*Xuân Vũ Trần Đình Ngọc
Gió đêm thổi phần phật vào tấm bạt căng làm mui xe, gió luồn lách vào người khiến chúng tôi lạnh run. Không đứa nào có áo ấm bởi đã được dặn chỉ hai bộ bà ba cho nhẹ. Vả lại, cuối tháng tư rồi, đang sắp mùa hè, lạnh lẽo gì nữa mà lo quần với áo ấm? Chúng tôi ngồi sát vào nhau để tránh bớt những làn gió đêm và cũng để tìm ở người bạn một sự yên ủi dù là bạn chưa từng quen biết bao giờ.
Dù mới hơn chục tuổi đầu và chưa biết Sàigòn nhiều, tôi cảm thấy rất buồn vì nghĩ chắc đây là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Sàigòn. Xe chạy qua những con đường nào tôi không biết mà dù có biết tên đường thì nó cũng lạ hoắc lạ huơ với tôi. Ở trong khu cư xá sĩ quan Chí Hoà, tuy gọi vậy nhưng khu tôi ở không gần Chí hoà mà gần đường Nguyễn tri Phương, tôi đi bộ mỗi sáng đến học ở trường Trung tiểu học Đồng Tiến ngay sau chợ Cá Trần quốc Toản, kế bên Thánh đường Quân Đội. Tôi đã học chương trình Tiểu học ở đó, thi vào Đệ Thất (lớp 6) Gia Long, tôi đậu nhưng làm sao có phương tiện đưa đón hàng ngày, thế là tôi phải bỏ để về học tiếp lớp Đệ Thất trường Đồng Tiến, cách nhà hơn nửa cây số. Mẹ tôi mỗi ngày đi dạy ở trường Tiểu học Hồng Bàng trên đường Nguyễn Trãi ở Chợ lớn, làm sao có giờ đưa đón tôi?
Tôi cố ghi hình ảnh Sàigòn vào trí nhớ nhưng tất cả chỉ là những con phố câm lặng đen sì bóng tối lẫn với những ánh đèn vàng vọt quét loang loáng theo tốc độ chiếc GMC.
Xe đổ chúng tôi xuống phi trường Tân sơn Nhất, chúng tôi vào phòng khách, chờ mười phút, một Sĩ quan Mỹ mặc sắc phục kaki vàng bước vào gặp bà Catherine và bà Sơ trẻ. Ông ta nhìn danh sách, quay nhìn chúng tôi, xong ra hiệu cho hai bà Sơ đưa chúng tôi đi theo ông ra sân bay. Ở sân bay, gió càng lộng. Gió sớm thật lạnh nhưng chúng tôi phải cố, nghiến răng lại chịu. Trông xa, các thứ máy bay đậu đặc. Tôi nghĩ máy bay nhiều như thế này mà họ pháo kích vào nhắm mắt cũng trúng, chẳng thiệt hại nhiều cũng hư hại ít.
Xách tay của chúng tôi cũng đã đánh số. Hai người quân nhân Mỹ thu hết bỏ vào bên hông máy bay. Sau này tôi được biết đó là máy bay Galaxie, loại máy bay khổng lồ của nhà binh Mỹ. Chiếc máy bay nuốt chửng chúng tôi vào bụng chỉ trong dăm phút. Hai bà Sơ và hai người lính Mỹ sắp chỗ cho chúng tôi ngồi. Tôi nghĩ phải trên ba trăm đứa vì đứa cuối cùng có số 324.
Trong lúc đứng ở sân bay, tôi nhìn xung quanh thấy người ta rất đông. Người lớn, trẻ nít, va-li, xách tay. Những người này chắc chắn cũng di tản như tôi nhưng họ còn phải đợi ở bên ngoài cổng. Chỉ có những cô nhi như chúng tôi là được ưu tiên, ưu tiên 1. Tôi chợt nhớ lại lời mẹ:
“Con may mắn lắm đó. Thiếu gì con người ta tiền triệu họ cũng dám tốn mà nào có được đi. Hãy cố lên nhé con!”
Tôi ước bố mẹ cùng ở đây với tôi, trên chuyến bay này thì tôi hạnh phúc biết bao! Nhưng ngay sau đó tôi thở dài. Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ thôi!
Tôi nhìn kĩ mới thấy Cảnh sát và Quân cảnh đứng dàn thành hàng ngang ngăn không cho những người di tản tiến ra nơi các máy bay đang đậu.
