CHÚA NHẬT XXII TN (Năm A) Mt 16, 21 - 27
THỊ PHẦN
Thế-Vận-Hội Bắc Kinh 2008 đã kết thúc, nhưng các câu chuyện về kỳ Olympics nầy chắc chắn sẽ còn được nhắc tới rất nhiều, trên khắp thế giới: những sân vận động và cung thể thao hiện đại, lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng, những kỷ lục liên tục bị phá, những cái đẹp trong thể thao (như HCV người Đức nức nở trên bụng danh dự vì nhớ đến ngừơi vợ quá cố) hoặc rất phản thể thao (như chuyện HVĐ người Thụy Điển vứt tấm huy chương sau khi rời bục, để bảy tỏ bất mãn với quyết định của trọng tài). Biết bao nụ cười, nhưng cũng vô vàn nước mắt, nước mắt hân hoan cũng ngang với nước mắt đắng cay thất vọng. Và những ngày nầy, không thể không nói đến “hội chứng Bắc Kinh 2008”: đất nước Trung Quốc đông dân, rộng đất, bỗng nhiên trở nên vắng lặng, buồn bã, cho dù tiếp theo còn có thi đấu cho người khuyết tật. Nhưng có một điều mà cả thế giới đều công nhận, ấy là sự thành công ngoài sức tưởng tượng của đoàn thể thao nước chủ nhà. “Dự Án 119” được đề ra một cách bài bản, khoa học và theo đuổi kiên trì ngay từ khi được chọn đăng cai Thế Vận Hội 2008 vào năm 2000 tại Thế Vận Hội Sydney, đã thu hút bao công sức và đầu tư tốn kém không thua những công trình đồ sộ và hiện đại. Những công trình nầy không thể qua mặt được về các kết quả thần kỳ mà “Dự Án 119” mang lại. Người Trung Quốc biết họ muốn gì và phải làm gì.
Thị phần là phần miếng bánh mà một công ty chiếm lĩnh được trong thị trường của một ngành hàng. Thị phần còn là những trao đổi xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và số xuất siêu càng lớn, thị phần càng tăng, thì kinh tế càng thêm phát triển. Gần một tỷ rưỡi người tiêu thụ đã khiến nhiều quốc gia, nhà lãnh đạo, các công ty tập đoàn, thèm thuồng nhìn về Trung Quốc. Tầm quan trọng của thị phần thể hiện rõ nét với sự hiện diện của hầu hết các nguyên thủ quốc gia trong ngày khai mạc Thế vận Hội Bắc Kinh 2008. Không ai từ chối một dịp “bày tỏ thiện chí” như thế! Châm ngôn của người Mông Cổ có giá trị hơn lúc nào hết: “lạc đà gầy vẫn to hơn ngựa béo”! Yêu hay ghét, thì miếng bánh Trung Quốc nhỏ nhất cũng to hơn miếng bánh to ở những quốc gia nhỏ bé. Và không nên làm mất lòng Ông chủ “miếng bánh”khổng lồ nầy, kể cả khi phải nhắm mắt gượng gạo làm ngơ trước những sự kiện, hành động bạo lực,bất nhân, vô đạo, chống lại nhân quyền, đàn áp tự do,…Chỉ duy nhất Toà Thánh là Bắc Kinh không tài nào “thu phục” được, khi mà Vatican không bị lệ thuộc vào miếng bánh hấp dẫn béo bở Trung Quốc. Thương trường là nơi cảnh “cá lớn nuốt cá bé” chẳng những không xa lạ, mà trở thành gần như một quy luật tàn nhẫn. Vì thế, quan trọng là mỗi cá nhân, tập thể đã dính líu vào đó, luôn phải phấn đấu vươn lên để hoàn thiện hơn trong sản xuất, cung ứng, quảng cáo và phục vụ, phải “biết mình, biết người” để khỏi bị loại khỏi cuộc chơi. Không thể nào muốn có phần, mà không muốn bỏ ra những khoản đầu tư tương ứng về công sức và tiền bạc. Không có thành công nào mà không phải trả giá bằng những hy sinh, mất mát. Quy luật nầy cũng không là ngoại lệ đối với lãnh vực tinh thần, đạo đức. Một quốc gia đã lập ra một dự án và đầu tư vào đó vô vàn công sức,nhân vật lực trong suốt một thời gian khá dài, chỉ để có được những tấm huy chương cho các cá nhân và danh dự cho đất nước, mà cùng lắm cũng chỉ kéo dài một hoặc hai kỳ Thế Vận Hội tiếp theo. Những em nhỏ được chọn và bị ép tập luyện gian khổ vượt mọi tưởng tượng, nhưng sự nghiệp lại rất ngắn ngủi, để lại hụt hẩng và những kết quả không mông muốn suốt đời,thì không thể nào tránh được. Những lực sĩ chịu ép mình đủ bề kham khổ, mà hậu quả bệnh tật càng về lâu dài càng bộc lộ ra, có khi hủy hoại cả cuộc đời. Nhưng không một ai từ chối trước một lời gợi mời hấp dẫn như vậy, dù biết rõ gian khổ tập luyện, với những giáo án thép và với kỹ luật sắt.
