Chơi đòn hạ sách VietCatholic News (Thứ Ba 09/09/2008 12:07) Chơi đòn hạ sách
Trong cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội để đòi lại Toà Khâm Sứ và đất của giáo xứ Thái Hà, thay vì đối thoại chân thành để giải quyết bằng một giải pháp công bằng và hợp lý, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Mặt Trận Tổ Quốc và Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Thành Phố Hà Nội đã xử dụng các biện pháp hạ sách sau đây để đối phó:
1.- Khủng bố: Huy động lược lượng công an và cảnh sát, kể cả công an chìm, để trấn áp. Bí mật dùng bình xịt hơi cay để làm cho các buổi tập họp cầu nguyện bị tán loạn. Gài cho bạo động rồi dùng pháp luật để đe doạ, v.v. 2.- Huy động hệ thống truyền thông nhà nước để vu khống, xuyên tạc sự thật. Dùng giáo gian hay những tên mạo nhận là công giáo... để đưa ra những lời phát biểu chống lại cuộc đấu tranh của giáo dân. 3.- Dùng các tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, tung hoả mù để chống lại những đòi hỏi của giáo dân. 4.- Xử dụng giấy tờ giả như những chứng từ pháp lý để đối kháng với những đòi hỏi hợp lý cũa giáo xứ Thái Hà!
Trong thời kỳ tiến xuống “xã hội chủ nghĩa”, khi hệ thống thông tin bị bưng bít, có thể xử dụng các biện pháp trên đây để khống chế quần chúng có hiệu quả. Nhưng trong thời đại ngày nay, khi Đảng CSVN bị bắt buộc phải sống chung với các xã hội văn minh, phải gia nhập WTO, phải tham gia Hội Đồng Bảo An LHQ…... các biện pháp nói trên trở thành vô hiệu quả. Ngoài sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế ở trong nước, hệ thống thông tin toàn cầu đã xâm nhập được vào hầu hết mọi khu vực của đất nước. Do đó, khi Đảng và Nhà Nước cho áp dụng các trò bẩn như trong thời kỳ đi xuống “xã hội chủ nghĩa”, sẽ bị dư luận trong nước cũng như quốc tế lật tẩy và tố cáo ngay.
Hai biện pháp đầu được coi là hai biện pháp cố hữu được dùng để trấn át trong các chế độ cộng sản. Biện pháp thứ ba và biệt pháp thứ tư là hai biện pháp đặc biệt được áp dụng trong vụ đòi đất của giáo dân Hà Nội nên chúng tôi xin phân tích về hai biện pháp này.
KHI NHÀ NƯỚC LÀM GIẤY GIẢ!
Giáo xứ Thái Hà đã đưa lập luận sau đây để xác định khu đất 60.000 mét vuông ở Thái Há Ấp vẫn còn thuộc quyền sở hữu của giáo xứ: Chính quyền chưa hề có văn kiện pháp lý nào trưng thu khu đất này. Dân chúng và các cơ quan của chính quyền đã tự ý đến chiếm rồi mua bán đổi chác với nhau, chỉ để lại cho giáo xứ 2.700 mét vuông, không đủ để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.
Để chống lại lập luận này, UBND Thành Phố Hà Nội nói rằng ngày 24.10.1961 Linh mục Vũ Ngọc Bích, người quản lý Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo xứ Thái Hà, đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý. Giáo xứ Thái Hà quả quyết Linh mục Vũ Ngọc Bích không hề ký bất cứ giấy tờ nào “dâng”, “hiến” hay “bàn giao” đất của giáo xứ cả. Vã lại, dù Linh mục Bích có ký giấy bàn giao đi nữa, giấy đó cũng vô giá trị vì ông chỉ là người quản lý chứ không phải sở hữu chủ.
