KHỔ THÂN CHA GIÀ GIUSE VŨ NGỌC BÍCH nguyên bề trên Tu viện DCCT Thái Hà kiêm chính xứ Đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà
F.X Nguyễn Văn Sang Giám Mục GP Thái Bình
Mấy tháng trước đây tôi đã có bài “Khổ thân Đức Cha Giuse Nguyễn Tùng Cương” trong vụ việc đất đai Toà Khâm Sứ cũ, nay lại đến “Khổ thân Cha già Giuse Vũ Ngọc Bích...”. Ngài cũng bị đào bới lên sau khi tạ thế được gần chục năm. Mồ chẳng được yên, mả chẳng được ấm, vì danh nghĩa của ngài đã bị lạm dụng trên các văn bản và truyền thông đại chúng.
Về thân thế và sự ngiệp của vị Bề trên cao cả đó đã có nhiều người và sách vở đã, đang và sau này còn phải nói đến rất nhiều. Tôi chỉ muốn đóng góp một vài chi tiết về một con người để qua đó đánh giá trong việc đất đai của giáo xứ Thái Hà.
Nếu có thể được thì nên chia giai đoạn đời sống của cha già Giuse Vũ Ngọc Bích làm hai giai đoạn: giai đoạn tiêu cực bất mãn với cơ quan đoàn thể lúc đó (1954-1991); giai đoạn về thái độ của cha già đối với xã hội mềm dẻo, êm ái hơn.
1. Giai đoạn I: Năm 1954-1991: Lúc đó chính quyền của chúng ta mới được thành lập trên mảnh đất của thủ đô. Và trong thời kỳ bao cấp, các chính sách chỉ đạo ở trong xã hội ở nhiều lĩnh vực còn khắt khe cứng nhắc, chưa kể đến đã phạm những sai lầm đáng tiếc, nhất là các đối với các tôn giáo nói chung và đạo Công Giáo nói riêng: nào là cải cách ruộng đất, chính sách công thương, hạn chế việc tự do đi lại, giấy tờ sổ sách chồng chéo lằng nhằng, công việc trật tự trị an đẩy mạnh quá chặt chẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt tự do của dân chúng cũng như các tôn giáo.
Đứng trước tình hình xã hội và vị thế của tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, phản ứng của mỗi người, nhất là những người Công Giáo, các chức sắc trong đạo...tất nhiên cũng có sự dè dặt nếu không phải là tiêu cực.
Chính trong hoàn cảnh xã hội như vậy, cha già Giuse Vũ Ngọc Bích với cương vị là một cha xứ không khỏi băn khoăn e dè trong cuộc dấn thân của mình vào xã hội: không đi họp hành, không tham gia mặt trận và các cơ quan đoàn thể khác. Vậy chúng ta hãy đặt những giấy tờ gọi là “Biên bản hiến dâng đất đai” của nhà thờ Thái Hà vào giai đoạn này (năm 1961) có hợp tình hợp lý không? Bởi vì đã gọi là “Hiến dâng” thì phải có thoả thuận dù dưới một chức vị nào cũng phải có tấm lòng hân hoan, ủng hộ, tình nguyện... Đó là về phương diện tâm lý, chắc ai ai cũng có thể cảm nghiệm được.
Đứng về mặt xã hội lúc đó cũng đối xử nghiêm ngặt với cha già bằng nhiều thể nhiều cách: ngài luôn luôn được triệu tập ra cơ quan “làm việc” tối ngày; bị hạn chế đi lại, hoặc có lúc được cấp giấy thông hành nhưng đi tới các địa phương cũng bị cản trở. Có lần giữa đường bị thu hồi giấy phép, mời về tự do đi lại trong khu xứ hoặc nội thành Hà Nội. Riêng tôi, một lần khi đã làm Giám mục, tôi xin giấy tờ đi sang Rôma để chào thăm Đức Thánh Cha và cảm tạ ngài, đã bị từ chối bằng một câu: “Chưa được đi NGOẠI Ô đã đòi đi NGOẠI QUỐC”. Hai bên không đối thoại được với nhau, nhìn nhau (ít là về phía xã hội) với những con mắt và danh từ đặt cho các chức sắc là lạc hậu, mê tín, dị đoan...thì làm sao cha già Giuse Vũ Ngọc Bích và một người thuộc Dòng CCT vốn là Dòng bị đặt dưới sự nghi ngờ của nhà nước lúc đó lại có thể hân hoan, hớn hở, vui mừng, sung sướng, tình nguyện hiến dâng mảnh đất vốn không thuộc về mình sở hữu mà chỉ là người quản lý cho xã hội khó ngặt lúc đó được.