Trên trời vần vũ máy bay lên xuống tấp nập, cả phi cơ trực thăng của quân đội. Tiếng một người lính Mỹ vang lên. Hai bà Sơ nói to cho chúng tôi nghe:”Cài dây an toàn” và máy bay bắt đầu ra phi đạo. Loáng cái nó đã bốc lên cao trên các ngọn cây chung quanh phi trường. Tôi bật ngửa ra ghế, nhắm mắt, tự an ủi:”Phó thác cho số mệnh.”
Phi cơ đáp xuống lấy nhiên liệu hay làm gì tôi không biết nhưng đã hai lần nó lên xuống và cũng hai lần mấy người quân nhân Mỹ cho chúng tôi ăn. Có bánh mì kẹp trứng, hai miếng cà-rốt nhỏ, hai miếng cần tươi nhỏ, cheese, nước lạnh. Bụng đói nhưng tôi không ăn được vì hơi say máy bay khi nó lên xuống. Mỗi thứ tôi chỉ ăn hết một nửa, còn để lại. Bữa thứ hai có cho thêm một thỏi chocolate nhỏ mà tôi thấy ngon nhất
Tôi ngủ thiếp đi một lát, lúc tỉnh dậy, máy bay vẫn bay và khoảng giữa đêm, nó xuống một phi trường, các bà Sơ nói đó là phi trường Guam.
Bốn, năm chiếc xe GMC lại chở chúng tôi về một dẫy lều. Đã có một số người Việt di tản đến Guam trước chúng tôi. Có những tiếng cười nhưng cũng có những tiếng nức nở. Tôi nghĩ chắc họ giống tôi!
Lều chỉ có cột và mái, chung quanh trống thiên, trống địa, tuy nhiên lúc này ở Guam không nóng cũng không lạnh nên cũng đỡ. Mỗi đứa được một cái giường xếp cá nhân như giường của quân đội. Lần đầu tiên tôi ngủ không màn (mùng) chẳng có một con muỗi nào vo ve bên tai. Cũng không nhìn thấy một con chuột, dù là chuột nhắt. Tôi là quá sợ những con chuột, rắn rết cũng không đến nỗi sợ thế.
Về sáng, gió biển thổi hơi lạnh, chúng tôi có mỗi đứa một cái chăn đơn bằng vải hoa, từ nay đi đâu mang theo đó.
Chúng tôi lưu tại Guam một tháng, hằng ngày nối đuôi theo hai bà Sơ đi đến nhà ăn lãnh cơm ba bữa. Ở đây tôi được biết sau chuyến bay chở chúng tôi có một chuyến máy bay Galaxie, cũng khởi hành từ Tân sơn Nhất với 300 trẻ em Cô nhi và hơn 30 Nữ trợ tá đi theo để giúp đỡ, săn sóc đã rớt bên ngoài phi trường Tân sơn Nhất sau khi vừa bốc lên (taking off). Máy bay vỡ vụn làm nhiều mảnh, chỉ còn sống cả thảy 175 người còn bao nhiêu chết hết. Nhà chức trách điều tra nói hỏa tiễn từ dưới bắn lên trúng cánh máy bay. Kể ra tôi còn may mắn lắm. Tôi phải tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã ban nhiều ơn lành cho tôi dù tôi chưa theo đạo.
Ở trong các lều tạm trú ở đảo Guam, đây là lúc tôi nhớ bố mẹ vô cùng. Có đêm tôi chỉ nằm khóc thầm, không dám cho các bà Sơ biết. Tôi nhìn gia đình người ta, bố mẹ, con cái đi chung với nhau mà tủi cho mình. Có mấy đồng đô-la mẹ bảo cất kỹ để mua tem, tôi kiếm giấy viết thư gửi cho mẹ.
Một buổi sáng, chúng tôi lại theo các bà Sơ lên một chiếc DC10, máy bay thương mại rất lớn. Máy bay chở chúng tôi vào lục địa Mỹ châu, tiểu bang Virginia, nơi đây có một dòng Nữ tu lớn, dòng này bằng lòng cho Sơ Catherine và hai Sơ trẻ được nhập dòng tu. Các Sơ cũng bảo chúng tôi, em nào muốn sống cuộc sống nhà tu thì nhà dòng sẵn sàng thâu nhận và tập viện, cho đi học trung, tiểu học tùy theo tuổi. Có một số cô nhi tình nguyện vào dòng nhưng tôi, vừa phần chưa là người Thiên chúa giáo, vừa phần tôi không có một khái niệm về một cuộc sống như vậy, cũng không có bố mẹ để hỏi ý kiến nên tôi cứ nhắm mắt đưa chân mặc cho con tạo xoay vần.
