MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Collapse <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đức mẹ việt nam :: đức mẹ la vang
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ký Sự Đại Lễ Hội La Vang 2008
Thứ Hai, Ngày 18 tháng 8-2008

  
Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008

VietCatholic News (Thứ Hai 18/08/2008 11:55)

Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008

Đại Lễ Hội La Vang tam chu niên lần thứ 28 đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng mỗi người. Có quá nhiều cái đặc biệt để nói về sự kiện này trong 3 ngày diễn ra đại lễ, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số nét trong tầm nhìn và cảm nghĩ của một khách hành hương về Linh địa La vang lần này, gửi đến quý độc giả như một món quà cùng chia sẻ để thông qua đó góp thêm một âm thanh, tuy nhỏ, nhưng hy vọng chúng ta sẽ thêm lòng yêu mến Mẹ Maria và thấy được sức sống tiềm tàng của Giáo hội Việt Nam đang ngày càng được thể hiện qua những việc làm cụ thể.

La Vang, nơi hội ngộ của cõi linh thiêng vĩnh hằng bất diệt từ trời cao với cõi trần phù du trôi nổi tạm bợ. La vang, điểm hẹn của những loại hình văn hóa - đức tin. La vang, tiếng kêu thất thanh giữa núi rừng của bổn đạo con chiên thời xưa vì sợ hãi sự truy lùng và bách hại. Tất cả đã tạo nên sự kỳ vĩ nơi mảnh đất Quảng Trị đầy nắng và gió này. Mặc cho những kết án này nọ, những lăng mạ kỳ thị xuất phát từ sự xung đột trong ý thức hệ, La Vang vẫn là tiếng gọi da diết kêu mời mọi người đến với Mẹ nhân hiền.

La Vang là một vùng đất nhỏ bé mất hút giữa chốn rừng thiêng nước độc, ít người lui tới, ngoại trừ một số tiều phu tìm lên đây. Thánh Địa La Vang nằm trong khu vực gọi là Dinh Cát (đời chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, thế kỷ thứ XVI. Gọi là Dinh Cát hay Cát Dinh, tức là Dinh xây trên một vùng đất cát), nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo Phận Huế, cách thành phố Huế độ 60km về phía Bắc, và cách thị xã Đông Hà khoảng 6km về phía Nam. Dinh Cát là một vùng đất cống hiến nhiều vị anh hùng tử Đạo và cũng là nơi có số người Công giáo sinh động nhất.

Tại sao gọi là "La Vang"? Có nhiều cách giải thích. Nhưng chúng ta phải ngược dòng lịch sử quay lại thời điểm hơn 200 năm trước. Theo Tư liệu Toà Tổng Giám Mục Huế - 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện.

- Theo cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài (Phước Môn Quận Công), trong bút tích về Đền Thờ Thánh Mẫu La Vang đề ngày 28/02/1925 tại Huế, có viết: "La Vang là tiếng kêu om sòm. Thường người ta đặt tên chỗ nọ chỗ kia thì lấy tên cái khe, cây cổ thụ, hay tên người nào đó ở vùng đó mà đặt tên; song đây lại lấy tên La Vang mà đặt tên thì cũng lạ. La Vang là tiếng khi người ta lâm nguy mà kêu cứu, tiếng đuổi thú dữ. La Vang là tiếng rao truyền. La Vang là tiếng khi người ta được sự vui mừng quá bội hay khi hoảng hốt… Những tưởng ý định đã xui cho người ta dùng tiếng La Vang mà đặt tên cho chỗ này để ứng nghiệm về việc đã xảy ra bấy lâu nay và mãi về sau này nữa".

- Theo Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (1878 - 1932), trong bài diễn văn về Đức Mẹ La Vang (18/08/1932), có nói: "Tên La Vang là vì xưa ở nơi đó có nhiều cọp, xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại, làm gỗ vỡ đất, nên đêm nào cũng đánh mõ la lối để đuổi cọp, vì thế xóm xung quanh nhà thờ gọi là La Vang".

