www.chuacuuthe.com
HỌ CŨNG LÀ NHỮNG CON NGƯỜI
Lm. Luca Lê Viết Phương, DCCT
Vậy là đã năm tháng rồi ngày tôi "đổ bộ" trực tiếp lên vùng miền núi nơi những bà con dân tộc người Koor đã sinh sống. Trước khi tôi lên đó, nhiều người và ngay cả giáo dân đã cảnh báo trước với tôi : "người dân tộc thiểu số ở đây không dễ thương như những người dân tộc ở các vùng khác đâu !" Có lẽ những người Kinh này đến với họ với một mục đích nào đó nên họ mới nói như vậy. Tôi có cảm nhận hầu như mọi tương quan với người miền núi ở đây đều dựa trên tiền bạc, lợi nhuận hay sự đổi chác.
Lên thăm, sinh hoạt và sống với họ thì mới thấy được họ dễ thương là dường nào. "Chú ơi, chú về hả ? Chú không ở lại chơi thêm nữa được sao ? Vậy mai chú có lên lại không ?" Nhìn ánh mắt mong mỏi chờ đợi của tụi nhỏ mới thấy họ cần những con người đến sống với họ, chơi với họ, lắng nghe, thấu hiểu họ hơn là lợi dụng, tính toán, trao đổi. Không biết sau này họ có làm tôi buồn và thất vọng hay không nhưng quả thật họ rất đáng thương !
Được tiếng là lên giúp dạy mấy đứa nhỏ vi tính, nhưng tôi thấy họ đã dạy tôi rất nhiều. Dạy tôi bập bõm nói tiếng mẹ đẻ của họ, dạy tôi sống và hiểu đời sống của những con người thiếu thốn, kém may mắn. Đặc biệt là họ dạy tôi sống đời sống khó nghèo, một đời sống mà những tu sĩ như tôi đã chọn lựa, tuyên khấn giữ lấy. Họ nghèo lắm, nghèo hơn nhiều so với những tu sĩ khấn khó nghèo nữa !
Tôi nhớ mãi hình ảnh : khi tôi cho bánh kẹo mấy em thiếu nhi người Kinh đến nhà thờ đi lễ hoặc học giáo lý thì chúng không có chút gì là vui mừng, hớn hở. Nhưng cũng những chiếc bánh cái kẹo đó, các em dân tộc thiểu số đón nhận cách khác hẳn. Chúng mừng rỡ, nhộn nhịp và kháo láo với nhau về những gì chúng được. Mấy đứa nhỏ thì như thế còn người lớn thì sao ? Khi tôi biếu cho những giáo dân người Kinh những chai nước mắm ngon, họ cám ơn đã đành, nhưng không lấy một người khen về món quà họ đã nhận. Tôi không biết họ đã dùng tới chưa, bởi vì trong bếp của họ còn nhiều thứ khác, nhiều khi còn ngon hơn thứ tôi cho. Hoặc họ đã dùng rồi nhưng nó không lấy gì làm đặc biệt cho lắm. Nhưng đối với những gia đình trên vùng núi xa xôi kia thì khác. Cho một số gia đình cũng những chai nước mắm đó, chỉ một ngày sau, một tuần sau, khi ngồi trò chuyện với họ, người này rồi đến người kia khen: "nước mắm chú Phương cho ăn ngon quá !" Tôi tin những lời họ nói, đó không phải là những lời xu nịnh vì họ nghèo và thiếu quá mà !
Đời sống cơ cực, thiếu thốn và nghèo khổ của họ là những bài học quý giá và đầy thấm thía đối với tôi khi sống lời khấn khó nghèo. Có lẽ không quá đáng đâu, nếu tôi nói rằng, ở một góc độ nào đó của cuộc sống, những bà con người Koor kia sống còn thua những con chó đang được nuôi ở nhà Dòng (?!) Có những hôm, cả nửa nồi cơm dẻo thơm không ăn hết đã được trộn cho đàn chó. Hoặc trên bàn ăn, những miếng thịt cũng khá ngon có dính lấy những cục xương, vèo một cái, được vất cho những chú chó. Không biết vô thức hay là một thói quen mà cách sống đó vẫn đang diễn ra hằng ngày trước mắt tôi.
