Tác Phẩm: Những Mảnh Xương Khô Trong Sa Mạc, Bài 4
NHỮNG ĐIỀU TỐT NHẤT TIỀN CÓ THỂ MUA ĐƯỢC.
Bác sĩ Lert Srichandra
Bác sĩ Lert, kỳ II
"... và có những hạt rơi vào bụi gai..."
" ...và những hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe Lời Chúa, nhưng trong lòng có nhiều lo lắng, ham mê giàu sang khoái lạc, nên Lời Chúa bị nghẹt không sinh hoa kết trái được." (Lc 8,14)
Trong suốt một năm sau đó, tôi di chuyển từ nơi này sang nơi kia, từ bà cô này tới ông chú khác. Dường như tôi có nhiều bà cô, ông chú đến nỗi tôi không nhớ nổi tôi đã ở với những ai. Nhưng tất cả đều có lòng tốt cưu mang tôi, dù trong nhiều trường hợp chỉ là một thời gian ngắn vì họ cũng nghèo và vì có thêm một miệng ăn nữa trong gia đình là có thêm một gánh nặng nữa cho họ. Dĩ nhiên tôi cũng có một vài người bà con khá giả, nhưng mẹ tôi cương quyết sống đúng câu châm ngôn: "Lòng bác ái là tự cho đi chứ không phải xin xỏ.". Không ai tự cho chúng tôi hết và dĩ nhiên, chúng tôi cũng đã không xin xỏ ai cả.
Một đứa trẻ du thủ du thực như tôi không cảm thấy bị ràng buộc gì, hay có mà tôi không còn nhớ. Dù khi tôi ở nhà bà cô này hay khi ở nhà ông chú khác, dù tôi theo học trường học này hay theo học trường học kia hay không học hành gì cả, tôi vẫn cảm thấy đời sống thật vui vẻ. Rồi tôi vẫn học xong chương trình học năm đó dù phải học ở bốn trường học khác nhau trong thời gian mười hai tháng.
Cuối cùng có một bà cô nhận nuôi tôi. Tôi phải làm mọi việc trong nhà như lau và đánh bóng sàn nhà mỗi buổi sáng, và mỗi buổi tối, phải nấu cơm, đi chợ, chạy việc vặt. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã được gửi tới học tại một trường học khá danh tiếng. Để đánh đổi lại, tôi phải đồng ý là sẽ hoàn trả những phí tổn này khi tôi trưởng thành và đi làm. Mẹ tôi bắt tôi phải lập lại điều này từng chữ một trước mặt mọi người.
Từ nay, mẹ có thể đến thăm tôi vào những buổi tối bất cứ khi nào mẹ rảnh rỗi, và đôi khi, mẹ có thể ở lại với tôi qua đêm nữa. Mẹ không còn phải bận tâm về việc trả học phí cho tôi. Mẹ để dành số tiền này và sau một năm mẹ đã mua được một bàn máy may cũ hiệu Singer. Với bàn máy may này, khi nào không phải đi làm, mẹ đã may những quần áo mặc hàng ngày và đi rao bán từ nhà này sang nhà khác.
Bốn năm trời qua đi thật nhanh...
Một ngày nọ, mẹ tôi và cả bà cô nữa, báo cho cả nhà một tin vui: Báo chí đang rầm rộ loan tin về một ngày lễ vô cùng trọng đại: Đệ Thập Ngũ Chu Niên ngày đăng quang của nhà Vua. Vào ngày lễ này, nhà Vua sẽ ân xá cho một số tù nhân. Không biết những tù nhân chính trị có được hưởng ân xá này không? Đối với tôi điều này không quan trọng vì từ lâu tôi đã quen sống như một đứa con không có cha. Tôi chưa biết có cha thì đời sống sẽ ra sao. Buổi tối hôm đó tôi không hề bận tâm về việc này trước khi lên giường đi ngủ.