- Theo Linh mục Philiphê Lê Thiện Bá (1891 - 1981), nguyên giáo sư Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Huế, chính quán làng Cổ Vưu (Trí Bưu), có để lại bút tích giải thích tên gọi La Vang như sau: "Trong địa bộ làng Cổ Vưu có ghi: "Phường Lá Vằng", vì ngày xưa trên linh địa La Vang có vô số cây lá vằng. Loại cây này có hột đen, ăn được, vị đắng và lá là một vị thuốc. Người phụ nữ xứ Dinh Cát thường dùng lá vằng sắc uống khi sinh con. Do đó, khi lập phường thì nhà nước đặt tên là phường Lá Vằng. Về sau người ta đọc Lá Vằng thành La Vang".

"Phường Lá Vằng" - Thánh địa La Vang, là một vùng đất rừng rú xen kẽ nhiều thứ cây, trong đó có cây lá vằng nhiều hơn cả. Từ chốn Lá Vằng hay La Vang được loan truyền từ đời nọ sang đời kia là Đức Mẹ Maria hiện ra nâng đỡ an ủi con cái Mẹ trong thời kỳ bị bách hại.

- Theo Bs.Ts. Nguyễn Thị Thanh, vốn xuất thân từ La Vang, trong khi kiểm nghiệm thực tiễn tiếng la to giữa vách núi của khu vực này đã suy đoán, tiếng "la" to của người sẽ được các vách núi dội vọng lại thành tiếng "vang" hùng vĩ. Đi xa hơn trong suy luận, Nguyễn Thị Thanh còn cho rằng ý nghĩa tiếng "la vang" ở đây là tiếng trong âm thầm nhiệm mầu của đức tin các thánh tử đạo lên với Thiên Chúa trên trời, là tiếng la vang âm thầm trong nguyện cầu của những người đói khát ốm đau khốn khổ đã thấu vọng đến tai Nữ Vương Thiên Đàng, là tiếng Đức Mẹ trả lời những cầu xin của chúng dân, và cũng là tiếng dội trở lại của Nữ Vương Thiên Đàng trong lòng mỗi người khi bước chân đến thánh địa.

Từ đó, tiếng lành đồn xa khắp giáo phận Huế và các giáo phận khác ở Việt Nam và cả Đông Dương, về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cùng nhiều ơn lạ của Mẹ Thiên Chúa.

Thánh địa La Vang được - Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang trở thành điểm hẹn, nơi hội ngộ của khách thập phương, không phải trong tâm thái của một du khách hay của tao nhân mặc khách đi nhặt thi hứng cho túi thơ của mình, mà mang nhiều nổi niềm tâm sự chất chứa những khát vọng yêu thương và tìm một sự hóa giải cho vấn nạn cuộc đời nơi chốn linh thiêng này.

La Vang, ngày 13/08/2008

So với những kỳ Đại lễ trước đây, lần Đại lễ hội này được ghi nhận là có số khách hành hương đông nhất. Chúng tôi đến La vang đúng 10 giờ 30 phút ngày 13/08 mà đã thấy rất đông xe và người từ con đường Lê Duẫn đổ về Trung tâm Linh địa.

Dưới cái nắng như đổ lửa của bầu trời miền Trung, trên mảnh đất chỉ là một dải cát trắng, cái nóng được cảm giác như hắt lửa vào mặt, thế mà vẫn không làm cản ngại bước chân của lớp lớp người con yêu mến Mẹ quy tụ về từ khắp mọi miền đất nước. Tôi thấy rất nhiều lều bạt khách hành hương mang theo đã được dựng lên để làm chỗ nghỉ. Tôi đi cùng đoàn Mái ấm Don Bosco Hà Nội của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, đây là đoàn hành hương đặc biệt - những người khuyết tật của các giáo phận miền Bắc, nên có nhiều ưu tiên hơn. Một khu vực được dựng sẵn và có mái che bằng vòm tôn cao thoáng dưới cây ngô đồng phủ bóng mát, trước tòa nhà Trung tâm. Đoàn gồm có 240 người đi trên 7 chiếc xe khách. Người thì bị bại liệt toàn thân, người thì bị khiếm thính, người bị câm, người bị mù cả hai mắt… Cùng đi với đoàn có rất đông các anh chị tình nguyện viên, là những học sinh sinh viên, đi cùng để giúp đỡ những người bị khuyết tật. Ấn tượng khó phai đó là sự nhiệt tình và vui vẻ của tuổi trẻ tràn đầy sức sống đã tạo nên một bầu khí thân thương đầm ấm như anh chị em trong một nhà.

