Ngày 15 tháng 8 hằng năm, Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn vũ long trọng mừng kính biến cố vô cùng trọng đại và vinh dự của Đức Maria, đó là việc Mẹ được Thiên Chúa cho về trời cả hồn lẫn xác. Trên nơi cao thẳm ấy, Mẹ được tôn phong làm Nữ Vương trời đất, để cùng với Chúa Giêsu, Mẹ cầu bầu cho con cái Mẹ còn đang sống giữa ba đào trần gian.
Qua vai trò Nữ Vương và với lòng yêu thương con cái, đôi lần xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội và nhân loại, Mẹ đã từ trời xuống lại trần gian hiển lộ để thông báo, cảnh tỉnh, hoặc phù trợ con cái loài người. Thí dụ, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức để mặc khải cho nhân loại biết về đặc ân cao cả mà Chúa đã ban cho Mẹ, đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
Hoặc như lần Mẹ hiện ra tại Fatima ban cho nhân loại phương thức để biến đổi thế giới, cải thiện lòng người hầu tránh những đại họa mà Thiên Chúa công thẳng muốn giáng phạt loài người, đó là chủ thuyết Cộng Sản vô thần. Riêng tại Việt Nam, trong thời kỳ bách hại, người Công Giáo Việt Nam cũng được Mẹ thương hiện ra tại La Vang để an ủi, và khích lệ.
Gần đây nhiều người đã nô nức, chen lấn nhau mong được nhìn tận mắt những giọt lệ trên gò má của Mẹ tại trước Vương Cung Thánh Đường Saigòn, trên núi Tàpao, và tại Bạch Lâm. Nước mắt chảy ra trên gò má Mẹ, nước mắt thắm lệ và hóa thành máu, chuỗi hạt trên tay Mẹ lónh lánh như những hạt sương, và áo Mẹ tung bay trước gió.
Những sự kiện trên đã được quay thành phim và phổ biết khắp năm châu trên các màn điện toán. Vậy, là những Kitô hữu, nhất là những Kitô hữu có lòng yêu mến và sùng kính Mẹ, chúng ta phải nhìn những biến cố này như thế nào?
Phải chăng đây là những biến cố được xây trên những cảm tình bồng bột, và được thêu dệt thêm bằng ảo tưởng, ảo ảnh và áo giác?! Hay phải chăng đây chỉ là những tác dụng của tâm lý quần chúng? Hoặc có thể, đây là chỉ những dụng ý của kẻ thù Thiên Chúa muốn nhân những cơ hội này làm lung lạc Đức Tin, dẫn niềm tin chúng ta vào những suy tư tình cảm, mê tín để rồi khi những cảm tình, lòng sốt sắng nhất thời qua đi, chúng ta lạc mất niềm tin, hoặc giảm sút lòng yêu mến đối với Mẹ. Thật ra, không phải đợi cho đến bây giờ mà ngay từ thời Chúa Giêsu, Ngài cũng đã cảnh tỉnh con người như sau:
“Hãy coi chừng đừng để đừng để mình bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người nhân danh Thầy mà nói: “Chính ta là Đức Kitô” và lừa gạt nhiều người. Các con sẽ nghe nói về chiến tranh và những lời đồn đãi về chiến tranh, nhưng đừng xao xuyến. Vì những chuyện đó cần phải xẩy ra trước, nhưng chưa phải là hết thời. Quốc gia này sẽ dấy lên chống lại quốc gia khác và dân này sẽ đánh lại dân kia. Sẽ có đói khổ, động đất khắp nơi. Mọi chuyện ấy là khởi điểm như những đau đớn của việc chuyển bụng. Người ta sẽ nộp các con để bị đánh đòn, và giết các con. Các con sẽ bị mọi dân tộc ghét bỏ vì danh Thầy. Và bấy giờ họ sẽ vấp ngã, thù ghét và phản bội nhau. Sẽ có nhiều tiên tri giả lừa gạt nhiều người. Vì sự dữ gia tăng nên lòng mến của nhiều người sẽ nguội lạnh. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 24:4-13).
Đức Tin dậy chúng ta rằng, sau khi Giáo Hội đã đóng sổ kho tàng Mặc Khải bằng cuốn Khải Huyền của Thánh Gioan, thì mọi mặc khải phổ quát đều được chấm dứt. Có nghĩa là những gì Thiên Chúa muốn tỏ lộ và nói với con người nhân danh tình yêu và vì phần rỗi nhân loại thì đã được Ngài thực hiện xong.
Tuy nhiên, cũng vẫn theo Thánh Kinh, qua lời dậy của Thánh Phaolô, thì những lần hiển lộ đó đây với người này, người kia vẫn được Thiên Chúa dùng như những tiếng nhắc nhở có liên quan đến phần rỗi của một số người, hoặc chung cho nhiều người. Thánh Phaolô đã trình bày về giáo lý này tương tự như những lời tiên tri và cho rằng không nên từ chối, nhưng cũng không nên vội vàng, hấp tấp, mà phải cẩn thận suy nghĩ, nghiệm xét. Từ đó, Giáo Hội cho đây là những mặc khải tư, và không buộc tín hữu phải tin theo nhưng để tùy lòng sốt sắng và sự đón nhận của mỗi tâm hồn.
