''Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
VietCatholic News (Thứ Sáu 05/09/2008)
“TÔI NÓI ĐỒNG BÀO NGHE RÕ KHÔNG?”
Đó là tiếng nói của Cụ Hồ trong ngày 2/9/1945 cách đây 63 năm trong nơi nay gọi là Quảng Trường Ba Đình, nơi có Lăng của Cụ. Ngày đó Cụ đọc bài Tuyên Ngôn Độc Lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng: Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…"
Thưa Cụ, chúng tôi nghe rất rõ. Nhưng Cụ có trông thấy hình ảnh đồng bào của Cụ từ ngày ấy đến nay đã 63 năm trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, chỉ cách Lăng của Cụ chừng hơn một nghìn mét, một bà lão chân yếu tay mềm, một phụ nữ người dân tộc Mường ở rừng núi xa xôi, nghèo khổ túng thiếu, một công dân của Cụ bị đánh đập, đầu máu me loe loát bởi chính đồng bào của mình. Tôi không rõ con người ấy đã làm gì nên tội. Hình ảnh một bà lão người Mường mặt mũi loe loét máu đội đơn kêu oan cho người đồng đạo bị bắt bớ tới các Bao Công thời đại, khiến chúng ta xúc động tận đáy lòng, chắc có sức đánh động lương tâm hơn hình ảnh một linh mục bị bịt miệng trước công đường. Bình luận về hình ảnh bị bịt mồm ấy, chính chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mặc dù bênh vực cho cái lý của ngài cũng phải công nhận là sai trái và ra lệnh điều tra để xử lý.
Sau này hình ảnh phi nhân đó được in ấn khắp thế giới và được trưng bày trong các cuộc biểu tình chống đối thì ai phải chịu trách nhiệm đã gây ra cuộc can thiệp đẫm máu này, dù cho bất cứ lý do gì với một bà lão người Mường đơn sơ, ngây ngô, chất phác... Ai sẽ có can đảm như Cụ chủ tịch nước ra lệnh điều tra xử lý người có trách nhiệm, mặc dầu vị thiếu tướng công an Hà Nội đã từ chối bình luận khi xem hình ảnh đó. Tôi sực nhớ tới lần tham quan thành phố New York bên Mỹ, đứng trên ngôi nhà dành cho Liên Hiệp Quốc tôi chụp ảnh chung với các lá cờ tung bay tượng trưng cho lý tưởng tự do. Nơi đây cũng diễn ra các cuộc biểu tình của các nhóm chính trị khác. Họ được vây lại trong một khu vực có giây chăng làm giới hạn. Trong khoảng đất chăng giây đó, họ có quyền trương biểu ngữ, hò hét đả đảo... song ra khỏi khu đất đó họ bị cảnh sát xử lý vì tự do trong khuôn khổ.
Mới đây đọc trong báo vietnamnet tôi cũng thấy có nhiều cuộc biểu tình ở Thái Lan. Các thành phần chống chính phủ tràn vào chiếm dinh thủ tướng, nhưng chính phủ cũng không dùng vũ lực để can thiệp, và quân đội cũng không nhúng tay bắt bớ. Việc này được chính nhà vua và các đảng phái khen ngợi, nêu bật sự khoan dung của người Thái Lan chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
Còn về vấn đề đất đai tranh chấp, tôi không rành rọt luật pháp, các bạn có thể đọc những bài phân tích rất sâu sắc của luật sư Trần Lê Nguyên...
Về phần các báo chí đưa tin một chiều có tính chất độc quyền thì chúng ta đã thấy được phân tích trong bài nói chuyện trực tuyến của các nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều... đăng trong vietnamnet ngày 19/8/2008 với những đoạn trích như sau:
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu: Chúng ta cần nhìn lại xem nhân dân đã được tôn trọng đúng mức hay chưa. Nhân dân là ai? Không chỉ nông dân, công nhân, nhân dân chính là đội ngũ trí thức, và bản thân các nhà lãnh đạo cũng là nhân dân trong khối tổng thể đó. Cần xem nhân dân đã được tôn trọng đầy đủ, trí thức đã thực sự được tôn vinh chưa?