Linh địa La vang vào buổi trưa của ngày đầu Đại lễ còn im ắng… một cảm giác an lạc, cao vời và thăm thẳm tỏa lan trên đồi Dinh Cát và trong lòng người đối cảnh. Linh đài La vang được xây lại rất cao đẹp. Cây đa cổ thụ xưa, nơi Mẹ Maria hiện đến để an ủi cứu giúp những người con đau khổ của Mẹ, nay đã được mô hình hóa bởi một kiến trúc sư tài ba. Dấu tích của một thời chỉ còn lại ngôi tháp cổ, vẹn nguyên như bảo chứng của vùng đất phải chịu cảnh cày xéo của bom đạn trong chiến tranh, sừng sững giữa nắng mưa qua bao tháng năm. Nếu bạn tiếp chuyện với một người cao tuổi ở Quảng Trị bạn sẽ được nghe một bài học lịch sử rất sinh động về cuộc chiến chống Mỹ. Và nếu các bạn đã đọc "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh thì mới thấu hiểu hết những đau khổ mà người dân nơi đây phải hứng chịu, sự thật cuộc chiến đã được lột trần dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn đã từng vào sinh ra tử trong trận chiến ở Khe Sanh-Đường 9 Nam Lào vào mùa mưa 1972.

Dòng người cứ đổ về Thánh địa La Vang bất chấp nắng nóng. Đến chiều 13/08, trước khi diễn ra Thánh lễ khai mạc, trên Thánh địa là một biển người, rợp muôn sắc áo khoe màu. Đúng 16 giờ thì Đại lễ hội tam niên La Vang được bắt đầu với chủ đề: Mẹ Maria nhà giáo dục Đức tin.

Trước hết, Đức TGM Huế cử hành một hồi trống khai mạc Đại Hội. Sau đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế trình diễn vũ khúc theo chủ đề: “Mẹ Maria, Nhà Giáo Dục Đức Tin”. Đội múa thứ nhất bắt đầu trong tiếng đàn theo bản nhạc Lòng Mẹ của Y Vân đã đưa lòng người chuồi theo dòng cảm xúc ngọt ngào lời ru của mẹ. Từ những lời ngợi ca người mẹ trần thế, lòng người được cảm nếm một tình mẹ bao la cao vời mênh mông hơn, đó là người Mẹ thiên đình hằng dõi theo bước con đi để đỡ nâng và dìu lên theo những cung bậc tình yêu. Đội múa thứ hai diễn múa cảnh “Maria trong tiệc cưới Cana” nói lên sự quan tâm của Mẹ đối với con cái trong cơn khát rượu tình thương, rượu hy sinh và dấn thân. Đội múa thứ ba diễn múa đề tài “Maria, Mẹ giáo dục đức tin”.

Thánh lễ khai mạc có sự hiện diện của các Tổng Giám mục và Giám mục:

1/ Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội.
2/ Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Giám mục giáo phận Thanh Hóa.
3/ Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, Giám mục phó giáo phận Nha Trang.
4/ Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa.
5/ Đức Cha Giuse Trương Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng.
6/ Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng.
7/ Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục phó giáo phận Bùi Chu.
8/ Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục giáo phận Huế.
9/ Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục phụ tá giáo phận Huế.
10/ Đức tân Giám mục Bắc Ninh Cosmas Hoàng Văn Đạt.
11/ Đức viện phụ Dòng Thiên An Stêphanô Huỳnh Quang Sanh.