Ngày 26.8.2008, Dòng Chúa Cứu Thế - Giáo xứ Thái Hà, đã nhận được công văn số 680/UBND-NNĐC cuả UBND Thành Phố Hà Nội về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm theo 4 băn bản photocoppy, gồm có:
1.- Bản kê khai tổng số nhà giao cho nhà nước quản lý ký ngày 10.11.1961. 2.- Bản mẫu kê khai nhà quản lý ký ngày 9.11.1961. 3.- Đơn xin xin “được giao lại” đất của linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963. 4.- Văn bản đề ngày 24.12.1991 của Linh mục Vũ Ngọc Bích gửi ban chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thảm Đống Đa về việc xác nhận đã nhận của ban 40 triệu đồng.
Qua các văn kiện nói trên, Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà khám phá ra các sự gian dối sau đây:
(1) Đơn xin “được giao lại” đất của Linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963 đã được đánh máy trên máy vi tính, sử dụng font chữ của Microsoft Word. Sự kiện này cho thấy đơn này không thể có từ năm 1963 mà mới được làm trong thời gian gần đây, vì Công Ty Microcrosoft mới được thành lập ngày 1.4.1975, nên năm 1963 không thể có kiểu font đó để xử dụng. Điều này cho thấy đơn xin “được giao lại” đất của Linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27.5.1963 mà UBND thành phố Hà Hội xuất trình để chứng minh là tài liệu giả.
(2) Bốn văn kiện mà UBND Thành Phố Hà Nội đưa ra làm chứng từ đều có nghi vấn:
- Có văn kiện lại bị sửa cách viết chữ, tháng (văn bản 1) hay năm (văn bản 3). Chữ viết tên và chữ ký của văn bản 3 không gióng các văn bản khác. - Chỉ có một chứng từ lập năm 1961 có đóng dấu, nhưng hai dấu lại đè lên nhau và xem lại thì không phải là con dấu của giáo xứ Thái Hà!
Văn bản thứ 4 đề ký ngày 24/12/1991 (ngày mừng lễ Noel) là văn bản đã được cơ quan Truyền hình nhà nước đưa lên để cho rằng đây là văn bản Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký nhận 40 triệu đồng từ năm 1961. Nhìn kỷ, ai cũng dễ dàng nhận thấy chữ ký của Linh mục Bích trong văn bản này hoàn toàn khác với chữ ký của các văn bản khác.
Như vậy, UBND Thành Phố Hà Nội đã cố ý giả mạo giấy tờ để sang đoạt tài sản của nhân dân.
HUY ĐỘNG PHẬT GIÁO QUỐC DOANH
Chúng ta nhớ lại, cuối năm 2007 và đầu năm nay, khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đòi lại Toà Khâm Sứ Việt Nam, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc đã huy động Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh và các cơ quan truyền thông của “giáo hội” này để chống lại.
Ngày 17.1.2008, Website “phattuvietnam.net”, cơ quan Phật Giáo vận của Mặt Trận Tổ Quốc, cho đăng “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ" của một người ở trong nước giấu tên cho rằng khu Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ hiện nay trước đây là chùa và tháp Báo Thiên của Phật Giáo.
Ngày 18.2.2008, Website này đã công bố văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, hiện là Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương của GHPGVN, đã thừa ủy nhiệm Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội này, gởi đến Thủ Tướng Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu “xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo” trước khi có quyết định về việc trao Tòa Khâm Sứ cho Giáo Phận Hà Nội!
Tiếp theo, vô số bài của các tổ chức thuộc Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh được đưa ra để bôi nhọ và chống lại Thiên Chuá Giáo.
Sự kiện này một lần nữa chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong nước hiện nay chỉ là một công cụ chính trị của Đảng và Nhà Nước chứ không phải là một tôn giáo hay một giáo hội đúng nghĩa.