Vài ngày sau đó, mọi người dường như điên lên vì vui mừng. Báo chí loan tin rằng những người tù chính trị sẽ được trả tự do. Mọi người khóc ầm lên vì vui sướng. Tôi cũng cảm thấy vui lây cái niềm vui ấy mà chẳng hiểu mình vui mừng vì lẽ gì.
Vào ngày những tù nhân được phóng thích, mẹ tôi rời nhà từ tảng sáng, đến chờ tại cổng nhà tù vì tin tức loan rằng các tù nhân sẽ được trả tự do lúc 10 giờ sáng. Buổi ăn trưa được mọi người sửa soạn linh đình. Tôi nghỉ học ngày hôm đó, ở nhà chờ cha tôi về. Thời gian trôi qua thật chậm: mười giờ, rồi mười một giờ mà chẳng thấy ai về cả. Bà cô tôi lo lắng ra mặt. Ông chú tôi chạy tới chạy lui. Đến mười hai giờ mẹ tôi vẫn biệt tăm. Mãi đến mười hai giờ rưỡi, mẹ tôi về, nhưng chỉ thấy về một mình. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập, mẹ không kịp trả lời: Chuyện gì đã xảy ra? Sao ông ấy chưa về? Ho chưa phóng thích ông ấy à? Đến bao giờ mới được trả tự do?... Mẹ tôi trông thật mệt mỏi.
Mẹ trả lời rằng trước cổng nhà tù đông người quá, ai cũng muốn biết những điều chúng tôi vừa hỏi. Tin tức duy nhất nhận được đó là những tù nhân sẽ được phóng thích từng nhóm một tại những địa điểm khác nhau trong thành phố vào buổi sáng hôm ấy, kể cả những tù nhân chính trị, nhưng không ai biết được rằng người thân của họ sẽ được phóng thích ở đâu, lúc mấy giờ.
Mẹ tôi đi tắm, thay quần áo và mọi người bắt đầu ăn cơm. Bữa cơm không còn ngon lành gì nữa, chẳng ai buồn nói với ai. Chừng hai giờ chiều, mẹ tôi lại đi nữa, còn tôi vào phòng đọc nốt cuốn sách đang đọc dở dang.
Chưa đọc xong một trang sách, bỗng có một người đàn ông bước vào phòng tôi. Ngẩng đầu lên, tôi thấy ông đứng đó đang nhìn tôi với một nét mặt nghiêm trang. Như một phản ứng tự nhiên, tôi thốt lên: "Ba!". Ba tôi tiến lại gần, quàng tay qua cổ tôi âu yếm: "Con!". Hai cha con chúng tôi bá vai nhau tiến vào phòng trong nơi mọi người đang ngồi lặng lẽ rầu rĩ chẳng ai buồn nói chuyện. Chúng tôi tiến vào, mọi người ngẩng đầu lên nhìn sửng sốt. Một vài giây im lặng rồi mọi người gần như đều lên tiếng cùng một lúc, tiếng cười tiếng nói lẫn với tiếng khóc mừng vui hỗn độn.
Khi mọi người đã bình tĩnh trở lại, cha tôi mới chậm rãi giải thích: "Vào lúc mười giờ sáng, cha tôi và một số những người tù nhân khác được đưa ra khỏi tù đến một trại lính, ở đó, người ta đọc cho họ nghe về quyết định ân xá của nhà Vua. Sau đó mọi người lại được đưa trở lại nhà tù để trình diện với các Giám thị. Ở đây, họ được nghe quyết định phóng thích. Họ ký các loại giấy tờ cần thiết. Khoảng một giờ trưa, tất cả được hướng dẫn ra khỏi cổng nhà tù. Cha tôi không thấy ai đón mình cả bèn hỏi thăm địa chỉ của chúng tôi và tìm đến nhà.