Thánh lễ khai mạc do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Cha Giuse đã nói về "Cơn khát của đoàn con được Mẹ Maria nhận ra đầu tiên, đó là cái khát tình yêu thương, khát sự bao dung và vị tha, khát sự dấn thân giữa một thế giới co cụm lại trong ích kỷ và hận thù".

Tối hôm đó rải rác có những hạt mưa như làm dịu lại cái nóng ban ngày. 8 giờ 30 bắt đầu rước Thánh Thể.

La Vang, ngày 14/08/2008

Ngày 14 là ngày diễn ra nhiều sự kiện với những chương trình cầu nguyện và Thánh lễ của các tổ chức. 5 giờ 30 bắt đầu Thánh lễ, sau đó là giờ suy niệm và cầu nguyện của các Linh mục, chủng sinh. Tôi tham gia Thánh lễ 10 giờ 30 dành cho người khuyết tật, do Đức Cha phụ tá Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự. Trước Thánh lễ có chương trình diễn nguyện của anh chị em tình nguyện trong đoàn với hoạt cảnh Chung một niềm tin, thuật lại cảnh Chúa Giêsu chữa người mù (Lc 18, 35-42); Chúa Giêsu chữa người bại liệt (Mt 9, 1-7); Chúa chữa người câm điếc (Mc 7, 31-34). Tất cả đều phát xuất từ việc "cảm nhận được sự trùng phùng từ tiết trờ oi ả của Thánh Địa La Vang với mùa xuân của Tin Mừng Cứu Độ. Lúc này tâm hồn mọi người như đang tìm về suối nguồn nguyên thủy và tươi mát mà Đức Kitô đã đúc kết nơi tấm lòng từ mẫu của Mẹ Maria qua hai từ XIN VÂNG và PHÓ THÁC"; "Và vì yêu, Chúa vẫn tiếp tục thôi thúc chúng con - những anh chị em khuyết tật - từ khắp mọi miền đất nước về đây, lòng dặn lòng, hãy sống mãnh liệt ơn gọi làm người của mình, để góp vào bản trường ca Cứu Độ chính Giêsu đã hát lên năm xưa" (Lời dẫn).

Tôi nghe tiếng sụt sùi của ai đó, tiếng nấc nghẹn ngào của một người phụ nữ ngồi cạnh tôi, chị lấy khăn lau mắt nhiều lần, hẳn là chị cảm động lắm. Vâng! Làm sao mà không thể cảm động được trước những con người sinh ra với một thân phận như định mệnh oan khiên bủa vây và che phủ cuộc đời một màu u ám. Không nhìn thấy ánh sáng, tất cả là một màn đêm tăm tối; không tự bước đi được; không nghe được tiếng nói của người thân. Một tấm thân tàn lê bước trong tuyệt vọng với chuỗi ngày dài bị dằn vặt bởi mặc cảm sống thừa, sống như một gánh nặng cho gia đình bố mẹ, là những tâm sự của chính những người khuyết tật đã được Đức Cha Đệ nêu ra trong bài giảng. Nỗi xúc động nghẹn ngào như trào dâng không thể kìm nén được mà bật thành tiếng khóc của người phụ nữ nọ và của nhiều người khác, hẳn phải được cộng hưởng bởi tiếng hát của ca đoàn Mái Ấm Don Bosco với bài hát có nhan đề Không phải lỗi tại con của tác giả Trọng Khẩn: "Con không được nhìn thấy mặt trời. Con không được nhìn thấy mặt trăng. Con không được nhìn thấy hàng cây cũng chưa được nhìn thấy những tầng mây. Con chưa được cất lên một lời nào, con chưa được lắng nghe một lời chào, mà chỉ thấy một màn đêm u tối bao phủ quanh cuộc đời. Con không được đi đến trường học. Con không được cười nói tự nhiên nhưng lòng con vẫn bình yên… Không phải lỗi tại con, cũng không phải của cha hay của mẹ. Con chẳng được may mắn như bao người, được sinh ra trong cuộc đời. Nhưng để làm rạng danh một Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay". Một ký giả của R. Véritas đã xin tôi cuốn sách nhỏ Hành hương La Vang có bài hát đó để viết bài gửi cho bản đài.