Vừa rồi tôi cũng có cuộc nói chuyện về vấn đề cái gì đã tạo ra sức mạnh Mỹ, trong đó có những nhà độc tài, những nhà tư bản, nhưng quan trọng hơn, là nước Mỹ đã trọng thị mỗi con người, bảo vệ mỗi con người đó, để khai thác tối đa năng lực, trí tuệ và sự dâng hiến của mỗi người. Điều đó làm nước Mỹ trở nên mạnh.
Trước kia, kẻ thù dễ xác định. Nếu ai không chống lại kẻ thù thì bị bật ra là người phản bội. Kẻ thù chung lúc đó là giặc ngoại xâm.
Kẻ thù bây giờ tinh tế hơn, vô hình hơn, đôi khi mang gương mặt rất đẹp. Một nhân viên góp ý thì bị quy là phá rối, gây mất đoàn kết, cản trở sự tiến lên của cơ quan. Kẻ thù trở nên mơ hồ hơn, nhất là khi chủ nghĩa cá nhân tăng lên, thì kẻ thù đó trở nên khó định vị hơn.
Khi đó, cuộc đấu tranh cực khó. Thậm chí, có những người muốn đấu tranh thì không được nhận được sự đồng thuận trong cuộc đấu tranh, dễ bị quy chụp này khác.
Kẻ thù hiện nay nằm trong mỗi người, rất tinh vi, đôi khi nằm trong những điều tưởng như là đạo đức.
Lúa gạo là cần thiết cho cung cấp lương thực nhưng nếu chỉ trông chờ vào mảnh ruộng đó để đẩy dân tộc lên, nhưng đúng như câu nói hài hước mà đau lòng của Trần Đăng Khoa là, Việt Nam chỉ có thể bay theo kiểu gà vịt, nếu chỉ trông vào lúa gạo chứ không thể là rồng bay lên. Đó sẽ là một sự thật đau đớn.
Trong cuộc cách mạng để dân tộc này một lần nữa hùng cường cần có một tiểu cách mạng với người Việt: sự nói thật. Sự nói thật của mỗi người dân. Nói thật là lương tâm của anh ta với dân tộc, đất nước, thời đại này, khi hành vi của chúng ta chưa thực tốt đẹp.
Sự nói thật bây giờ vẫn còn rất ít. Không phải cái gì cũng nói thật, nhưng sự nói thật thiện chí, khoa học, nhân văn vì sự đổi mới của dân tộc này còn rất ít. Có lúc tôi đã từng phải nói dối và cảm thấy xấu hổ, nhục nhã. Nếu chúng ta không nói thật với nhau, từ cậu học sinh tiểu học đến cô giáo của chúng, đến lãnh đạo, thì không thể làm cách mạng.
Trong cuộc cách mạng và một số các bạn đọc đã đóng góp cho chuyên mục này những tư tưởng chân thành và xác đáng, nhiều khi can đảm, ví dụ:
Trần Đình Minh: trandinhminh62@yahoo.com : Thật là một cuộc trao đổi rất cởi mở, rất chân thành, rất sâu sắc!
Tôi rất tâm đắc đọan kết, khi mà cả Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa đều cùng nhấn mạnh đến việc cần phải NÓI THẬT. Hiểu một cách khác, có một sự thật đang thách thức chất lượng xã hội của chúng ta, đang dần hủy họai niềm tin và cản trở các nỗ lực vươn lên của chúng ta, đó là SỰ GIẢ DỐI.
Theo tôi, sự giả dối đang ngày càng lan rộng, hiện diện ở tất cả mọi lĩnh vực và phổ biến đến nỗi đã trở quen thuộc, khiến cho người ta có thói quen nghi ngờ mọi giá trị. Điều này tác động đặc biệt tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Đó thực sự là một hiểm họa!
Lê Minh: lehongminh28@yahoo.com :Buổi nói chuyện khá hay. Tôi chỉ xin đóng góp một điều duy nhất là: - Chúng ta cần phải nói thẳng nói thật, không úp mở. Cả dân tộc ta đã đến lúc phải nói thẳng, nói thật. cho dù sự nói thẳng nói thật đó có đối tượng là Đảng, Chính phủ... cũng cần phải nói thẳng nói thật. Cám ơn VietNamNet!