Cô tôi dành cho gia đình tôi một phòng riêng, và lần đầu tiên trong cuộc đời, cha tôi, mẹ tôi và tôi có được những giây phút và một khoảng trời riêng rẽ. Tôi ngủ ngon như chết sau những xúc động tràn đầy hạnh phúc. Từ nay, trong đời sống, tôi có một người cha, với những chăm sóc tôi chưa bao giờ được hưởng. Có những buổi chiều, chúng tôi thả bộ trên các con đường chung quanh. Cả ba chúng tôi sau những năm dài chia cách, giờ đây lại được xum họp trong hạnh phúc gia đình êm ấm.
Khoảng hai tháng sau đó, mẹ tôi cho biết chúng tôi sẽ dọn đến một chỗ ở mới, một căn nhà riêng của gia đình. Cha tôi sẽ mở phòng khám bệnh và làm việc lại. Một người chú họ đã cho cha tôi mượn tiền để làm công việc này. Thế là chúng tôi dọn đến nhà mới. Nhà có hai tầng, tầng dưới là phòng khám bệnh và tầng trên là nhà ở. Đời sống từ đây mang lại cho tôi nhiều thích thú. Cha tôi còn mở thêm một tiệm bán thuốc tây bên cạnh phòng khám bệnh và cho tôi coi sóc tiệm này. Việc làm của tôi là giữ gìn cửa tiệm cho sạch sẽ, bán các loại thuốc tây theo sự chỉ dẫn của cha tôi. Cha tôi muốn tôi nghỉ học trong hai năm để giúp cha tôi trong công việc, với điều kiện sau hai năm đó, bất cứ trường học nào tôi muốn, cha tôi sẽ gửi tôi đi. Tôi chấp nhận và rất hài lòng vì mỗi lần được cha tôi hay mẹ nhờ làm việc gì, tôi lấy làm hãnh diện. Mẹ tôi còn cho tôi biết rằng, tôi sẽ được trả một số lương bổng tương đương với công việc tôi làm. Thế là tôi trở nên giàu có! Chưa đầy một năm sau, tôi đã để dành đủ tiền để mua một chiếc xe đạp. Từ nay thế là không phải cuốc bộ nữa. Sau đó, tôi còn sắm thêm được một máy chụp hình và thiết kế một phòng rửa hình. Đời sống tôi thế là quá hạnh phúc.
Cha tôi trả món tiền đã mượn trong vòng hai năm. Cha tôi mua một căn nhà khác, một chiếc xe hơi và thêm một chiếc "ca-nô" nữa.
Gia đình tôi như thế là quá đầy đủ. Thời gian hai năm với tôi đã chấm dứt và tôi nghĩ đến việc trở lại trường học.
Tôi ghi tên học tại một trường Trung học Công Giáo, theo ý tôi, nổi tiếng nhất trong vùng. Cha mẹ tôi không ngăn cản gì cả, chỉ hỏi lý do tại sao tôi lại chọn trường học đó. Tôi trả lời vì tại trường này, tôi có thể có được một nền giáo dục hạng nhất mà tiền có thể mua được. Cha tôi bảo hình như ông đã nghe ai nói câu này trước đây rồi thì phải. Mẹ tôi im lặng không nói gì, có lẽ một ý nghĩ nào đó đang chiếm lấy trí óc mẹ.
Tôi trở lại trường học năm mười bảy tuổi. Học phí bây giờ không còn là vấn đề đối với hoàn cảnh gia đình tôi nữa. Tôi cũng không còn phải nhặt vỏ chuối, quét rác nữa, và vấn đề Kitô giáo cũng không còn là một vấn đề bận tâm đối với tôi. Những việc bây giờ phải làm là học hành, tiếp tục làm việc tại nhà, làm quen với các bạn mới và công việc giải trí là chụp và rửa hình.
Trường Trung học Công giáo này đôi khi gợi cho tôi nhớ đến nhà trường Tin Lành khi xưa tôi đã theo học, nhưng sinh hoạt của nó khác hẳn. Ở đây hình như họ cầu nguyện nhiều hơn. Mỗi ngày lúc vào lớp cũng như lúc tan học, họ đều đọc kinh bằng tiếng Anh. Sau một thời gian, tôi nghe họ nhắc nhiều đến tên Maria khi họ đọc kinh cầu nguyện. Ngay cả trong lớp học, khi các thầy giáo nói về nguồn gốc các tôn giáo, nhưng tất cả những điều này không làm tôi chú ý lắm.