Nếu không có cái chết tức tưởi của Đức Giêsu trên Thập Giá thì mọi lý giải đối với những "mảnh đời xấu số" này đều trở nên vô nghĩa, đều chỉ là âm thanh của não bạt phèng la mà thôi, vì tất cả đều là một bài toán hóc búa không tìm ra đáp số nếu chúng ta không tìm nơi Đức Giêsu Kitô. Và khi đó "thi ca và triết học?... những học thuyết và mọi thứ chủ nghĩa đầy ắp những khái niệm siêu hình?... và cả tôn giáo cùng những kiến giải thâm huyền của nó. Tất cả chỉ là những trò hý luận phù phiếm và vô nghĩa?" khi con người đối diện với bao cảnh đau thương trên cõi đời này mà đành khoanh tay đứng nhìn một cách bất lực.

Chiều ngày 14, dòng người đổ về Thánh địa La Vang ngày càng đông. Con số theo ban tổ chức ước tính, cho đến khi kết thúc những lượt xe chở cộng đoàn hành hương ngừng chạy vào Linh địa, là hơn nửa triệu người. Người ta không thể lý giải nổi về việc sùng kính Đức Maria nơi người dân Công giáo Việt Nam tại sao lại mãnh liệt và cháy bỏng niềm mến yêu đến thế, nếu chỉ nhìn nó như một hiện tượng tôn giáo thuần túy hay kiến giải sự kiện theo một quan điểm lý luận phản nghịch với tôn giáo?!

Một chặng đường dài từ Bắc vào hay từ Nam ra, điểm hẹn ở La Vang, đã rất mệt mỏi đối với cộng đoàn hành hương, nhưng mọi người vẫn cố gắng tham dự các nghi thức diễn ra trong chiều hôm nay. Đúng 17 giờ 30, Thánh lễ đồng tế lễ vọng mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, TGM Hà Nội, chủ tế. Đồng tế với Ngài còn có 13 đức giám mục và khoảng 500 linh mục của 26 giáo phận trong cả nước. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã chia sẻ với cộng đoàn Đức tin những xác tín sâu sắc về định tín Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Cơ sở và nền tảng nắm chắc phần thưởng đó chính là việc tuân giữ Lời Chúa: "Phúc thay người đã nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa". Đó mới là hồng phúc đích thực. Rất thường trong tầm nhìn hạn hẹp của con người ta chỉ cảm nếm được phần phúc lộc trước mắt. Có thể một ai đó khen một người mẹ có con làm Linh mục, đúng là niềm vui lớn lao thật, nhưng niềm vui của cõi đời với người con là Linh mục có là gì khi sánh với niềm vui của người biết sống đúng theo Lời Chúa dạy nếu người mẹ bằng lòng với chút vinh dự đó và dừng lại như là điểm đến của mọi cố gắng, mọi nỗ lực.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 19 giờ. Sau đó, khoảng lúc 20 giờ 30 thì chương trình Diễn nguyện bắt đầu khai mạc. Có 12 đoàn của 10 giáo phận tham gia các chương trình khác nhau, mỗi một đoàn mang đến cho Đại lễ hội La Vang một hương vị riêng, một nét văn hóa đặc trưng của quê hương mình. Đoàn của giáo phận Bắc Ninh, bằng những làn điệu dân ca khoan họ đã cống hiến cho khán giả một màn diễn rất đậm đà chất văn hóa xứ Đoài với tiết mục "Người Cha nhân hậu"; đoàn của giáo phận Vinh mang đến Lễ hội những câu hát dặm thấm đượm chất trữ tình và sâu lắng trong lòng người với tiết mục "Cùng với Mẹ La vang"… Đêm diễn nguyện kết thúc khoảng 0 giờ 30 phút bằng lời phát biểu cám ơn và bày tỏ những tâm tình của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đối với không khí Lễ hội qua đêm diễn nguyện.