ĐÂM THUÊ CHÉM MƯỚN
Website “Phattuvietnam.net” đúng là một công cụ đâm thuê chém mướn của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, bên ngoài trang nhà này đề bảng “Nam Mô A Di Đà Phật” nhưng bên trong chứa toàn những bố dao găm. Trong phần chủ trương, trang nhà này có ghi:
“Trang web PHẬT TỬ VIỆT NAM hình thành bằng chính tâm nguyện sống và làm theo lời Phật dạy, làm tốt đạo đẹp đời, với phương châm: Đạo Pháp – Dân tộc – Thời đại. Tất cả không ngoài chủ trương: 1.- Phổ cập, thảo luận Phật pháp, xem đây là diễn đàn Tăng Ni Phật tử khắp nơi trên phương tiên truyền thông đại chúng. 2.- Cung cấp, cập nhật, tổng hợp các thông tin họat động Phật sự trong nước và quốc tế đến Chư Tôn Đức Tăng Ni Phật tử, các nhà nghiên cứu Phật giáo, cũng như các đối tượng khác muốn tìm hiểu đạo Phật. 3.- Hoằng pháp lợi sinh trên tinh thần Phật giáo đi vào cuộc đời, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, vì lợi ích số đông loài người và chư Thiên. 4.- Trao đổi và nghiên cứu các vấn đề Phật học trong sự hòa hợp, thanh tịnh - kiến hòa đồng giải (không liên quan đến các vấn đề chính trị, kỳ thị tôn giáo hay lợi ích cá nhân).”
Nhưng mở trang nhà này ra, chúng ta thấy toàn tin tức về hoạt động vận động quần chúng của nhóm sư quốc doanh và các bài đánh phá theo chỉ thị của Mặt Trận Tổ Quốc. Trong vụ Toà Khâm Sứ, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều bài nham nhở xuyên tạc lịch sử và tôn giáo với những luận điệu láo phét, chẳng hạn như:
- Lịch sử tang thương về chùa Báo Thiên ở Hà Nội xưa - Vụ phá chùa Báo Thiên xây Nhà thờ Lớn trong tiểu thuyết Mẫu Thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. - Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam. - Nhân vụ Tòa khâm: Di sản văn hóa - Cội nguồn lịch sử của một dân tộc. - Phật giáo Thiền chứ không ngủ của Trần Chung Ngọc (!). - Từ việc chiếm chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn tìm hiểu bộ mặt thật của 'giám mục' Purinier. - Thư trao đổi gửi ngài Nguyễn Văn Sang - Giám mục Thái Bình. - Chùa Báo Thiên có bị thực dân Pháp và tay sai phá đi xây Nhà thờ Lớn? - Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về vụ đòi “Tòa khâm”. - Vụ đòi tòa khâm: câu chuyện về chiếc giếng cổ và cây thánh giá - Vụ cầu nguyện đòi Tòa khâm: Về một thế đứng văn hóa trong tôn giáo. - Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và hòa hợp Tôn giáo trong lòng Dân tộc. - Cầu nguyện đòi "Toà khâm": nên nhìn vào sự thật. - Vụ "tòa khâm": Lương tâm cầu nguyện? - Nhân vụ đòi "Toà khâm": Mong Nghĩ Niềm Chung. - Lịch sử - Pháp lý - Hiện thực - Tình người. - Ước nguyện của Phật tử về "Thành phố Vì Hòa bình". - Tâm thư gửi đồng bào Công giáo “cầu nguyện” đòi "Tòa khâm sứ". - Thư ngỏ gửi Ngài Ngô Quang Kiệt – Tổng Giám mục địa phận Hà Nội nhân vụ việc “Tòa Khâm sứ”, v.v.
Trong cuộc tranh đấu để đòi lại đất của giáo xứ Thái Hà hiện nay, chúng tôi thấy trang nhà phattuvietnam.net đã phóng lên bài bài “Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam” hôm 29.5.2008; bài “Cầu nguyện đòi đất: 'ông tiền chủ, bà tiền chủ ở đâu'?” hôm 2.9.2008; bài “Cầu nguyện "đòi đất": Một kiểu "đối thoại" bằng luật rừng” hôm 5.9.2008... để vu khống và bôi nhọ cuộc đấu tranh của Công Giáo.