Trong ba năm học sau đó, cái tên Maria gợi lên trong tôi một sự tò mò. Tại sao họ lại gọi là "Thánh Maria", "Trinh Nữ Maria"?. Tôi biết Maria là mẹ Chúa Giêsu, nhưng bà đã làm gì để được gọi là Thánh? Và mãi đến năm lên hai mươi tuổi, tôi mới hiểu nghĩa của hai chữ "trinh nữ". Nhưng làm sao bà là trinh nữ được nếu bà đã là một bà mẹ? Tôi không hiểu được.
Một ngày nọ, khi các học sinh đang ở trong Hội trường đợi nghe kết quả kỳ thi Tam Cá Nguyệt. Một trong những học sinh trước kia ngồi ngay bên cạnh tôi trong lớp được thưởng hạng nhất về môn Giáo lý. Cho đến lúc đó, tôi mới biết trường có lớp Giáo lý và nhiều học sinh đã và đang theo học lớp Giáo lý này. Danh từ Giáo lý là một danh từ xa lạ đối với tôi, nhưng tôi chắc rằng nó cũng là một lớp học giống như lớp học Kinh Thánh bên trường Tin Lành.
Buổi trưa hôm đó, sau khi ăn cơm, tôi không cảm thấy thích chơi đùa như mọi khi. Tôi đang đứng trên cầu thang gỗ dẫn vào lớp học ngó xuống sân chơi xem các học sinh khác bắn bi hoặc đá banh. Tôi chợt nhìn thấy anh bạn Somboon, người đã được phần thưởng Giáo Lý buổi sáng tiến lại nơi tôi đang đứng, trên tay anh cầm một gói đậu phọng rang, miệng nhai lép nhép. Anh tiến lại đứng bên cạnh tôi chìa gói đậu phọng đang ăn về phía tôi hỏi: "Đâu phọng rang nhưng không được dòn lắm! Ăn không?"
Tôi bốc vài hột bỏ vào miệng:
- Somboon à! Sáng nay anh nhận được phần thưởng gì thế?
Vẫn tiếp tục nhai đậu phọng, Somboon nói: "Một cuốn sách".
Tôi hỏi: " Sách gì thế, Somboon?"
Somboon trả lời: "Sách nói về một vị Thánh.". Nói xong, Somboon nhìn quanh và nói tiếp: "Đánh bi với tôi không?"
Tôi trả lời: "Hôm nay tôi không muốn chơi!"
Somboon hỏi: "Sao vậy?". Tôi trả lời là tôi bận việc.
- Bận mà đứng đây chơi à! Thôi xuống chơi đi, nếu không có bi tớ cho mượn, đi!
- Thật, tôi không thích chơi, tôi đang bận, bận suy nghĩ!
- À, thì ra ông giảng sư đang bận suy nghĩ! Xin ông có thể cho chúng tôi biết ông đang suy nghĩ về vấn đề gì không ạ!
Thật là khó khăn để bắt đầu cho loại câu hỏi này, nhưng tôi cố gắng:
- Somboon! Trong lớp Giáo lý người ta dạy những gì thế?
- À, thì ra đó là điều đang làm bạn suy nghĩ! Trong lớp Giáo lý, chúng tôi học về Phúc Âm, về Chúa Giêsu và về giáo huấn của Ngài. Chúng tôi cũng học về Phụng Vụ, các Bí tích và nhiều điều khác nữa. Rồi, bây giờ đánh bi với tôi chưa? Somboon gạ tôi đánh bi với anh để lấy lại số bi anh đã thua tôi lần trước.
Tôi hỏi: "Phụng vụ là gì vậy?"