Số còn lại như tôi đông hơn là vào dòng tu. Tạm thời, nhà dòng ở đó, nghe nói được lãnh tiền Chánh phủ Mỹ, nuôi chúng tôi và cho đi học Anh ngữ lớp ESL (English as a second language). Các bà nữ tu cũng phát cho chúng tôi quần áo, giầy dép, chăn mền, dạy chúng tôi đọc kinh và giảng lẽ đạo cho chúng tôi nghe. Em nào bằng lòng theo đạo là cả dòng tu tổ chức lễ Rửa tội rất long trọng, được nhiều quà tặng. Một bữa bà Catherine gặp tôi ở ngoài sân chơi, bà hỏi:
“Thanh Thúy đã khá Anh ngữ chưa?”
“Thưa Sơ, chương trình Anh ngữ dạy ở đây, con đã học ở Sàigòn nên tương đối dễ với con. Phần con cần chú trọng, theo Sơ Jane dạy con, là phát âm, vì ở Sàigòn con chưa được học kỹ phần này nên nói sai dấu giọng, người Mỹ nghe không hiểu con nói mà con nghe họ cũng không hiểu.”
“Tốt. Con hãy theo sát với Sơ Jane. Sơ Jane tận tâm lắm. À, Thanh Thúy, con có muốn theo Thiên Chúa giáo không?”
Tôi ngập ngừng một chút rồi nói:
“Bố mẹ con không có ở đây, con không dám tự quyết định.”
“Ừ, con nói vậy cũng đúng,” bà kéo tôi lại một cái ghế dài đặt dưới một gốc cây,”Nhưng con cũng có đủ trí khôn để phân biệt điều tốt, điều xấu. Theo đạo Thiên Chúa là tốt cho phần linh hồn của con.”
Tôi thực sự không hiểu những điều bà Catherine nói. Từ thuở bé, tôi chưa nghe danh từ “linh hồn” mà chỉ biết cái tâm hồn trong con người mình, như là tinh thần, sự hiểu biết, trí khôn ngoan, những cảm xúc vv...
“Con không hiểu những điều Sơ nói.”
“Thôi được. Cũng không vội gì. Sơ dặn con một điều, khi con viết thư về cho bố mẹ, con hãy hỏi bố mẹ cho con theo đạo Công giáo, nghe con!”
“Dạ.”
“Và nói Sơ gửi lời thăm bố mẹ con.”
Thư từ hồi năm 75 ở Mỹ gửi về Việt nam khó khăn lắm vì chính phủ Việt cộng lúc đó rất ghét Mỹ. Những người quen bảo tôi chỉ nên viết hỏi thăm sức khoẻ, không nên đề cập vấn đề gì khác vì thư từ bị kiểm duyệt gắt gao, hơi có nghi ngờ là bị vứt vào thùng rác. Tôi có nói cho bà Catherine nghe, bà cũng đành chịu. Rồi bà phải đổi đi nơi khác, việc nhập đạo của tôi không thành vấn đề nữa.
Sau ba tháng ở nơi này, Chính phủ Mỹ dự định gửi chúng tôi đến những nhà cha mẹ nuôi (foster parents), ở với họ như con cái họ, Chính phủ sẽ cấp tiền cho họ để nuôi chúng tôi cho ăn đi học. Ðiều này được hai người Cán sự xã hội, một đàn ông, một đàn bà đến tận nhà dòng mỗi ngày, gặp từng đứa chúng tôi hỏi chuyện, ghi ghi chép chép những câu trả lời của chúng tôi về cha mẹ, anh chị em, tôn giáo, gia cảnh giầu nghèo, sức khoẻ, trình độ học vấn và nguyện vọng...
Sau nửa tháng, một buổi sáng, Sơ Jane gọi trao cho tôi một mảnh giấy, giải thích cho tôi nghe. Lúc này tôi nghe Sơ nói đã khá hơn hồi mới tới rất nhiều vì suốt ngày, chúng tôi không được nói tiếng Việt, chỉ tiếng Anh mà thôi. Mảnh giấy viết rằng, các Cán sự Xã hội đã kiếm cho tôi một cha mẹ nuôi ở tiểu bang Virginia. Sơ Jane cũng nói thêm, đây là cơ hội tốt nhất để tôi có nơi nương tựa, giúp đỡ vì trong ba tuần, tất cả các trẻ em cô nhi hay không cô nhi như tôi từ Việt nam qua phải rời khỏi tu viện này dù muốn dù không để trả lại cho tu viện những sinh hoạt thường nhật như trước kia. Sau khi nghe Sơ Jane giải thích, tôi biết chẳng có cách gì khác nên vui vẻ nhận lời. Sơ Jane tỏ ra rất vui, nói dù sao tôi cũng còn ở đây với Sơ cả tuần nữa mới có máy bay.
