Bài 74: Cuộc Phỏng Vấn Đức Hồng Y Sin Do Tờ Tạp San Mễdu Thực Hiện Ở Baltimo§ Thuận Hà Ngay khi Đức Hồng Y Sin vừa tới Baltimore để nói chuyện cho buổi Hội Nghị Quốc Tế Đức Maria, lúc vừa thấy ngài bước vô cửa khách sạn, chúng tôi vội chạy tới gặp ngài để xin phép được phỏng vấn ngài trong buổi hội nghị tối đó thì ngài trả lời: “Tại sao không làm ngay bây giờ?”
Câu Chuyện Về Mễdu
Chúng tôi không tính hỏi gì về Mễdu vì ngại ngài không thích nói về đề tài này. Nhưng thật ngạc nhiên khi ngài mở đầu:
“Tôi có một người bạn tên Antonio Alaguer là một linh mục Dòng Tên. Ngài là một con người hoạt động trong thời Tổng Thống Markos, có thể nói ngài thuộc phe tả vì thiếu đức tin. Một lần kia có người mời ngài đi Mễdu, họ bằng lòng trả tiền vé may bay cho ngài, và ngài bằng lòng đi. Khi tới Mễdu, những người hành hương nói cho ngài hay về nhiều chuyện lạ xảy ra bên đó nhưng ngài không tin. Một hôm bước vô thánh đường để viếng Chúa, trong lúc suy niệm bất chợt ngài nghe tiếng nói của Đức Mẹ: “Con ơi! Con là con của Mẹ, giống như Chúa Giêsu cũng là con của Mẹ. Con hãy bước theo chân của Người.”
Từ đó vị linh mục thiếu đức tin này hoàn toàn đổi khác. Ngài ra sức làm việc cho Đức Mẹ. Hiện tại ngài là bề trên của một Dòng Tên ở Manila. Ngài nói: “Đây là một sự đổi đời vì trước kia tôi không như vậy và cũng không ngờ nay lại là bề trên của một nhà dòng.”
Nói xong, Đức Hồng Y cười lên một cách thích thú, dĩ nhiên ngài rất vui khi kể lại câu chuyện này.
- Thưa Đức Hồng Y, dân chúng ở Phi Luật Tân có tin về sự kiện Mễdu không?
- Có chứ, họ tin lắm, không những vậy họ còn tin Đức Mẹ hiện ra các nơi trên thế giới nữa.
Đức Mẹ Cản Đám Lính
- Đức Hồng Y có thể kể cho chúng con nghe về câu chuyện Đức Mẹ đã can thiệp đám quân đội trong vụ nổi loạn không?
Ngài kể : “Markos là tổng thống từ 20 năm nay. Ông là một nhà độc tài, bởi vậy đã biết bao người bị giết và bị tra tấn hành hạ khổ sở vì ông. Nếu Markos biết anh là người chống đối ông ta, anh sẽ không còn sống sót đến ngày mai, trái đất này sẽ không còn sự hiện diện của anh nữa.
Nhân ngày kỷ niệm sinh nhật năm thứ 2000 của Đức Mẹ, chúng tôi dành một năm đặc biệt cho Người là tổ chức đại hội Thánh Mẫu. Tôi đem tượng Đức Mẹ Fatima đi cùng khắp đất nước, nhắn nhủ mọi người ăn năn xám hối, xưng tội làm hòa với Thiên Chúa. Tôi nói: “Một cái gì đó sẽ được hoàn thành qua bàn tay của Đức Mẹ.” Ngày mùng 8 tháng 9 là ngày Sinh Nhật của Người. Chúng tôi biết rằng nếu Markos không tuyên bố một cuộc bầu cử thì trong nước sẽ có chiến tranh. Biết vậy nên ông ta đã tuyên bố một cuộc bầu cử. Bà Aquino là một một ứng cử viên phải chống đối với một con người độc tài, quyền thế như Markos. Cuộc bầu cử được diễn ra. Và trong cuộc bầu cử này có sự gian lận trong số phiều vì Markos đã vận động để cho lá phiếu của ông được nhiều hơn, và dĩ nhiên ông đã thắng cuộc.
