MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đâu Là Sức Mạnh Của Truyền Thông?
Thứ Hai, Ngày 8 tháng 9-2008

ĐÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA TRUYỀN THÔNG?

Phúc Âm Nhật Ký

(Mc 10:46-52)

Theo thống kê, trên thế giới trung bình mỗi gia đình coi truyền hình chừng ba hay bốn tiếng một ngày.  Phương tiện truyền thông tràn ngập dưới mọi hình thức, nhất là truyền hình, internet v.v.  Giáo Hội hôm nay rất quan tâm tới việc rao giảng Tin mừng qua phương tiện truyền thông.  Quan tâm như thế có quá trễ không ?   Dân Chúa đã nắm bắt được vấn đề như các vị lãnh đạo không ?  Nắm bắt được vấn đề, nhưng có cơ hội và phương tiện để thực hiện không ?  Ngay tại những nơi truyền thông Công giáo đang hoạt động mạnh như Âu Mỹ, Giáo Hội có thực sự thành công không ?   Nếu không, tại sao ?

 Ðó là vấn đề có thể tìm được câu giải đáp qua phép lạ Chúa làm cho người mù hôm nay.  Giữa đám đông quần chúng, anh chỉ là một chấm nhỏ.  Càng nhỏ hơn nữa khi anh thiếu một phương tiện quan trọng nhất trong việc gặp gỡ với tha nhân : đôi mắt.  Rất may anh còn cái miệng.  Nhưng làm sao anh có thể trấn át đám đông ?   Giữa những luồng âm thanh hỗn độn, chắc chắn tiếng nói của anh như rơi vào sa mạc.   Vậy mà, thực tế, anh đã thực hiện được mộng ước sau bao năm ấp ủ.  Cơ may đã tới với anh khi Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô.  Anh cương quyết không để lỡ cơ hội ngàn vàng.

Tin mừng Mátcô có hai câu truyện về người mù.  Người mù đầu tiên vô danh tại Bếtxaiđa.[1]  Người mù thứ hai tên Batimê ở Giêrikhô.   Họ cùng chia sẻ một số phận và cùng được sáng mắt.  Ði theo người nào cũng có một đám đông.  Nhưng diễn tiến và phương cách chữa bệnh khác nhau.  Người mù đầu tiên được dân chúng đem đến cho Chúa Giêsu.  Tên tuổi và tiếng nói không ai biết.  Trái lại, người mù thứ hai có tên.  Tiếng anh kêu lớn đến nỗi át cả đám đông.

Ðó là những diễn biến ai cũng thấy.  Nhưng tại sao người mù ở Giêrikhô mới có tên và tiếng nói, trong khi người mù tại Bếtxaiđa được chữa trị kỹ hơn nhiều?  

 Anh mù ở Bếtxaiđa không có một cố gắng nào.  Anh hoàn toàn thụ động.   Anh được dân chúng đem đến và được Chúa đưa ra khỏi làng.  Trái lại, anh mù tại Giêrikhô hoàn toàn chủ động.  Anh Batimê có bản lãnh hơn nhiều.  Bản lãnh đó chính là niềm tin của anh.  Anh không phải là người tầm thường, vì anh không chịu thua đám đông.  Anh cũng không chịu đầu hàng trước những tiếng quát nạt, hăm dọa, áp đảo muốn chôn vùi giấc mộng lớn lao của đời anh.[2]   Như thế, anh bị hai áp lực rất mạnh buộc anh phải im tiếng.  Thứ nhất là sự ồn ào của quần chúng.  Thứ hai là sự đe loi của những người lớn tiếng “quát nạt.”  Nhưng cuối cùng chỉ có tiếng nói của đức tin mới thắng vượt tất cả và thu hút được quyền năng Thiên Chúa.  Ðức tin  là yếu tố quyết định sự thành công của anh, chứ không phải tại anh to miệng.  Bởi đấy, anh được lưu danh muôn thuở

Bao nhiêu năm chìm đắm trong đêm tối, anh không thấy gì hết, ngoài hình ảnh “ông Giêsu, Con Vua Ðavít”[3] thêu dệt trong tưởng tượng qua những tiếng đồn thổi.  Ðức tin đã khiến anh lưu danh muôn thuở.  Cũng chính nhờ đức tin, Chúa đã dễ dàng cứu anh khỏi cảnh đui mù mà chẳng cần đụng chạm tới anh.  Sau cùng, khác với anh mù ở Bếtxaiđa, nhờ đức tin vững mạnh, sau khi được Chúa thương, “anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.”[4]  Người đi đâu, nếu không phải lên Giêrusalem chịu khổ hình thập giá ?  Anh đi theo Chúa, chứ không theo đám đông ồn ào.  Cùng với anh, nhiều người tội lỗi và đau yếu được Chúa Giêsu quy tụ để làm thành một dân tộc tin theo Chúa.