Qua một đêm với sương rơi và gió bụi, với những câu chuyện tâm tình và với những nguyện cầu dâng lên Mẹ, cộng đoàn hành hương lại vội vàng chuẩn bị cho ngày lễ cao điểm và bế mạc.

La Vang, ngày 15/08/2008

Thánh lễ sáng ngày cao điểm được bắt đầu từ 6 giờ. Khỏi phải nói về những con số và một vài tường thuật về không khí lễ hội trong buổi sáng ngày 15. Đông đảo, nô nức và "quá tải"… sẽ thành những con chữ vô hồn khi không biết lắng sâu vào những tiếng nguyện lời kinh của bao người hành hương cầm trên tay tràng chuỗi, ánh mắt rớm lệ ngước lên tượng Mẹ mà cầu xin, mà van nài. Cầu gì? Xin gì? Không biết. Chỉ biết rằng Đức tin nơi những bà mẹ "chân quê" ấy thật sâu nặng, thật kiên vững. Đừng lý luận gì cao xa. Đừng nói đó là kiểu "cầu nguyện bình dân", đời sống Đức tin không vững chắc và dễ bị bứng rễ bật gốc qua một trận cuồng phong. Tôi dám chắc rằng, những tâm hồn ấy đẹp lòng Mẹ hơn bao bậc tu trì xúng xính trong phẩm phục, oai vệ trong phong thái nhập đoàn rước và đường bệ bước đi với một thái độ "hạ mục vô nhân". Nắng nóng, oi bức, ngột ngạt… và bao nhiêu hệ lụy khác của chốn tập trung đông người. Tôi thấy dọc hai bên lối đi dành cho đoàn rước, những cụ già như rướn hết sức lực bươn mình chen lấn để mong tìm một chỗ trống nho nhỏ lọt tầm mắt mà hướng nhìn lên Linh đài Mẹ. Những người không còn cách gì hơn, đành đứng vậy mặc cho sự chen lấn xô đẩy và cứ buông như không hề làm chủ được mình nữa. Vậy mà vẫn bao trùm một không khí thinh lặng và nghiêm trang đến nghẹn ngào. Tôi như muốn gào thét thật to để thấu đến màng nhĩ của những lỗ tai bị điếc, những con mắt bị mù của bao người vẫn quen lối phê bình chỉ trích tôn giáo. Sẽ có những hậu duệ của những ông thầy tư tưởng "đa nghi" mỉm cười vì thấy cảnh tượng đó như làm phong phú thêm kho tàng lý luận của họ. Tôi không để ý đến những tuần tự của các nghi thức diễn ra trong Thánh lễ sáng nay, tâm trí tôi dồn hết cho những nỗi cảm thông với cộng đoàn hành hương, đoàn con cái vì lòng yêu mến Mẹ, yêu mến Giáo hội mà tựu về bên Mẹ bất chấp cả đường sá xa xôi và nắng nóng. Ước chi tôi là đám mây che bớt cái chói chang của ánh mặt trời như đang đổ lửa xuống trên biển người - một cộng đoàn đức tin đông đảo. Ước chi tôi là làn gió mát làm dịu cái oi bức ngột ngạt của buổi sáng hôm nay. Nhưng Mẹ ơi! Có hề chi với con cái Mẹ trước những thứ đó. Lòng yêu mến Mẹ đã tăng thêm nghị lực và sức mạnh cho đoàn con. Đức tin và Tình yêu đã chiến thắng tất cả.