Việt Nguyễn: emyeu_nhabao@yahoo.com: Tôn trọng dân để đánh thức, khai mở sức mạnh dân tộc? Một thông điệp sâu sắc của VietNamNet gửi đến những nhà lãnh đạo cao nhất. Không ai khác mỗi người luôn ý thức việc học cách làm sao cho mọi người thấy được trọng thị, làm sao cho mọi người thấy họ là quan trọng, làm sao cho mọi người có nhiều con đường để khẳng định chính họ. Điều này hoàn toàn khác chủ nghĩa cá nhân, cơ hội.
Bùi ngọc Sách: 39/26 Nguyễn Trãi quận 1 tp HCM/ buingocsach_vn@yahoo.com: Ngay báo chí cũng chưa tôn trọng dân ! Các báo chuyển tải một khôíi lượng khổng lồ tin tức hằng ngày, trong đó cả những ý kiến đóng góp của người đọc ( tức Dân ). Nhưng kinh nghiệm tôi thấy báo chí chỉ nhằm vào những bài của các vị có chức, quyền. Vẫn biết " Miệng kẻ sang có gang có thép như các cụ dạy; nhưng cứ nếp nghĩ vậy thì hạn chế rất nhiều cái ý thức trọng Dân, đăc biệt trong những vấn đề gai góc. Tôi đã rất nhiều lần viết trên báo mạng, nhưng vài chục lần may ra mới có một lần được đăng tải. Tôi không biết báo mang có chú tâm đến những ý kiến phản hồi không. Hình như là không. Họ làm hình thức nhưng dường như không đọc lời phản hồi làm cho tôi nản và mất lòng tin vì bị nhử mà không phải là sự thật lắng nghe. Ký tên Ngọc Sách.
Phạm ngọc Thuỷ: Hanoi/ ngocthuyp@yahoo.com: Tôi thấy rất tự hào khi là người Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh, nhưng bây giờ tôi lại thấy xấu hổ khi dân tộc ta đã độc lập. Các nhà báo đã nói đúng, nếu một xã hội mà còn rất nhiều những cán bộ, những "kẻ đầy tớ" tham nhũng, vơ vét tiền của nhân dân, lại được che chở bởi một thế lực ngầm, thì không bao giờ chúng ta có thể giàu được. Xin các vị lãnh đạo hãy lắng nghe những ý kiến này.
Nguyễn Phúc: Thái Hà, Hà Nội/ archphucnguyen@gmail.com: Tôi nghĩ mọi vấn đề đều có căn nguyên của nó. Đến khi nào có thể công khai chỉ mặt gọi tên cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay thì mới hy vọng tìm ra thuốc chữa đúng bệnh. Thật ra đây là điều mà ai cũng biết là điều gì rồi nhưng không ai dám nói đích danh nó ra trên các phương tiện truyền thông chính thống. Cám ơn Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều về những phát biểu dũng cảm và tâm huyết vì tương lai dân tộc.
Nhất là mới đây tấm gương của nhà văn Hoàng Minh Trường cho ra đời tác phẩm “Thời của Thánh Thần” được tờ báo cách mạng khen là tiếng nổ của văn xuôi, đã được nhà phê bình văn học Vũ Nho khen là cuốn sách - một “Bước phá ngoạn mục, một cái nhìn điềm tĩnh và xót xa của một người có đủ độ lùi thời gian để phân tích, lý giải, đặng trả lại cho những nhân vật trong cuộc bức chân dung thật của họ”. Nhưng nay sách đã bị thu hồi và bài khen tặng này đã biến mất trên vietnamnet. Vậy xin các vị nhà báo có lương tâm hãy suy nghĩ để tìm ra sự thật.
Đó là những lời nói thật... mà sự thật thì hay làm mất lòng. Mong rằng những suy tư của tôi và người dân giáo xứ Thái Hà được mọi người lắng nghe và ngẫm nghĩ để rút ra những điều hay lẽ phải giúp cho việc đoàn kết tôn trọng người dân, góp phần giải quyết nhiều xung đột không đáng có giữa người Việt Nam với nhau tiến tới an ninh hoà bình cho đất nước.
Thái Bình, ngày 5 tháng 9 năm 2008.
Giám Mục GP Thái Bình + GM F.X. Nguyễn Văn Sang
|