Khi tuyên xưng Ðức Giêsu là Con vua Ðavít, anh cho thấy niềm tin sâu xa và chân thật vào Ðấng Thiên Sai. Sau khi chữa lành anh, Chúa long trọng vào thành Giêrusalem giữa tiếng hoan hô cùng một nội dung y như anh.  Những lời tuyên xưng đó càng làm cho các môn đệ Chúa phấn khởi và nôn nóng về giấc mộng Thiên sai nặc mùi chính trị. Trước khi chữa trị anh Batimê, Chúa đã mở mắt cho hai anh em ông Giacôbê và Gioan cũng như các tông đồ.  Nhưng có lẽ các ông vẫn chưa tỉnh ngộ.  Bởi thế, “việc chữa lành cho người mù có lẽ trở thành một dụ ngôn nói về những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ.  Hiện tại, trước ý nghĩa của cuộc thương khó Chúa Giêsu và sự cần thiết phải chia sẻ nỗi thống khổ của Người, các môn đệ đang đui mù.  Như các người đó đã nhìn thấy ánh sáng, sau khi Chúa phục sinh,các môn đệ cũng nhìn thấy điều mà nay họ đang mù tịt.”[5]

 Ðức tin của anh Batimê hơn hẳn các môn đệ, nhất là sau khi được nhìn thấy ánh sáng và dung nhan Ðấng Thiên Sai anh vẫn mơ ước xưa nay.  Anh không ôm hoài bão Thiên Sai như các môn đệ.  Bằng chứng, sau khi được chữa mù, “anh đã đi theo Người trên con đường Người đi.”  Khác với anh, các môn đệ vẫn theo Chúa trên con đường riêng của họ.  Thày Trò đi trên hai con đường song song.   Bi thảm thật !

 Sức mạnh của truyền thông cũng phải phát xuất từ đức tin, chứ không từ những kỹ thuật hay kinh nghiệm cũng như những đức tính nhân bản.  Có lẽ còn thiếu yếu tố vô cùng quan trọng đó, nên giữa những ồn ào của truyền thông hôm nay, lời rao giảng Tin Mừng qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet . . .  vẫn chưa đạt mục đích và kết quả như mong muốn.  Ðó là lý do tại sao Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone quả quyết : “Chúng ta phải là những người thợ đồng hành của sự thật hầu có thể cung cấp Tin Mừng của Chúa trong những hình thái nhiều mặt của truyền thông: nghe, nhìn, đang khi làm chứng cho vẻ đẹp của tạo dựng”[6]   Ðồng hành với sự thật chỉ có đức tin.  Chỉ có những người tin thực sự và mãnh liệt mới có thể làm cho Tin Mừng đến với mọi người.

Ðứng trước một lục địa mênh mông như Châu Á, làm sao có đủ nhân lực và phương tiện đưa Tin Mừng đến từng nhà ?  Ðây là câu trả lời đích xác : “Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á¨[7]  Nhưng dù phương tiện hiện đại tới mấy, nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng.  Nhu cầu quá lớn, số ít giáo sỹ và tu sỹ không thể đáp ứng được.  Nhưng không phải vì thế việc loan báo Tin Mừng mới cần đến giáo dân.  Tự bản chất, người Kitô hữu có sứ mệnh loan báo Tin Mừng.  Họ được kêu gọi làm ngôn sứ ngay từ khi làm con Chúa tại giếng rửa tội.

 Không biết đến bao giờ giáo dân mới có thể ý thức chính họ là Giáo Hội vì Giáo Hội là Dân Thiên Chúa.  “Tất cả đều được kêu gọi nên thánh và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa.  Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các mầu nhiệm hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô.”[8]  Như vậy, giáo dân, tu sĩ, và giáo sĩ đều được mời gọi cộng tác vào công cuộc thi hành sứ mệnh Giáo Hội.  Theo Tgm Daniel Pilarczyk, Cincinnati, tự căn bản Giáo Hội là một tổ chức giáo dân được hàng giáo phẩm phục vụ.[9]  Tu sĩ hay giáo sĩ cũng xuất thân từ giáo dân. Không có giáo dân, không thể có Giáo Hội.   Không có giáo dân, Giáo Hội không thể phúc âm hóa thế giới.  Giáo dân được kêu gọi hoạt động để biến đổi thế giới và làm cho Nước Chúa mau trị đến nhờ đời sống gia đình, lao động và những dấn thân chính trị cho một xã hội công bình hơn.[10]

Giữa một thế giới đầy những biến động và ồn ào hôm nay, lương tâm thúc đẩy người giáo dân dấn thân sâu xa và hăng say “làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người.  Nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận Lời Thiên Chúa.”[11] 

Nhưng làm sao có thể chu toàn sứ mệnh đó, nếu giáo dân không cố gắng dành thời giờ học hỏi Lời Chúa ?   Lâu nay, có những người phê bình các linh mục không hoạt động để nâng cao trình độ hiểu biết của giáo dân về Lời Chúa và về Giáo Hội, mà chỉ lo gây quỹ xây nhà thờ v.v.  Thực tế không phải không có.  Nhưng cũng xin nhìn đến các lớp Giáo lý, Kinh Thánh v.v. xem được mấy người tham dự ?  Họ kêu gọi các bậc cha mẹ phải lo dạy giáo lý cho con cái, vì các linh mục không quan tâm tới chuyện quan trọng đó nữa.  Nhưng thử hỏi được mấy cha mẹ có đủ trình độ hiểu biết về Giáo lý và Kinh thánh để hướng dẫn con cái ?  