Chủ sự Thánh lễ sáng nay là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Giảng trong thánh lễ, Ngài đã nhấn mạnh đến niềm xác tín sâu xa về tín điều Đức Maria linh hồn và xác lên trời. Thật ra, niềm tin vào Đức Mẹ Maria linh hồn và xác về trời đã có từ lâu trong lịch sử, Giáo hội tái khẳng định đặc ân này bằng một định tín là để nâng sự kiện hy hữu này lên một tầm mức cao hơn một chân lý hiển nhiên trong lòng người Kitô hữu để nhắc nhớ con cái Mẹ dành sự tôn sùng đặc biệt và phó thác hoàn toàn cho Trái Tim vẹn sạch của Mẹ. Nhưng phải nói thế nào cho con người thời đại với não trạng duy vật chất, duy thực nghiệm và muốn gạt sang một bên những thực tại thánh thiêng, chấp nhận được định tín này? Trời hay là cõi Thiên Đàng cực lạc mai hậu không phải là một nơi chốn như cảm giác thể lý nắm bắt được. Cõi ấy là một trạng thái, một chốn an nhiên tự tại, "là thế giới siêu nhiên vô hạn, thế giới thần linh của Thiên Chúa" chứ không là một không gian vật lý hữu hạn. Về trời nghĩa là "được Thiên Chúa cho tham dự vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn cả hồn lẫn xác". Và "Mẹ đã được Thiên Chúa đưa ra khỏi thế giới tự nhiên hữu hạn đó". Đặc ân cao cả của Mẹ có một mối liên hệ sâu xa với thân phận con người của chúng ta, nghĩa là chúng ta cũng được thông phần với niềm vinh phúc của Mẹ trên thiên quốc, nhưng chỉ khác nhau về thời gian mà thôi.

Có một điều mà tôi không muốn nói ra đây, nhưng có một sự thôi thúc thầm kín trong lòng mình như muốn bảo tôi phải điểm qua chi tiết ấy. Đó là tiếng ồn ào gây mất trật tự trong Thánh lễ thỉnh thoảng rộ lên như muốn phá tan bầu khí tôn nghiêm của buổi lễ, kéo sự chú ý của mọi người hướng về một sự kỳ lạ huyền hoặc và mơ hồ nào đó. Tình trạng này chỉ diễn ra trong thời điểm cần sự tập trung cao độ: Chiều ngày 13, trước khi diễn ra những vũ khúc và Thánh lễ khai mạc Đại hội; sáng 14 và 15 trong khi mọi người chú ý nghe giảng. Có người nói đó là âm mưu của kẻ cắp: ăn cắp tiền và ăn cắp tư tưởng. Nhưng với những người chuyên hành nghề "hai ngón" thì, tôi nghĩ, họ không nảy ra được cao kế đó đâu. Cũng có thể có những người do hiếu kỳ, thích được nhìn thấy phép lạ mới trào lên nguồn cảm xúc và tăng thêm niềm tin nên a dua với đám đông vô lối đó! Ngoài phép lạ Gio-na, hỏi còn đâu phép lạ khác nữa. Mà đức tin Công giáo vốn không hệ tại ở những điềm thiêng dấu lạ đó. Ngay khi mới xuống khỏi xe, tôi đi vào nhà của ban trật tự phía tòa nhà Trung tâm, một người phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, người miền Nam, bảo tôi: "Ông thầy đưa máy ra chụp hình mặt trời đi, có hào quang của Mẹ tỏa sáng đẹp lắm, chụp để đưa về tuyên truyền cho mọi người, từ sáng tới giờ tôi lấy di động chụp được". Và người khách kia đưa cho tôi xem, quả thật có cái vòng tròn phát tán ánh sáng 7 màu xung quanh mặt trời, tuy nhiên tôi vẫn không tin vào hiện tượng đó là sự hiển linh của Mẹ, vì dưới ánh mặt trời chói chang ấy mắt ta nhìn lên sao không khỏi bị lóa và thấy nhiều đốm sáng loé lên. Nhưng tôi vẫn đưa máy lên nháy vài lần, không có chi, chị kia bảo: "Chắc ông thầy không được ơn của Mẹ rồi". Tôi đưa máy cho chị chụp, cũng không có chi. Tôi: "Chắc chị cũng không có ơn của Mẹ".