MỘT THÍ DỤ ĐIỂN HÌNH
Số lượng bài đánh phá đăng trên trang nhà “Nam Mô A Di Đà Phật” phattuvietnam.net quá nhiều, chúng tôi chỉ xin đưa ra đây một vài đoạn chính của bài “Nhân chuyện ông Ngô Quang Kiệt nhất định đòi đất, nhìn về những diễn biến tôn giáo gần đây tại Việt Nam” của người đứng tên là Nguyễn Mai Sơn để đọc giả xem miệng lưỡi của nhóm bồi bút của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc trong phattuvietnam.net “Nam Mô A Di Đà Phật” như thế nào. Sở dĩ chúng tôi chọn bài này vì đây là một bài viết tương đối có lý luận. Qua bài này, chúng ta có thể thấy được phần nào cách nhìn của nhà cầm quyền về cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội. Đa số các bài khác đều được viết theo lối của các bà bán cá ở các chợ Đồng Xuân, Đông Ba, Cầu Ông Lãnh...
Vì bài báo quá dài, chúng tôi chỉ xin trích đăng lại hai phần quan trọng và đưa ra một vài nhận xét, đó là phần phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội và chuyện đòi nhà đất. Những tiểu mục được chúng tôi thêm vào cho dễ đọc hơn.
Mở đầu bài báo viết:
“Ngoài ý tứ quyết “sống mái” của TGM Ngô Quang Kiệt: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ” (bất chấp sự thật lịch sử là mảnh đất đó được cướp từ đất chùa, bất chấp dư luận xã hội trong đó có phản biện của Phật giáo) là việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước”.
1.- Phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội
Bài báo viết tiếp:
“Theo một số nguồn tin, ông Ngô Quang Kiệt - Tổng Giám mục Hà Nội trong chuyến thăm cộng đồng Ki-tô giáo người Việt tại Đức đã mạnh miệng tuyên bố “TGM Hà Nội nhất định đòi Tòa Khâm sứ”.
“Phát biểu trên xuất hiện gần thời điểm phái đoàn Vatican chuẩn bị sang thăm Việt Nam. Cũng trong tin này, ôngng Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo Vatican nói về sự quan tâm của Vatican đến Tòa Khâm sứ, Thánh địa La Vang và Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt.
“Tuy nhiên, trong tin “Phái đoàn Vatican sắp tới Hà Nội” của BBC Việt ngữ, Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu lại cho rằng: "Việc đòi lại đất chỉ là bề nổi. Điều ẩn hiện đằng sau mà Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước".
“Đúng là ba “miếng” đất kia chỉ là bề nổi, là sự “ẩn hiện” có tính toán, nếu quan hệ giữa Việt Nam và Vatican được thiết lập. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với một quốc gia (Vatican) mà quá khứ có nhiều ân oán, tình thù với nhau cũng là chuyện bình thường, vấn đề là những “điều kiện” mở đường cho nó sẽ ở mức độ nào giữa nhận thức chung trong mối quan hệ: “hai bên cùng có lợi”.
“Nếu cái “điều kiện” đó có thể đáp ứng lớn hơn mức bức tường mà hai bên có thể thỏa mãn thì việc tranh chấp vài miếng đất có thể coi “như có như không”. Đó là điều ai cũng nhìn ra, tuy nhiên ai là người sẽ “nhượng bộ” để đổi lấy những ích lợi cụ thể thì vẫn còn là một câu hỏi.
“Cần nói thêm, Trung Quốc vẫn chưa mặn mà với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, vì gần như Trung Quốc đã làm được cái việc tách Giáo hội Công giáo Trung Quốc ra khỏi Vatican trong thế độc lập tương đối.
“Điều đáng chú ý, ngoài ý tứ quyết “sống mái” của TGM Ngô Quang Kiệt: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ” (bất chấp sự thật lịch sử là mảnh đất đó được cướp từ đất chùa, bất chấp dư luận xã hội trong đó có phản biện của Phật giáo) là việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước”. Cũng là “đòi” cả thôi nhưng ở hai cấp độ khác nhau.