Làm sao “dự án vĩnh cửu”của đời người, mà phần thưởng là sự sống đời đời, lại chỉ chiếm một thị phần nhỏ nhoi trong cuộc đời Kitô-hữu? Làm sao Kitô-hữu tham gia “Dự Án Nước Trời”, lại chỉ ngồi chờ sung rụng, không muốn bỏ ra chút đầu tư nào về thời giờ, công sức, vật chất, là những thứ vốn nhận lãnh từ Thiên Chúa. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban, để đầu tư sinh lợi, thì chúng ta biển thủ,tham lam bớt xén cho những thú vui thế gian, không do dự đem của cải đời đời đánh đổi lạc thú qua đường. Tài năng Chúa ban, thay vì được dùng để ca tụng và làm sáng Danh Chúa, thì được tận dụng để chống đối Giáo Hội, chỉ trích phê phán không tiếc lời Đấng Đại Diện của Chúa Giêsu trên trần gian và các bề trên. Thị phần đời chúng ta, thị phần linh hồn chúng ta, chỉ có thể dành cho Chúa hoặc cho Xatan toàn bộ, trọn vẹn, chứ không thể điều đình thoả thuận để chia chác. Khi để cho Chúa chiếm lĩnh trọn vẹn, thì Xatan và những thế lục xấu xa phải rút lui, thảm bại; ngược lại, Xatan sẽ làm chủ tất cả, nếu chúng ta đồng ý dâng một phần đời mình,linh hồn mình cho nó, để đổi lây lợi danh và những thoả mãn vật chất, xác thịt. Các nguyên thủ,các nhà lãnh đạo có thể gạt sang một bên những bất đồng, để điều đình tương nhượng và cùng tồn tại, cùng chia nhau những món lợi kinh tế, nhưng giữa Thiên Chúa và Xatan thì không thể được.
Khổng Tử có lần bảo với học trò: “Tiểu nhân trước lãi sau lỗ, quân tử trước lỗ sau lãi. Vì thế cứ xem kết quả lỗ lãi ở đời là có thể định được việc của quân tử hay của tiểu nhân làm vậy...” (Luận Ngữ Tân Thư, Lời tựa). Bài toán “lời lãi cả thế gian” và “mất linh hồn” không khó, vì nó không có dấu cộng, không có dấu nhân, cũng không có dấu chia, mà chỉ duy nhất dấu trừ, với kết quả triệt tiêu: “nào được ích gì”! Bài toán còn rõ hơn hai cộng hai là bốn, song vẫn không thiếu những con cái Chúa lao vào như thiêu thân. Một khoản đầu tư như thế, không một người nào còn chút tỉnh táo lại có thể chấp nhận! Các cây cầu bằng chất liệu gì hoặc theo kiến trúc nào, cũng đều có thành cầu hai bên, mà người tây phương gọi là “garde-fou” (giữ, phòng người điên). Nó chẳng chút giá trị nào đối với những người quẫn trí vì tình, vì tiền hoặc điên rồ chán sống, lao qua những thanh chắn ấy để tự vẫn. Lời Chúa,giáo huấn của Giáo Hội, những lời chỉ dạy khôn ngoan, cũng chẳng giúp gì được cho những tâm hồn kiêu căng, từ chối mọi hy vọng và sự sống: có những kẻ ngập ngụa đắm chìm trong đam mê xác thịt, nô lệ cho tham sân si; có nhửng người chìm sâu trong bất mãn, tự phụ, ích kỷ, không muốn quay về ăn năn, tạ lỗi và sửa đổi, vì chút sĩ hảo!
Lạy Chúa Giêsu, trong suốt Tân Ước và trong bài Tin Mùng hôm nay, Chúa luôn đặt con vào công việc buôn bán, luyện con thành thương nhân, nghĩa là đầu óc luôn phải tính toán chi li hơn thiệt. Chỉ cần sai lầm trong tính toán và đầu tư không đúng, thì linh hồn con và cả cuộc sống vĩnh cửu sẽ có thể lâm nguy. Con sẽ thành gian thương, khi đem những vốn liếng Chúa đâu tư cho, để sinh lời cho hoả ngục. Ngụ ngôn ở đời vẫn cảnh báo chúng con: chớ mãi mê những việc trong đời người, mà quên đi sự hiện diện và những cặp mắt mở thao láo của Xatan và những thế lực xấu xa,. Con rình rập lợi danh, con dành thời gian, công sức đi tìm tiện nghi xa hoa, nghĩa là muốn dành một miếng bánh thoả tham vọng, một thị phần trong trần gian nầy, nhưng con có nhớ hăng: từ xa, Xatan cũng đang rình rặp con, với những mưu thâm chước độc và những cám dỗ hấp dẫn, để chờ cơ hội mà tóm lấy linh hồn con. Con cũng biết chắc chắn một điều: Xatan có thừa kiên nhẫn, qủy quyệt và kiên trì hơn con nhiều lần! Nếu không có ơn Chúa, con sẽ thành miếng mồi ngon cho nó. Chỉ cần con mềm lòng chia “thị phần đời con” lẽ ra phải dành hết cho Chúa, thì Xatan,Thế Gian và Xác Thịt – ba thù - sẽ chiếm trọn!
CVK Nguyễn-Thế-Bài
|