Lúc đó ngay trong trại, hai trăm bẩy mươi hai binh sĩ nổi dậy chống Markos vì họ không tin Markos. Markos nói: “Những người phản loạn phạm tội phản quốc, phản quốc thì bị tử hình.” Ông cảnh cáo nếu họ không chịu đầu hàng trong vòng 24 tiếng đồng hồ họ sẽ bị hành hình. Nghe vậy mấy bà vợ của những binh sĩ này chạy tới cầu cứu tôi. Nhưng tôi nói với họ là tôi không có vũ khí nào cả ngọại trừ lời cầu nguyện. Tôi điện thoại cho tất cả các sơ trong các nhà dòng bảo họ làm việc phạt tạ trước Mình Thánh Chúa.
Chúng tôi tất cả đều ăn chay hãm mình. Sau đó tôi gọi cho giáo dân và nói: “Nếu hai triệu người bao quanh trại lính thì Markos không thể giết cả hai triệu người được.” Sau ba ngày với hai triệu người bao quanh trại lính. Ngày 25, tháng 2, 1986, Markos thất vọng, ông ra lệnh nếu dân chúng không giải tán thì ông ta sẽ cho nổ súng. Năm chiếc xe tăng tiến đến. Năm giờ sáng những người lính trong xe tăng bắt đầu đếm từ mười hai xuống tới một. Mười hai, mười một, mười…Khi họ đếm tới sáu thì bỗng dưng một phụ nữ đẹp tuyệt trần hiện ra đứng trước đầu những chiếc xe tăng và nói: “Dừng lại, không được phép động tới những người con của ta. Ta là Nữ Vương của đất này.” Chuyện lạ lùng này đã làm cho mọi người sững sờ.
Những binh sĩ này thuộc loại dốt nát, không hiểu biết, họ chạy vô hỏi tôi, “Người phụ nữ tuyệt đẹp đó là ai?” Tôi nói: “Tôi không biết nhưng tôi nghĩ là đó là Đức Maria của chúng tôi.” Họ hỏi: “Bà ấy ở đâu vậy?” Tôi nói: “Người ở trên Thiên Đàng, nhưng có một tượng của Người ở nhà thờ Thánh Đa Minh.” Sau đó họ đã tới đó và tạ ơn Người. Thật sự, nếu bữa đó không có Đức Mẹ can thiệp thì chắc chắn sẽ có cuộc đổ máu xảy ra vì họ đã sắp sửa cho nổ súng rồi.
Lần Hạt Trong Rạng Đông
- Thưa Đức Hồng Y, chúng con được nghe có những cuộc rước kiệu Đức Mẹ ở Phi Luật Tân. Đức Hồng Y có biết chúng con muốn nói gì không?
Chúng tôi gọi đó là ‘Lần hạt trong rạng đông’. Nghĩa là mỗi thứ Bẩy đầu tháng, từ 4 giờ sáng, tất cả mọi người, nhất là các em nhỏ đi xung quanh hàng xóm lần chuỗi Mân Côi, sau đó đi về phía nhà thờ. Có rất nhiều người đi bằng chân không để đền tội.
- Tại sao giáo dân Phi có lòng kính mến Đức Mẹ như vậy thưa Đức Hồng Y?
Đức Mẹ là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử của chúng tôi. Dân chúng ở đây luôn như vậy. Nếu các anh muốn lập một ngân quĩ ở Phi với danh nghĩa Đức Mẹ, chuyện đó rất dễ, sẽ thành công ngay. Tất cả những giám mục bên đó cũng vậy. Họ là người của Đức Mẹ.
Đức Mẹ Chữa Lành
- Đức Hồng Y có một kỷ niệm gì về Đức Mẹ khi còn trẻ không?