“Đòi đất kiểu “quyết liệt” như TGM Ngô Quang Kiệt đích thực là bề nổi, nhưng không phải không có chủ ý lấy “gân” thử “gân” và cái “đòi” ấy là rất cụ thể. Còn việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước” mà Linh mục Bùi Thượng Lưu nói tuy to tát nhưng rất thiếu tế nhị, nếu không nói là tự nhận mình ở cái thế “bên lề”.
2.- Chuyện đòi đất
Về chuyện đòi đất, bài báo lý luận như sau:
“Khi nói đến từ “đòi” người ta thường liên hệ đến việc bị lấy mất, bị xâm chiếm. Nhưng không ai lấy mất những “đóng góp” của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho đất nước mà phải đòi. Khi đòi “dân tộc” phải ghi nhận đóng góp ấy, liệu có “đòi” dân tộc và cụ thể là Phật giáo phải quên đi những di sản văn hóa chùa chiền, đình miếu bị chính sách đồng hóa hủy diệt không?
“Dĩ nhiên, trên khắp thế giới, thời nào cũng thế, nhà cầm quyền, những người lập ra chế độ chính trị, chính sách, hiến pháp, pháp luật, quân đội, nhà tù được toàn dân nhất trí (theo tiêu chí phổ thông đa số thắng thiểu số) họ có quyền lực cao nhất để “hướng dẫn xã hội”.
“Đó là cái thế “cầm quyền” của họ, họ “lấy” bằng cách gì và họ “trả” như thế nào với những tài sản tôn giáo, phi tôn giáo cũng là cái thế cách “cầm quyền” của họ, và điều đó không phải không có ý nghĩa trong những thời điểm lịch sử nhất định.
“Công giáo Việt Nam từ trong lịch sử đã “cưỡng chiếm” biết bao nhiêu chùa chiền của Phật giáo một cách bất hợp pháp, ai là người sẽ đòi món nợ ấy với họ?
“Hiện tại, Công giáo Việt Nam chỉ là một tổ chức trong một quốc gia và phải chịu qui định bởi luật pháp của quốc gia ấy. Trong ba cơ sở mà Công giáo có ý định “đòi” (“bề nổi”, “ẩn hiện”) thì có đến hai cơ sở là di sản Phật giáo từng bị cưỡng chiếm và phá hủy rồi xây lên đó những nhà thờ (Tòa khâm sứ cũ và đất La Vang).
“Nếu nói một cách “công lý” và “công bằng” thì Công giáo Việt Nam nên suy nghĩ nhiều hơn về điều này, không nên tiếp tục khơi lại những vết thương đau của lịch sử dân tộc.
“Không phải ngẫu nhiên vụ cầu nguyện đòi đất Tòa Khâm sứ nổ ra và có phản ứng dây chuyền trên khắp cả nước. Bởi một động thái tôn giáo của nhà nước trước đó được xem là “bất lợi” cho tiến trình phát triển của Công giáo Việt Nam chính là trong mùa Phật đản năm 2007, Nhà nước tuyên bố đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.
“Tâm lý lo ngại có thể bị rơi ra khỏi sự quan tâm đã chuyển sang thái độ phản ứng “đòi” đất. Tuy nhiên, tất cả sự “ẩn hiện” đó đều hy vọng vào một khả năng duy nhất “thúc ép” Việt Nam “bình thường hóa” với Vatican.
“Có thể vụ cầu nguyện đòi đất chỉ là một bức màn của một sân khấu đã được đạo diễn sẵn, nhằm đẩy Chính phủ Việt Nam vào một thế bí đối với dư luận trong và ngoài nước: “cướp đất”, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”…
“Sau đó chính Vatican lại can thiệp và làm cho sự việc lắng dịu. Sức mạnh “can thiệp” đó nhằm vào một chủ đích lớn hơn, bởi gần như sức ép dư luận “quốc tế” mà Vatican có khả năng chi phối là rất nặng kí. Kế sách vừa đánh vừa nhử, lùi một bước tiến ba bước quả là ngoạn mục...”