Từ hồi lên phi cơ rời Sàigòn, sống chung với nhau, tôi đánh bạn với Trúc, bằng tuổi tôi, cô nhi chính gốc, Cô nhi viện đã nuôi Trúc từ hồi Trúc mới 5 tuổi, cha chết trận, mẹ bỏ đi lấy chồng. Trúc học thua tôi một lớp, cũng dễ hiểu vì làm sao một trẻ trong Cô nhi viện, đời sống không lấy gì làm ổn cố khi Cô nhi viện thiếu tiền để tiếp tục đài thọ. Với tình trạng đó, học được như Trúc kể đã là khá. Trúc theo Công giáo từ nhỏ nên rất thuộc kinh sách. Những lúc ngồi chơi với nhau ở ngoài sân, Trúc dậy tôi đọc kinh, giải thích khi vị Linh mục dâng lễ trong nhà thờ nhưng thực sự tôi nghe cho Trúc hài lòng, tôi không có ước nguyện trở thành một tín đồ Công giáo. Kể về con người, da Trúc ngăm ngăm chứ không trắng như tôi, nhưng có duyên. Nụ cười tươi tắn, đôi mắt trong sáng, mái tóc đen nhánh dù chẳng được sửa soạn cũng phô vẻ đẹp. Nhiều lúc nhìn Trúc tôi thầm nghĩ, nếu Trúc cũng có cha có mẹ đàng hoàng, cũng được ăn học săn sóc như những trẻ em đồng trà, đồng lứa thì Trúc đâu có thua kém ai. Như tôi được cha mẹ chiều, lo lắng cho mọi thứ mà thả ra tôi đâu có hơn Trúc.
Trúc đã quen cô độc nên dễ chấp nhận cuộc sống không người thân như hiện tại và bao lâu nay. Trúc sinh hoạt bình thường và không tỏ vẻ gì là khó chịu. Trái lại, tôi như “mít ướt”, hồi đầu tôi khóc cả ngày vì nhớ bố mẹ, nhất là những khi ngồi một mình. Sau mấy tháng, cũng nhờ Trúc và Sơ Jane an ủi, tôi mới bớt bớt.
Nhiều lần tôi muốn nói với Sơ Jane sắp xếp sao cho tôi và Trúc cùng đi một tiểu bang, một thành phố, nếu được cùng cha mẹ nuôi thì càng tốt. Sơ Jane chỉ cười, nói còn tùy theo những người muốn nhận con nuôi, điều đó khó có thể xẩy ra. Tôi tâm sự với Trúc, Trúc cũng muốn vậy nhưng chẳng biết phải làm sao, đành chờ cái may đến mà thôi. Ba bữa sau, Trúc cũng nhận được miếng giấy như của tôi do Sơ Jane trao. Tôi mừng cuống khi biết Trúc được đến Virginia với tôi, dù ở khác thành phố. Chúng tôi sẽ có dịp thỉnh thoảng đi thăm nhau chứ nếu khác tiểu bang thì thật vạn dặm xa xôi.
Ba ngày sau, Sơ Jane dặn chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để bay đi Virginia và một buổi sáng, bà Sơ tài xế - vì bà chuyên lái xe - chở tôi, Trúc và sáu đứa khác ra phi trường. Ði Virginia chỉ có tôi và Trúc, những đứa kia, mỗi đứa đi một nơi.
Tôi đi gặp Sơ Jane từ biệt và cám ơn Sơ đã dạy học, chỉ bảo, an ủi. Sơ ôm tôi nói, tôi phải cố học và ngoan cho cha mẹ tôi ở Việt nam được vui lòng và hãy coi những cha mẹ nuôi như cha mẹ ruột thì sẽ được họ yêu thương lại. Trái với bà Catherine, Sơ Jane không hề đề nghị tôi theo đạo. Một nữ tu trẻ, đẹp, học cao và giỏi giang đức hạnh như Sơ Jane thật đáng quí.
***
Phi cơ đáp xuống phi trường Richmond vào lúc 12 giờ trưa. Ðây là lúc Trúc và tôi phải xa nhau. Chúng tôi cho nhau địa chỉ sẽ đến và hứa liên lạc thư từ thường xuyên. Nhờ võ vẽ chút tiếng Anh, chúng tôi nói với bà Sơ đưa chúng tôi đi - Sơ Têrêsa - và bà đã vui lòng cho địa chỉ hai người bố mẹ nuôi của tôi và Trúc, cả số điện thoại.