"Hội ngộ rồi chia ly", cuộc đời vốn vẫn là những xoay vòng của con tạo. Mới vài ba hôm trước, sự nô nức hăm hở lên đường của mọi người vẫn còn vẹn nguyên những lo lắng sắm sửa hành trang, nay lại chuẩn bị từ biệt Mẹ ra về. Mẹ Lang Vang, xin hẹn Mẹ ngày này năm sau, ba năm sau. Đọng lại trong mỗi khách hành hương là những gì? Hẳn là nhiều ấn tượng đẹp lắm về một lễ hội có nhiều sự kiện đặc biệt này: Những lời giảng dạy chia sẻ sau sắc của các Đức Giám Mục; những giờ cầu nguyện chia sẻ của các cộng đoàn Đức tin; những cảnh rước với các tổ chức đoàn thể chỉnh tề nghiêm trang trong trang phục truyền thống dân tộc hay trong tà áo dài tha thướt duyên dáng của bao thiếu nữ xinh đẹp đậm đà cái nắng xứ Quảng in trên khuôn mặt; tiếng hát của các ca đoàn; những màn vũ khai mạc bế mạc với trang phục lộng lẫy của những vũ nữ kiều diễm mang phong thái của dòng giống hoàng tộc; sự nhiệt tình của ban trật tự nhằm đảm bảo cho Đại hội được nghiêm trang; sự tận tụy đến quên mình của những nhóm anh chị em thu gom rác thải trên khắp các bãi đậu của khách hành hương; và một công việc không thể không nhắc đến của cha quản nhiệm La Vang, là thông tin về những anh chị em thất lạc, một cầu nối vô cùng quan trọng để cho bao người được tìm thấy nhau giữa biển người này. Tất cả đã làm nên một lễ hội đầy ý nghĩa: Tôn giáo, văn hóa, xã hội… Trước khi lên xe ra về, tôi đã tranh thủ ghi được một vài tấm hình về những công việc làm âm thầm lặng lẽ nhưng rất quan trọng và rất đỗi thân thương này của Ban tổ chức Đại hội. Giá như không có cầu nối thông tin nhắn tìm người nhà thì có biết bao em nhỏ khóc hết nước mắt vì sợ lạc không về được và bao người già quanh quẩn lần tìm lối ra trong cái nóng như rang này.

Đôi dòng ghi vội về một kỳ đại hội lớn lao chắc chắn sẽ không bao quát và chuyển tải hết được những diễn biến của sự kiện hy hữu này. Nhưng như một chút ân tình gửi gắm cùng muôn cõi lòng tri âm, xin được chia sẻ cùng mọi người qua trang nhà của Giáo phận Vinh chúng tôi. Xin hẹn đến kỳ đại hội 2011.

Văn Học

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hình Bầu Trời La Vang (8/21/2008)
Chúng Tôi Chỉ Là Những Người ...giữ Trật Tự Cho Đại Hội Lavang 2008 (8/20/2008)
Cảm Xúc Ngày Trở Về Thánh Địa La Vang (8/20/2008)
Lời Cầu Nguyện Của Những Người Khuyết Tật Tại Thánh Địa La Vang (8/19/2008)
Hình Ảnh Hằng 100 Ngàn Người Hành Hương La Vang 2008 Ngủ Dưới Khách Sạn Ngàn Sao (8/19/2008)
Tin/Bài khác
Tâm Tình Cùng La Vang (8/17/2008)
Tiếp Nối Tình Mẹ La Vang Cho Những Người Bất Hạnh (8/17/2008)
Đại Hội La Vang Và Công Việc Âm Thầm Của Những “lao Công” (8/15/2008)
15 Vị Giám Mục Và 500 Linh Mục Đồng Tế Trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội La Vang Lần 28 (8/15/2008)
Nhật Ký Ngày Khai Mạc Đại Hội La Vang Lần Thứ 28 (8/15/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768