Sống mấy tháng với người dân miền núi, tôi chưa thấy bao giờ trong các bữa cơm bình thường của gia đình, họ có được những miếng thịt để ăn, hoặc có được cục xương để gặm. Hoặc là ăn cơm không thôi, hoặc ăn cơm với muối giã với ớt là ngon lắm rồi, hoặc ăn cơm với canh rau hái trên rừng. Hoặc lâu lâu có tiền thì họ xuống chợ mua cá để ăn mấy ngày. Sau này tôi hỏi giáo dân mới biết, với số tiền những người trên làng đã nói thì họ chỉ có thể mua được những con cá ươn, cá chết từ lúc nào. Do vậy, khi ăn, tôi không nếm thấy mùi vị thơm tho mà chỉ là những miếng cá mềm nhũng. Gạo họ ăn làm gì có gạo thơm, gạo dẻo như những chú chó kia được hưởng. Càng nghĩ mà càng thương cho họ. Càng nghĩ mà càng thấy tội lỗi quá nơi chúng tôi. Bài học người phú hộ giàu có và anh Ladarô nghèo khó mà Chúa Giêsu đã dạy vẫn còn như in như ngày nào.
Có người cho rằng, những người dân thiểu số miền núi kia nghèo là phải thôi, vì họ làm biếng, không chịu làm lụng và chẳng biết tính toán gì cả. Ở khía cạnh nào đó, lời ấy chỉ đúng một phần thôi. Nhưng bởi vì tính cách, nếp suy nghĩ, lối sống và văn hóa lâu đời của họ là như vậy. Do đó, họ thật sự là những con người thật đáng thương, cần sự hướng dẫn và trợ giúp. Có thể sự văn minh của xã hội hay những việc đầu tư chỉ mới dừng lại ở miền xuôi, ở tại các cộng đồng người Kinh, hoặc ở những nơi đã phát triển, còn vùng sâu vùng xa này, họ vẫn còn phải chịu sự thua kém và thiếu thốn nhiều.
Khi vào thăm Sài Gòn hoặc đến những thành phố lớn, còn đây đó những gia đình nghèo khổ, nhưng đa phần, nhìn chung đời sống kinh tế của mọi người vẫn có của ăn của để. Không phải xin cho "lương thực hằng ngày" mà lương thực đã được dự trữ và đầy đủ cho cả tháng, cả năm rồi. Trên vùng sâu vùng xa này thì không như vậy, mở mắt ra họ không biết sẽ có gì để ăn ngày hôm nay. Đói quá thì ra sông bắt được vài con cá nhỏ hoặc lên rừng hái rau về ăn qua ngày vậy.
Nếu cho tôi một điều ước thì tôi sẽ ước mong có được một phép san bằng và chia sẻ nào đó để những người nghèo bớt khổ hơn như lời thánh Phaolô đã nói : "Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Như thế sẽ hợp với lời đã chép: kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu." (2 Cr 8,13.15)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì loài người chúng con. Xin Chúa ban cho mỗi người tấm lòng quảng đại của Chúa để chúng con cũng biết nghĩ đến và thương lấy những anh chị em bất hạnh, thiếu thốn. Vì chúng con biết rằng, nơi họ, Chúa đã kêu gọi chúng con sống bác ái, chia sẻ và giúp đỡ cho chính Chúa.
NB : Trong một buổi họp dân gần đây, chính quyền Huyện đã "tuyên án", ông LVP đã dụ dỗ, lôi kéo để các em đi xuống biển chơi. Đâu cần các ông cha đạo lo cho người dân tộc, họ đã có chính quyền lo rồi ! Tạ ơn Chúa, xin Chúa thương giúp họ biết sống đúng như những lời họ đã nói.

Niềm vui của các em dân tộc khi nhận được quà bánh kẹo



Nhiều sự việc lần đầu tiên trong đời của các em : được lên xe đò đi xa, được tắm biển, được ăn trên bàn

"Nước biển mặn quá, không thích bằng tắm sông!" Nhưng sau khi về làng vài ngày : "Tắm biển về nhà khỏe quá, được đi nữa cũng đi!"
|