Ông bà James Roth đã đợi trong phòng khách. Họ nhìn thấy bà Sơ Têrêsa (với quần áo nữ tu) là biết ngay. Họ chào hỏi vui vẻ niềm nở trong khi Sơ Têrêsa giới thiệu tôi với ông bà James. Ông bà bố mẹ nuôi Trúc chưa có mặt nên Sơ Têrêsa phải ngồi chờ. Tôi theo ông bà James ra xe sau khi đã cám ơn Sơ Têrêsa và ôm Trúc từ biệt. Chúng tôi nghẹn ngào muốn khóc vì chẳng có ai thân hơn ngoài hai chúng tôi.
Ông bà James ở ngoại vi thành phố Richmond, một thị trấn nhỏ tên Ashland, cách trung tâm Richmond khoảng 40 miles. Hai ông bà không có con, ông James vào khoảng gần 60 tuổi, còn đi làm cho một hãng thầu xây cất và bà Nina, trên 50, làm part time cho một hãng sản xuất dụng cụ thể thao. Hai ông bà có vẻ rất quí mến tôi nhờ vậy tôi cũng đỡ buồn phiền.
Căn nhà ba phòng không sang lắm nhưng cũng không tồi, mọi chỗ đều được giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp. Ðiều đầu tiên tôi ưng ý là không có chó, mèo chi cả. Tôi thích nuôi chúng nhưng ở gần chúng là bị dị ứng nặng cứ nhảy mũi đều đều kỳ cho tránh xa chúng mới hết.
Ông bà James ở phòng ngủ chính, phòng kế để dành cho khách và phòng đầu tiên từ ngoài vào là dành cho tôi. Phòng đã có giường, nệm, tủ đựng quần áo, cái bàn nhỏ để viết, đèn ngủ, tủ treo áo dài. Tôi chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo cũ tu viện cho để trong cái túi xách. Bà Nina chỉ cho tôi phòng tắm kiêm phòng vệ sinh và bảo tôi tắm rửa thay quần áo rồi ăn cơm tối. Ðêm đó tôi ngủ một giấc say sưa cho đến sáng không biết trời đâu đất đâu vì ban ngày đi máy bay mệt quá.
Chiều hôm sau, đi làm về, bà Nina chở tôi đi sắm mấy bộ đồ và vài thứ cần dùng. Chỉ còn ba tuần nữa là các trường Trung học nhập học khoá mùa Thu, ông bà James đưa tôi tới trường Trung học gần nhà xin cho tôi nhập học. Cô thư ký hỏi tôi bao nhiêu tuổi? Tôi nói, tôi 13, cô sắp cho tôi vào lớp 7. Bà Nina sợ tôi chưa đủ Anh ngữ theo lớp này nhưng cô thư ký nói, nếu không theo kịp thì buổi chiều có tutor đến dạy kèm. Trường công nên không phải đóng học phí nhưng phải đóng tiền xe bus nhà trường đưa đón mỗi ngày. Trường bắt mặc đồng phục, quần xanh áo trắng cho nam sinh; váy xanh áo trắng cho nữ sinh nên ngày hôm sau, bà Nina lại chở tôi đi Mall mua đồng phục cho tôi.
Việc đầu tiên ở đây tôi phải làm là viết thư cho mẹ để mẹ biết địa chỉ của tôi mà liên lạc. Tôi cũng kể sơ cho mẹ tôi nghe những gì đã xẩy ra và nói mẹ yên tâm đừng lo lắng gì về tôi mà hãy đi hỏi thăm tin tức của bố. Từ lúc gửi thư đi, ngày nào về học tôi cũng thăm thùng thư xem có thư mẹ không nhưng hoàn toàn không.Cho đến hết năm 1975, tôi vẫn không nhận được thư của mẹ. Tôi đoán có trục trặc gì đây, thỉnh thoảng gặp một vài người Việt, tôi nêu thác mắc thì họ nói Chính quyền Cộng sản chưa cho bình thường hóa bưu điện. Họ cũng gửi cho người nhà nhưng chưa ai nhận được thư từ Mỹ. Tôi nghe mà chán nản. Chợt nhớ mẹ có dặn trong cuốn sổ nhỏ có địa chỉ của một người bạn với bố bên Pháp, nhờ họ chuyển thì dễ hơn ở Mỹ. Chính nhờ địa chỉ này mà sau ba tháng, tôi mới nhận được một lá thư của mẹ gửi từ Pháp.
Tác giả Trần Đình Ngọc
|