y Phạm Minh Mẫn phổ biến và kêu gọi. Không biết đây có phải là một sinh hoạt mục vụ được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra để lo cho các tín hữu Công Giáo Việt Nam đang sống tại các quốc gia ngoài Việt Nam hay không, hoặc đó chỉ là sáng kiến của riêng Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

Nhưng nếu nhìn vào thực tế, thì mục vụ cho các trẻ em bị buôn bán làm nô lệ hiện nay tại Việt Nam đáng được Hội Đồng Giám Mục quan tâm và thực hiện hơn. Nó nằm trong quyền hạn, và trong phạm vi Giáo Hội Việt Nam.  Những con chiên mà Chúa giao phó đang bị sói rừng nhào tới cắn xé, các mục tử tốt lành cần phải ra tay bênh đỡ. Bằng cách nào?


1. Chương trình đề phòng:

Đây là một chương trình dài hạn nhằm nghiên cứu, soạn thảo những chương trình hội thảo, trình bày những thủ đoạn nguy hiểm mà những tay buôn người thường dùng để dụ dỗ những người nhẹ dạ. Chương trình gồm những chủ đề nghiên cứu và trình bày như:
- Hôn nhân dị chủng.
- Hôn nhân khác tôn giáo.
- Những đường giây mãi dâm.
- Những tổ chức lao động nước ngoài. Hệ thống công ăn, việc làm. Những điều kiện về sức khỏe, chuyên môn, và y tế.
- Hệ thống đại học Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Úc... Và những khó khăn, điều kiện về tài chánh, ngôn ngữ, và nhập học, cũng như những ngành chuyên môn.
Những đề tài hội thảo trên sau khi đã được nghiên cứu thì từng giáo phận, từng giáo xứ cần đem ra học hỏi, trao đổi để các bạn trẻ, nhất là phụ huynh am hiểu và ý thức được những cạm bẫy nguy hiểm đang rình chờ. 

2. Chường trình giúp đỡ:

Trường hợp trong giáo xứ, trong giáo phận có những em nhỏ rơi vào những trường hợp thiếu may mắn thì cần phải có những giúp đỡ nào để ổn định đời sống cho các em. Điều này xem ra lý tưởng và khó thực hiện, nhưng đó mới chính là hành động mang ý nghĩa mục vụ.
-  Các em đã nhẹ dạ mang thai.
-  Các em bị cha mẹ cưỡng bức, bị mai mối lường gạt mà kết hôn ngoài ý muốn.
-  Các em may mắn thoát khỏi những đường giây buôn người, nhưng lại bị cha mẹ, bạn bè từ bỏ.
Người chăn chiên khi thấy sói rừng đến bỏ chạy, hoặc lại tiếp tay với sói để ăn thịt chiên là những kẻ chăn thuê, độc ác. Họ không phải là những mục tử nhân lành. 

Tuổi trẻ là dường cột của xã hội, và là tương lai của Giáo Hội. Nếu tuổi trẻ hôm nay không được hướng dẫn, hoặc bất hạnh bị lôi cuốn vào những con đường tội phạm, thì đây là một mất mát lớn lao cho Giáo Hội và xã hội.

Tháng 10 là tháng theo thông lệ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ họp thường niên, nên hy vọng quí vị Giám Mục nếu có dịp đọc qua những suy tư này và nghĩ rằng đã đến lúc cần phải có một đường hướng mục vụ cho những thành phần trẻ em xấu số, thì đó là một hạnh phúc cho các em.

Để ngăn chặn tuổi trẻ Việt Nam, đặc biệt tuổi trẻ Công Giáo Việt Nam khỏi rơi vào những cạm bẫy đầy nguy hiểm của những bọn buôn người, Giáo Hội Việt Nam cần có một chương trình mục vụ dành riêng cho các em.  Và như vừa trình bày trên, nó phải được nghiêm chỉnh nghiên cứu và thực hiện có hệ thống từ phía Giáo Hội. Nếu xã hội đã không làm gì, thì Giáo Hội có nhiệm vụ phải dấn thân.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lòng Tốt Của Thiên Chúa (9/17/2008)
Đối Diện (9/17/2008)
Bản Tin Trong Tuần, # 2: Hiệp Thông Với Thài Hà Và Lễ Giỗ 6 Năm Của Đhy Thuận. (9/17/2008)
Thông Báo Từ Thái Hà (9/17/2008)
Lá Thư Hiệp Thông Của Dòng Chúa Cứu Thế Tại Melbourne, Úc (9/17/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Chủ Nhật 25 Quanh Năm - Ghen Tương, Tị Hiềm (9/16/2008)
Lại Chuyện Truyền Thông Bịp Bợm (9/16/2008)
THÁI HÀ, GIÁO HỘI CHÚA KITÔ ĐÍCH THỰC (9/16/2008)
Nhật Ký Thái Hà 16.9.2008 (9/16/2008)
New Hampshire: Buổi Thắp Nến Hiệp Thông Cùng Giáo Dân Thái Hà (9/16/2008)
Tin/Bài khác
Nhật Ký Thái Hà 15.9.08 (9/15/2008)
Thái Hà: Tôi Có Một Giấc Mơ (9/15/2008)
THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU #21: ĐỨC MẸ SẦU BI 15/9/2008 (9/15/2008)
Thông Cáo Của Giáo Xứ Thái Hà Về Trợ Giúp/ Đón Nhận Tiền Bạc/ Vật Chất (9/15/2008)
Những Tin Đồn Đang Được Loan Truyền Tại Thủ Đô Hà Nội (9/15/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768