Vậy tại sao lại có những văn bản với những lời lẽ và chữ ký mà người ta cho rrằng chính linh mục Vũ Ngọc Bích đã hiến dâng mảnh đất cha ông tiên tổ mình để lại cho nhà nước quản lý? Tôi không được rành rẽ lắm trong việc phân tích các văn bản kể trên, nào là môn phân tích ký tự, cách hành văn, giọng văn...mà Dòng CCT hiện nay bảo đảm có sự chính xác ở trong tay và đề nghị các nhà khoa học vào cuộc. Tôi cũng không rành lắm về các văn bản đánh máy hoặc đánh vi tính cướp thời gian đến hàng chục năm với những phông chữ thế này thế khác. Tôi chỉ đứng về mặt tâm lý mà nhận xét:
A - Có thể linh mục Vũ Ngọc Bích cũng như Đức Cha Giuse Nguyễn Tùng Cương đã phải trải qua những ngày đêm tra tấn tinh thần đưa tới sự sợ sệt ký bừa bãi cho xong để bảo toàn tính mệnh, cuộc sống bình thường... Vậy thì những văn bản được ký trong những hoàn cảnh đó mà nhiều người đã có kinh nghiệm như Kim Trọng nghe Thuý Kiều gảy đàn như sau:
Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như tiếng suối mới xa nửa vời. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ, Khiến người ngòi đó cũng ngơ ngẩn sầu. Khi tựa gối, khi cúi đầu. Khi gò uốn khúc, khi chau đôi mày.
Ai đã có kinh nghiệm về những cuộc “Hội kiến” giữa các vị có trách nhiệm và người dân lúc đó bị triệu tập ra làm việc để đưa tới các kết quả hay như là các văn bản của cụ Bích ở dưới Thái Hà xưa kia thì mới hiểu được trạng thái tâm lý của các ngài lúc đó: lúc thì bị mơn man dụ dỗ “Trong như tiếng hạc bay qua”, khi thì quát tháo doạ nạt “sầm sập như trời đổ mưa”. Cho nên:
Rằng hay thì thật là hay, Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thé nào.
Những văn bản được ký trong hoàn cảnh đó có giá trị pháp lý để đem chứng minh trong những vụ việc như ở Toà Khâm Sứ, Thái Hà...đến mức nào! Xin các nhà luật học, luân lý học, kể cả các Bao Công thời đại cũ và mới chỉ giáo cho.
B - Không chừng mà lại là một âm mưu ly kỳ bí nhiệm của chính linh mục Vũ Ngọc Bích đưa ra để đánh lừa những người sử dụng nó trong các thế hệ sau vì ngài tự xưng là người quản lý các mảnh đất thuộc dòng CCT và xứ Thái Hà chứ không nói là người sở hữu đầy đủ pháp lý của những mảnh đất trên. Mà quản lý thì chỉ có quyền giữ của và làm cho những của cải đó thêm lên chứ không có quyền hiến tặng, chuyển nhượng, trao ban một cách hớn hở, tự nguyện như linh mục đã làm trong dĩ vãng. Thế là các vị có trách nhiệm ở phường, quận ngày nay bám vào văn bản đánh lừa của chính linh mục Vũ Ngọc Bích trưng ra trên các phương tiện truyền thông, báo chí, hội họp... Chắc linh mục Vũ Ngọc Bích có thể được, sẽ đội mồ đứng lên cười khành khạch và nói rằng “Đúng ý ta mọi đàng”.
