BBC đưa tin: Sự kiện Thái Hà đang thu hút sự chú ý của cả trong và ngoài nước.
VietCatholic News 'Tiếp tục cầu nguyện'
Hàng trăm giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện đòi đất tại Giáo xứ Thái Hà
Hàng trăm giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện tại khu vực đất tranh chấp ở Giáo xứ Thái Hà.
Gần 100 linh mục thuộc Đoàn Linh mục Hà Nội vừa gửi thư đoàn kết và ủng hộ tới các tu sĩ và giáo dân Nhà thờ Thái Hà.
Người phát ngôn của Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội và đồng thời của Giáo xứ Thái Hà, Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải cho BBC Việt ngữ biết Tổng Giám mục Hà Nội đã gọi điện cho Nhà thờ Thái Hà.
Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt được trích thuật nói chính quyền phải giải quyết bằng phương pháp đối thoại và phải tôn trọng sự thật; trong khi nói với giáo dân tiếp tục đối thoại và cầu nguyện.
Các tu sĩ Nhà thờ Thái Hà cũng cho biết, ngoài số ba giáo dân bị bắt từ tuần trước, hôm nay có thêm ba giáo dân khác bị tạm giam.
"Chúng tôi hiện vẫn chưa biết ba người 'bị can' đó hiện đang bị giam ở đâu, chúng tôi cũng chưa thể làm việc với các luật sư để ký hợp đồng với họ bảo vệ quyền lợi của các bị can," người phát ngôn giáo xứ Thái Hà nói với BBC.
Đối thoại chậm chạp
Trước đó, Đức Tổng giám mục Hà Nội nói chủ trương của Tòa Thánh trong các vụ tranh chấp đất đai là 'giải quyết bằng đối thoại', tuy nhiên Ngài ngỏ ý tiếc rằng tiến trình này diễn ra quá chậm chạp.
Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt trong một phỏng vấn của mạng Viet Catholic cũng kêu gọi chính quyền Hà Nội 'có bước đột phá' trong chính sách.
Đức cha Kiệt được trích lời nói: "Tôi nghĩ rằng bây giờ các đường hướng giải quyết phải rất đột phá, sáng tạo, chứ không thể theo những đường hướng xưa cũ được nữa".
Ngài đề cập tới vụ Tòa Khâm sứ cũ hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm sau tám tháng, cho dù đã có hứa hẹn từ phía các cơ quan chức năng; và cho rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp tới vụ Thái Hà.
"Tôi nghĩ rằng chính quyền phải có những bước đột phá, sáng tạo và mới mẻ hơn."
Tôi nghĩ rằng bây giờ các đường hướng giải quyết phải rất đột phá, sáng tạo, chứ không thể theo những đường hướng xưa cũ được nữa.
TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt
Tuy nhiên, đức Tổng giám mục cũng thừa nhận: "Con đường đối thoại cho đến bây giờ cũng không có dễ dàng, bởi vì để mà lắng nghe, để mà thuyết phục, và để mà thay đổi được một quan điểm thì chắc chắn là rất khó".
Theo Đức cha Kiệt, nhà nước cần giải quyết ngay vụ Tòa Khâm sứ vì nếu vụ này bế tắc, vụ Thái Hà cũng sẽ không tháo gỡ được.
Hàng trăm giáo dân đang tụ tập hàng đêm tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng mà nhà nước giao cho công ty May Chiến Thắng quản lý để đòi lại nơi mà họ cho rằng thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ Thái Hà.
Sự kiện Thái Hà đang thu hút sự chú ý của cả trong nước và quốc tế. Đại diện của sứ quán Mỹ đã tới nơi để nói chuyện với giáo dân.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị ra phúc trình thường niên về tự do tôn giáo các nước trong tháng Chín này,
Khiếu kiện dai dẳng
Vụ việc bùng phát hôm 15/8 khi giáo dân tự phá tường rào bao quanh khu đất đang tranh chấp, dựng tượng, lập linh đài để cầu nguyện.
Chính quyền Hà Nội đã khởi tố vụ án 'gây rối trật tự' và 'phá hủy tài sản công cộng', đồng thời bắt một số nhân vật mà họ cho rằng đã kích động và trực tiếp tham gia vi phạm pháp luật.
Cảnh sát cũng đã tổ chức chiến dịch bất ngờ nhằm giải tán việc cầu nguyện trên khu đất Nguyễn Lương Bằng.
Tuy nhiên cho dù tình hình tại hiện trường tạm yên ổn, nhưng giáo dân vẫn tụ họp để cầu nguyện hàng đêm.
Ngày 1/9, trong thư mục vụ gửi tới giáo dân Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục TP HCM, cảnh báo nhà chức trách: "Chỉ làm theo lệnh và sử dụng quyền lực hoặc bạo lực, sẽ không giải quyết được vấn đề, đồng thời tạo thêm bất công và bất ổn trong xã hội".
Ngài cũng nhận định một trong các lý do dẫn tới các vụ như Thái Hà là 'luật hiện nay về đất đai vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, đồng thời giới hữu trách ở nhiều địa phương chỉ biết làm theo lệnh mà thiếu đối thoại với dân'.
Thực tế, không có dự án (đất đai) nào có sự đồng tình 100% của dân. Dự án nào cũng có chuyện này, chuyện kia.
Phó Chủ tịch UBND Kiên Giang Văn Hà Phong
Một hội nghị cuối tuần rồi tại TP HCM về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cho biết tình trạng tranh chấp khiếu kiện về đất đai còn 'tiềm ẩn nhiều phức tạp'.
Hội nghị do Thanh tra Nhà nước chủ trì cũng nói còn tới 200 vụ phức tạp và kéo dài chưa được giải quyết.
Một trong các nguyên nhân được phân tích là do bất cập trong chính sách đất đai. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Thế Ngọc được báo chí trích lời nói 'Luật Đất đai qua năm lần sửa đổi, bổ sung vẫn còn nhiều bất hợp lý'.
Ông Ngọc được trích lời nhận định: "Nhiều nghị định, hướng dẫn chồng lên nhau và thậm chí tréo ngoe giữa các điều."
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong nhận xét về các dự án liên quan tới đất đai: "Thực tế, không có dự án nào có sự đồng tình 100% của dân. Dự án nào cũng có chuyện này, chuyện kia”.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thì nói có vụ việc khiếu kiện của dân 'giải quyết sai ngay từ đầu' khiến người dân không thỏa mãn nên tiếp tục kiện cáo. BBC
|