Hồi dó, tôi bị bệnh suyễn đang tính rời khỏi chủng viện nhưng viện trưởng bảo tôi ở lại và cho tôi xuống ở bệnh xá bởi vì bệnh tình thường bộc phát. Một lần kia, họ đem một tượng ảnh của Đức Mẹ tới nhà nguyện. Tất cả các chủng sinh đều ca hát mừng Mẹ. Sau khi họ rời khỏi nhà nguyện, tôi còn ở lại. Tôi nói với Người: “Mẹ yêu dấu của con, nếu con trở thành một linh mục, con sẽ truyền bá danh thánh của Mẹ. Nhưng đầu tiên xin hãy chữa lành con.” Đó là ngày mùng 7, tháng 10, năm 1952. Tôi ra điều kiện với Người: “Con sẽ cho Mẹ hạn chót, nếu con vẫn còn bịnh vào ngày 27 tháng 11, là lễ kính ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, có nghĩa là con sẽ bỏ cuộc. Con không muốn là gánh nặng cho giáo phận nữa.” Tôi không nhớ đã nói những gì, nhưng tất cả những điều này tôi đã viết trong một lá thư và để dưới bức tượng của Mẹ. Tôi ký tên bằng máu của tôi. Và tôi đã được Đức Mẹ chữa lành.
Từ ngày đó tôi không còn bịnh nữa và tôi được chịu chức linh mục. Tôi quên bẳng đi lá thư dưới chân Đức Mẹ. Sau 13 năm, tôi thụ phong giám mục, được 37 tuổi; đối với tuổi đó thì quá trẻ cho chức giám mục. Chủng viện quyết định mở lễ ăn mừng Tân Giám Mục. Họ bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ trong ngoài, nhờ đó họ thấy lá thư của tôi dưới tượng Đức Mẹ. Bây giờ thì lá thư đó vẫn được giữ trong viện bảo tàng của chủng viện. Đức Mẹ thật tuyệt vời.
Niềm Vui Thích Của Người Mẹ
- Thưa Đức Hồng Y, Đức Mẹ đã ảnh hưởng tới cuộc đời linh mục của Cha vậy thì bây giờ chắc rất khó khăn khi phải làm Hồng Y?
Cuộc đời tôi luôn luôn sùng kính Mẹ. Tôi không thể nào ngủ nổi nếu không lần xong 3 chuỗi mỗi tối. Mẹ là Mẹ của tôi. Người mẹ ruột tôi chết lúc tôi 16 tuổi, sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đã tới với Đức Mẹ và nói với Người: “Từ nay xin mẹ lo cho con.”
Khi còn thơ ấu, tôi rất gần gũi với mẹ tôi. Khi tôi bệnh, mẹ tôi luôn luôn lo lắng cho đứa con bệnh hoạn nhiều hơn. Mỗi tối bà thường hay tới phòng tôi và hôn tôi. Tôi hỏi người: ‘Tại sao mẹ hôn con mà không hôn những người kia?’ Nhưng mẹ tôi không trả lời. Chúng tôi tất cả 16 người con, và tôi là người thứ 14. Sau đó tôi hỏi người y tá trông nom tôi, tại sao mẹ tôi thường hay hôn tôi và nói với tôi là thương tôi hơn anh em tôi? Bà ta nói: “Bởi vì cậu là người xấu nhất nhà.”
Nói xong, Đức Hồng Y lại phá lên cười, tiếng cười của ngài vang dội cả cái hành lang nơi mà chúng tôi đang ngồi. Và rồi ngài nhấn mạnh: “Cái đó không đúng sao? Bởi đó là cách một bà mẹ thường hay xử sự với những người con thiếu may mắn. Đối với những đứa con như vậy bà luôn để ý nhiều hơn phải không?
Sụ Che Chở Của Người Mẹ
- Thưa Đức Hồng Y, xin nói cho chúng con biết về gia đình của Ngài?