2. Giai đoạn II: Từ năm 1990 trở đi cho đến khi ngài qua đời, cuộc sống xã hội bắt đầu được cởi mở trên chính trường quốc tế, khối Liên Xô (cũ) bị sụp đổ. Về mặt nông nghiệp, chính sách khoán mười cởi trói cho nông dân, phong trào đổi mới cởi mở lan rộng. Người dân trong xã hội mới hồ hởi bước vào thời kỳ xây dựng đất nước. Tôi thấy cha già Giuse Vũ Ngọc Bích tươi cười, vui vẻ hẳn lên. Ngài được đi đây đó khắp cả nước để rao giảng Tin Mừng trong các xứ đạo và các Giáo phận, nhất là Hưng Hoá và Phát Diệm. Ngài vào tận miền nam tiếp xúc với các anh em đồng dòng, gặp gỡ các linh mục tiến bộ như linh mục xuất Nguyễn Ngọc Lan, nhất là cha già Chân tín – đấng đã “Trở cờ” nhanh chóng. Ngài còn đi ngoại quốc, sang Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha, chữa mắt để thăm viếng Paris – thủ đô ánh sáng. Trở về nhà, ngài hoạt động tích cực trong lĩnh vực văn học, sáng tác nhiều thơ ca...như ngài đã từng làm “con sáo” trong tạp chí Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xưa kia. Nhiều lần ngài tỏ ra mềm mỏng, tiến bộ hơn anh em chúng tôi: đi họp mặt trận, dự các cuộc hội họp ở khu phố, xóm phường...và hoạt động mục vụ rất có kết quả. Ngài được nhà nước khen tặng là có nhiều tiến bộ và được nêu danh ở nhiều cuộc họp. Với một người đã có công như các bản văn về đất đai Thái Hà trưng ra dâng hiến một cách vui vẻ, tình nguyện cho nhà nước quản lý hàng 60.000 m2 đất, gấp mấy chục lần so với người có công như hai ông bà ở phố Hàng Ngang – Hàng Đào đã dâng ngôi nhà cho Hồ chủ tịch và các vị lãnh đạo làm trụ sở đầu tiên của chính phủ, rồi lại được nhà nước nêu danh kính trọng trong những năm cuối đời... thế mà khi Toà Thánh đăng ký cho ngài làm Giám Mục ĐP Phát Diệm và Hưng Hoá thì đã bị từ chối vì lý do “Không xứng đáng”. Thực ra ngài là người có tài cao đức rộng, xứng đáng làm Giám Mục hơn chúng tôi. Ngài nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, biết tiếng Ý và Tây Ban Nha, thông thạo văn chương kim cổ, nhân đức trổi vượt, được sự quý mến của toàn thể mọi người. Vậy tại sao ngài không được nhà nước công nhận làm Giám Mục? Phải chăng ngài chưa đủ tiến bộ? Hoặc như trên đã nói, việc hiến đất dâng tặng là bịa đặt lại có tội làm đơn xin và mua lại đất đai nhà dòng đã bị tịch thu từ 22 năm đến nay chưa được trả lời nên cha già Giuse Vũ Ngọc Bích của chúng ta chẳng có công trạng gì? Vậy ngài có công trong việc hiến đất chỉ là bịa đặt hay tưởng tượng trong dĩ vãng? Chưa cần phải nói đến việc làm sáng tỏ sự thực hư của các văn bản đó mà ngày nay các khoa học thừa sức để giải quyết nếu Dòng CCT hay chính quyền địa phương thật sự muốn giải quyết. Sự thật thì không sợ ánh sáng, và chính Chúa Giêsu đã nói: “Chân lý sẽ giải phóng anh em”.
Để kết luận, tôi xin được nhắc lại lời quen thuộc trong Toà cáo giải: “ấy là bấy nhiêu sự tôi nhớ được, còn các sự khác tôi quên hay chẳng biết”, vì một Giám Mục đã bước sang tuổi 78, mới học bốn năm thần học tại Đại chủng viện Xuân Bích nhưng đã cả gan dạy Lý đoán trong Đại chủng viện Hà Nội gần 30 năm. Trong số các học trò của tôi chừng hơn 100 tại miền bắc ngày nay cũng có 4 Giám Mục coi sóc các Địa phận. Vậy Lý đoán của tôi cũng không được xuất sắc lắm chăng để đánh giá sự hư thực của các văn bản hiến đất tặng nhà do linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích đã làm trong dĩ vãng? Xin các vị trong đạo ngoài đời miễn thứ cho tôi.
Thái Bình, ngày 8 tháng 9 năm 2008
|