MỘT VÀI NHẬN XÉT
I.- Phần phân tích về mục tiêu cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội
Về sự “ẩn hiện” có tính toán của Giáo Hội Việt Nam trong việc đòi đất chúng tôi xin miễn bàn vì không có bằng chứng xác thực.
Còn về việc Linh mục Bùi Thượng Lưu nói rằng “Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước", chúng tôi thấy có sự xuyên tạc. Chúng tôi tin rằng Linh mục Bùi Thượng Lưu không có ý nói nhà cầm quyền cũng như dân tộc phải ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước, trái lại Linh mục muốn nói lên ước mong của Giáo Hội Việt Nam là nhà cầm quyền để cho Giáo Hội được góp phần vào việc xây dựng đất nước, đặc biệt là trên các lãnh vực bác ái, giáo dục và văn hoá. Hiện nay, nhà cầm quyền đã nới rộng phạm vi hoạt động bác ái của Giáo Hội, nhưng vẫn không cho tham gia vào lãnh vực giáo dục và văn hoá. Điều này sẽ gây thiệt thòi lớn cho dân tộc, nhất là cho thế hệ tương lai.
II.- Về chuyện đòi đất
Chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét vắn tắt.
(1) Vấn đề quyền đặt ra luật pháp của người cầm quyền: Chúng tôi đã nói nhiều lần, khi từ bỏ “xã hội chủ nghĩa” để đi vào xã hội văn minh, những điều khoản của luật man rợ hay luật ăn cuớp như luật cải cách ruộng đất và luật nhà đất hiện nay phải được hủy bỏ. Trong văn thư gởi nhà cầm quyền ngày 12.10.2002 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã trình bày nhiều vấn đề cần được sửa đối, trong đó có khoản yêu cầu “xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công.”
Vã lại, với luật pháp hiện tại, chính nhà cầm quyền không tôn trọng, làm cả giấy tờ giả để cướp đoạt tài sản của dân chúng, làm sao đòi hỏi người dân không được chống lại những sự bất công được?
(2) Về chuyện Công Giáo cướp đất: Chúng tôi đã trình bày nhiều lần, nhưng nhà cầm quyền cứ cho lặp đi lặp lại để đánh lừa dư luận.
(3) Vấn đề ghen tức vì chính phủ đăng cai tổ chức Vesak 2007: Đây là chuyện ít ai tưởng tượng nổi. Các cơ quan truyền thông hải ngoại cũng như nhiều tổ chức Phật Giáo đều lên tiếng tố cáo chính quyền bày trò lừa bịp này để chứng minh cho thế giới rằng Việt Nam thật sự có tự do tôn giáo. Nhưng cái trò ma giáo này không đánh lừa được ai.
Nhìn chung, gần như bài nào cũng lặp lại luận điệu vu khống Giáo Hội Công Giáo đã cướp đất và cướp chùa Phật Giáo để lôi kéo tín đồ Phật giáo đứng về phía chính quyền và đánh lạc hướng những sự sai lầm, độc đoán và vi phạm luật pháp của các viên chức chính quyền.
Nhưng như chúng tôi đã nói ngay từ đầu, những biện pháp hạ sách mà Đảng và Nhà Nước đang áp dụng để ngăn chận phong trào chống lại sự chiếm đoạt bất công tài sản của dân chúng sẽ không giải quyết được gì. Dư luận trong và ngoài nước không bao giờ tin vào những luận điệu tuyên truyền bịp bợp mà chính phủ đang cố gắng đưa ra, kể cả những bài “Nam Mô A Di Đà Phật” trên trang nhà phattuvietnam.net, vì các thông tin khác đã cho mọi người biết sự thật.
Muốn từ bỏ “xã hội chủ nghĩa” và hội nhập vào xã hội văn minh, cần có những đối thoại thẳng thắng và chân thành để giải quyết các khó khăn còn tồn động và đưa đất nước đi lên.
Về phía Công Giáo, chúng tôi xin nhắc lại: Trong bài giảng tại Santiago de Cuba hôm 24.1.1998, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã nhấn mạnh: “Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội...” Lữ Giang
|