Năm 1917 tại Fatima, hoặc tại Lộ Đức hơn 150 năm trước, hay ngay tại La Vang hơn 300 năm ngay trong thời gian những Kitô hữu Việt Nam bị bách hại, những lần hiện ra đó Mẹ đã nhắn nhủ, khuyên bảo, và ban muôn ơn lành cho những tâm hồn thiện tâm muốn đón nghe sứ điệp của Mẹ.
Những cảm tính thuộc lãnh vực tình cảm, những gì có tính cách ồn ào, dị đoan hay mê tín đều không tồn tại. Chính vì thế, những hiện tượng dồn dập gần đây xẩy ra tại Sàigòn, Tàpao hay Bạch Lâm khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Tại sao Mẹ lại khóc? Tại sao Mẹ đã về trời, đang vinh hiển cùng với Thiên Chúa và muôn vàn thần thánh lại còn phải xuống trần gian để khóc. Những giọt nước mắt, những giọt máu đang chảy ra từ khóe mắt Mẹ mang ý nghĩa gì? Phải chăng những lời khuyên nhẹ nhàng của Mẹ năm xưa tại Fatima đã không còn sức đánh động lòng người, nên Mẹ đành phải khóc?
Trong truyện các Thánh kể rằng một hôm Thánh Lui nước Pháp được vị quan trong triều cho biết một phép lạ đã xẩy ra, Thánh Thể Chúa đang bay lơ lửng trên không sau khi một linh mục đọc lời truyền phép. Vị vua đạo đức này đã trả lời, là nếu ai chưa tin thì đi mà xem còn mình thì vẫn tin là Chúa Giêsu ở trong Phép Thánh Thể. Nếu vua Thánh Lui sống ở vào thời đại của chúng ta, có lẽ ngài cũng nói với chúng ta rằng nếu ai còn hồ nghi lòng yêu thương và sự quan tâm của Đức Mẹ thì hãy đi mà nhìn xem những hiện tượng ấy, còn phần mình, ngài vẫn luôn tin rằng Đức Trinh Nữ Maria luôn luôn yêu thương và lo lắng cho mỗi người chúng ta.
Thật vậy chính Đức Tin mới làm cho chúng ta tin nhận tấm bánh sau khi truyền phép là Thánh Thể Chúa, chứ việc con mắt xác thịt nhìn xem vẫn không thay thế được niềm tin. Trên khắp thế giới, cứ mỗi 4 giây là có một thánh lễ được dâng lên, nhưng đã có bao nhiêu lần trong các thánh lễ ấy Thánh Thể Chúa bay lơ lửng trên không. Cũng thế, chính do lòng yêu mến, tin tưởng, và phó thác cho Mẹ mới đem lại cho chúng ta sức mạnh cải thiện, gia tăng đức ái, và hăng say sống chứng nhân cho Thiên Chúa theo lời Mẹ khuyên chứ không phải việc chen lấn để được nhìn xem những giọt nước mắt lăn trên gò má của các thánh tượng Mẹ.
Xưa trên đồi Gongotha, Mẹ đã âm thầm, can đảm đứng dưới chân thập giá Chúa. Mẹ đã khóc thương Chúa vì bị nhân loại chối từ và đóng đinh. Ngày nay, giữa những vong ân, bội nghĩa của con cái loài người đối với Thiên Chúa. Và vì con người ngày càng xa lìa tiếng mời gọi yêu thương của Chúa và Mẹ. Tiếng mời gọi sống bác ái, yêu thương, và vâng giữ các huấn lệnh Chúa, nên không lạ gì mà Mẹ phải khóc. Không riêng gì những người không tin Chúa, người Công Giáo lúc này cũng đang phá thai, cũng đi theo lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính, và cũng hăm hở chạy theo những đam mê, dục vọng.
Một số các linh mục, số giám mục, và nam nữ tu sỹ đã bỏ quên không thực hiện những lời khấn hứa: vâng phục, khiết tịnh, và khó nghèo. Nhiều vị còn để mình bị cuốn hút bởi sức mạnh quyền lực, danh vọng, và vì thế, đời sống tận hiến đã mất giá trị, và gương chứng nhân đã bị vỡ nát, khiến cho người khác không thể nhìn thấy Chúa Giêsu qua họ.
Mẹ đã về trời cả hồn lẫn xác, đang vinh hiển bên Con Chí Thánh, nhưng nay phải xuống trần để khóc quả là những biến cố cần chúng ta phải suy nghĩ. Không phải bằng những cảm tình nhất thời, nhưng bằng với ánh mắt Đức Tin để nhìn ra đâu là những sứ điệp mà Mẹ muốn giử cho mỗi người. Người con ngoan thì không làm mẹ mình phải khóc.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt
trích - conggiaovietnam.net
|