Một lần kia, ba tôi nói với chúng tôi rằng: “Trong nhà này có luật giới nghiêm, đúng 7 giờ tất cả phải ở nhà để lần hạt Mân Côi.” Lúc đó chiến tranh vẫn còn, tôi đi với những học sinh khác hát rong để an ủi những gia đình có con trai đi trận mạc. Một tối, vì hát nhiều quá, mãi tới một giờ sáng tôi mới về. Ba tôi rất giận dữ, người đứng ngay tại cửa với sợi giây lưng. Tôi tự nhủ: “Ông sẽ đánh mình, nhưng ông già rồi, mình còn trẻ, mình có thể chạy nhanh hơn.” Nhưng khi tôi vừa vô tới nhà, ông chạy còn nhanh hơn cả tôi. Thấy mẹ tôi, tôi nói: “Mẹ ơi cứu con.” Ba tôi không thể đánh tôi bởi vì mẹ tôi che chở cho tôi. Và bây giờ cũng vậy, nếu Thiên Chúa muốn phạt tôi thì tôi chạy tới với Đức Mẹ.
Một ngày kia, khi còn trong chủng viện, tôi than phiền rằng: “Tại sao ba tôi chỉ gửi cho tôi có 10 đồng một tháng cho việc giặt giũ quần áo, tiền sách vở, tiền nước ngọt? Số tiền cỏn con này đâu có đủ. Tất cả các bạn bè của tôi đều nhận được 50 - 60 đồng một tháng. Tôi liền viết một lá thư cho ba tôi: “Thưa ba, ba có thể tăng số tiền hàng tháng cho con được không?” Ba tôi trả lời: “Không thể được, con bây giờ đã 16 tuổi rồi phải biết dự thảo ngân sách, con chỉ nhận được 10 đồng thôi.” Tôi rất buồn vì thái độ nghiêm khắc của người. Tôi viết thư cho mẹ tôi: “Mẹ ơi, có phải khi con còn nhỏ, mẹ thường nói mẹ thương con hơn những người con khác không? Nếu đúng tại sao mẹ không tăng tiền lương hàng tháng cho con?”
Nhận được thư của tôi, bà liền hỏi ba tôi: “Ông có thương tôi không?” Ông trả lời: “Dĩ nhiên rồi, tại sao bà hỏi như vậy?” Mẹ tôi đáp: “Nếu ông thương tôi thì hãy tăng tiền lương hàng tháng cho thằng con từ 10 lên 100 đồng được không?” Ba tôi trả lời: “Amen, Alleluia.”, và rồi ba tôi đã gửi tiền cho tôi thật. Ngày nay tôi không tới thẳng với Thiên Chúa, tôi luôn luôn đi thẳng tới Mẹ Maria vì Mẹ là Mẹ của tôi.
Maria
- Làm cách nào Đức Hồng Y có giờ để đọc 3 chuỗi mỗi ngày?
Tôi có rất nhiều việc phải làm. Có những buổi tối, khi mệt mỏi rồi và tôi không thể đọc nổi thêm một chuỗi nữa, tôi mở cửa sổ ra và la lên ‘MARIA”. Đây là thánh danh của Đức Mẹ. Danh Thánh này được cấu tạo từ các mẫu tự thành một nhóm chữ. Chữ M biểu hiệu cho tiếng Mẹ. Chữ A (advocate) biểu hiệu cho người bào chữa, chữ R (Regina) biểu hiệu cho ngôi vị Nữ Hoàng, chữ I (Immaculata) biểu hiệu cho sự vô nhiễm nguyên tội, chữ A (Assumpta), biểu hiệu cho sự thăng thiên, linh hồn và xác lên trời. Như vậy danh xưng này tự nó là một lời kinh nguyện. Một vị linh mục, thư ký của tôi hỏi: “Ai là Maria mà Đức Hồng Y gọi vậy?’ Tôi nói với ngài: “Đó là chuyện riêng của tôi.” Sau đó ngài tới nói với một chủng sinh: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y của chúng ta vì ngài đang yêu một người nào đó tên Maria.”
Nói xong Đức Hồng Y lại cười rộ lên.
- Thưa Đức Hồng Y, đó là chuyện có thật hay là cha giỡn chơi vậy?
Thật đó, vì ngài đâu biết người mà tôi kêu tên đó là người nào đâu. Vị linh mục đó bây giờ qua đời rồi. Ngài rất giản dị, bình dân.”
Thuận Hà
|