Rất may có những người quan tâm tới tương lai Giáo hội Việt nam.  Nhưng nhiều người chỉ nhằm khơi sâu hố ngăn cách giữa giáo dân và linh mục.  Giải pháp tích cực không xuất hiện.  Họ chỉ tìm mọi cơ hội để chứng minh cho mọi người thấy một sự bình đẳng tuyệt đối giữa giáo dân và linh mục.  Viết về Giáo hội, họ chỉ nhắm triệt hạ hàng giáo phẩm và nâng cao giáo dân tới mức tuyệt đối.  Nhưng thử hỏi, làm sao Giáo hội tồn tại trong một tình trạng vô tổ chức như vậy ? 

Ðã đến lúc cần làm cho mọi người nhận thức vai trò giáo dân trong sứ mệnh phúc âm hóa thế giới và xã hội hôm nay.  Một Kitô hữu “không hoạt động hết khả năng cho thân thể (Chúa Kitô) lớn lên, phải bị coi là vô dụng đối với Giáo hội và chính mình.”[12] Ðặc biệt, rất nhiều giáo dân Việt nam còn đang trong tình trạng mù lòa.  Không nhìn thấy những giá trị Tin Mừng, làm sao họ có thể cải hóa và nâng cao thế giới ?  Thực tế, “Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình.”[13]  Nói khác, “Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống.”[14]

 Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã kêu gọi con làm Kitô hữu của Chúa.  Nhưng con vẫn mù.  Xin Chúa mở mắt cho con nhìn thấy những giá trị Tin Mừng và những phương tiện hiện đại hôm nay, để Lời Chúa thành sức mạnh thay đổi thế giới.  Amen.

đỗ lực   dzuize@gmail.com   

[1] x. Mc 8:20-26. [2] x. Mc 10:48. [3] Mc 10:48.49. [4] Mc 10:52.

[5] The New American Bible, Saint Jerome Press 1987:1043.

[6] Vietcatholic News ngày 10.10.2006

[7] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48.

[8] Lumen Gentium, số 32.

[9] x. Doyle D.M., The Church Emerging from Vatican II, Twenty-Third Publications, 1992 : 112

[10] ibid., 116. [11] Lumen Gentium, số 36.

[12] Apostolicam Actuositatem, , số 2. [13] Lumen Gentium, số 31.

[14] trích từ Lumen Gentium, Epist. ad Diongtum, 6, Funk I : 400 – x. Th. Gioan Kim Khẩu, trong Mt, bài giảng 46(47), 2 : PG 58, 478, về men trong bột.


Tác giả: Đỗ Vân Lực, Lm

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thái Hà: Sự Thật Mới Là Vẻ Đẹp Chân Chính Cần Cho Mọi Cộng Đồng, Mọi Xã Hội (9/9/2008)
Giáo Xứ Đmhcg Huế Cầu Nguyện Hiệp Thông Với Thái Hà Tối Chúa Nhật 7.8.2008 (9/9/2008)
Hanoi Archbishop Accused Of Inciting Protests (9/9/2008)
Từng Ngày Đối Diện Với Cái Chết (9/9/2008)
Chứng Nhân : Đức Hồng Y John Henry Newman (9/9/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Medu 216: Lửa Cháy Trên Đồi Hiện Ra Tại Medjugorje, Vào Sinh Nhật Mẹ Maria, 8/9/2008 (9/12/2008)
Phép Lạ Medjugorje #13, Câu Chuyện Thứ 10. (9/8/2008)
Lời Mẹ Nhắn Nhủ Từ Medjugorje - V, #20 (9/8/2008)
Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Cgvn Giáo Phận Orange Và Giáo Dân Phát Biểu Về Thái Hà (9/8/2008)
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ: Giám Mục Nhiều Giáo Phận Tới Giáo Xứ Thái Hà Tham Dự Cầu Nguyện (9/8/2008)
Tin/Bài khác
Video Clip #110: Magnificat, Kính Mừng Sinh Nhật Mẹ Maria! (9/7/2008)
Mung Sinh Nhật Mẹ: Giáo Dân Việt Nam Đặc Biệt Tôn Kính Đức Mẹ (9/7/2008)
Đời Sống Hôn Nhân Chung Thủy Suốt Đời Là Một Lý Tưởng Cao Đẹp (9/7/2008)
Ngày 8 Tháng Chín: Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (9/7/2008)
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Ngày 8/9 (9/7/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768