- Là môn học về Thánh lễ và các nghi thức thờ phượng khác.
Càng nghe tôi càng cảm thấy rắc rối hơn. Đó không phải là điều tôi muốn tìm hiểu. Càng hỏi thêm, tôi càng tò mò hơn:
- Thánh lễ là gì?
- Thánh lễ là ... mà thôi Lert à, trong lớp tôi đã phải học, đã phải trả lời không biết bao nhiêu lần về các vấn đề này, chán quá rồi, xin anh đừng hỏi thêm nữa... Somboon quay đi. Tôi thất vọng, nếu để Somboon đi, sẽ chẳng bao giờ tôi có dịp hỏi nữa nên tôi vội nắm lấy tay anh:
- Somboon, tại sao lại gọi là Thánh Maria?
- Gọi Maria là Thánh, vì Maria là Mẹ Thiên Chúa.
- Nhưng các tôn giáo khác họ đâu có gọi Maria là Thánh!
- Tôn giáo nào? Anh định nói tới nhóm Thệ Phản phải không?
Tôi gật đầu.
- Tôi không là thệ phản, tôi là người Công giáo!
- À, thì ra vậy!
Nói thế, nhưng tôi không hiểu gì cả, lại hỏi thêm:
- Còn trinh nữ Maria thì sao?
- Sao là làm sao?
- Bà có phải là trinh nữ không?
- Dĩ nhiên, bà là Trinh Nữ và cũng là Thánh nữa!
- Nhưng làm sao bà có thể là trinh nữ được vì bà có chồng và có con?
- Bà là Trinh Nữ vì Kinh Thánh nói như thế, không tin, tôi có thể đưa Kinh Thánh cho bạn coi, bà chỉ sống chung với Giuse thôi!
- Chuyện đó có thể giải thích thế này: bà không bao giờ "chung chạ" với Giuse, vậy bà phải phản bội Giuse, chung chạ với người khác vì bà đã có một đứa con...
Tôi không ngờ câu nói ấy đã làm cho Somboon nổi giận, mặt anh ta tái nhợt đi, hai bàn tay nắm thành hai quả đấm, gói đậu phọng rang bị ném xuống đất văng tung tóe, như là anh ta sắp sửa tấn công tôi, tôi không hiểu tại sao. Nếu phải đánh nhau với anh ta, tôi đâu có ngán, tôi có thể đo ván anh ta dễ dàng mặc dù anh có vẻ to con hơn tôi. Nhưng hình như anh không có ý định đó. Tôi thấy từ đôi mắt anh hai hàng nước mắt ứa ra và lăn xuống má, anh lúc lắc cái đầu như để xua đuổi đi một ý nghĩ nào đó, rồi anh quay lưng bỏ đi không thèm lau hai hàng nước mắt nữa.
Còn lại một mình tôi, tôi không có cảm xúc gì sau đó. Tôi tự hỏi, làm gì mà phải khóc? Tôi nghĩ anh ta là một người khó nói chuyện với người khác, tôi hơi thất vọng.
Sáng hôm sau, sau giờ đọc kinh buổi sáng trong lớp, tôi quay sang Somboon hỏi: "Sao hôm qua anh lại khóc Somboon?". Anh không trả lời, tôi lại nói thêm: "Tôi không biết gì về Đức Mẹ Maria cả nên tôi mới hỏi anh!".
Somboon đáp: "Anh đã xỉ nhục Đức Mẹ Maria!"
Tôi phân bua với anh: "Không, chỉ vì không biết nên tôi mới hỏi, thế thôi!"
Anh nhất định: "Anh đã xỉ nhục Đức Mẹ!"
Tôi cố cãi: "Không! Tôi đã không làm điều đó! Tôi ..." Chưa nói dứt lời, tiếng thầy giáo đã quát lên: "Lert và Somboon! Lên đây!"
Cả lớp im lặng như tờ, hai đứa chúng tôi chậm rãi đứng lên tiến về phía thầy.
|