Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai? VietCatholic News (Thứ Tư 10/09/2008)
Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 10 tháng 9 năm 2008, tiếp tục thực hiện vai trò xung kích một cách xuất sắc bằng những thông tin méo mó, một chiều.
Trong mục “Về những hành vi vi phạm pháp luật tại khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng”, phóng viên Anh Quang và một số cộng sự đã tiếp tục có những thông tin không đúng sự thật, hết sức ngớ ngẩn:
“Hôm qua 9 – 9, từ 5giờ - 5 giờ45, sau khi lễ nhà thờ, các linh mục nhà thờ Thái Hà tiếp tục huy động 500 giáo dân kéo vào tụ tập trong khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, tổ chức cầu nguyện trái phép. Đến 20giờ tối cùng ngày, khoảng 1.000 giáo dân dưới sự hậu thuẫn của 600 linh mục tiếp tục tụ tập đặt thêm một bức tượng cao 1,2m trong khu đất và tổ chức cầu nguyện tại khu vực đặt tượng” (trích nguyên văn).
Những thông tin trên đây của các phóng viên Báo Hà Nội Mới khiến người ta nhớ lại chuyện phóng viên Đình Hiếu – Đài tiếng nói Việt Nam, khi được các giáo dân gọi điện mời đến hiện trường vào tối 31/8/2008, đã không biết lối vào nhà thờ Thái Hà mà phải nhờ các giáo dân dẫn đường. Các phóng viên Báo Hà Nội mới cũng vậy, nếu họ có tới nhà thờ Thái Hà thì họ phải biết rõ giờ giáo xứ cử hành thánh lễ lúc mấy giờ, chứ không thể bắt nhà thờ hành lễ theo giờ của báo như vậy.
Thông tin có 600 linh mục tham gia cầu nguyện tại “linh địa Đức Bà” tối 9/9/2008, cũng là một thông tin nực cười, khiến người ta nhớ lại chuyện “Nhà nước đã từng phong chức linh mục giả cho một số giáo dân”. Ai cũng biết cả Tổng giáo phận Hà Nội cho tới giờ này, số linh mục chưa tới 600 vị. Vậy, Báo Hà Nội Mới lấy đâu con số này? Đây quả thật là một thông tin bịa đặt! Nếu không, thì phải hiểu rằng có những “linh mục chìm” mà Nhà nước vừa mới phong.
Những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật như vậy quả là nguy hiểm. Kiểu thông tin như vậy thì có lợi cho ai?
Có lợi cho Hội Nhà Báo Việt Nam?
Chắc chắn là không. Sứ mạng của nhà báo là thông tin sự thật. Sự kiện báo chí, truyền thanh, truyền hình, suốt mấy tuần qua, liên tiếp đưa những thông tin dối trá, che đậy sự thật, không đúng sự thật, tạo hiện trường giả, vu oan giá hoạ, mạ lị chức sắc đã làm giảm uy tín của cơ quan truyền thông cả nước và cho thấy một sự suy đồi đạo đức trong xã hội, cách riêng trong các cơ quan thông tấn, báo chí.
Người ta tự hỏi, không biết những nhà báo có lương tri có cảm thấy bị xúc phạm thanh danh một cách nặng nề hay không?
Không biết các nhà báo – các Sĩ phu Hà Thành, đứng trước sự kiện các đồng nghiệp của mình, tác nghiệp cách vô lương tâm, có cảm thấy hổ thẹn trước lương tâm mình không hay cũng “hèn đại nhân” với chủ trương “thời thế thế thời phải thế”?
Có lợi cho Nhà nước Việt Nam?
Sau khi báo Hà Nội Mới đưa tin, ngày 19 tháng 8 năm 2008, ông Vũ Hồng Khanh – phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phụ trách về đất đai – cung cấp tài liệu và yêu cầu các cơ quan báo chí “tạo dư luận, tố cáo nhà thờ Thái Hà”, thì ai cũng biết đây là chủ trương của Nhà nước. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, thì Chính quyền đã phải chi hàng chục tỉ để bôi trơn cho hệ thống truyền thông, tích cực “tố cáo, vu cáo, thông tin một chiều, bóp méo sự thật” diễn ra tại giáo xứ Thái Hà.
Sự kiện báo chí, các cơ quan truyền thông, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, thông tin bịa đặt, mạ lị các chức sắc và cộng đồng giáo dân, vô tình tố cáo chính quyền Việt Nam đang vi phạm luật tự do báo chí, tự do ngôn luận, đi ngược lại quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã qui định.
Việc chính quyền chỉ đạo các cơ quan ngôn luận tung tin thất thiệt, tạo dư luận kết án nhà thờ Thái Hà, đã làm cho người dân, đặc biệt là các giáo dân không còn tin vào “tiếng nói của Đảng” nữa.
Như vậy, việc báo chí, các cơ quan truyền thông, khi thông tin một chiều, nhẫn tâm vu cáo nhà thờ bằng những thông tin thất thiệt, chẳng mang lại ích lợi gì cho chính quyền. Trái lại, kể từ ngày được chỉ đạo vào cuộc, các cơ quan truyền thông đã “tiếp tay với thế lực xấu” (nói theo kiểu của Báo Hà Nội Mới số 10/9/2008) chống phá Nhà nước từ bên trong, làm mất mặt những nhà lãnh đạo có lương tri, làm suy yếu hệ thống truyền thông cả nước và làm cho người dân mất niềm tin vào “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.”
Có lợi cho khối đại đoàn kết toàn dân?
Ai cũng biết, suốt gần tháng qua, qua những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, mạ lị các chức sắc và cộng đồng giáo dân, các cơ quan truyền thông báo chí đã tích cực làm cho khối đại đoàn kết toàn dân vốn đã rất lỏng lẻo ngày càng có nguy cơ bị phá đổ. Chính những thông tin không đúng sự thật này đã gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng giáo dân với chính quyền và với những người dân chỉ nhận được những thông tin một chiều qua các hệ thống truyền thông cả nước.
Sự kiện báo, đài tung tin sai sự thật, khiến cho khối Công giáo - những người đang tích cực cùng với cộng đồng dân tộc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, cảm thấy quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo đang bị xúc phạm nặng nề, khơi lại một vết thương lòng đã âm ỉ rỉ máu từ thời Cải cách ruộng đất.
Như vậy, việc các cơ quan thông tấn, báo chí, dưới sự chỉ đạo của chính quyền, nhẫn tâm vu khống, xuyên tạc sự thật đã chẳng mang lại lợi ích gì cho quê hương đất nước, cho dân tộc, cho khối đại đoàn kết toàn dân. Trái lại, việc các báo đài đang thông tin sai sự thật, tô vẽ sự kiện theo dụng ý xấu của một số cá nhân và tổ chức trực tiếp hưởng lợi từ khu đất số 178 Nguyễn Lương Bằng, đang làm cho một xã hội vốn đã nghèo về lòng nhân ái càng nghèo thêm; đang làm cho những người không còn tin vào “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” càng bất tín hơn và đang làm cho khối đại đoàn kết toàn dân lung lay hơn lúc nào hết.
Vậy, ai phản động? Giáo dân hay các cơ quan thông tấn báo chí?
Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2008 Hà Thạch
|